Quốc hội mới đây
đã thông qua nghị quyết về tiếp tục hoàn thiện và đẩy mạnh việc thực hiện chính
sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ
phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Nghị quyết này có một số nội dung đáng
chú ý liên quan đến số phận các DNNN trong thời gian tới.
Thái độ đã thay đổi?
Một nội dung rất
quan trọng được nêu trong nghị quyết là “DNNN đã chuyển dịch theo hướng tập
trung hơn vào những ngành nghề then chốt của nền kinh tế hoặc những lĩnh vực mà
doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác không tham gia, tiếp tục giữ vai
trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của đất nước, góp phần bảo đảm định
hướng xã hội chủ nghĩa”. (1)
Trước đây, quan
điểm chính thống vẫn là khoác cho DNNN vai trò chủ đạo trong nền kinh tế nhiều
thành phần để đảm bảo định hướng kinh tế xã hội chủ nghĩa. Do thực tiễn đã thay
đổi nên về sau quan điểm này đã phải được sửa sang cho hợp thời hơn. Cụ thể,
thay vì DNNN, không biết chính xác từ khi nào và bắt đầu từ đâu, người ta đã lặng
lẽ dùng khái niệm kinh tế nhà nước, bao gồm trong đó DNNN, để rồi Đại hội XII của
Đảng đã chính thức khẳng định “kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo”. (2)
Tuy nhiên, trên
thực tế, dường như không ít người hiểu rõ chuyện thay đổi chữ nghĩa trên chỉ là
chuyện “hồn Trương Ba, da hàng thịt”. Chẳng hạn, trong một bài viết sắc sảo
trên báo Nhân Dân ngày 5/6/2017 bàn về sự thuyết phục của kinh tế thị trường định
hướng xã hội chủ nghĩa, tác giả Trương Minh Tuấn đã thẳng thắn nêu rõ: “Để bảo
đảm định hướng xã hội chủ nghĩa đạt tới mục tiêu, trong nền kinh tế nhiều thành
phần của nước ta, doanh nghiệp nhà nước giữ vai trò chủ đạo.” Đồng thời, tác giả
cũng đã phản bác một cách thuyết phục các ý kiến bài bác hoặc tranh cãi tư biện
về sự chủ đạo này, để một lần nữa làm bật lên ý nghĩa của vai trò chủ đạo của doanh
nghiệp nhà nước. (3)
Nay, với nghị quyết
trên của Quốc hội, DNNN “tiếp tục giữ vai trò quan trọng đối với sự phát triển
cả kinh tế đất nước”, một vai trò có thể nói là khiêm tốn hơn nhiều so với vai
trò chủ đạo trước đây và ngầm định như hiện nay. Và với cụm từ “tiếp tục đóng
vai trò quan trọng”, có thể nói DNNN đã được gián tiếp thừa nhận là chưa bao giờ
đóng vai trò chủ đạo (một cách thành công) trong nền kinh tế nhiều thành phần ở
Việt Nam. Như vậy, rõ ràng đại đa số đại biểu Quốc hội khi bấm nút thông qua
nghị quyết trên đã không còn băn khoăn gì nữa về sứ mạng, vai trò thật sự trong
quá khứ, hiện tại, và tương lai của DNNN ở Việt Nam.
Chưa thể an tâm
Bên cạnh chuyện
thay đổi thái độ đối với vai trò của DNNN để có thể từ đó Việt Nam không nhất
thiết phải dồn (thêm) nguồn lực khan hiếm cho DNNN để mong ngóng chúng đóng
tròn vai “chủ đạo” một ngày nào đó trong tương lai, nghị quyết trên của Quốc hội
còn nêu rõ không dùng ngân sách để xử lý thua lỗ của doanh nghiệp. Nếu được thực
hiện nghiêm túc, đây là những thay đổi, quyết định rất sáng suốt, hợp lòng dân.
Bởi nếu mổ xẻ những dự án, những DNNN làm ăn thua lỗ trong suốt thời gian dài đều
thấy rõ những nguyên nhân chủ quan là chủ yếu như tham ô, tham nhũng, cố ý làm
trái quy định của pháp luật và sự yếu kém của lãnh đạo doanh nghiệp và các cơ
quan chủ quản. Không có một ngân sách nào, không có một nguyên tắc tài chính
nào cho phép và/hoặc đủ khả năng để bù lỗ mãi cho những yếu kém và sai phạm như
vậy. Và cũng không có một phép mầu nào để nói “chắc như bắp” rằng nếu bỏ tiền
ngân sách ra xử lý nợ nần, thua lỗ của DNNN thì chỉ cần một vài năm sau DNNN sẽ
hồi phục và làm ăn có lãi, như đã từng được tuyên bố trước đây.
Tuy nhiên, nghị
quyết là một chuyện, thực tế có thể là một chuyện khác. Từ góc độ của cơ quan
chủ quản, của Chính phủ, nếu không được phép dùng ngân sách để xử lý nợ nần,
thua lỗ của DNNN, Chính phủ chỉ còn hai lựa chọn. Một là để DNNN phá sản, đóng
cửa. Hai là bằng một hình thức trá hình nào đó, Chính phủ vẫn (gián tiếp) sử dụng
ngân sách để tài trợ cho các DNNN thua lỗ. Điều rõ ràng ở đây là lựa chọn thứ
nhất sẽ là rất khó khăn, “nhạy cảm” về chính trị, và là điều không mong muốn (cả
vì lợi ích chính trị chung của quốc gia cũng như lợi ích riêng của cá nhân, của
một nhóm người liên quan).
Trong khi đó, thực
hiện lựa chọn thứ hai vừa có lợi hơn trên nhiều mặt, cho một số người, mà thực
ra lại không khó khăn lắm, vì ít khả năng vấp phải sự phản đối của dư luận do
không dùng đến từ nhạy cảm là “sử dụng ngân sách”!
Để minh họa, hãy
xem kế hoạch xử lý một số dự án thua lỗ của Bộ Công thương được công bố. Tuy
các chủ dự án, các cơ quan chức năng không dám, không còn đề xuất nhà nước tiếp
tục rót ngân sách để tái cấp vốn hay tăng vốn cho những DNNN thua lỗ này nữa,
nhưng thay vào đó lại đưa ra nhiều kiến nghị và đề xuất mà xét cho cùng đều là
lấy từ ngân sách, hoặc làm tổn hại đến ngân sách, hoặc làm tổn hại đến lợi ích
công cộng.
Chẳng hạn, với
Nhà máy PVTex, các đối tác của nhà máy “mong muốn Chính phủ cam kết bảo đảm quyền
lợi của họ trong quá trình hợp tác, áp dụng các hàng rào kỹ thuật đối với nhập
khẩu polyester, bảo đảm nguồn điện ổn định tại khu công nghiệp Đình Vũ...”. (4)
Chính phủ cam kết đảm bảo quyền lợi thì cũng không khác gì một hình thức Chính
phủ sẽ phải bù lỗ cho doanh nghiệp, và tất nhiên là bằng ngân sách. Áp dụng
hàng rào kỹ thuật đối với nhập khẩu polyester chẳng qua là một hình thức bảo hộ,
làm lợi cho doanh nghiệp và làm hại cho nền kinh tế nói chung, đồng thời gây ra
xung đột thương mại với các nước đối tác. Bảo đảm nguồn điện ổn định nghe có vẻ
hợp lý hơn, không dính dáng gì đến ngân sách, nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu Chính
phủ vẫn phải bảo đảm cung cấp điện cho nhà máy kể cả khi nhà máy thua lỗ, không
(muốn) chi trả tiền điện?
Tương tự, về
phương án tài chính, phương án chung vẫn là giảm khấu hao và yêu cầu các tổ chức
tín dụng khoanh nợ, giãn nợ (thông qua Ngân hàng Nhà nước). Có những nhà máy
như PVTex và DAP thì lại đề nghị tiếp tục được vay (dùng) tiền của tập đoàn là
Petro Vietnam hay Vinachem. Do tiền cấp/cho vay từ những tập đoàn, tổ chức tín
dụng này cũng là tiền ngân sách (hoặc ngân sách sẽ phải chịu trách nhiệm khi
các tập đoàn/tổ chức tín dụng này không thu hồi được vốn cho vay/cấp phát), nên
rốt cuộc thì vấn đề sẽ quay trở về điểm xuất phát là không dùng ngân sách xử lý
thì không xong!
Tóm lại, nhận thức
về DNNN tỏ ra là đã tiến thêm được một bước quan trọng như được thể hiện qua việc “giáng cấp” vai trò của
chúng trong nền kinh tế, đi kèm với khẳng định không dùng ngân sách xử lý thua
lỗ của chúng. Nhưng chắn chắn rằng việc đưa chuyển biến nhận thức này thành
hành động, thành kết quả sẽ rất khó khăn, nếu không muốn nói là không thể, ít
nhất là trong vài năm tới.
(1) http://cafef.vn/quoc-hoi-khong-dung-ngan-sach-xu-ly-thua-lo-cua-doanh-nghiep-20180615104506093.chn
(2) http://www.qdnd.vn/thuc-hien-hieu-qua-nghi-quyet-trung-uong-iv-khoa-xii-cua-dang/kinh-te-nha-nuoc-giu-vai-tro-chu-dao-501779
(3) http://www.nhandan.com.vn/chinhtri/binh-luan-phe-phan/item/33073602-suc-thuyet-phuc-cua-kinh-te-thi-truong-dinh-huong-xa-hoi-chu-nghia.html
(4) http://vneconomy.vn/12-du-an-thua-lo-dang-tren-da-hoi-sinh-20180226230401355.htm
No comments:
Post a Comment