https://www.thesaigontimes.vn/312226/thanh-cong-chua-tron-ven.html
Thời báo Kinh tế
Sài Gòn Online ngày 21/12/2020 có đăng bài “Singapore mở sàn giao dịch tiền số
và chứng khoán số đầu tiên”. Tôi ấn tượng với bình luận của một bạn đọc cho bài
viết này, rằng: “Lúc nào cũng đi đầu và đi trước thiên hạ. Singapore quả là đối
thủ không thể vượt qua trên lĩnh vực kinh doanh tài chính tiền tệ”. Rồi trước
đó, cũng trên cùng tờ báo là tin về Singapore đã biến thành đầu mối logistics khu
vực phân phối vaccine phòng Covid-19. Chắc chắn rồi những bứt phá này sẽ củng cố
mạnh mẽ hơn nữa tính cạnh tranh (và tức là lợi nhuận thu về) của Singapore
trong tương lai.
Ấn tượng không phải
bởi lời bình luận hoặc những tin tức này đã chỉ ra đúng là Singapore đã đi trước
và đi xa so với thiên hạ. Một cách gián tiếp, lời bình luận và những tin tức này
một lần nữa cho thấy rõ ràng trong nguy luôn có cơ và những ai thành công là những
người luôn biết nắm bắt cơ hội kể cả trong lúc nguy khốn để bứt phá.
Nhìn lại kinh tế,
xã hội Việt Nam trong năm 2020. Điều không thể phủ nhận là Việt Nam đã có một
năm về cơ bản là thành công, ở cái nghĩa là đã kiềm chế đại dịch rất thành
công, với số người chết là tối thiểu và tránh được những đợt phong tỏa trên diện
rộng. Chính vì kiềm chế đại dịch thành công nên nền kinh tế, xã hội cũng vì thế
mà ít bị xáo trộn, tác động hơn một cách tương đối so với nhiều nước trên thế
giới, vẫn tăng trưởng dương đáng kể, trong khi phần lớn các nước khác buộc phải
chứng kiến nền kinh tế của mình bị co thắt mạnh, thậm chí nạn nghèo đói tăng vọt.
Nhưng... chỉ có
thế!?
Từ câu chuyện của
Singapore, điều tôi (và chắc không ít bạn đọc sẽ) chợt nhận ra khi nhìn lại Việt
Nam trong một năm qua là chúng ta đã mới chỉ thành công trong việc giữ cho mình
ít bị tác động, thiệt hại hơn một cách tương đối so với các nước đối tác. Chúng
ta đã không thành công khi không biết, không tạo ra, không nắm bắt được những
cơ hội, những tiền đề để gặt hái thành công hơn nữa và có tính bền vững trong
tương lai từ thành công hiện tại.
Hãy thử điểm lại
những gì mà Việt Nam cần, đã có thể phải làm để bứt tốc bền vững và dài hạn thời
hậu đại dịch? Rất tiếc là hầu như không có gì nhiều và đáng kể để đề cập ở đây.
Cho đến tận thời điểm này mà chúng ta hầu như mới chỉ đang loay hoay với một số
ý tưởng và chiến lược (là chiến thuật thì đúng hơn) kiểu như trợ cấp cho ngành
hàng không trong nước để tận dụng cơ hội bứt phá trong thời gian tới khi ngành
hàng không thế giới bị ảnh hưởng nặng nề và ít cơ hội phục hồi mạnh mẽ; nên coi
thành phần kinh tế tư nhân là cái gì... Thời gian trước đó thì “cái gai” (tức
mũi nhọn) của nền kinh tế trong thời đại dịch xem ra hầu như chỉ là... sản xuất
và xuất khẩu khẩu trang!
Sau rốt, câu hỏi
nền kinh tế Việt Nam sẽ có hình hài như thế nào, có “cái gai” nào, đi về đâu...
vẫn bỏ ngỏ ở thời hiện tại. Và quan trọng là chúng ta dường như trên thực tế mới
dừng lại ở mức “chờ và xem”, chờ đại dịch đi qua, chờ thế giới được tiêm
vaccine để phục hồi trở lại, để nhập khẩu nhiều hơn rồi sẽ nâng đỡ nền kinh tế
Việt Nam theo kiểu “nước lên thuyền cũng lên”... mà chưa có mấy động thái được “quy
hoạch” và tiến hành một cách nhanh chóng, chủ động và rốt ráo.
Tất nhiên
là sẽ có những lời biện hộ rằng so sánh với Singapore thì so sánh làm gì, có mấy
nước được như họ đâu... Thực tế đúng là như vậy. Nhưng nếu Việt Nam không vượt
qua được thực tế này, cũng chỉ “bình bình” như những nước khác thì cũng khó, đừng
mong vượt qua được cái gọi là “bẫy thu nhập trung bình”, đừng mong thu hẹp khoảng
cách thu nhập với các nước khác, và cần nghiêm túc xem xét lại sự ưu việt của
mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa mà chúng ta đã, đang và
tiếp tục theo đuổi khi mà nó không là bà đỡ cho những ý tưởng bứt phá và môi
trường thuận lợi để hiện thực hóa những ý tưởng này.
No comments:
Post a Comment