Bản gốc này khác với bản đăng trên TBKTSG ở chỗ là tớ đã điều chỉnh lại vị trí của VN trong các xếp hạng, với các nước được xếp hạng từ cao đến thấp, thay vì từ thấp đến cao như trong bản trên TBKTSG dế gây hiểu lầm.
--------------------------------------------------------------
2, 3 năm gần đây
lãi suất cho vay ở Việt Nam liên tục bị ngay cả nhiều chuyên gia phàn nàn là
quá cao so với mức trung bình của thế giới và khu vực, làm cho các doanh nghiệp
Việt Nam không thể cạnh tranh nổi với doanh nghiệp nước ngoài, nơi có lãi suất
thấp hơn nhiều. Nhưng rất ít người có thể thấy được sự thật đằng sau bức tranh
lãi suất danh nghĩa cao này.
Bài viết này sẽ sử
dụng số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB) để so sánh một số chỉ tiêu vĩ mô và
tài chính ở Việt Nam với một số nước khác trên thế giới và khu vực để phân tích
một số vấn đề liên quan đến lãi suất của Việt Nam trong mối tương quan với lãi
suất ở những nước khác.
Lãi suất cho vay danh nghĩa của Việt Nam khá cao
Trong số 128 quốc
gia có số liệu về lãi suất cho vay năm 2012 (cột 1) thì lãi suất cho vay trung
bình cả năm của Việt Nam ở mức 13,5%/năm, đứng ở vị trí thứ 40 (xem bảng trên;
giá trị xếp từ cao đến thấp). Mức lãi suất cho vay bình quân của 128 nước này
là 12%/năm, mức trung vị là 10,6%, và của 5 nước ASEAN là 7%/năm. Như vậy, lãi
suất cho vay danh nghĩa ở Việt Nam đứng ở thứ hạng khá cao so với thế giới và
khu vực.
Nhưng lãi suất cho vay ròng của Việt Nam lại tương
đối thấp
Tuy lãi suất cho
vay danh nghĩa khá cao so với thế giới và khu vực, nhưng lãi suất cho vay ròng của
Việt Nam (cột 2) lại ở mức rất thấp. Trong số 122 nước có số liệu lãi suất cho
vay ròng năm 2012 thì Việt Nam đứng ở vị trí 96, với mức 2,3%/năm, so với mức
trung bình 7% của thế giới, mức trung vị là 5,6%, và của khu vực là 4,7%. Ngay
cả những nước mà ta cứ tưởng là có lãi suất cho vay thấp như Mỹ và Nhật nhờ
chính sách lãi suất gần 0% của các Ngân hàng Trung ương, mà cũng đã có lãi suất
cho vay ròng lên tới 1,5% và 2,3%, chưa kể đối thủ cạnh tranh chính của Việt
Nam là Trung Quốc với 4,1%.
Như vậy, có thể
nói lãi suất cho vay của Việt Nam hoàn toàn ở mức rất “chừng mực” so với thế giới
và khu vực. Lý do ở đây chủ yếu là vì lạm phát của Việt Nam cao hơn rất nhiều
so với mức bình quân của khu vực và thế giới, như nói dưới đây.
Nguyên nhân là do lạm phát của Việt Nam đứng ở mức
cao
Trong số 202 nước
có số liệu lạm phát năm 2012 (cột 3), Việt Nam có mức lạm phát đứng thứ 29 thế
giới, ở mức 9,1%/năm, cao hơn nhiều so với mức trung bình của thế giới là 5,6%, mức trung vị là 3,7% và
của ASEAN 5 là 3,3%. Lạm phát cao làm cho lãi suất cho vay ròng (điều chỉnh
theo lạm phát) của Việt Nam trở nên thấp tương đối so với quốc tế và khu vực.
Với lạm phát của Việt Nam cao như vậy thì
đương nhiên không thể đòi hỏi lãi suất (huy động và cho vay) thấp được.
Và hệ thống ngân hàng Việt Nam không hưởng siêu
chênh lệch lãi suất cho vay và huy động
Một lời cáo buộc
nữa thường thấy của các chuyên gia đối với hệ thống ngân hàng Việt Nam là các
ngân hàng đã và đang hưởng chênh lệch lãi suất cho vay và huy động quá lớn. Thực
tế, nhìn vào cột 4 ở bảng trên có thể thấy NIM của Việt Nam tuy ở mức 3%/năm
nhưng chỉ là mức rất khiêm tốn so với thế giới và khu vực (ở vị trí thấp hàng
thứ 124 trên tổng số 140 nước). Mức trung bình của thế giới là 7%, mức trung vị
là 6,1% và của ASEAN 5 là 3,9%. Như vậy, thực tế này cho thấy lãi suất cho vay
của Việt Nam đang ở mức hoàn toàn “có chừng mực” so với lãi suất huy động, chứ
không phải quá cao để mà cần phải kéo tụt lãi suất cho vay xuống hơn nữa nhằm
ngăn không cho các ngân hàng hưởng siêu lợi nhuận từ “siêu chênh lệch” giữa lãi
suất cho vay và huy động.
Lời buộc tội lãi suất cho vay cao làm giảm tính cạnh
tranh của doanh nghiệp Việt Nam chỉ đúng một nửa!
Như đã nói ở
trên, ngay cả nhiều chuyên gia cho rằng vì lãi suất cho vay danh nghĩa ở Việt
Nam cao hơn nhiều so với thế giới và khu vực nên làm tăng giá thành hàng hóa và
dịch vụ ở Việt Nam, làm giảm tính cạnh tranh của chúng trên thị trường quốc tế.
Thực tế chỉ đúng
thế NẾU tiền đồng không được phá giá tương ứng so với mức chênh lệch về lãi suất
giữa Việt Nam và các nước khác. Hãy lấy một ví dụ đơn giản. Giả sử lãi suất đi
vay của một doanh nghiệp Việt Nam nào đó cao hơn 5 điểm phần trăm so với một
doanh nghiệp Trung Quốc làm đội chi phí tài chính lên, dẫn đến giá thành sản xuất
của doanh nghiệp Việt Nam này cao hơn của doanh nghiệp Trung Quốc 2%. Trên thị
trường xuất khẩu, quả là doanh nghiệp Việt Nam sẽ kém cạnh tranh hơn khi có giá
thành cao hơn 2% nếu mọi yếu tố khác, như tỷ giá tiền đồng và nhân dân tệ so với
đô la Mỹ, không thay đổi. Nhưng giả sử tiền đồng lúc này bị phá giá 3%, trong
khi tỷ giá nhân dân tệ/đô la Mỹ không thay đổi. Lúc đó, mặc dù doanh nghiệp Việt
Nam đã phải chịu lãi suất đi vay bằng tiền đồng cao hơn doanh nghiệp Trung Quốc
đi vay bằng nhân dân tệ, nhưng chi phí sản xuất quy đổi ra đô la Mỹ của doanh
nghiệp Việt Nam lại thấp hơn của doanh nghiệp Trung Quốc nhờ tiền đồng phá giá ở
mức lớn hơn chênh lệch chi phí sản xuất do chênh lệch lãi suất ở thời điểm trước
khi phá giá. Điều đó có nghĩa là hàng hóa sản xuất ở Việt Nam với lãi suất tiền
đồng cao hơn các nước khác nhưng tính cạnh tranh về giá vẫn có thể không bị suy
giảm, thậm chí còn được cải thiện nếu tiền đồng được phá giá ở mức độ đủ lớn.
Nếu Việt Nam
không phá giá đủ lớn, như đã xảy ra trong năm 2012 theo bảng trên, với mức phá
giá chỉ có 1,6% so với năm 2011 (cột 5), trong khi mức phá giá trung bình của
thế giới là 5,2%, mức trung vị là 3,2%, và mức trung bình của ASEAN 5 là 1,3%.
Trong bối cảnh lãi suất cho vay danh nghĩa của Việt Nam cao hơn các nước khác rất
nhiều (cột 1), việc phá giá tiền đồng ở mức không đáng kể như thế đương nhiên
làm suy giảm nghiêm trọng tính cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam.
Bài học về tính cạnh
tranh bằng giá cả ở đây là lãi suất cao bao nhiêu không quan trọng bằng phải
xem lạm phát đã ở mức độ nào trong tương quan với lãi suất, và tỷ giá có được
điều chỉnh một cách tương ứng và phù hợp hay không.
Tóm lại, phân
tích các số liệu về lãi suất, lạm phát và tỷ giá đã cho chúng ta thấy được những
sự thật và cả những hiểu lầm đằng sau bức tranh lãi suất danh nghĩa tưởng như rất
rõ ràng, hiển nhiên.
như mình thấy là nó quá cao ấy chứ
ReplyDeletelioa
on ap
sua lioa
sua on ap