Bộ Tài chính đang
dự thảo nghị quyết về một số giải pháp thu ngân sách nhằm hỗ trợ doanh nghiệp,
người dân chịu tác động của dịch COVID-19. Theo đó, sẽ giảm 30% số thuế thu nhập
doanh nghiệp phải nộp năm 2021. Hộ kinh doanh và cá nhân kinh doanh sẽ được giảm
50% số thuế phải nộp phát sinh từ hoạt động sản xuất kinh doanh trong quý 3 và
4 năm 2021. Doanh nghiệp và tổ chức hoạt động trong một số nhóm lĩnh vực dịch vụ
sẽ được giảm 30% thuế giá trị gia tăng.
Ngoài ra, cũng sẽ
miễn tiền chậm nộp phát sinh trong năm 2020 và 2021 đối với doanh nghiệp và tổ
chức phát sinh lỗ liên tục trong các năm 2018, 2019 và 2020. Đồng thời, Bộ Tài
chính cũng đề xuất giảm tiền thuê đất cho năm 2021.
Tính gộp tất cả
các giải pháp đã thực hiện từ đầu năm 2021 và các giải pháp đề xuất trên thì số
tiền thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất sẽ hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân năm
2021 là khoảng 138 ngàn tỉ đồng, trong đó gói gia hạn, miễn, giảm thuế, phí, lệ
phí, tiền thuê đất đã ban hành khoảng 118 ngàn tỉ đồng (20 ngàn tỷ đồng còn lại
là từ các giải pháp đang đề xuất) (1).
Số tiền 138 ngàn
tỷ đồng đã và sẽ miễn giảm này tương đương với 9,3% tổng thu ngân sách năm 2020
(1.481,6 ngàn tỷ đồng) nên không thể không thừa nhận rằng đây là một con số lớn,
đồng nghĩa với thâm hụt ngân sách sẽ tăng lên mạnh ít nhất trong năm nay.
Tất nhiên, trong
bối cảnh đại dịch và nhu cầu chi bức thiết để vừa phòng chống đại dịch, vừa duy
trì và phục hồi các hoạt động kinh tế thì sự tăng chi, tăng thâm hụt ngân sách
là điều không thể tránh khỏi đối với không chỉ Việt Nam mà còn hầu hết mọi nước
trên thế giới. Tuy vậy, cách chi thế nào cho hiệu quả và hợp lý là điều cần
bàn.
Về nguyên tắc, miễn
giảm thuế là một cách chi trực tiếp cho doanh nghiệp, hộ và cá nhân. Tuy nhiên,
cách làm này có nhược điểm lớn là đánh đồng mọi doanh nghiệp, hộ và cá nhân như
nhau, bất kể họ có lãi hay không, nhiều hay ít. Điều này tạo ra một sự bất bình
đẳng, cũng tương tự như việc đánh thuế thu nhập cá nhân theo một mức duy nhất,
bất kể người có thu nhập chỉ 10 triệu đồng và người có thu nhập hàng tỉ, chục tỉ
đồng/tháng.
Một phần vì lý do
này mà trên thế giới chỉ có một ít nước là đã ban hành các giải pháp miễn giảm
thuế, đặc biệt là thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế kinh doanh, và thu nhập cá
nhân (2).
Như vậy, nếu muốn
hỗ trợ bằng các giải pháp thuế thì Chính phủ chỉ nên dừng lại ở các giải pháp
chung được nhiều nước sử dụng như hoãn, kéo dài thời gian nộp thuế và miễn, giảm
tiền phạt chậm nộp thuế. Mục đích của việc này chỉ là để tăng thêm thanh khoản
cho nền kinh tế; các đối tượng được hưởng có thêm tiền trong tay để giải quyết
các vấn đề cấp thiết khác trong sản xuất kinh doanh.
Riêng giải pháp
giảm thuế giá trị gia tăng trong một số lĩnh vực dịch vụ thì đây là điều hợp lý
mà một số nước trên thế giới đã thực hiện, và phù hợp với nguyên tắc nêu ở
trong bài này là không miễn giảm thuế một cách đại trà, cho bất cứ đối tượng
nào.
Nói như trên
không có nghĩa là đề xuất Chính phủ không tăng chi cho phòng chống đại dịch và
phục hồi kinh tế. Thay cho việc miễn giảm thuế đại trà, trên diện rộng, Chính
phủ cần tăng chi cho những đối tượng cần hỗ trợ, ví dụ như các đối tượng dễ bị
tổn thương, các doanh nghiệp khó khăn đang phải đối mặt với áp lực sa thải nhân
viên, các nhu cầu duy trì và củng cố hạ tầng cơ sở thiết yếu cho kinh tế xã hội,
cũng như nhu cầu cấp vốn lãi suất thấp cho các doanh nghiệp và hộ sản xuất kinh
doanh để phục hồi kinh tế, đảm bảo việc làm và thu nhập cho người lao động.
Trên khía cạnh
này thì ngoài khoản 118 ngàn tỷ đồng đã thực hiện, không thể đảo ngược lại được
nữa, khoản 20 ngàn tỷ đồng đề xuất từ miễn giảm thuế nói trên cần được chuyển
hóa thành, hoặc bổ sung thêm vào các gói hỗ trợ như gói 26 ngàn tỷ đồng cho người
khó khăn vì dịch hoặc cho doanh nghiệp vay với lãi suất thấp (0%) để trả lương
giữ chân người lao động...
Cũng cần nói thêm
một chút về các biện pháp hỗ trợ đại trà như giảm giá điện, nước, cước viễn
thông... Những biện pháp này về bản chất là cắt giảm chi phí hoạt động, sinh hoạt
cho doanh nghiệp và người dân nhưng chúng lại đang vi phạm nguyên tắc hỗ trợ
đúng đối tượng cần hỗ trợ, bởi doanh nghiệp và người dân có điều kiện, có thu
nhập tốt cũng được hưởng lợi từ việc giảm giá và phí này.
Vì vậy, như ở nhiều
nước khác, việc giảm tiền điện, nước... chỉ được áp dụng cho những hộ, người
dân khó khăn, thu nhập thấp (căn cứ vào mức thu nhập khai báo tính thuế của họ).
Còn người giàu có hơn thì vẫn phải trả giá cước như thường.
Trên hết, để đỡ
làm phức tạp hóa vấn đề và dễ thực thi, hãy gộp các biện pháp hỗ trợ lẻ tẻ, dễ
gây thất thoát không đúng đối tượng này thành một giải pháp hỗ trợ thống nhất như
gói hỗ trợ cho người/doanh nghiệp khó khăn, bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, căn cứ
vào mức doanh thu, thu nhập của họ trong và sau đại dịch.
------
(1) https://tuoitre.vn/se-giam-30-thue-thu-nhap-doanh-nghiep-nam-2021-20210802161904938.htm
(2) https://blogs.worldbank.org/developmenttalk/tax-relief-time-crisis-what-countries-are-doing-sustain-business-and-household
No comments:
Post a Comment