Nếu thực hiện theo kiến nghị của HoREA - tiếp tục cho phép các tổ chức tín dụng (TCTD) được sử dụng tỷ lệ tối đa 45% nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn năm 2019 thay vì giảm về mức 40% như quy định hiện hành - thì Ngân hàng Nhà nước (NHNN) lại phải một lần nữa (lần thứ tư) ban hành một thông tư mới sửa đổi Thông tư 36/2014.
Điều này trước hết có nguy cơ làm xói mòn tính hữu hiệu và tính định hướng của các văn bản pháp luật của cơ quan quản lý nhà nước, củng cố quan niệm rằng các chủ thể kinh tế luôn có thể “mặc cả” chính sách với Nhà nước, còn Nhà nước thì luôn phải “chạy theo” mà không thể dẫn dắt, định hướng thị trường theo ý muốn từ góc độ của người tạo lập và quản lý thị trường.
Hơn nữa, xem xét cụ thể hơn thì kiến nghị của HoREA cũng chưa hợp lý. Lộ trình giảm dần tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn đã được công bố rõ ràng, nên, về nguyên tắc, các TCTD và chủ thể liên quan như doanh nghiệp bất động sản và người mua bán, kinh doanh bất động sản đã có đủ thời gian (tính theo năm) chuẩn bị và đón nhận những mốc thay đổi trong lộ trình giảm tỷ lệ này. Rõ ràng, ở đây không có chuyện thay đổi đột ngột về chính sách của Nhà nước nên đã làm khó thị trường.
Quan trọng hơn, việc điều chỉnh giảm tỷ lệ trên là một cấu thành thiết yếu của một chính sách chung của Nhà nước nhằm ổn định kinh tế vĩ mô trước các bất lợi đã, đang và sẽ xảy ra trong và ngoài nước. Cũng như HoREA đã nêu trong văn bản kiến nghị, NHNN vừa ban hành Chỉ thị 04/CT-NHNN ngày 2-8-2018, theo đó “Không xem xét, điều chỉnh tăng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng (trừ trường hợp đặc biệt); Kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, chứng khoán, BOT, BT giao thông; Kiểm soát chặt chẽ tín dụng tiêu dùng, nhất là tín dụng tiêu dùng liên quan đến bất động sản”. Chỉ thị này là một trong những hành động cụ thể triển khai chủ trương của NHNN nhằm hạn chế tăng trưởng tín dụng nhanh gây áp lực lên lạm phát và tỷ giá, đe dọa ổn định kinh tế vĩ mô.
Trong bối cảnh hạn chế tăng trưởng tín dụng như vậy, nếu không đặt ra chốt chặn tín dụng có nguồn từ vốn huy động ngắn hạn cho các dự án đầu tư trung, dài hạn (gồm các dự án bất động sản) thì, ít nhất là theo lý thuyết, hoặc là vốn tín dụng sẽ chảy hết vào các lĩnh vực không ưu tiên này, gây ra tình trạng đói vốn cho các nhu cầu ngắn hạn trong các lĩnh vực ưu tiên, hoặc là sự bất cân đối kỳ hạn giữa vốn huy động và cho vay sẽ tạo rủi ro lên tính an toàn hoạt động của hệ thống tín dụng.
Quan trọng không kém là những lý do mà HoREA đưa ra để biện minh cho kiến nghị của mình là không thỏa đáng. Ví dụ, HoREA nói rằng các doanh nghiệp bất động sản và người kinh doanh, mua bất động sản (đặc biệt ở TPHCM) phụ thuộc rất lớn vào nguồn vay tín dụng (dài hạn) ngân hàng, trong khi nguồn vốn thay thế từ các quỹ đầu tư bất động sản và thị trường chứng khoán vẫn chưa khả quan. Điều này là đúng, và theo logic, có thể luôn đúng trong một số năm nữa, chứ không phải chỉ có năm 2019, ít nhất là chừng nào mà NHNN phải hoãn thi hành tỷ lệ 40% này. Và cũng theo logic, nếu NHNN không quyết tâm thực hiện tỷ lệ 40% thì sự phụ thuộc của ngành bất động sản vào vốn tín dụng dài hạn của ngân hàng sẽ không có được động lực để thay đổi một cách căn bản và nhanh chóng.
Bản thân HoREA cũng nhìn nhận rằng điều này - sự phụ thuộc của các doanh nghiệp bất động sản TPHCM vào tín dụng ngân hàng cao hơn trên mức trung bình của cả nước - tiềm ẩn rủi ro cho cả hệ thống tín dụng và doanh nghiệp bất động sản. Như vậy, lẽ ra họ cũng nên đồng ý với chính sách của NHNN hướng tới giảm dần có lộ trình sự phụ thuộc của ngành bất động sản vào tín dụng ngân hàng như đã đặt ra tại các thông tư liên quan.
Cuối cùng, kể cả khi NHNN quyết tâm duy trì mục tiêu chính sách của mình (không thay đổi tỷ lệ 40% hay hoãn thời hạn thi hành tỷ lệ này) thì ngành bất động sản không phải là không thể tồn tại, không có giải pháp nào để khắc phục được khó khăn mà chính sách này của NHNN sẽ tạo ra. Trong cùng văn bản kiến nghị, HoREA cũng chỉ ra tám giải pháp cho các doanh nghiệp bất động sản thích nghi với lộ trình hạn chế tín dụng vào bất động sản, và nhấn mạnh đây cũng là cơ hội để tái cấu trúc doanh nghiệp. Với vai trò và sứ mệnh của mình, lẽ ra HoREA phải sáng suốt, tỉnh táo phân tích và nhận định tình hình ngay từ khi NHNN ban hành các thông tư để kịp thời đưa ra tám giải pháp này cho các doanh nghiệp bất động sản, không đợi đến khi “nước đến chân mới nhảy”.
No comments:
Post a Comment