http://www.thesaigontimes.vn/272953/nhung-diem-moi-trong-nghi-dinh-ve-dau-tu-theo-hinh-thuc-ppp.html
Chính phủ mới ban hành Nghị định 63/2018/NĐ-CP có hiệu lực
thi hành từ ngày 19/6/2018 để thay thế Nghị định 15/2015/NĐ-CP về đầu tư theo
hình thức đối tác công tư trong các dự án hợp tác công – tư (PPP).
Những điểm khác biệt chủ yếu của Nghị định 63 so với Nghị
định 15 được nêu ra như dưới đây.
Thứ nhất, về nguồn vốn hỗ trợ chuẩn bị đầu tư. Theo Nghị
định 15, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) có trách nhiệm huy động một số nguồn vốn
hợp pháp rồi cấp phát cho các bộ, ngành, UBND cấp tỉnh. Nhưng theo Nghị định
63, các bộ, ngành, UBND cấp tỉnh phải chủ động việc huy động vốn cho mục đích
này. Như vậy, nghị định mới đã chuyển trách nhiệm của Bộ KHĐT trong việc huy động
vốn phục vụ cho công tác chuẩn bị đầu tư sang cho các bộ, ngành, UBND, và điều
này cũng góp phần tránh được những rủi ro liên quan do làm tăng tính tự chủ và
tự chịu trách nhiệm của các cơ quan này trong cùng vấn đề.
Thứ hai, về vốn chủ sở hữu và vốn huy động của nhà đầu
tư, Nghị định 63 đã nâng tỷ lệ vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư lên tối thiểu 20%
so với mức 15% trong Nghị định 15 đối với dự án có tổng đầu tư đến 1.500 tỷ đồng.
Với dự án có tổng đầu tư trên 1.500 tỷ thì mức vốn chủ sở hữu theo quy định mới
cũng được sửa theo hướng nâng cao hơn. Cụ thể, vốn chủ sở hữu tối thiểu là 20%
với phần vốn đến 1.500 tỷ (cao hơn so với mức 15% trong Nghị định 15), và tối
thiểu là 10% với phần vốn trên 1.500 tỷ (bằng với mức trong Nghị định 15). Như
vậy, có thể thấy quy định mới hướng đến việc lựa chọn nhà đầu tư có năng lực
tài chính vững vàng hơn so với trước, tránh được tình trạng nhà đầu tư dựa phần
lớn vào vốn vay ngân hàng để thực hiện dự án, dễ dẫn đến những hệ lụy như mất
khả năng thanh toán, “treo” hoặc làm đội vốn dự án, tăng thời gian khai thác dự
án...
Thứ ba, về hình thức nhà nước tham gia trong dự án PPP, ngoài
vốn góp và vốn thanh toán cho nhà đầu tư, điểm mới trong Nghị định 63 là nhà nước
có thể tham gia dự án PPP bằng cách góp quỹ đất, trụ sở làm việc, tài sản kết cấu
hạ tầng thanh toán cho nhà đầu tư hoặc quyền kinh doanh, khai thác công trình,
dịch vụ được nhượng cho nhà đầu tư trong dự án áp dụng loại hợp đồng BT (Xây dựng
- Chuyển giao). Cũng theo Nghị định 63, nếu vốn góp của nhà nước có nguồn từ
nguồn vốn đầu tư công thì vốn này không được áp dụng với dự án BT. Ngoài ra,
Nghị định 63 còn quy định, đối với dự án do nhà đầu tư đề xuất, nhà nước chỉ bố
trí vốn góp hoặc vốn thanh toán cho nhà đầu tư khi dự án không áp dụng hình thức
chỉ định thầu đối với nhà đầu tư.
Những quy định mới nói trên vừa mở rộng các hình thức
tham gia của nhà nước vào dự án PPP (có thêm hình thức tham gia bằng đất đai, hạ
tầng, quyền kinh doanh...), vừa sẽ góp phần làm giảm gánh nặng chi ngân sách
cho đầu tư công (không chi cho dự án BT), đồng thời làm giảm rủi ro thất thoát
vốn (không góp vốn hoặc thanh toán cho các dự án có chỉ định thầu).
Thứ tư, về lập kế hoạch vốn đầu tư công làm phần nhà nước
tham gia trong dự án PPP, Nghị định 63 đã không còn yêu cầu Bộ KHĐT và Bộ Tài
chính tổng hợp kế hoạch sử dụng vốn trong kế hoạch đầu tư công quốc gia như
trong Nghị định 15 nữa. Một mặt, điều này cho thấy sự phân cấp hoàn toàn cho
các bộ, ngành, địa phương trong việc lập kế hoạch vốn này. Mặt khác, điều này
cũng cho thấy khó khăn khi muốn biết nhà nước sẽ phải bỏ ra bao nhiêu vốn đầu
tư vào trong các dự án PPP trong khắp các ngành, địa phương, vì con số này sẽ
không còn được tổng hợp và báo cáo một cách tập trung, thống nhất như trước nữa.
Thứ năm, Nghị định 63 có thêm một mục về chuyển đổi từ dự
án đang được đầu tư bằng nguồn vốn đầu tư công sang dự án PPP, trừ các loại
hình gồm Hợp đồng Kinh doanh - Quản lý (O&M), và dự án đối ứng của dự án
BT. Với quy định này, sẽ có thể có nhiều
dự án đầu tư công được chuyển đổi và nhận được sự quan tâm của nhà đầu tư khi rủi
ro liên quan đến dự án PPP được giảm thiểu do cơ chế pháp lý rõ ràng và đầy đủ
hơn liên quan đến dự án PPP đã được công bố. Nhà nước do vậy cũng bớt đi được
gánh nặng do vốn đầu tư công bị dàn trải ở nhiều dự án đầu tư công khác nhau
trên cả nước, có thể tập trung vào một số dự án trọng điểm, ưu tiên mà không cần
hoặc không có sự tham gia của nhà đầu tư tư nhân.
Thứ sáu, Nghị định 63 dành hẳn một chương mới cho riêng
hình thức hợp đồng BT. Những điều khoản quan trọng trong chương này gồm các quy
định về phương thức thanh toán cho nhà đầu tư hợp đồng BT (gồm sử dụng giá trị
quyền sử dụng đất, trụ sở làm việc..., và nhượng quyền kinh doanh...); nguyên tắc
thực hiện hợp đồng BT theo phương thức sử dụng giá trị quyền sử dụng đất như
xây dựng và điều chỉnh quy hoạch, điều chỉnh giá trị sử dụng đất, tiền thuê đất;
và nguyên tắc thực hiện hợp đồng BT theo phương thức nhượng quyền kinh doanh,
khai thác công trình, dịch vụ cho nhà đầu tư, gồm các nguyên tắc xác định phạm
vi và thời hạn nhượng quyền kinh doanh...
Tuy nhiên, bên cạnh sự rạch ròi, chi tiết của những quy định
liên quan đến dự án BT như trên, có một điểm bất cập. Đó là trong nguyên tắc thực
hiện hợp đồng BT theo phương thức nhượng quyền kinh doanh khai thác công trình,
dịch vụ cho nhà đầu tư, Nghị định 63 quy định rằng “phạm vi, thời hạn nhượng
quyền kinh doanh, khai thác công trình, dịch vụ cho nhà đầu tư được xác định
trên cơ sở cân bằng lợi ích giữa Nhà nước và nhà đầu tư”. Quy định như vậy tức
là Nghị định 63 đã gạt ra bên lề quyền lợi của người dân – tối thiểu là quyền
được lựa chọn có sử dụng hay không dịch vụ cung cấp bởi dự án BT, vốn là nguồn
gốc gây xung đột giữa người dân và chủ đầu tư của nhiều dự án giao thông thu
phí hiện nay.
Và cuối cùng, để khắc phục lỗ hổng tạo tham nhũng, thất
thoát trong dự án PPP do thiếu thông tin minh bạch, Nghị định 63 đã bổ sung điều
khoản về công khai thông tin hợp đồng dự án, gồm thời hạn và nội dung thông tin
được công khai. Tuy nhiên, đây là một bước tiến nửa vời vì Nghị định 63 không bắt
buộc phải công bố rộng rãi những nội dung thông tin này, thay vào đó là “khuyến
khích” việc đăng tải trên trang thông tin điện tử của cơ quan nhà nước có thẩm
quyền hoặc trên các phương tiện thông tin đại chúng khác.
Tóm lại, nghị định mới về dự án PPP có một số điểm mới
quan trọng như tăng cường tính phân cấp, tự chủ, tự chịu trách nhiệm ở các bộ,
ngành, địa phương; loại bớt những nhà đầu tư yếu kém về năng lực tài chính; gia
tăng hình thức tham gia của nhà nước vào các dự án PPP, và ngược lại, gia tăng sự
tham gia của nhà đầu tư vào các dự án đầu tư công chuyển đổi sang dự án PPP,
giúp giảm gánh nặng chi lên ngân sách…
Nhưng nhìn chung, những điểm mới của Nghị định 63 chủ yếu
hướng đến hoặc xoay quanh chủ thể là nhà nước. Về phía nhà đầu tư và người sử dụng,
không có thêm quy định quyền lợi, nghĩa vụ gì khác đáng kể so với nghị định cũ,
ngoài việc một số nội dung được trình bầy đầy đủ, rõ ràng, chặt chẽ và theo một
trình tự hợp lý hơn, tạo cảm giác minh bạch hơn, tuy sự minh bạch về thông tin
dự án lại không bị bắt buộc.
No comments:
Post a Comment