08:34 | 22/09/2012
Quyết định 1623/QĐ-NHNN và Thông tư 24/TT-NHNN do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành ngày 23.8 được cơ quan này coi là liều thuốc đặc trị sự bất kham của thị trường vàng trong thời gian qua.
Cụ thể, Quyết định 1623 đã chính thức công bố việc tổ chức và quản lý sản xuất vàng miếng SJC thuộc độc quyền NHNN và nó làm nền tảng pháp lý để nhà điều hành bổ sung nguồn cung vàng miếng, can thiệp thị trường khi cần thiết, nhất là những khi xảy ra sốt vàng. Còn Thông tư 24 thì cấm các tổ chức tín dụng vay và cho vay vốn bằng vàng đối với khách hàng và các tổ chức tín dụng khác; họ cũng không được gửi vàng tại tổ chức tín dụng khác; không được thực hiện các nghiệp vụ ủy thác, đầu tư và các hình thức cấp tín dụng khác bằng vàng.
Tuy vẫn còn chút bán tín bán nghi nhưng tại thời điểm ban hành các quyết định trên thì đa phần giới chuyên gia đều có nhận định khá tích cực về tính hiệu quả của các giải pháp quản lý thị trường vàng như thế này của NHNN.
Thế nhưng thực tế đã nhanh chóng chứng tỏ các giải pháp trên không có mấy tác dụng như kỳ vọng trong việc bình ổn giá vàng cũng như ngăn chặn sốt vàng. Giá vàng trong nước đã nhanh chóng tăng vọt kể từ thời điểm ban hành những quy định trên và vượt mức 47 triệu đồng/lượng vàng SJC gần đây. Tất nhiên, cũng cần phải nói rằng giá vàng thế giới trong thời gian qua cũng gia tăng nhanh chóng, vượt trên ngưỡng 1.700 USD/oz. Tuy vậy, không thể đổ lỗi gây ra cơn sốt vàng trong nước hoàn toàn là do giá vàng thế giới tăng, đơn giản vì giá vàng quốc tế nếu quy ra USD thì thường thấp hơn giá vàng trong nước đến cả 1 - 2 triệu VND/oz hoặc hơn. Cũng cần nhắc lại lời cam kết của NHNN không xa trước đây trong việc bình ổn giá vàng trong nước bám sát giá vàng thế giới ở khoảng cách 400.000 VND/lượng.
Vậy thì các giải pháp trên không ổn ở chỗ nào? Thực ra, các nguyên nhân đều khá đơn giản nếu suy từ các nguyên tắc kinh tế thị trường. Thứ nhất, các quy định trên đã biến một thị trường từ chỗ “trăm người bán, vạn người mua” thành một thị trường “vạn người mua, một số ít người bán”, cho dù lượng hàng hóa mang ra mua bán có thể là không phải là quá ít ỏi. Một thị trường như vậy thì quyền lực thuộc về kẻ bán và sẽ làm nảy sinh những rào cản để giá hàng hóa tiệm cận được với mức giá thực được xác định bởi cung thật và cầu thật, đặc biệt là khi những kẻ bán trên phối hợp với nhau để trục lợi, lũng đoạn thị trường (là việc trở nên dễ dàng hơn so với trước đây vì nay chỉ còn một số ít kẻ bán, dễ thông đồng và hợp sức với nhau hơn).
Thứ hai, các quy định trên đã biến một thị trường từ chỗ có nhiều hàng hóa cùng chủng loại để lựa chọn thành một thị trường chỉ có duy nhất một chủng loại và từ duy nhất một nhà cung cấp. Việc quy định NHNN độc quyền nhãn hiệu vàng SJC là một trường hợp điển hình như thế này. Vì chỉ còn một loại hàng hóa để giao dịch thay vì nhiều loại khác nhau như trước đây, đương nhiên loại hàng hóa độc quyền này không thể thỏa mãn được nhu cầu hiện tại trên thị trường và sẽ gây ra sốt giá.
Thứ ba, NHNN đã tiến thêm một bước nữa trong việc chất thêm củi vào cơn sốt vàng bằng việc cách ly thị trường vàng trong nước với thị trường vàng thế giới (ví dụ, không cấp hạn ngạch nhập khẩu vàng, không cho lập sàn giao dịch vàng qua thanh khoản). Thông thường, sự ngăn sông cấm chợ như vậy sẽ dẫn đến hậu quả tất yếu là hàng hóa trong khu vực cách ly đó sẽ trở nên khan hiếm hơn và vì thế giá cả sẽ tăng lên. Nếu biết được quy luật cơ bản của thị trường như vậy thì lẽ ra NHNN không nên mạnh bạo tuyên bố/kỳ vọng rằng sẽ ổn định được giá vàng trong nước ở khoảng cách 400.000 VND/lượng so với giá vàng thế giới.
Tất nhiên ta cũng nên hiểu rằng, NHNN có cái khó của mình là vừa muốn neo giá vàng (theo giá quốc tế) lại vừa không muốn để một lượng lớn ngoại tệ bốc hơi khỏi quỹ dự trữ ngoại hối của mình nên mới không cho nhập khẩu hoặc mở thanh khoản giao dịch vàng. Có lẽ họ hy vọng hoặc cho rằng lượng vàng hiện có trong nước đủ lớn để thỏa mãn tất cả nhu cầu trong các cơn sốt vàng, và vấn đề còn lại chỉ là làm thế nào để huy động được số vàng trong nước sẵn sàng cho mục đích can thiệp mỗi khi có biến động đột xuất về cầu.
Thế nhưng quan niệm kiểu này, nếu có, thì vẫn là sai lầm vì, cũng theo nguyên tắc thị trường, trong bối cảnh bình thường thì nhu cầu huy động sẵn vàng (ví dụ, thông qua hệ thống ngân hàng) rồi để đấy đợi sốt mới tung ra bán (gọi chính xác thì đây chính là nhu cầu đầu cơ) sẽ không thể ở mức lớn để có thể thỏa mãn được mọi nhu cầu tăng đột ngột do sốt vàng (nhất là khi nhu cầu đầu cơ này lại cho mục đích nhân đạo là ổn định thị trường theo yêu cầu hành chính của NHNN được). Và như thế thì khi xảy ra sốt vàng, nguồn lực vàng trong nước cho dù có lớn đến đâu cũng không thể dập tắt nhanh chóng được cơn sốt mà phải đợi thị trường tự điều chỉnh, hoặc có sự chủ động can thiệp của NHNN bằng cách tung vàng dự trữ (nếu có nhiều) hoặc cho nhập khẩu vàng. Nếu quỹ dự trữ ngoại hối (cả vàng và ngoại tệ) là không đủ lớn thì NHNN phải chấp nhận để cho cơn sốt vàng xảy ra và kéo dài cho đến khi thị trường tự điều chỉnh. Nói cách khác, tuyên bố về ổn định giá vàng theo giá thế giới của NHNN như vừa qua là hết sức phản thị trường.
Có thể hình dung ra một khả năng là NHNN sẽ phải thay đổi, rút lại các quy định quản lý vàng hiện tại của mình khi nhận thức rõ tính phi thị trường và vô hiệu của chúng. Nếu không, thị trường vàng thậm chí còn tiếp tục bất ổn và ở mức độ lớn hơn trước.
No comments:
Post a Comment