Mới đây Tổng công
ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) cho biết họ sẽ đầu tư vào Vietnam
Airlines (VNA). Có điều, lý do cho việc này xem ra khá là “trời ơi”, không đủ sức
thuyết phục để đến mức phải sửa đổi cả các quy định pháp luật hiện hành có liên
quan gồm Luật Quản lý và sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào hoạt động sản xuất,
kinh doanh tại doanh nghiệp, và Nghị định 32 về đầu tư vốn nhà nước vào doanh
nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp, để dọn đường
cho việc đầu tư này của SCIC.
Lý do đầu tiên được
SCIC đưa ra là VNA đang gặp rất nhiều khó khăn do Covid-19. Với lý do này, SCIC
cho biết họ đã chủ động đề xuất và phối hợp với VNA xây dựng phương án để SCIC
tham gia đầu tư vốn, trước mắt là xử lý tình trạng VNA bị thiếu hụt nguồn tài
chính và dòng tiền. Sau khi trở thành cổ đông, SCIC sẽ tham gia tái cấu trúc
VNA không chỉ vượt qua khó khăn mà còn phát triển mạnh mẽ thời hậu Covid-19
(1).
Chuyện VNA hay bất cứ hãng hàng không nào khác của Việt Nam hay thế giới gặp khó khăn, thậm chí là phá sản là chuyện đương nhiên, nhưng đây không phải là lý do để SCIC đem tiền vốn nhà nước đi cứu giúp. Thử đặt ngược câu hỏi, tại sao SCIC chỉ có ý định cứu giúp VNA mà không phải là các hãng hàng không nội địa khác như Bamboo Airways, VietJetAir, hoặc rộng ra là nhiều doanh nghiệp nội địa trong các ngành nghề khác vốn cũng đang ngắc ngoải, thoi thóp? Chẳng phải chính vì logic này mà Nhà nước phải ban hành các quy định pháp luật cho phép/khống chế SCIC chỉ được đầu tư vào đâu hay sao? Bởi vậy, nếu vì bất cứ lý do nào đó mà việc đầu tư này được thông qua, chắc chắn dư luận sẽ phải đặt nghi vấn về việc có lợi ích nhóm đằng sau việc vận động hành lang cho đề nghị đầu tư này của SCIC và VNA.
Việc SCIC cho rằng sự tham gia của họ vào tái cấu trúc VNA sẽ giúp VNA không chỉ vượt qua khó khăn mà còn phát triển mạnh mẽ thời hậu Covid-19 để làm tăng tính thuyết phục của đề nghị đầu tư thì cũng chỉ tương tự như việc trông vào quả trứng để tưởng tượng ra cả đàn gà. Bởi, trước hết SCIC không phải là một đối tác chiến lược, có tiềm lực tài chính mạnh, giàu kinh nghiệm khai thác phát triển hàng không để có thể tin tưởng, khẳng định sự phục hồi và phát triển mạnh mẽ của VNA trong tương lai. SCIC chỉ là một nhà đầu tư vốn đa ngành thuần túy với trình độ đầu tư còn hạn chế, thậm chí đôi khi hành động đầu tư còn bị chi phối bởi các ý muốn phi kinh tế. Khoản đầu tư 1.000 tỷ đồng của SCIC vào dự án tai tiếng TISCO II ít nhiều cho biết khả năng và kinh nghiệm tái cấu trúc, vực dậy doanh nghiệp khó khăn, thua lỗ của SCIC.
Nếu (SCIC) cho rằng VNA là một doanh nghiệp vốn lành mạnh, có tính cạnh tranh cao trong ngành hàng không trong và ngoài nước, thừa năng lực tự tái cấu trúc để vượt qua khủng hoảng và tiếp tục phát triển mạnh mẽ nếu được (SCIC) rót vốn đúng lúc, đúng liều... thì hãy xem lại hiệu quả của nỗ lực của VNA với tư cách là đối tác chi phối, nắm giữ 70% cổ phần trong Jestar Pacific trong việc vực dậy hãng hàng không này khỏi thua lỗ kéo dài trong nhiều năm qua.
Nói cách khác, cùng với những bài học xương máu để lại từ việc tái cơ cấu Vinashin, Vinalines hoặc hàng loạt dự án đắp chiếu của Bộ Công thương dù trước đó được tin tưởng hoàn toàn qua những phát biểu như kiểu “Vinashin sẽ có lãi sau 3 năm tái cơ cấu”, sẽ không có gì đảm bảo rằng tiền vốn của SCIC rót vào VNA sẽ được bảo toàn và sinh sôi thêm.
Lý do thứ hai SCIC đưa ra để giải thích cho việc muốn đầu tư vào VNA là nguồn vốn đầu tư của SCIC hiện rất dồi dào, đủ khả năng bơm hàng ngàn tỷ đồng cho VNA. Lý do này làm cho dư luận hiểu rằng SCIC đang thừa tiền mà không biết làm gì, không biết đầu tư vào đâu. Nếu đúng vậy thì thay vì cứ rót vốn vào những doanh nghiệp, những dự án đầu tư chẳng biết hiệu quả ra sao, thà rằng SCIC cứ tiếp tục đem tiền “thừa” này đi gửi ngân hàng như họ đã và đang làm trong suốt nhiều năm qua, như được thể hiện ở tỷ lệ lớn doanh thu và lợi nhuận của SCIC hàng năm là từ tiền gửi ngân hàng.
Tóm lại, chừng nào mà các hãng hàng không tư nhân của Việt Nam còn (khả năng) tồn tại mà không phải, không thể trông chờ vào sự rót vốn của nhà nước thì chừng đó SCIC hay bất cứ cơ quan chức năng nào khác chẳng có lý do chính đáng nào để rót vốn nhà nước cho VNA, một doanh nghiệp đã không còn là doanh nghiệp nhà nước nữa.
Chắc nhiều người lấy lý do VNA tuy đã được cổ phần hóa nhưng Nhà nước vẫn nắm giữ đa số sở hữu nên nếu không cứu giúp thì cuối cùng Nhà nước cũng sẽ bị thiệt hại, nên cần phải cứu VNA bằng cách nào đó, chứ không thể bỏ mặc VNA tự xoay xở một mình. Nếu vậy thì hãy tham khảo cách xoay xở để tồn tại của các hãng hàng không tư nhân ngay của Việt Nam mà không hề có sự trợ giúp bằng cách rót vốn nhà nước.
(1) https://amp.baodautu.vn/scic-dau-tu-vao-vietnam-airlines---cho-y-kien-cua-cac-bo-nganh-d123964.html
No comments:
Post a Comment