Bài viết này dựa
trên quan sát và ghi chép của tác giả thu được qua một số cuộc viếng thăm các cơ
quan Việt Nam và Mỹ thường trú tại Việt Nam gần đây, nhằm cung cấp một số quan
điểm trái chiều có liên quan đến TPP nhìn từ hai phía để giúp bạn đọc có cái
nhìn toàn diện hơn về cuộc đàm phán TPP giữa Mỹ và Việt Nam (Lưu ý, bài viết
không lặp lại mô tả chi tiết TPP).
Nhìn từ phía Việt
Nam, một quan điểm phổ biến là Mỹ cần Việt Nam và tìm cách lôi kéo Việt Nam vào
cuộc chơi TPP mà Mỹ cầm trịch (không có Trung Quốc và nước này cũng không được
Mỹ mời vào TPP). Vào TPP, Mỹ hy vọng Việt Nam sẽ thành một nước có thế và lực mạnh
hơn với kinh tế phát triển nhờ TPP để thoát khỏi vòng ảnh hưởng cũng như kìm
hãm sự lan tỏa ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực, cốt có lợi cho Mỹ. Để đổi
lại động cơ chính trị này, Mỹ sẵn sàng thỏa hiệp và chịu ép với Việt Nam trong
một số lĩnh vực kinh tế và xã hội, như mở cửa thị trường Mỹ cho hàng xuất khẩu
của Việt Nam...
Tuy tin như vậy,
nhưng phía Việt Nam vẫn giữ một con mắt nghi ngờ, quan ngại với lập trường mà họ
cho là “tiêu chuẩn kép” của Mỹ. Theo họ, một mặt Mỹ muốn, buộc các nước thành
viên khác mở cửa cho hàng hóa và dịch vụ của Mỹ xâm nhập nhưng mặt khác Mỹ lại
tìm cách gây khó dễ, đóng cửa với hàng hóa và dịch vụ của các nước thành viên đối
tác của mình, đặc biệt là một nước đang phát triển như Việt Nam với một thế yếu
mà Mỹ đã và sẽ lợi dụng triệt để. Những biện pháp gây trở ngại này của Mỹ thường
sẽ là quy tắc xuất sứ sợi (Yarn Forward), danh sách loại trừ, những vấn đề liên
quan đến nhân quyền, công đoàn, môi trường, tôn giáo và chuyển giao công nghệ,
và một số cản trở phi thuế quan khác. Nhận định này đã hiện diện trong các vòng
đàm phán với Việt Nam và là một trong những trở ngại chính cho việc sớm đi đến
thỏa thuận.
Ngược lại, theo
quan điểm của phía Mỹ thì thực ra mức độ
quan tâm của Mỹ đến Việt Nam không lớn như phía Việt Nam nghĩ. Đúng là Mỹ có ý
muốn Việt Nam tham gia TPP nhưng điều này chỉ đơn thuần là Mỹ muốn nhìn thấy một
Việt Nam phát triển ổn định về chính trị và kinh tế. Thậm chí họ còn cho rằng nếu Mỹ buông Việt Nam
thì Trung Quốc cũng chẳng thu được lợi ích đáng kể nếu lôi kéo được Việt Nam
rơi vào lãnh địa của mình, nếu xét đến sự khác biệt quá lớn về quy mô kinh tế,
lãnh thổ và dân số của Trung Quốc và Việt Nam và Trung Quốc cũng chẳng vì thế
mà mạnh hơn lên nhiều.
Sự quan tâm của Mỹ
đến Việt Nam càng suy giảm hơn với sự tham gia của Nhật vì Nhật là một đối tác
kinh tế lớn của Mỹ và giữa 2 nước này chưa có một hiệp định tự do thương mại
song phương (TPP cũng đóng vai trò như một hiệp định tự do thương mại song
phương). Vì thế Mỹ phải tập trung nỗ lực hơn vào cuộc đàm phán với Nhật thay vì
Việt Nam. Nội dung và thỏa thuận đàm phán với Nhật cũng sẽ là tiêu chuẩn để Mỹ
áp dụng trong đàm phán với Việt Nam nên cuộc đàm phán Việt Mỹ sẽ càng trở nên
phức tạp và rắc rối hơn, và cũng như vậy là tương lai gia nhập TPP của Việt
Nam.
Một điểm đáng lưu
ý là Chính phủ Mỹ không có nhiều quyền kiểm soát trong các thỏa thuận TPP với
Việt Nam như với hiệp định tự do thương mại song phương Việt – Mỹ, không chỉ vì
TPP còn phải trình Nghị viện Mỹ, nơi bị chi phối nặng nề bởi các nhóm lợi ích
(trong đó có các công ty dệt may) và lực lượng chính trị, phê chuẩn, mà còn vì
Chính phủ Mỹ phải tôn trọng các hiệp định tự do thương mại song phương với các
nước khác như Mexico và Peru, sao cho tiêu chuẩn của các thỏa thuận với Việt
Nam không thấp hơn tiêu chuẩn ký kết với, hoặc làm tổn hại đến các nước này.
Phía Mỹ còn cho rằng
phía Việt Nam có quá nhiều đòi hỏi không chính đáng làm cho phía Mỹ ngán ngẩm, vì Việt Nam coi TPP cũng là một thỏa thuận
song phương, mà thực ra không phải là vậy. Nguyên nhân cho vấn đề này, theo
phía Mỹ, có thể là sự thiếu hiểu biết về bản chất của TPP của phía Việt Nam.
Thêm một thực tế
là Cơ quan đại diện thương mại Mỹ đã có một người lãnh đạo mới và vị này thì rất
ít thông cảm với Việt Nam, thay vào đó rất có cảm tình với Nhật. Ngoài ra, Cơ
quan này cũng đang phải đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Đại Tây Dương (TAP)
nên sự quan tâm cho cuộc đàm phán với Việt Nam càng trở nên ít đi. Mỹ cũng khó
mà thỏa hiệp được với Việt Nam về điều khoản quan trọng nhất trong TPP là quy định
Yarn Forward để có thể xâm hại đến quyền lợi của các đối tác của Mỹ ở châu Âu,
Phi và Trung Đông trong một chuỗi cung ứng sản phẩm tạo ra nhiều triệu công ăn
việc làm trong ngành dệt may. Tóm lại, giữa 2 bên đã có sự khác biệt khá lớn về quan điểm và nhận định cũng như các mối quan tâm về đối phương. Cộng thêm với sự ràng buộc chính trị và xã hội trong nước, các bất đồng và có cả nghi kị, kèm theo sự gia nhập mới đây của Nhật làm cho quá trình đàm phán TPP trở nên phức tạp và khó khăn hơn. Vì thế nhiều nhà quan sát nghi ngờ khả năng cán đích hoàn tất đàm phán tháng 10 tới đây, mặc dù các nhà lãnh đạo khẳng định quyết tâm về đích đúng hạn.
Khà khà, hay ! Có thế chứ để cho các Bác nhà mình bớt hoang tưởng đi!
ReplyDeleteKính gửi anh Ngọc,
ReplyDeleteLòng vòng cũng không biết hỏi ai, phải đi hỏi anh vậy. EM hỏi về cái Taylor rule tí anh ạh. Trong mô hình có cái lãi suất thực cân bằng. Em không biết tính như thế nào để có cái này, anh giúp em với nhé. Cảm ơn anh nhiều.
Em Long, Người ngưỡng mộ tài năng của anh, hihi.
Đồng chí hỏi cái này nên hôm nay tớ mới tìm hiểu và... biết nó là cái gì, hehe. Kết quả tìm hiểu cho thấy lãi suất thực cân bằng trong công thức nguyên bản của Taylor chính là real federal funds rate và thường được lấy giá trị bằng 2%. Nói cách khác, cái này không cần ta phải tự tính toán, mà coi như given.
ReplyDeleteNói thế hơi khó hiểu, đồng chí có thể dùng công thức sau để tính:
r = p + .5y + .5(p - 2) + 2
where r is the federal funds rate
p is the rate of inflation over the previous four quarters
y is the percentage deviation of real GDP from a target.
Cái hay của công thức này là không cần phải bận tâm đến lãi suất thực cân bằng là cái gì, bằng bao nhiêu, tính thế nào...
Cảm ơn anh, mất công anh tìm hiểu từ sáng đến giờ, hihi.
DeleteCông thức anh nêu là dùng cho thị trường Mỹ anh ạ, và Taylor đã tìm ra được các con số cụ thể, trong đó lãi suất thực cân bằng là 2. Nhưng nếu tính toán cho thị trường khác thì lãi suất thực cân bằng ko thể là 2, ví dụ VN chẳng hạn.
Anh thấy nếu tính cho Việt Nam thì fed funds rate của Mỹ nó tương với cái nào anh nhỉ. Lãi suất cơ bản thì vứt rồi, bất động mấy năm nay, LS tái cấp vốn thì, lãi suất thị trường mở thì chẳng có cái nào tương ứng với fed funds rate cả.
Em Long,
Taylor rule theo tớ hiểu thì hình như là một sự đúc rút từ số liệu thực tế của một giai đoạn trong lịch sử kinh tế Mỹ. Như thế có nghĩa là ở mỗi nước thì có thể sẽ có một rule cho riêng nó. Nhưng nước nào thì cũng chung nhau một nguyên tắc với Taylor rule là lãi suất cơ sở của NHTW nên ở mức lớn hơn lạm phát.
DeleteSuy ra đối với VN, có mấy cái khó. Thứ nhất, nếu dựa vào số liệu lịch sử của VN để tính toán tương tự như đồng chí Taylor để rút ra được một cái rule ví dụ gọi là Long rule thì kết quả sẽ ra một cái rule vớ vẩn, đơn giản vì số liệu của ta là số liệu không xa với "đểu" là mấy. Thứ hai, như đồng chí đã chỉ ra, VN ta có cái tiên tiến là cũng có nhiều loại lãi suất nhưng chẳng có cái nào được thiết kế và đảm đương đúng vai trò của nó cả nên Long rule nếu có thì cũng vất đi. Thứ ba, không biết mục đích của đồng chí tính toán để làm gì, nhưng nếu để định đề xuất NHNN áp dụng thì tớ can vì cho đến nay trong NHNN và mấy đồng chí nãnh đạo và chuyên ra thông thái vẫn còn có luồng ý kiến có sức chi phối mạnh rằng lạm phát là do lãi suất cao nên phải hạ lãi suất để hạ lạm phát. Hơn nữa, chừng nào bộ máy hiện tại còn tồn tại thì mọi đề xuất nâng lãi suất đều thuộc dạng khó chấp nhận vì nó sẽ ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng, là điều húy với giới nãnh đạo hiện nay. Suy ra, mọi công thức đều chẳng có giá trị bằng, đều vô nghĩa với một quyết tâm chính trị, các giải pháp quyết liệt phấn đấu.
Tóm lại, nếu muốn làm cho mục đích ví dụ làm luận văn thạc sĩ thì cứ lấy đại lãi suất cơ bản của NHNN, tính toán búa xua một hồi rồi kiến nghị rằng đấy là công thức tính lãi suất NHNN nên áp dung theo kiểu Taylor. Còn nếu cho những mục đích nghiêm túc, cao cả hơn thì tốt nhất là không nên làm, đỡ phí công.
À quên không nói thêm rằng Long rule hay Taylor rule cũng sẽ bị xếp xó ở VN vì NHNN và các chuyên ra vẫn ưa thích cách set lãi suất (và thay vì lãi suất cơ bản thì lại đặt lãi suất huy động trần) dựa vào lạm phát KỲ VỌNG trong các quý tới (và là kỳ vọng của NHNN/Chính phủ, không phải kỳ vọng của dân chúng), chứ không phải là lạm phát trong các quý đã qua. Thế mới hay chứ. Quả là một sáng tạo giàu tính... sáng tạo của VN.
Delete