TỪ MỘT THỊ TRƯỜNG ĐẦY TIỀM NĂNG...
Cho vay tiêu dùng đang trên đà khởi sắc mạnh mẽ ở Việt Nam từ vài năm gần đây với một loạt yếu tố hỗ trợ tích cực.
Mặt bằng lãi suất đã ở mức “dễ thở” hơn nhiều so với cách đây 5 năm do lạm phát đã được kiềm chế khá thành công, trong khi thu nhập vẫn tiếp tục được cải thiện song hành cùng tăng trưởng GDP.
Phát triển tín dụng tiêu dùng còn được cổ vũ như một công cụ để chống lại nạn "tín dụng đen".Chuyên gia Phan Minh Ngọc
Đây là những tiền đề để người tiêu dùng trở nên cởi mở và sẵn sàng hơn trong việc đi vay để mua sắm tiêu dùng nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của mình và gia đình.
Thu nhập cải thiện và chất lượng cuộc sống tốt hơn cũng làm cho người tiêu dùng hiện nay ngày càng quan tâm hơn đến vay trả góp để mua sắm hay sửa chữa nhà cửa.
Mặt khác, sự phổ cập thẻ tín dụng đã diễn ra với tốc độ nhanh chóng nhờ sự gia tăng mạnh của ngành bán lẻ qua sự phổ cập ngày càng sâu rộng của mạng Internet và nhờ ngày càng có nhiều điểm bán lẻ chấp nhận thanh toán thẻ tín dụng.
Ở tầm vĩ mô hơn, phát triển tín dụng tiêu dùng thậm chí còn được cổ vũ như một công cụ để chống lại nạn "tín dụng đen". Những động thái này đã cộng hưởng mạnh với nhu cầu mua sắm tiêu dùng cao hơn của người tiêu dùng để tạo ra một thị trường cho vay tiêu dùng đầy tiềm năng tăng trưởng ở Việt Nam.
... ĐẾN CHUYỆN LÀM PHIỀN KHÁCH, ĐÒI NỢ KIỂU QUẤY RỐI
Tuy vậy, sự phát triển mạnh của cho vay tiêu dùng cũng đã và đang tạo ra nhiều hệ lụy.
Về phía các công ty tài chính và ngân hàng thương mại cung cấp tín dụng tiêu dùng, kiểm soát nợ xấu là một thách thức lớn, do bản chất cho vay tiêu dùng phần nhiều dựa vào tín chấp chứ không phải là thế chấp bằng tài sản. Trong khi đó, các con nợ có vô vàn lý do để bị/chủ động “mất khả năng thanh toán”.
Về phía người vay, họ cũng gặp nhiều phiền toái, đối mặt với nhiều vấn đề.
Nếu người vay đang có khoản vay quá hạn do bất kể lý do nào đó, họ sẽ liên tục bị quấy rầy, làm phiền bởi các chủ nợ hoặc công ty đòi nợ thuê.
Nếu là người vay tiềm năng, họ sẽ bị quấy rầy bởi, ví dụ, các loại quảng cáo, tin nhắn, cuộc gọi điện thoại vào bất cứ thời điểm nào, ở bất cứ địa điểm nào...
Bởi vậy, thị trường cho vay tiêu dùng cần được quản lý để phát triển lành mạnh. Nhiệm vụ này chủ yếu nằm ở các cơ quan hữu trách của Nhà nước, điển hình là Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính.
QUẢN LÝ THẾ NÀO?
Cho vay có chọn lọc, tránh kiểu "ai cũng vay được":
Giải pháp quản lý cần thực hiện trước tiên là từng bước siết chặt các quy chế và luật lệ về cho vay tiêu dùng không có tài sản bảo đảm, thế chấp.
Thực tế cho thấy không phải món nợ xấu nào cũng là do người vay cố tình chây ì, không trả nợ. Nhiều khi việc không trả được nợ là do gánh nặng trả lãi và gốc của các khoản vay tiêu dùng ngày càng tăng lên vượt quá khả năng chi trả của người vay.
Các con nợ có vô vàn lý do để bị/ chủ động "mất khả năng thanh toán".
Để hạn chế rủi ro mất khả năng chi trả này, các cơ quan chức năng cần đặt ra các quy định cho ngân hàng và tổ chức tài chính thực hiện.
Chẳng hạn phải rà soát, xem xét tổng số nợ của các cá nhân và hộ gia đình cũng như hạn mức tín dụng cho họ trước khi phát hành thẻ tín dụng hoặc cấp hạn mức tín dụng không có tài sản thế chấp, đảm bảo.
Để làm được việc này, cần thiết phải xây dựng, củng cố và phát triển cơ sở dữ liệu cá nhân thống nhất và tập trung cho toàn bộ dân số trong độ tuổi trưởng thành. Chỉ khi thực hiện tốt được việc này thì các ngân hàng và tổ chức tài chính mới có thể nắm chính xác lịch sử tín dụng như thế nào và các khoản vay nợ hiện tại của mỗi cá nhân ở Việt Nam là bao nhiêu, cho những mục đích gì.
Giám sát hạn mức đảm bảo an toàn:
Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng cần xây dựng, ban hành và giám sát việc thực thi những hạn mức bảo đảm an toàn.
Ví dụ như hạn mức tỷ lệ tổng chi trả nợ và lãi vay so với tổng thu nhập cá nhân và hộ gia đình, nhằm hạn chế người tiêu dùng trong việc vay tiêu dùng quá mức (từ các ngân hàng và tổ chức tài chính khác nhau), vượt quá khả năng chi trả định kỳ lãi và gốc các khoản vay của họ.
Đây là những “chiếc van” an toàn hữu hiệu cần thực thi nghiêm túc, bởi, trong nhiều trường hợp, chỉ riêng nghĩa vụ trả lãi và nợ gốc vay (mua nhà, ôtô) đã vượt quá nửa thu nhập của cả hộ gia đình người vay ở Việt Nam, dẫn đến khả năng vỡ nợ cao nếu có bất cứ rủi ro nào trong thu nhập và việc làm của các thành viên gia đình.
Hạn mức bảo đảm an toàn là chiếc van hữu hiệu cần thực thi nghiêm túc để tránh khả năng vỡ nợ khi có rủi ro thu nhập, việc làm.
Có quy định chặt chẽ và yêu cầu thực hiện nếu bên cho vay muốn thu phí, lãi suất cao “bất thường”:
Ngược lại, các cơ quan chức năng phải ban hành và thực thi các quy định bắt buộc ngân hàng thương mại, các tổ chức tài chính phải công bố và thực thi đầy đủ các điều khoản và điều kiện để được áp dụng phí và lãi suất cao “bất thường” với một số khoản cho vay. Việc ban hành và áp dụng các hạn mức về lãi phạt trả trước hạn và lãi suất theo kiểu cho vay nặng lãi “xã hội đen” cũng cần được thực hiện.
Có khuôn khổ luật pháp chế tài với việc đòi nợ của chủ nợ, công ty đòi nợ thuê: Các cơ quan chức năng cần xây dựng và hoàn thiện khuôn khổ luật pháp chế tài việc đòi nợ của các chủ nợ và công ty đòi nợ thuê.
Tuy hiện nay đã có một số quy định pháp lý liên quan đến vấn đề này (Nghị định 104/2007/NĐ-CP về kinh doanh dịch vụ đòi nợ với một số quy định về các hành vi bị nghiêm cấm trong dịch vụ đòi nợ) nhưng các quy định này còn khá chung chung và việc xử lý các vụ việc vi phạm vẫn chưa thực sự hữu hiệu, có tính chất răn đe và phòng ngừa mạnh mẽ.
Do đó, việc cần thực hiện ngay là xây dựng và ban hành quy định pháp luật về các biện pháp đòi nợ thỏa đáng tương tự như đạo luật FDCPA (Fair Debt Collection Practices Act) ở Mỹ, để bảo vệ người tiêu dùng không bị chủ nợ và công ty đòi nợ thuê áp dụng các biện pháp đòi nợ mang tính xúc phạm, không thỏa đáng.
Song song đó, cần tuyên truyền rộng rãi quyền và những việc có thể làm được của người vay nếu bị vướng vào những hoàn cảnh này, ví dụ, lưu lại mọi bằng chứng đe dọa, nhục mạ của chủ nợ/công ty đòi nợ thuê và tố cáo với cơ quan chức năng theo dõi việc thực hiện quy định liên quan về đòi nợ.
Có giải pháp để người tiêu dùng không bị làm phiền: Trước thực tại ở Việt Nam là người tiêu dùng hàng ngày hàng giờ bị tra tấn không ngừng nghỉ bởi các tin nhắn rác và cuộc gọi quảng cáo đủ thứ từ bất động sản đến thẻ tín dụng và mua ôtô... cần có những quy định bảo vệ người tiêu dùng.
Chẳng hạn củng cố việc bảo vệ dữ liệu cá nhân, thiết lập và duy trì việc đăng ký các các số điện thoại không được làm phiền (Do Not Call Registry) như có ở một số nước để nghiêm cấm các cá nhân và doanh nghiệp gọi điện, gửi tin nhắn và thư quảng cáo đến những số điện thoại đã đăng ký trong danh sách không được làm phiền này.
No comments:
Post a Comment