Có lẽ câu hỏi này không bao giờ là cũ với đại bộ phận người
có tài sản đầu tư, bởi tài sản của
người ta cũng thăng trầm theo thời gian, trong khi thị trường các loại tài sản
thì luôn biến động làm cho danh mục đầu tư của một người nào đó thoạt đầu có thể
là lý tưởng nhưng rốt cuộc lại trở nên lỗi thời trước diễn biến mới trên thị
trường của các loại tài sản.
Vì mục đích đầu tư, mức
độ chấp nhận rủi ro, mức độ dấn thân vào các thị trường, khả năng tính toán, khả
năng “lỳ đòn” với thị trường, khối lượng tài sản, cơ cấu tài sản, và mục đích
chi tiêu tài sản, và cả... vận may v.v... của từng người là khác nhau nên chắc
chắn không thể đưa ra một câu trả lời chung nên đầu tư vào đâu cho hiệu quả nhất
đối với tất cả mọi người. Bởi vậy, những ai vẫn có thể dõng dạc cho lời khuyên rằng
nên đầu tư vào một loại tài sản nào đó, ví dụ, gửi tiết kiệm, là có lợi nhất
thì đó là một lời khuyên vô dụng, để đó cho vui mà thôi, thậm chí là nguy hiểm
với những người chậm chân, đến muộn.
Nói vậy nhưng không có
nghĩa là không có những nguyên tắc đầu tư chung làm cơ sở để từng người cân nhắc
và áp dụng xây dựng cho mình một danh mục đầu tư hợp lý nhất trong khả năng của
mình.
Nguyên tắc thứ nhất và
quan trọng nhất, khoản đầu tư nào mang lại lợi nhuận cao, nhất là trong thời
gian ngắn, thì thường là những khoản đầu tư có độ rủi ro cao. Nói cách khác,
không có tài sản nào vừa an toàn (tuyệt đối) lại vừa sinh lãi cao cả. Bởi vậy,
nếu ai theo đuổi lợi nhuận thì nên đầu tư vào những tài sản có biên độ biến động
giá mạnh, như vàng và kim loại quý/kim loại mầu. Tất nhiên là những nhà đầu tư
tiềm năng vào những loại tài sản này nên chuẩn bị sẵn tinh thần chịu thua lỗ
vài chục phần trăm trong một vài tuần.
Ngược lại, với những người
có tinh thần “chắc ăn” thì hầu như chắc chắn đó là khoản gửi tiết kiệm, là khoản
đầu tư tuy có mức sinh lời tối thiểu nhưng cũng có tính rủi ro ít hơn (nhưng
không phải là không có rủi ro, ví dụ, khi lạm phát có xu hướng tăng nhanh).
Nguyên tắc thứ hai, để tránh
tạo thêm rủi ro thì nên đầu tư bằng cùng một loại tài sản giống nguồn thu/huy động.
Nên nhớ rằng “tay không” không phải lúc nào cũng “bắt được giặc”. Sẽ là rất rủi
ro nếu, chẳng hạn, vay USD bán đi mua tiền đồng rồi gửi tiết kiệm hưởng chênh lệch
lãi suất.
Tương tự, để tránh tạo
thêm rủi ro thì cũng nên đầu tư vào loại tài sản nào mà rốt cuộc thì người chủ
phải dùng loại tài sản đó để chi tiêu hoặc thanh toán, nhất là trong ngắn hạn.
Chẳng hạn, nếu có một khoản tài sản đủ để mua một bất động sản nào đó ở Việt
Nam (bằng VND) trong nửa năm tới thì có thể cân nhắc đến việc hoán đổi các tài
sản của mình ra VND và đem gửi tiết kiệm ngắn hạn. Tất nhiên, về nguyên tắc là
vẫn có thể dùng tài sản đó để mua vàng, USD hoặc chứng khoán v.v... rồi bán đi
thu về VND trong vòng mấy tháng này, nhưng không ai chắc chắn được lợi nhuận
thu được từ những tài sản này lớn hơn lãi gửi tiết kiệm, đó là chưa kể trường hợp
“cụt” cả vốn, không mua được nhà nữa do thị trường biến động mạnh.
Nguyên tắc thứ ba, đầu
tư vào một loại tài sản nào đó có lời nhiều hay không chỉ mang tính thời điểm,
trước khi hành vi đầu tư bầy đàn làm biến mất cơ hội sinh lời đó, chỉ còn lại
cơ hội thua lỗ. Ví dụ, cổ phiếu nói chung và cổ phiếu của một doanh nghiệp nào
đó có thể mang lại một lợi nhuận trong mơ, nhưng điều này chỉ đúng, chỉ xảy ra
trong vòng một giờ, vài giờ, hoặc vài ngày, cho những nhà đầu tư nhanh chân nhất,
cả lúc đến và lúc thoát ra. Do đó, đừng nên bắt trước hay hỏi ý kiến người bên
cạnh, đặc biệt là các chuyên gia!
Nguyên tắc thứ tư, kỳ hạn
có thể đầu tư càng ngắn trong khi nhu cầu phải bảo toàn vốn càng cao (ví dụ, sắp
phải trả tiền cho con học ở nước ngoài) thì chỉ nên đầu tư vào những tài sản
nào có tính an toàn tương đối nhất (và tất nhiên là mức sinh lời cũng kém nhất).
Trong ví dụ về trả tiền học cho con bằng ngoại tệ, nếu từ nay đến lúc phải trả
tiền chỉ là một thời gian ngắn, tính bằng tuần, bằng tháng thì có lẽ nên cân nhắc
mua ngoại tệ và gửi vào ngân hàng với kỳ hạn ngắn.
Ngược lại, khoản tài sản
hiện có có tính nhàn rỗi lâu dài, tính bằng năm, thì kênh đầu tư sẽ đa dạng
hơn, và lúc này thì khẩu vị rủi ro và khả năng riêng của từng người sẽ giúp quyết
định được nên đầu tư vào đâu cho phù hợp với “tạng” của mình nhất.
Nguyên tắc thứ năm, mức
độ, khả năng và thời gian dấn thân, kỹ năng, kinh nghiệm, trình độ phân tích
v.v... càng nhiều thì mới nên đa dạng hóa (và luân chuyển thường xuyên) các hạng
mục tài sản trong danh mục đầu tư của mình. Nhìn chung, với sự đầu tư kiểu “tay
mơ” thì kết quả mang tính may rủi, “được chăng hay chớ” là nhiều hơn. Với những
người này, cũng có thể cân nhắc hình thức ủy thác đầu tư cho những quỹ chuyên
nghiệp, có uy tín.
Ngoài ra còn một số
nguyên tắc khác, nhưng những nguyên tắc trên là những nguyên tắc cơ bản giúp mỗi
nhà đầu tư tiềm năng khám phá được mình cần gì, và nên làm gì với khoản tài sản
của mình.