Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang lấy ý kiến cho dự thảo thông tư sửa đổi một số điều tại Thông tư 19/2016 quy định về hoạt động thẻ ngân hàng. Theo đó, dự thảo sẽ có nhiều cấm đoán hơn về hoạt động của thẻ ATM và thẻ tín dụng do cả ngân hàng và công ty tài chính phát hành.
Cấm để cho có?
Một nội dung cấm đáng lưu ý là cấm sử dụng thẻ để thanh toán ra nước ngoài cho các giao dịch kinh doanh, mua bán ngoại tệ, chứng khoán trên sàn thương mại điện tử nước ngoài; sử dụng thẻ để thực hiện các giao dịch cho các mục đích rửa tiền, tài trợ khủng bố, lừa đảo, gian lận và các hành vi vi phạm pháp luật khác.
Hiển nhiên là những hoạt động thẻ nói trên nên/cần bị cấm vì đều là những hoạt động làm phương hại đến an ninh, an toàn kinh tế và xã hội. Tuy nhiên, điều đáng nói là ai, và làm thế nào để xác định được các giao dịch thuộc dạng cấm nói trên và xử lý như thế nào? Nếu dự thảo không đưa ra chi tiết các biện pháp xác định và phòng chống hữu hiệu với cơ quan tổ chức thực hiện cụ thể thì có thể nói ngay rằng quy định như vậy trong dự thảo chỉ là để cho có, nói cho hay, cho tròn trách nhiệm mà thôi.
Về phạm vi sử dụng thẻ tín dụng, dự thảo quy định thẻ tín dụng chỉ được sử dụng để thanh toán tiền hàng hóa, dịch vụ; nạp, rút tiền mặt theo thỏa thuận giữa chủ thẻ với tổ chức phát hành thẻ. Thử hỏi, còn có loại hình giao dịch nào liên quan đến thẻ tín dụng ngoài thanh toán tiền hàng hóa, dịch vụ để bị cấm như nêu trong dự thảo? Giả sử chủ thẻ dùng thẻ tín dụng tiến hành một giao dịch phi thanh toán, dưới dạng chuyển tiền cho một người nào đó nhưng dưới vỏ bọc là thanh toán tiền mua dịch vụ của người này thì liệu giao dịch này có bị cấm, và nếu bị cấm thì trước hết ai và làm sao để phát hiện, làm sao để chứng minh đây là giao dịch khống/bị cấm?
Tự mâu thuẫn, đào thải
Như
nêu ở trên, dự thảo cho phép nạp, rút tiền mặt theo thỏa thuận giữa chủ thẻ với
tổ chức phát hành thẻ. Nói cách khác, nếu giữa tổ chức phát hành thẻ (ngân
hàng) và chủ thẻ có một thỏa thuận (về việc rút tiền, chuyển tiền) thì việc này
là hợp pháp, được công nhận bởi dự thảo.
Nhưng
mặt khác, dự thảo lại có những quy định cụ thể nhằm ngăn chặn việc rút tiền mặt
qua thẻ hoặc ngân hàng chuyển tiền từ thẻ tín dụng vào tài khoản cá nhân (1).
Như vậy, cùng một việc rút tiền mặt, dự thảo lúc thì cho phép, lúc thì cấm
đoán. Vậy phải hiểu thế nào cho đúng đây?
Ngoài
ra, dự thảo quy định các tổ chức cung cấp dịch vụ thẻ triển khai các biện pháp
kiểm soát, ngăn chặn (từ chối giao dịch, từ chối thanh toán thẻ, chấm dứt hợp
đồng thanh toán), không cho phép lợi dụng thẻ tín dụng để sử dụng vào các mục
đích không đúng quy định, nhằm kiểm soát hiện tượng các ngân hàng thương mại
chuyển tiền từ thẻ tín dụng vào tài khoản cá nhân, không đúng với quy định hiện
hành. Quy định lúng túng, khiên cưỡng kiểu này cho thấy trước sự bất hiệu quả
bởi NHNN để cho ngân hàng thương mại tự kiểm soát, ngăn chặn các hành vi chuyển
tiền của... chính ngân hàng thương mại đó!
Phải chứng minh sự nguy hại
NHNN
đã tỏ ra rất “quan ngại” với việc rút tiền mặt qua thẻ và chuyển tiền từ tài
khoản thẻ tín dụng vào tài khoản cá nhân. Sự lo ngại này được chính thức đề cập
đến bằng những điều khoản cụ thể trong dự thảo. Báo chí thì tiếp tục hưởng ứng
bằng việc nêu (lại) những trường hợp “người thực việc thực” liên quan đến việc
rút tiền khống và chuyển tiền này với “tông” giọng cũng rất “quan ngại”, nhưng
lại không chỉ ra được rằng hành vi này đã dẫn đến hậu quả gì.
Trên
hết, cho đến nay vẫn chưa thấy có bất cứ diễn giải thuyết phục nào cho thấy
việc rút tiền mặt qua thẻ và chuyển tiền từ tài khoản thẻ tín dụng vào tài
khoản cá nhân lại gây ra một mối nguy hại đáng kể cụ thể nào đó cho trật tự
kinh tế, xã hội từ phía nhà làm luật, giới chuyên gia cũng như người trong
ngành. Như đã được đề cập đến trong một bài viết trên TBKTSG (2), nếu có chăng
thì chỉ là một vài diễn giải, quan điểm khá mơ hồ, thiếu thuyết phục để cần
thiết phải cấm đoán nghiêm ngặt các hành vi này.
Vì
vậy, trước khi muốn đặt ra ngoài vòng pháp luật các hành vi rút tiền khống và
chuyển tiền nêu trên như trong dự thảo thì NHNN cần thiết phải có giải trình chính
thức, đầy đủ và xác đáng tại sao những hành vi trên cần phải bị cấm. Rất tiếc,
cho đến nay, NHNN dường như vẫn chưa có một giải trình chính thức như vậy trước
công luận cũng như trước các cơ quan hữu quan.
Nếu
không, sự cấm đoán, luật hóa này chỉ phản ánh ý chí một chiều của nhà làm luật
mà thiếu đi sự hiểu biết cần thiết, sự tham khảo thực tiễn các nước trên thế
giới, và quan trọng hơn là sẽ bị vô hiệu hóa trên thực tế bởi đi ngược lại nhu
cầu xác đáng của nhiều người trong xã hội.
(1)
http://cafef.vn/siet-the-tin-dung-thong-diep-manh-tay-tu-ngan-hang-nha-nuoc-20191201075622109.chn(2) https://www.thesaigontimes.vn/td/292460/chi-khong-cho-vay-qua-the-tin-dung-dang-lo-toi-dau.html
No comments:
Post a Comment