https://www.thesaigontimes.vn/314010/tbktsg-so-9-2021-doc-duong-chuyen-doi-so.html
Tại Việt Nam từ
trước đến nay, như một điều không thể khác, các nhận định, đánh giá của giới đầu
tư nước ngoài như các ngân hàng, tổ chức tài chính về các vấn đề liên quan đến
tài chính, tiền tệ, tỷ giá, và chứng khoán luôn có sức ảnh hưởng nếu không muốn
nói là rất lớn, đôi khi gây ra biến động quá mức cho các thị trường của Việt
Nam. Cũng không cần phải nói rằng cũng có nhiều nhà đầu tư trong nước có xu hướng
ra quyết định đầu tư “ăn theo” các hành động của nhà đầu tư nước ngoài vì tin rằng
họ luôn đúng và biết rõ thị trường Việt Nam (vì có trình độ, kinh nghiệm, và...
thông tin).
Tuy nhiên, nếu chịu
khó quan sát, phân tích thì sẽ thấy nhiều khi các đánh giá, nhận định của các tổ
chức nước ngoài là khá hời hợt, phiến diện, và sai lầm. Điều này không chỉ làm
bóp méo thị trường mà còn gây ra những tổn thất lớn cho các nhà đầu tư trong nước,
cũng như cho nền kinh tế nói chung.
Chẳng hạn, trong
một bản tin gần đây trên CNBC (1), một chuyên gia quản lý tài sản toàn cầu của
một ngân hàng quốc tế lớn một mặt giành những lời khen ngợi có cánh cho Việt
Nam, nào là triển vọng kinh tế của Việt Nam là tích cực, và có rất nhiều tiềm
năng, nào là “Việt Nam là một thị trường mà chúng tôi ưa thích” v.v... Mặt
khác, vị này tất nhiên là không quên cảnh báo các rủi ro với các nhà đầu tư nước
ngoài muốn đầu tư vào Việt Nam.
Cụ thể, có hai rủi
ro chính được đề cập. Thứ nhất là rủi ro về “thanh khoản”. Và rủi ro thứ hai mà vị này cảnh báo, theo bản
tin thuật lại, là việc các cơ quan chức năng Việt Nam thường sử dụng kiểm soát
tiền tệ như là một lựa chọn cho chính sách tiền tệ. Theo đó, “nếu nền kinh tế gặp
trục trặc thì họ thường sẽ phá giá mạnh tiền đồng chỉ để kích thích nền kinh tế”.
Bản tin còn trích dẫn chuyện Mỹ gắn nhãn thao túng tiền tệ cho Việt Nam năm
ngoái như để minh họa cho nhận định về sự “thích” phá giá này của Việt Nam của
vị chuyên gia (không rõ đây có phải là sự trích dẫn ý kiến của vị chuyên gia
này không).
Về rủi ro thứ nhất,
thanh khoản, bản tin chỉ cho biết vị chuyên gia nói rằng “thanh khoản vẫn là một
thách thức chủ yếu”. Vì không có thêm chi tiết nên không rõ thanh khoản mà vị
chuyên gia đề cập ở đây là của cái gì. Tiền đồng? Ngoại tệ? Không thể vay được
từ ngân hàng hay các công ty tài chính? Các ngân hàng đang khô khát thanh khoản...?
Nhưng dù là của
cái gì chăng nữa thì rõ ràng ở thời điểm hiện tại (và cả trong năm trước, cũng
như trong thời gian sắp tới) những rủi ro liên quan đến thanh khoản nói trên là
không phải là một vấn đề lớn, xét một cách toàn diện và công bằng. Thanh khoản
tiền đồng vẫn đang dồi dào, như được thể hiện ở lãi suất huy động đứng ở mức thấp
và vẫn có xu hướng giảm đi. Tương tự như vậy là ngoại tệ cũng như thanh khoản
trong hệ thống ngân hàng.
Như vậy, có thể
thấy ngay cảnh báo về rủi ro thanh khoản của vị chuyên gia “Tây” này là rất
không chính xác và không... đúng lúc!
Về rủi ro thứ
hai, cũng không khó để thấy vị chuyên gia này có sự hiểu biết không thấu đáo về
Việt Nam. Chí ít bởi nếu là người am hiểu về tình hình Việt Nam thì sẽ thấy được
rằng thực ra Việt Nam đã có nhiều năm liền luôn nỗ lực và rất vất vả chống đỡ lại
áp lực gây mất giá của tiền đồng, chứ không phải ngược lại. Sự mất giá của tiền
đồng so với USD cho đến nay, nếu có, chủ yếu là do Việt Nam đã từng không có đủ
tiềm lực (dự trữ ngoại hối quá mỏng) để chống lại áp lực phá giá tiền đồng như
là kết quả phối hợp của nhiều yếu tố bất ổn vĩ mô, gồm thâm hụt thanh khoản
thương mại, lạm phát cao, và thâm hụt ngân sách nới rộng.
Bởi vậy, dù tin
hay không tin vào lời khẳng định của Chính phủ nói chung và của Ngân hàng Nhà
nước nói riêng rằng Việt Nam không phá giá tiền đồng để đạt lợi thế thương mại
thì sự thực vẫn là việc phá giá tiền đồng (để tiền đồng yếu đi so với USD) luôn
là điều không được mong muốn của các cơ quan chức năng Việt Nam trong suốt nhiều
năm qua, nếu họ có lựa chọn. Một phần của lý do cho điều này là bởi nỗi lo ngại
của họ về việc phá giá tiền đồng sẽ dẫn đến bất ổn vĩ mô (lạm phát), là điều đã
trở nên ưu tiên hàng đầu từ nhiều năm khi Việt Nam luôn phải sống chung với lạm
phát thậm chí từng có năm vọt lên đến cả trăm phần trăm.
Tóm lại, nếu tin
vào những nhận định, đánh giá không thỏa đáng trên của chuyên gia nước ngoài
thì nhà đầu tư trong và ngoài nước chỉ thấy được một bức tranh méo mó về kinh tế
Việt Nam để rồi có những quyết định đầu tư (hoặc không) sai lầm. Nói cách khác,
giá trị của những nhận định, đánh giá của chuyên gia và tổ chức nước ngoài vẫn
luôn là điều bỏ ngỏ.
No comments:
Post a Comment