Bộ Tài chính mới đây cho biết, trong 10 tháng đầu năm
2014, cả nước mới sắp xếp được 96 doanh nghiệp nhà nước (DNNN), trong đó cổ phần
hóa 75 doanh nghiệp trong tổng số 432
doanh nghiệp thuộc diện cổ phần hóa trong 2 năm 2014 – 2015, chưa kể số
DNNN tiếp tục thực hiện rà soát theo tiêu chí, danh mục phân loại DNNN mới ban
hành kèm theo Quyết định số 37/2014/QĐ-TTg ngày 18/6/2014. Trước thực trạng
này, Bộ Tài
chính lại thêm một lần nữa phải thừa nhận rằng quá trình sắp xếp, cổ phần hóa
diễn ra chậm hơn so với yêu cầu đặt ra.
Lý giải sự chậm chễ này, Bộ Tài chính tiếp tục đưa ra những
lý do cũ, cả khách quan và chủ quan, như tác động của cuộc khủng hoảng tài chính
thế giới và những khó khăn của kinh tế trong nước, ảnh hưởng đến thị trường tài
chính, chứng khoán và kế hoạch bán cổ phần ra công chúng của các doanh nghiệp cổ
phần hóa cũng như thoái vốn đầu tư; một số Bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh
tế, tổng công ty nhà nước chưa chỉ đạo quyết liệt và tích cực tổ chức triển
khai phương án sắp xếp, cổ phần hóa và thoái vốn; Nhận thức của một số bộ phận
cán bộ ở các cấp, các ngành và các doanh nghiệp về chủ trương tái cơ cấu doanh
nghiệp tuy đã có chuyển biến nhưng chưa hiểu đúng ý nghĩa quan trọng của việc
tái cơ cấu doanh nghiệp đối với phát triển kinh tế - xã hội; Đối tượng sắp xếp,
cổ phần hóa hiện nay hầu hết là các doanh nghiệp có quy mô lớn, phạm vi hoạt động
rộng, kinh doanh đa ngành nghề, tài chính phức tạp nên cần có nhiều thời gian
chuẩn bị, xử lý v.v...
Bất chấp ý chí quyết tâm
và sự thúc giục quyết liệt của những nhà lãnh đạo đảng và chính phủ nhằm thúc
đẩy cổ phần hóa qua những chỉ đạo và những nghị quyết, thực tế chậm chễ trong
cổ phần hóa hiện nay, với những nguyên nhân cũ mòn, cho thấy dường như ý chí quyết
tâm và quyết liệt này thôi là chưa đủ. Điều cần có là những hành động quyết
liệt để hiện thực hóa được sự quyết tâm và quyết liệt này.
Xem xét lại những nguyên
nhân mà Bộ Tài chính đưa ra bên trên để lý giải cho sự chậm chễ cổ phần hóa, dễ
thấy chúng không phải là những nguyên nhân thỏa đáng, như phân tích dưới đây.
Trước tiên, khủng hoảng
tài chính thế giới và những khó khăn của kinh tế trong nước đã hiện diện từ dăm
năm nay, chứ không phải mới đây, và càng không phải là xảy ra sau thời điểm các
cơ quan hữu trách lên kế hoạch cổ phần hóa để mà nói rằng khủng hoảng và khó
khăn kinh tế là bất ngờ, đã làm đảo lộn, gây khó dễ cho kế hoạch cổ phần hóa
DNNN của chính phủ một cách khách quan, bất khả kháng.
Thêm nữa, kinh tế càng
khủng hoảng, càng khó khăn thì mới càng cần phải tích cực, càng phải hành động
quyết liệt để cổ phần hóa DNNN nhằm cắt bớt gánh nặng ngân sách, đồng thời có
thêm một nguồn thu dùng vào việc khắc phục những khó khăn kinh tế. Nếu cứ mong,
cứ đợi khi nào kinh tế phục hồi, hết khó khăn thì mới cổ phần hóa thì đó chỉ là
một sự phó thác thụ động, và nếu có phục hồi thì lúc đó nhu cầu cổ phần hóa lại
bớt “quyết liệt” đi nhiều vì một số DNNN có thể lại ăn nên làm ra khi đó, làm
người ta quên lãng chuyện cổ phần hóa.
Thứ hai, như đã nói, cho
đến nay đã có nhiều nghị quyết, với những chỉ đạo quyết liệt từ các cấp lãnh
đạo, thế mà vẫn còn tình trạng: “... một
số Bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước chưa chỉ đạo quyết
liệt và tích cực tổ chức triển khai phương án sắp xếp, cổ phần hóa và thoái vốn”,
như Bộ Tài chính thừa nhận.
Điều này chứng tỏ những nghị quyết trên, đi kèm với những
răn đe, ví dụ như quy trách nhiệm cho người đứng đầu DNNN và các cơ quan nhà nước
liên đới nếu không hoàn thành nhiệm vụ cổ phần hóa thì sẽ bị mất chức v.v... đã
không được đưa vào thực tiễn bởi các cấp thừa hành. Người ta buộc phải đặt câu
hỏi, sao không thấy chính phủ quyết liệt xử lý tình trạng này, chẳng hạn bằng
cách tiến hành kỷ luật hoặc công khai một trường hợp điển hình nào đó làm trái những
chỉ đạo cổ phần hóa để làm gương răn đe những trường hợp “chưa chỉ đạo quyết liệt
và tích cực tổ chức triển khai” khác đang và sẽ còn tiếp tục diễn ra?
Thứ ba, tương tự như vậy
là nguyên nhân: “Nhận thức của một số bộ
phận cán bộ ở các cấp, các ngành và các doanh nghiệp về chủ trương tái cơ cấu
doanh nghiệp tuy đã có chuyển biến nhưng chưa hiểu đúng ý nghĩa quan trọng của
việc tái cơ cấu doanh nghiệp đối với phát triển kinh tế - xã hội”.
Những cán bộ có liên quan đến việc cổ phần hóa DNNN có thể
nói đều là những người đang ở các vị trí quản lý, có đầy đủ năng lực nhận thức
cần thiết để mà “hiểu đúng ý nghĩa quan trọng của việc tái cơ cấu doanh nghiệp”,
đặc biệt là khi việc tái cơ cấu đã trở thành chủ trương xuyên suốt trong chính
sách của đảng, nhà nước, được tuyên truyền sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân.
Vậy thì cái sự “chưa hiểu đúng ý nghĩa” này chỉ có thể được hiểu là, hoặc người
ta đã cố tình chậm chễ cổ phần hóa để trục lợi, hoặc là họ thiếu trách nhiệm. Những
cán bộ rơi vào một trong hai trường hợp này đều cần bị trừng phạt thích đáng. Nhưng
tiếc là cho đến nay cũng chưa thấy có trường hợp cán bộ nào như thế này bị nêu
tên và/hoặc bị trừng phạt vì hành vi “chưa hiểu đúng”.
Thứ tư, nguyên nhân “cần có nhiều thời gian chuẩn bị, xử
lý”, do đối tượng doanh nghiệp được cổ phần hóa quá lớn, phức tạp v.v... cũng có
thể được xem như chỉ là một sự biện minh cho hành động trục lợi hoặc thiếu
trách nhiệm của một số cán bộ liên đới. Cổ phần hóa đã có cả một thời gian dài
hàng chục năm chuẩn bị, và những đối tượng doanh nghiệp này cũng đã nằm trong tầm
ngắm, được dự trù làm đối tượng cổ phần hóa từ lâu. Những trở ngại về pháp lý
liên quan đến cổ phần hóa như chuyện định giá tài sản, thoái vốn v.v... cũng đã
và đang lần lượt được khắc phục. Do đó, cổ phần hóa nếu có bị chậm chễ trong những
trường hợp này thì chủ yếu là do sự thiếu quyết liệt của những cá nhân và tổ chức
liên đới vì một lý do nào đó, như đã nói ở điểm 2 và 3 ở trên.
Và cuối cùng, cũng cần phải nói thêm rằng sự chậm chễ không chỉ
do thiếu hành động quyết liệt, mà nó còn bắt nguồn từ trong nhận thức của nhiều
nhà hoạch định chính sách. Chẳng hạn, tâm lý cổ phần hóa nhưng nhà nước vẫn phải
giữ cổ phần chi phối trong một số doanh nghiệp sau cổ phần hóa đã làm cho nhiều
nhà đầu tư tư nhân trong và ngoài nước nản lòng vì phải đối mặt với viễn cảnh
sau cổ phần hóa nhưng quản trị doanh nghiệp hầu như về cơ bản sẽ chẳng có gì
thay đổi theo chiều hướng tốt hơn, minh bạch hơn trước cổ phần hóa.
Ngay cả việc cho rằng vì có sự đi xuống của thị trường
tài chính, chứng khoán nên cần phải thận trọng với kế hoạch bán cổ phần ra công
chúng của nhiều doanh nghiệp (chủ yếu bằng cách thu nhỏ khối lượng cổ phần chào
bán vì sợ thị trường “ngập lụt” với nguồn cung cổ phiếu mới, làm cho việc cổ phần
hóa bị thất thu) cũng là một nhận thức không xác đáng. Cho dù thị trường có đi
xuống, nhưng nếu là “hàng” tốt, có giá chào bán phải chăng thì sẽ được thị trường
chào đón bằng những nguồn lực trong và cả ngoài nước, đủ để dẹp nỗi lo “ngập lụt”
thị trường. Ngược lại, chính vì chủ trương bán nhỏ giọt cổ phần ra công chúng
do nỗi lo sợ này lại càng làm cho nhà đầu tư trong và ngoài nước thêm nản lòng
vì tỷ lệ sở hữu ít ỏi của họ không giúp họ có được tiếng nói trong hội đồng quản
trị doanh nghiệp sau cổ phần hóa.
Tóm lại, những điểm nêu trên cho thấy sự chậm chễ cổ phần
hóa thực ra có nguyên nhân do thiếu vắng những hành động quyết liệt hiện thực
hóa các chính sách cổ phần hóa, bên cạnh một số nhận thức bất hợp lý về cổ phần
hóa và thị trường.
Cái vụ cổ phần hóa (thực ra là tư nhân hóa) rất khó, bởi vì hậu của cổ phần hóa. Dễ gì những người đương chức, đương quyền, lợi ích bám chặt vào các DNNN từ bỏ lợi ích của họ. Cơ bản của việc này là phải xóa bỏ tư duy cũ, bỏ lợi ích nhóm. Ngoài ra phải có người tư lệnh bản lĩnh, dám nghĩ dám làm (dám đổi mới) thì may ra.
ReplyDeleteP/S: Bác ơi, chuyện kinh tế Nhật Bản mấy hôm nay đang "hot", bác bớt chút thời gian phân tích chính sách kinh tế của ông Shinzo Abe cho đến thời điểm này có những ưu và nhược gì, liệu tương lai kinh tế Nhật có sáng sủa không bác!???