08:38 | 30/08/2012
Một số ngân hàng thương mại vừa được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho phép nâng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng quanh mức từ 15 - 17%/năm lên mức trên 25%, thậm chí tới 30%/năm.
Trước thực tế này, một số chuyên gia đã lên tiếng lo lắng về khả năng lạm phát sẽ quay trở lại như là kết quả của việc tăng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng. Tuy không giải thích rõ ràng mối liên hệ giữa việc nới chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng với khả năng lạm phát quay trở lại, những chuyên gia này có đề cập đến khả năng hấp thụ vốn thấp và lấy đó làm bối cảnh cho mối lo ngại về lạm phát của mình.
Theo họ, trong bối cảnh nền kinh tế vẫn đang khó hấp thụ vốn, thể hiện ở chỉ số tồn kho vẫn đứng ở mức cao và sức mua của thị trường sụt giảm làm cho doanh nghiệp không mặn mà với việc tiếp tục vay vốn để tiếp tục kinh doanh và đầu tư mới, nếu các ngân hàng thương mại gượng ép tăng trưởng tín dụng theo hạn mức tăng trưởng mới thì các doanh nghiệp có khả năng sẽ “làm liều”, “nhắm mắt” nhưng không phải cho mục đích kinh doanh, đầu tư mà cho mục đích xử lý rủi ro cho việc đầu tư chứng khoán, bất động sản trong quá khứ.
Đến đây, ta có thể phần nào hình dung cơ sở của mối lo ngại về lạm phát từ hạn mức tăng trưởng tín dụng của các chuyên gia này là nằm ở chuyện nếu vốn sử dụng không “khéo”, không đúng mục đích, không hiệu quả thì sẽ gây ra lạm phát, một vấn đề tương tự mà cả nền kinh tế đã và đang đối mặt nếu nhìn từ hiệu quả sử dụng vốn đầu tư thấp của nền kinh tế nói chung trong các năm qua.
Có thể thấy nỗi lo ngại nói trên không có cơ sở vững chắc. Trước tiên, cần thấy rằng việc theo đuổi tăng trưởng tín dụng (trong chỉ tiêu) là quyền lợi chứ không phải là nghĩa vụ của các ngân hàng thương mại, ở cái nghĩa là ngân hàng không phải tăng trưởng tín dụng bằng mọi giá. Vì vậy, nếu chỉ dựa trên chuyện tăng chỉ tiêu như thế này mà lo ngại rằng ngân hàng sẽ phải “ép” để đạt được tăng trưởng tín dụng theo hạn mức bằng cách nhắm mắt làm ngơ cho các doanh nghiệp “làm liều” thì mối lo ngại này là không logic, đơn giản vì ngân hàng chẳng cần phải “ép” nếu họ thấy rủi ro, không có lợi khi nhắm mắt theo đuổi tăng trưởng tín dụng.
Tiếp theo, điều kiện cần để lạm phát quay trở lại là cung tiền của NHNN tăng lên đáng kể, tạo điều kiện dẫn đến tăng tổng cầu, từ đó tăng (áp lực) lạm phát. Một trong những điều kiện đủ cho lạm phát quay trở lại là cung tiền tăng lên từ NHNN được dẫn dụ thông qua kênh ngân hàng thương mại đi vào nền kinh tế dưới dạng tăng tín dụng (và thường phải tăng hơn mức tăng tổng cung). Nói cách khác, tăng tín dụng từ (một số) ngân hàng thương mại không nhất thiết làm tăng lạm phát.
Nhìn lại tình hình Việt Nam hiện tại. Thực tế là cung tiền của NHNN đã tăng mạnh với các mục đích và/hoặc như là kết quả của việc hỗ trợ thanh khoản ngân hàng, kích thích tăng trưởng kinh tế, và mua ngoại tệ. Lạm phát đã thực sự quay trở lại, trước cả khi các ngân hàng được phép tăng hạn mức tăng trưởng tín dụng, biểu hiện bằng chỉ số CPI tháng 8 ở các thành phố lớn đã chuyển sang dương và tăng đáng kể (tại thời điểm viết).
Như vậy, có thể khẳng định ngay rằng lạm phát “tái hồi” như hiện tại bắt nguồn một phần từ nới lỏng cung tiền của NHNN trong suốt nửa năm vừa qua hoặc trước đó nữa. Nếu trong thời gian tới, với lo ngại sự tái hồi của lạm phát ở mức độ nghiêm trọng hơn, NHNN có thể thắt chặt lại chính sách tiền tệ, giảm cung tiền. Khi đó, vì lượng tiền cung ra nền kinh tế trở thành hữu hạn nên tăng trưởng tín dụng của (nhóm) ngân hàng A nào đó sẽ được bù trừ bởi suy giảm tăng trưởng tín dụng của (nhóm) ngân hàng B nào đó, và tổng lượng tín dụng cung cấp cho nền kinh tế thông qua kênh ngân hàng thương mại là một con số không đổi, tức là không tạo thêm áp lực tăng lạm phát. Ngược lại, chỉ khi nào NHNN trong thời gian tới tiếp tục tăng cung tiền để tạo điều kiện tăng trưởng tín dụng trong cả hệ thống ngân hàng thì mới có thể có cơ sở để lo ngại lạm phát tăng từ việc tăng hạn mức tăng trưởng tín dụng.
Cần nhấn mạnh rằng, việc NHNN tiếp tục tăng cung tiền trong thời gian tới mới chỉ là cơ sở để lo ngại lạm phát tăng, chứ chưa phải là khả năng chắc chắn lạm phát sẽ tăng, khi xét thêm điều kiện đủ nói trên.
Tín dụng cho cả nền kinh tế tuy mới tăng trưởng ở mức thấp (dưới 2% so với cuối năm 2011), nhưng đã là tăng trưởng dương. Điều này chứng tỏ rằng điều kiện đủ nêu trên, tăng cung tiền từ NHNN được dẫn dụ thông qua kênh ngân hàng thương mại làm tổng tín dụng cho nền kinh tế tăng lên (và tăng hơn mức tăng tổng cầu), đã xảy ra (tuy không hoàn hảo vì mức tăng trưởng tín dụng vẫn thấp xa so với mức tăng cung tiền từ NHNN trong nửa đầu năm nay), và góp phần làm lạm phát quay trở lại mức dương trong tháng 8 này. Có điều, vì tổng tín dụng chỉ mới tăng ở mức thấp như vậy nên có thể thấy một điều rằng cầu tín dụng vẫn ở mức thấp, có thể bắt nguồn từ chuyện tồn kho tăng cao v.v… đúng như nhìn nhận của các chuyên gia nói trên.
Trong bối cảnh cầu tín dụng tiếp tục ở mức yếu như vậy, việc một số ngân hàng được tăng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng và nếu giả thiết rằng họ có thể hiện thực hóa được chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của mình thì điều này sẽ chỉ dẫn đến một kết cục là tăng trưởng tín dụng ở các ngân hàng khác phải giảm đi tương đối. Nói cách khác, tổng tín dụng từ hệ thống ngân hàng rốt cuộc có thể chỉ tăng ở mức độ khiêm tốn cho dù một số trong các ngân hàng đã được nới rộng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng và hiện thực hóa được chỉ tiêu đó. Nếu kết hợp thêm với khả năng NHNN sẽ siết lại cung tiền trong thời gian tới như phân tích ở trên thì ảnh hưởng của việc nới chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng lên lạm phát càng trở nên mờ nhạt.
Anh Ngọc viết bài này lộn xộn quá nên hơi dài dòng và khó hiểu. Theo tôi, về nguyên tắc việc một số ngân hàng thương mại được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho phép nâng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng sẽ không ảnh hưởng đến lạm phát vì các ngân hàng này vay của nhau hoặc huy động của dân để tăng cho vay, làm cho tổng lượng tiền trong nền kinh tế không đổi. Anh quên không phân tích chuyện các ngân hàng này còn có thể vay dân để cho vay nên không nhất thiết tăng trưởng tín dụng ở các ngân hàng này làm cho các ngân hàng khác phải giảm đi.
ReplyDeleteAnh cũng quên không lưu ý ngoài cung tiền tăng lên từ NHNN được dẫn dụ thông qua kênh ngân hàng thương mại, còn có chuyện cung tiền qua kênh ngân sách... Bản thân ngân khố chính phủ cũng có tiền dự trữ, nếu số này được đưa ra thì cũng làm tăng tổng cung tiền tệ lưu thông.
Tôi tin rằng với tình hình này sẽ không có chuyện NHNN siết lại cung tiền trong thời gian tới đâu.
Chúc anh tận hưởng 2 ngày nghỉ cuối tuần vui vẻ.
Anh Đ. thân mến
DeleteVề ý thứ nhất anh phê phán: “Anh quên không phân tích chuyện các ngân hàng này còn có thể vay dân để cho vay nên không nhất thiết tăng trưởng tín dụng ở các ngân hàng này làm cho các ngân hàng khác phải giảm đi”. Tôi nghĩ thế này, chuyện các ngân hàng có thể vay dân là điều đương nhiên, và cần giả thiết/ngầm định hiểu rằng tổng lượng tiền có thể huy động từ dân từ trước đến nay (từ lúc chưa nới hạn mức đến lúc nới hạn mức) là không đổi, nên sau khi tăng hạn mức, rõ ràng một (nhóm) ngân hàng A tìm cách nào đó tăng được tín dụng cho vay bằng cách tăng được huy động thì sẽ dẫn đến hậu quả là một (nhóm) ngân hàng B sẽ phải giảm huy động và tăng trưởng tín dụng tương ứng.
Về ý phê phán thứ hai của anh, “Anh cũng quên không lưu ý ngoài cung tiền tăng lên từ NHNN được dẫn dụ thông qua kênh ngân hàng thương mại, còn có chuyện cung tiền qua kênh ngân sách... Bản thân ngân khố chính phủ cũng có tiền dự trữ, nếu số này được đưa ra thì cũng làm tăng tổng cung tiền tệ lưu thong”. Tôi lập luận rằng cung tiền qua ngân sách vẫn phải được tính vào tổng cung tiền từ NHNN. Mà tổng cung tiền của NHNN thì tôi đã bàn đến, chứ không phải là bỏ sót. Vì Chính phủ không tự in tiền ra được nên tiền từ ngân sách được tung ra thì phải giảm tiền từ một nguồn nào đó đi, vì tổng cung tiền không đổi. Còn về tiền dự trữ của Chính phủ cũng vậy, tôi nghĩ không phải là Chính phủ để tiền đó trong két sắt, mà có thể là gửi ở Kho bạc Nhà nước. Đến lượt mình, Kho bạc Nhà nước lại đem gửi/đầu tư (một phần) số tiền đó vào đâu đó trong nền kinh tế (có thể là gửi ngân hàng thương mại). Nên khi Chính phủ rút tiền dự trữ để tung ra lưu thông thì sẽ ảnh hưởng đến cung tiền từ các nguồn khác (ví dụ tiền huy động của ngân hàng thương mại bị sụt giảm tương ứng), nên rốt cuộc tổng tiền lưu thông không đổi.
Nếu anh lập luận rằng Chính phủ vẫn giữ một phần dự trữ trong két sắt và lúc tung ra sẽ làm tăng tổng cung tiền thì tôi cũng có thể lập luận rằng mặc dù là tiền dự trữ của Chính phủ nhưng không phải là Chính phủ muốn làm gì thì làm, phải có nguyên tắc chi tiêu, đặc biệt là các khoản dự trữ, nếu không thì Chính phủ chẳng cần phải huy động bằng trái phiếu làm gì. Và nói cho cùng, việc gì phải huy động dự trữ khi chỉ cần ới một câu thì NHNN phải in tiền trong những cái gọi là “hoàn cảnh cấp thiêt”.
Chắc tôi vẫn diễn giải lủng củng (dạo này tư duy xuống cấp quá, anh thông cảm nhé), nên có chỗ nào chưa thông thì anh cứ nêu ra tiếp nhé.