Dịch cúm Covid-19 nổ ra đã trực tiếp và gián tiếp gây ảnh hưởng đáng kể đến Việt Nam. Trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế năm 2020 có khả năng tụt giảm, lẽ thường là sẽ có những kiến nghị kích cầu và nới lỏng tiền tệ để ngăn chặn đà rơi và vực lại tăng trưởng.
Ở chiều hướng ngược lại, dịch bệnh làm cho các chuỗi cung ứng sản xuất, dịch vụ gián đoạn, làm đội giá một cách bất thường một số nhóm hàng hóa và dịch vụ, gây áp lực tăng lạm phát hiện tại và trong những tháng tới. Do đó, cũng đã có nhiều kiến nghị không nới lỏng chính sách tiền tệ (thậm chí là thắt chặt lại) và không tung ra các gói kích cầu (thông qua hệ thống ngân hàng) vốn dĩ sẽ dẫn đến hậu quả nguy hiểm là lạm phát bùng nổ như đã chứng kiến trong những năm 2008-2009.
Trong bối cảnh có những diễn biến trái chiều như trên, chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nên đi theo hướng nào, ở lập trường nào là những câu hỏi không dễ trả lời. Trước sự bất định, tiến thoái lưỡng nan này, chiến lược tối ưu là thận trọng “chờ xem” và “điều trị triệu chứng”, trước khi có những hành động mạnh tay, nếu cần thiết.
Quả thật, trên thực tế, NHNN rõ ràng là đang đi theo hướng này. Văn bản 541/NHNN-TD do Thống đốc NHNN ban hành ngày 4/2/2020 dường như là văn bản chính thức đầu tiên cho đến nay của NHNN liên quan đến dịch cúm. Văn bản này đề ra các giải pháp hỗ trợ khắc phục thiệt hại do ảnh hưởng của Covid-19 trên tinh thần là “đau đâu thuốc đó”.
Theo đó, về phía các tổ chức tín dụng (TCTD), họ được yêu cầu “chủ động nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh, mức độ thiệt hại của khách hàng đang vay vốn...”. Tức là TCTD sẽ phải “chờ xem” (dù là ở tư thế chủ động) phạm vi và mức độ thiệt hại đối với khách hàng đang vay vốn.
Đến đây, có hai điểm đáng lưu ý từ yêu cầu trên. Thứ nhất, văn bản chỉ đề cập đến đối tượng được hỗ trợ là khách hàng đang vay vốn của TCTD chứ không phải là khách hàng chung chung, (vay vốn) tiềm năng của TCTD. Nói cách khác, khách hàng đang vay vốn TCTD, gặp khó khăn do dịch bệnh nên không/ít khả năng trả nợ thì mới được hỗ trợ (trong phạm vi khoản vay từ TCTD). Việc này vừa có ý nghĩa và thông điệp “cứu người là cứu mình” đối với TCTD, vừa là câu trả lời gián tiếp cho vấn đề có nên nới lỏng tiền tệ hay không, ít nhất là tại thời điểm này.
Điểm lưu ý thứ hai là giải pháp hỗ trợ mà văn bản trên đề ra lại chủ yếu và trước hết là từ nguồn lực của chính bản thân TCTD như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay... Ngoài lợi ích là được tiếng rằng NHNN đã tích cực, chủ động có những giải pháp thích ứng để khắc phục ảnh hưởng của dịch cúm và hỗ trợ nhằm đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế như được Chính phủ giao nhiệm vụ cho NHNN, việc NHNN yêu cầu TCTD khắc phục ảnh hưởng dịch cúm bằng “nội lực” của họ cũng là một hành động khôn ngoan để tránh cho NHNN phải chọn một hướng đi giữa ngã ba đường cho chính sách tiền tệ của mình tại thời điểm còn tương đối sớm (nhiều thứ chưa rõ ràng) này.
Về phía NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố (tức là về phía NHNN), tinh thần của văn bản trên cũng vẫn là thái độ “chờ xem” được thể hiện qua các yêu cầu “nắm bắt tình hình...”, “theo dõi diễn biến...”. Về biện pháp cụ thể, văn bản chỉ nêu chung chung “kịp thời thực hiện các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành”, và “đồng thời phối hợp với các sở, ban, ngành, kịp thời tham mưu cho UBND tỉnh/thành phố các giải pháp xử lý rủi ro, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân vay vốn bị hại theo quy định”.
Như thế có thể hiểu rằng lập trường chính sách tiền tệ tổng thể của NHNN tại thời điểm hiện nay tạm thời là “án binh bất động”, tức sẽ không có nhiều thay đổi so với lập trường trước khi xảy ra dịch cúm. Thay vào đó, việc xử lý ảnh hưởng của dịch cúm sẽ chủ yếu mang tính cục bộ, được “phân cấp” về địa phương, ban/ngành, và các chi nhánh NHNN tại địa phương có tham gia thì chỉ ở vai trò không “đứng mũi chịu sào”. Nói cách khác, với văn bản này NHNN đã tránh được phải trả lời/bày tỏ hướng đi của chính sách tiền tệ hiện tại và trong thời gian tới cho đến khi tình hình có những diễn biến khác đi đáng kể.
Nếu những phân tích trên là xác đáng thì có thể nói rằng cách xử lý vấn đề nói trên của NHNN là hợp lý trong bối cảnh nhiều yếu tố bất định như hiện nay. Chính xác hơn thì phải nói rằng không có phản ứng chính sách nào tốt hơn, đặc biệt xét từ góc độ trách nhiệm (đa nhiệm) của NHNN đối với Chính phủ nói riêng và nền kinh tế nói chung, cũng như những rủi ro mà nền kinh tế phải đối mặt khi chính sách tiền tệ của NHNN chuyển hướng quá sớm và đột ngột như đã từng chứng kiến trước đây.
No comments:
Post a Comment