Giải ngân vốn đầu tư công chậm trễ đã trở thành bệnh kinh niên, bất chấp nhiều “liệu pháp” điều trị được đưa ra.
Chỉ riêng trong năm 2017, điểm lại có thể thấy hàng loạt cuộc họp hoặc giải trình giữa các cơ quan chức năng của Quốc hội, Thủ tướng, Phó thủ tướng với các bộ, ngành và địa phương về vấn đề chậm chạp trong giải ngân vốn đầu tư công. Trong những cuộc họp này, nhiều lý lẽ của cả hai bên được đưa ra, xem chừng đều hợp lý. Và thường những cuộc họp này được kết thúc bằng những lời lẽ gay gắt, “quyết liệt”, chẳng hạn nếu không làm được, không có biến chuyển thì sẽ bị mất chức, và những lời nhận khuyết điểm, lời hứa. Nhưng rồi tình hình vẫn không có biến chuyển gì trong năm nay.
Có ý kiến cho rằng Luật Đầu tư công là luật mới, ban hành lần đầu tiên (có hiệu lực từ ngày 1-1-2015), liên quan đến quyền lợi, trách nhiệm của nhiều bộ, ngành, địa phương nên không tránh khỏi vướng mắc, có nhiều cách hiểu, cách làm khác nhau. Thêm nữa, việc xây dựng và hoàn chỉnh các nghị định hướng dẫn cũng mất thêm hai năm nữa (tới tháng 12-2016), ảnh hưởng đến việc phổ biến, tập huấn và áp dụng thống nhất các quy định liên quan đến đầu tư công trong cả nước. Ngoài ra, khi thực hiện, quy định của Luật Đầu tư công với các luật khác cũng chưa có sự thống nhất. Ví dụ, đã có sự quy định khác nhau về báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án trong việc phê duyệt chủ trương đầu tư giữa Luật Đầu tư công và Luật Bảo vệ môi trường.
Ý kiến trên có thể là một thực tế. Mặc dù đánh giá tốt về luật này vì đã khắc phục và giải quyết được hàng loạt tồn tại liên quan đến đầu tư công, nhưng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã chỉ ra 11 vướng mắc trong Luật Đầu tư công.
Tuy vậy, thực tế cũng cho thấy chẳng có một luật nào từ khi được ban hành lại không có vấn đề tồn tại, trục trặc trong thực thi, cần khắc phục, sửa đổi. Và, công bằng mà nói, ít có luật nào mà quá trình thực thi lại chật vật và kết quả thực hiện lại kém như Luật Đầu tư công. Do đó, cho dù có những vướng mắc trong Luật Đầu tư công nhưng chúng cũng chỉ là một phần, chứ không phải là tất cả nguyên nhân gây chậm trễ giải ngân đầu tư công.
Hơn nữa, việc sửa luật được yêu cầu phải thận trọng bởi “có khi mắc lại không phải ở luật này mà ở các luật khác”(1). Việc sửa Luật Đầu tư công, nếu có, cần phải đặt trong một tổng thể và được thực hiện đồng bộ với những luật liên quan khác để việc sửa đổi không tiếp tục tạo ra những mâu thuẫn, khác biệt mới.
Như vậy, trước mắt, trong lúc chờ sửa đổi Luật Đầu tư công và các luật có liên quan với lộ trình hoàn toàn không xác định, xem ra các nỗ lực đang được tập trung vào khắc phục những yếu kém trong việc thực thi Luật Đầu tư công.
Theo hướng này, lại nảy sinh vấn đề xác định đâu là nguyên nhân chủ quan, đâu là khách quan, và giải pháp khắc phục phù hợp. Chẳng hạn, có bộ lý giải rằng giải ngân vốn đầu tư công năm 2018 chậm vì còn đọng vốn năm 2017 kéo sang năm nay nên được ưu tiên xử lý trước. Nếu cho rằng đây là lỗi chủ quan và thúc ép họ giải ngân ngay và hết theo đúng kế hoạch trong năm 2018 thì họ có thể viện ra lý do năng lực xử lý không đáp ứng được sự giải ngân “dồn cục” kiểu này và mọi sự thúc ép đều có khả năng dẫn đến chất lượng giải ngân không cao, gây thất thoát, lãng phí, trong khi bản thân họ cũng không dám và không muốn làm vì sợ sai quy định.
Có bộ giãi bày rằng họ giải ngân vốn đầu tư công chậm vì được Thủ tướng giao vốn chậm (sau khi được Quốc hội phê duyệt danh mục) trong khi việc phê duyệt chủ trương đầu tư, mời tư vấn lập dự án đầu tư, chọn tư vấn để đấu thầu… mất từ một đến hai năm theo khung tối đa được quy định. Như thế, sự chậm trễ là khách quan và… đúng quy trình, cũng khó có thể phê phán họ được!
Chính phủ tỏ ra rất sốt ruột với tình trạng bùng nhùng, lắm lý do rất khách quan này nên đã không ít lần quy trực tiếp nguyên nhân của tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công là do người đứng đầu và khẳng định sẽ dùng những giải pháp “quyết liệt” như làm rõ trách nhiệm, kỷ luật, thay thế, luân chuyển cán bộ… Tuy vậy, cho đến nay, vẫn chưa thấy có vụ việc (chậm giải ngân) nào được làm rõ ai là “thủ phạm” và/hoặc việc áp dụng các hình thức kỷ luật nghiêm khắc này. Chuyện này có lẽ một phần bởi rốt cuộc lỗi là do… hệ thống!
“Lỗi hệ thống” này cho thấy nếu chỉ tìm nguyên nhân ở khâu thực thi, ở từng đơn vị liên quan và quy trách nhiệm thì cũng sẽ khó có kết quả khả quan. Trong bối cảnh khá bế tắc này, có lẽ giải pháp duy nhất còn lại là quay trở lại từ điểm xuất phát, bắt đầu từ sửa chữa, hoàn thiện Luật Đầu tư công, các nghị định và luật liên quan. Việc sửa chữa, hoàn thiện luật này cũng cần được làm theo đúng Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật về trình tự và thời gian, tránh tình trạng, ví dụ, mất đến hai năm mới xây dựng và ban hành được các nghị định hướng dẫn Luật Đầu tư công.
Một khi đã có khuôn khổ pháp luật hoàn chỉnh, quy định rõ ràng quy trình, chức năng, nhiệm vụ và xử lý trách nhiệm của từng chủ thể thì việc tìm nguyên nhân và làm rõ trách nhiệm sẽ dễ dàng hơn. Đến lúc đó, thái độ không cả nể, dung thứ với mọi cá nhân, tổ chức thiếu trách nhiệm, sai phạm, kể cả cấp cao nhất, sẽ là điều quyết định sự thành công của (giải ngân) đầu tư công.
(1) http://cand.com.vn/thoi-su/Giai-ngan-dau-tu-cong-cham-con-co-nguyen-nhan-ngoai-bao-cao-460533/
No comments:
Post a Comment