Nước Nhật gần đây đã tiến hành một loạt các biện pháp tiền tệ và tài chính mạnh tay để đưa nước này thoát ra khỏi vũng lầy thiểu phát. Các biện pháp này đã làm đồng yen mất giá đáng kể so với trước đây nhưng lạm phát tại Nhật vẫn đang ở mức âm. Đối với một nền kinh tế phụ thuộc nặng nề vào nhập khẩu nhiều mặt hàng chiến lược, trong đó có dầu mỏ, như Nhật, điều này tỏ ra là một nghịch lý, và càng là nghịch lý hơn nếu khi so với Việt Nam, nơi mà mỗi khi phá giá tiền đồng, mối lo lớn nhất luôn là lạm phát gia tăng mạnh. Trong bài này, chúng ta sẽ thử đưa ra một vài giải thích cho nghịch lý này.
Các biện pháp kích thích của Nhật
Sau nhiều năm vật lộn với thiểu phát không thấy tương lai, đột nhiên Nhật
đang chứng kiến những dấu hiệu khởi sắc không ngờ. Những doanh nghiệp như Sony nay
đã báo lãi lần đầu tiên sau 5 năm thua lỗ, một phần lớn nhờ đồng yen đã mất hơn
¼ giá trị, cải thiện mạnh thu nhập và lãi ròng của Sony nói riêng và các doanh
nghiệp xuất khẩu của Nhật nói chung. Trong khi đó, giá cổ phiếu đã tăng hơn 60% so với 1 năm
trước . Còn về phía người tiêu dùng Nhật vốn thích giữ tiền hơn là chi tiêu
trong thời kỳ thiểu phát, nhiều người nay cũng đã sẵn lòng mở hầu bao mua những
món hàng xa xỉ tại các trung tâm thương mại.
Lý do đằng sau sự khởi sắc này có thể quy cho liệu pháp sốc kinh tế của Thủ
tướng Shinzo Abe, còn được gọi bằng cái tên lóng “Abenomics”. Kế hoạch của ông,
một thử nghiệm kinh tế táo bạo nhất trong thế giới đương đại, bao gồm biện pháp
bơm vào nền kinh tế một lượng lớn tiền mặt cực lớn với lãi suất thấp (tăng gấp
đôi cung tiền sau mỗi 2 năm để hướng đến mục tiêu lạm phát tăng lên 2%), biện
pháp kích thích tài khóa truyền thống nhằm mục đích đưa thâm hụt ngân sách lên
khoảng 11%-12% GDP, và biện pháp tự do hóa văn hóa doanh nghiệp khép kín, hướng
nội nổi tiếng của Nhật. Mục đích nhằm tới của kế hoạch này là tăng thu nhập cho
doanh nghiệp, nhờ đó tăng thu nhập cho người lao động, đồng thời tăng kỳ vọng
lạm phát nhằm kích thích chi tiêu, đầu tư, và phá vỡ vòng xoáy thiểu phát gây
ra bởi sự tụt giảm giá cả và theo đó là tụt giảm kỳ vọng, niềm tin của người
tiêu dùng và nhà đầu tư vào tương lai kinh tế. Lạm phát tăng sẽ là một cú hích
buộc người ta phải mở hầu bao ra chi tiêu trước khi tiền của họ mất giá vì lạm
phát, nhờ đó dập tắt tâm lý dẫn đến thiểu phát rằng càng trì hoãn chi tiêu hôm
nay thì càng có cơ hội mua được hàng hóa với giá rẻ hơn vào ngày sau.
Kết quả bước đầu
Xem ra kế hoạch này đã bước đầu thành công. Tăng trưởng kinh tế trong quý I
đã đạt 3.5% tính theo năm, và, quan trọng hơn, trọng tâm trong kế hoạch của Abe
là phục hồi lòng tin của người tiêu dùng đã được hiện thực hóa khi chi tiêu hộ
gia đình đã chiếm tỷ trọng chính trong mức tăng trưởng này.
Một trong những giải thích hợp lý cho sự “cứng đầu” của thiểu phát ở Nhật
nằm ở yếu tố địa chính trị. Tuy động cơ của liệu pháp Abenomics là tạo ra lạm
phát nhưng một “tác dụng phụ” của nó là làm đồng yen suy yếu so với đồng won
Hàn Quốc, và đặc biệt là đồng yuan của Trung Quốc, ảnh hưởng tiêu cực đến xuất
khẩu của 2 nước này, vốn là những nước đối tác thương mại lớn nhất của Nhật.
Việc “làm nghèo hàng xóm” này của Nhật, dù có vẻ là không cố ý, có khả năng sẽ
dẫn đến xung đột thương mại với 2 nước này, đặc biệt là Trung Quốc vốn đang rất
nhạy cảm với Nhật kể từ sau vụ Nhật quốc hữu hóa mấy hòn đảo có tranh chấp với
Trung Quốc. Sự trả đũa từ 2 nền kinh tế này (dưới dạng chiến tranh tiền tệ,
hàng rào thương mại cho nhập khẩu từ Nhật, và sự kiểm soát chặt với đầu tư từ
Nhật v.v...) tại một thời điểm nào đó là điều khó tránh khỏi.
Bởi thế, sự phục hồi kinh tế dựa vào một đồng yen yếu của Nhật xem ra khó
có thể kéo dài. Và một thực tế là vốn đầu tư cố định của các công ty Nhật đã
không tăng đáng kể dù xuất khẩu của họ tăng mạnh cho thấy ngay bản thân giới
quản lý các công ty Nhật cũng không tin tưởng vào khả năng kéo dài của một đồng
yen yếu làm điểm tựa lâu dài cho tăng trưởng xuất khẩu và lợi nhuận của họ.
Nói cách khác, liệu pháp Abenomics vẫn chưa chế ngự được sự hoài nghi vào
tương lai đã ăn sâu ở một bộ phận lớn trong xã hội Nhật sau cả gần 2 thập kỷ
mất mát, hoặc vẫn còn sớm để chứng kiến tác dụng của nó trên lĩnh vực này, và
vì thế giá cả tại Nhật vẫn tiếp tục sụt giảm bất chấp đồng yen đã mất giá mạnh
cho đến nay.
Ở Việt Nam, với cơ chế neo tỷ giá, việc
chủ động phá giá tiền đồng thường khá hãn hữu trong những năm qua. Nếu có, việc
phá giá thường chỉ là một hành động bắt buộc, miễn cưỡng phải làm dưới áp lực
của thị trường sau mỗi thời kỳ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nới lỏng chính sách
tiền tệ quá mức gây áp lực lên lạm phát và sự lên giá thực của tiền đồng so với
ngoại tệ. Bởi thế, không phải ngẫu nhiên, những thời điểm phá giá tiền đồng lại
trùng hợp với những thời điểm lạm phát đang có xu hướng đi lên. Điều này vừa
gây ra ngộ nhận rằng phá giá là nguyên nhân chính gây ra lạm phát ở Việt Nam,
vừa phóng đại tác động của phá giá lên lạm phát thông qua kênh nhập khẩu lên
quá mức thực tế.
Mặt khác, lòng tin tiêu dùng, đầu tư
ở Việt Nam hầu như chưa bao giờ bị làm thui chột hoàn toàn như ở Nhật, vì Việt
Nam kể từ sau Đổi mới đến nay đều liên tục tăng trưởng với tốc độ khá, chưa
phải trải qua một năm thiểu phát nào theo đúng nghĩa của nó. Vì vậy, không như
ở Nhật, ở Việt Nam khi chính sách tiền tệ được nới lỏng, kết hợp với tăng thu
nhập từ tăng xuất khẩu nhờ phá giá tiền đồng, thông thường chi tiêu, tổng cầu
và nhập khẩu sẽ tăng theo, từ đó làm tăng áp lực lạm phát. Ngược lại, dấu hiệu
suy giảm tăng trưởng tổng cầu và lòng tin 2 năm gần đây ở Việt Nam cho thấy áp
lực từ phá giá hay tăng giá xăng dầu, điện nước v.v... lên lạm phát xem ra
không còn lớn như trước nữa, trong khi cung tiền vẫn tăng mạnh.
Tóm lại, có thể không nói quá rằng điều
nghịch lý ở Nhật so với Việt Nam phần lớn là do sự thiếu vắng lòng tin vào
tương lai làm người dân và doanh nghiệp tiếp tục thận trọng với việc mở hầu bao
chi tiêu.
Phụ lục
Có nhiều người thắc mắc rằng, vể mặt kỹ thuật, khi
đồng yen mất giá làm giá hàng nhập khẩu tăng lên, tại sao CPI của Nhật vẫn
không tăng?
Trả
lời: Thực tế này diễn ra không chỉ ở Nhật mà còn có thể xảy ra ở nhiều nước
khác, kể cả Việt Nam trong một số hoàn cảnh (đặc biệt khi tăng trưởng tổng cầu
suy yếu). Trong bảng số liệu về giá trị
và chỉ số giá nhập khẩu dưới đây, giá trị nhập khẩu được nêu ở cột A và B của
bảng (đơn vị là tỷ yen). Cột C và D cho biết chỉ số giá nhập khẩu. Nhìn vào các
cột này ta thấy, quả thật, đi kèm với sự mất giá của đồng yen là sự tăng lên về
giá trị nhập khẩu và giá hàng hóa nhập khẩu nói chung đắt lên. Giá trị và lượng nhập khẩu của Nhật | ||||||
Giá trị nhập khẩu | Chỉ số giá nh.khẩu | Lượng nhập khẩu | ||||
2012 | 2013 | 2012 | 2013 | 2012 | 2013 | |
A | B | C | D | E=A/C | F=B/D | |
Tháng 1 | 5992 | 6429 | 104 | 116 | 57 | 56 |
Tháng 2 | 5413 | 6062 | 106 | 120 | 51 | 50 |
Tháng 3 | 6285 | 6634 | 113 | 122 | 56 | 54 |
Tháng 4 | 6090 | 6657 | 113 | 124 | 54 | 54 |
Nguồn: tradingeconomics.com |
Đem
chia cột A cho C và B cho E ta có được những con số có thể coi là tổng lượng
nhập khẩu. So sánh năm 2013 với năm 2012 (cột E và F), ta thấy lượng nhập khẩu
thực tế giảm đi trong năm 2013 so với cùng kỳ năm 2012. Điều này có nghĩa là
rất có thể vì giá hàng nhập khẩu tính bằng yen đã tăng nên rốt cuộc, vì gánh
nặng chi tiêu tăng lên, người Nhật phải cắt giảm lượng nhập khẩu (chẳng hạn họ
phải tìm cách tiêu dùng ít đi, ví dụ như tắt điều hòa hoặc để điều hòa ở nhiệt
độ cao hơn để giảm lượng điện tiêu thụ từ đó giảm lượng than hay dầu chạy máy
phát điện; dùng hàng trong nước sản xuất thay thế hàng nhập khẩu – là điều mà
tác giả đã giải thích rõ trong bài trên TBKTSG đầu tháng 4).
Với
lượng hàng nhập khẩu ít đi để bù trừ cho giá hàng nhập khẩu tính bằng yen đã
tăng lên, rốt cuộc tác động lên lạm phát từ kênh nhập khẩu sẽ không lớn như
người ta vẫn tưởng. Quan trọng hơn, một phần của hàng nhập khẩu nay đã được
thay thế bởi hàng sản xuất trong nước đã trở nên rẻ hơn sau khi yen mất giá,
làm cho mặt bằng giá cả trong nước không tăng nhiều, và thậm chí còn giảm nếu
mức độ thay thế đủ lớn. Nhu cầu hàng nhập khẩu yếu đi cũng làm cho nhà nhập
khẩu không dám điều chỉnh tăng giá bán tại Nhật theo sự mất giá của yen (cũng
tương tự tình trạng xảy ra với mặt hàng ô tô nhập khẩu ở Việt Nam). Họ sẽ có
thể phải cắt giảm bớt lợi nhuận, chịu phần thiệt về phía mình để giữ khách. Tất
cả các yếu tố này kết hợp với lòng tin tiêu dùng nói chung vẫn còn yếu ở một bộ
phận lớn trong xã hội Nhật đã kìm giữ lạm phát của Nhật ở mức thấp, thậm chí là
thiểu phát mặc dù yen đã mất giá mạnh.
Bài của bác khá hay, giải thích tương đối cụ thể, bác có liên hệ thực tế đến VN. Tuy rằng bước đầu như nhiều nhà phân tích chính sách đánh giá về chính sách kinh tế mới của ông Abe có ít nhiều thành công, nhưng phải chờ thêm một thời gian nữa. Như bác đánh giá, nhìn bề ngoài có vẻ diễn ra như lý thuyết khi Nhật phá giá tiền tệ và tung ra các gói kích thích kinh tế mạnh tay nhằm vực dậy nền kinh tế vốn nhiều năm thiểu phát.
ReplyDeleteEm chỉ thắc mắc thêm, trong trường hợp phá giá đồng tiền yen, thì làm cho giá nhập khẩu các mặt hàng tăng lên, người Nhật có thể dùng hàng trong nước thay thế, hoặc cắt giảm tiêu dùng, hoặc giảm nhập khẩu. Em nghĩ cái đó cũng đúng là một phần, bởi vì người Nhật cũng rất năng động, có thể họ tìm kiếm các nước khác để nhập khẩu thay thế cho những mặt hàng với giá rẻ hơn, hoặc yêu cầu các đối tác truyền thống bên ngoài giảm giá (chia sẻ khó khăn), ... Em cũng bổ sung, hầu hết những mặt hàng mà Nhật nhập khẩu chắc gì mua trong nước với giá rẻ hơn hoặc giá ngang giá nhập khẩu bởi chi phí ở Nhật rất cao.
Có gì mong bác chỉ giáo thêm!
Nếu đồng chí ở Nhật thì đồng chí sẽ biết là có nhiều hàng của Nhật vẫn rẻ hơn là hàng tương đương nhập khẩu. Logic thực ra rất đơn giản: Không rẻ hơn hàng nước khác sản xuất (hàng hóa tương đương) thì làm sao Nhật lại xuất khẩu hàng của họ nhiều thế, mà xuất ngay sang những nước đang phát triển, chứ chẳng phải là nước đã phát triển như Mỹ, Âu đâu nhé.
ReplyDeleteMột ví dụ, ô tô Đức nhập khẩu vẫn được coi là ô tô hạng sang ở Nhật, thường chỉ có người trên trung lưu mới mua, còn người làm công ăn lương thường chỉ dùng xe nội địa, hoàn toàn chẳng phải vì họ yêu nước quá đáng! Vậy khi giá nhập khẩu xe Đức tăng lên thì sẽ có nhiều người từ bỏ ý định mua xe nhập mà mua xe nội địa với giá thấp hơn (không đổi, vì niêm yết bằng yen). Ví dụ, trước đây, trong gói hàng hóa tính CPI, cứ 10 chiếc ô tô thì có 3 chiêc nhập khẩu. Nay vì giá nhập khẩu tăng nên vẫn gói 10 chiếc ô tô đó nay chỉ còn 1 chiêc nhập khẩu, kết cục là giá bình quân của 10 chiếc ô tô lưu hành trong nước chỉ còn, ví dụ, 90% so với trước đây. Tức là giá cả trong nước đã giảm đi.
Thực ra tớ cũng không rõ lắm cách tính CPI, nhưng tớ cứ suy theo logic thông thường là như trên, trúng thì tốt, mà không trúng thì đồng chí cũng nhẹ tay phang tớ nhé!