Khu vực kinh tế FDI đang ngày càng đóng vai trò quan trọng,
được ví như một trong 4 động lực tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam (bên cạnh
nông nghiệp, doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân). Tuy vậy, trong bối cảnh
nền kinh tế đang trải qua thời kỳ tăng trưởng chậm lại sau giai đoạn mở cửa và
cất cánh với sự đóng góp tích cực và rõ ràng của FDI, đồng thời khu vực FDI bộc
lộ một số tiêu cực như chuyển giá, ô nhiễm môi trường, trả lương thấp và môi
trường làm việc khắc nghiệt v.v... ngày càng có nhiều người hoài nghi về vai
trò và đóng góp thật sự của FDI đối với nền kinh tế Việt Nam.
Ngay cả một đóng góp hiển nhiên và hết sức quan trọng của
FDI cho nền kinh tế Việt Nam là chuyển giao, lan tỏa công nghệ và kỹ thuật – yếu
tố thiết yếu cho sự phát triển và thịnh vượng của mỗi quốc gia – cũng bị nhiều
người xem nhẹ khi cho rằng các doanh nghiệp FDI không hoặc không tích cực, miễn
cưỡng chuyển giao công nghệ, hoặc chuyển giao công nghệ từ FDI là không đáng kể,
thể hiện qua số lượng hợp đồng kinh tế với doanh nghiệp FDI có điều khoản chuyển
giao công nghệ chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng số (có thống kê cho biết con số
đâu như 10%).
Trong bài này ta sẽ làm rõ hơn về vai trò của khu vực FDI
trong phát triển kỹ thuật và công nghệ đối với nước tiếp nhận, cũng như các điều
kiện để tối ưu hóa vai trò tích cực này của FDI.
Với phần lớn các nước đang phát triển, tiến bộ công nghệ
thường chỉ là quá trình du nhập và áp dụng công nghệ sẵn có từ nước ngoài, chứ
không phải là quá trình sáng tạo ra công nghệ (mới). Bởi vậy, chuyển giao và
làm lan tỏa công nghệ là một trong những tiền đề để xây dựng được năng lực công
nghệ nội địa. Trên giác độ này, FDI đóng vai trò rất quan trọng trong các hoạt
động công nghệ cao và cung cấp trọn gói kiến thức, trong khi đó hoạt động
R&D của nó không chỉ còn được gói gọn ở quê hương của mình mà đang lan rộng
ra các nước đang phát triển, góp phần nâng cao trình độ công nghệ của các nước
này.
FDI có thể chuyển giao và làm lan tỏa công nghệ ở nhiều dạng,
cả phần cứng và phần mềm, chính thức hay ngầm định, và thường thông qua sự
tương tác với các doanh nghiệp địa phương, bên cạnh kênh R&D mà doanh nghiệp
FDI tiến hành ngay tại nước bản địa.
Về phần cứng, công nghệ nằm sẵn trong các hàng hóa tư bản
như máy móc và thiết bị. Khi nền kinh tế sở tại mua/tiếp nhận máy móc thiết bị
thì hoặc mặc nhiên (ngầm định), hoặc theo thỏa thuận (chính thức) trong hợp đồng
kinh tế, nó sẽ được hưởng các công nghệ và kỹ thuật hiện tại hoặc mới của thế
giới cũng như kỹ năng và kiến thức cần thiết để sử dụng và làm chủ công nghệ và
thiết bị đó.
Về phần mềm – yếu tố (ngày càng) quan trọng hơn – nó có
thể bao gồm các kỹ năng quản lý, tổ chức
và điều hành sản xuất. Trong ngắn hạn, nền kinh tế sở tại sẽ được hưởng lợi do
cải thiện năng suất, có thêm sản phẩm mới và hạ giá thành sản xuất nhờ tiếp nhận
công nghệ và kỹ năng mới. Trong dài hạn hơn, sự hưởng lợi này sẽ phụ thuộc vào
chính khả năng của nền kinh tế sở tại trong việc phát triển năng lực riêng của
mình dựa trên những công nghệ và kỹ năng mới tiếp thu, cũng như khả năng nhân rộng
những công nghệ và kỹ năng này ra toàn nền kinh tế, chứ không chỉ gói gọn trong
doanh nghiệp và ngành kinh tế tiếp nhận công nghệ và kỹ năng đó.
Sự tương tác giữa doanh nghiệp FDI và bản địa sẽ giúp
tăng cường mức độ lan tỏa công nghệ và kiến thức nhờ một số kênh như bắt trước,
học và làm theo, tăng sự cạnh tranh, các liên kết chuỗi hạ nguồn và cả thượng
nguồn, đào tạo và tăng tính lưu động của thị trường lao động có kỹ năng. Ví dụ,
khi một doanh nghiệp FDI thâm nhập vào ngành nào đó, nó sẽ áp dụng cách thức sản
xuất mới, công nghệ mới, hệ thống mua hàng và phân phối sản phẩm mới, hình thức
marketing mới, tuyển dụng và đạo tạo mới... Những điều này có thể là mới mẻ với
doanh nghiệp địa phương, tạo nên nhu cầu bắt trước và học hỏi từ phía chúng, từ
đó tạo ra một loạt tập quán, thông lệ mới cũng như một trình độ sản xuất mới
cao hơn.
Sự xuất hiện của doanh nghiệp FDI còn mang đến sự cạnh
tranh mới, buộc những doanh nghiệp địa phương trong cùng ngành phải ra sức tự
nâng cấp trình độ công nghệ và năng lực sản xuất, tiêu thụ sản phẩm của mình nếu
không muốn bị đào thải khỏi cuộc chơi. Quá trình này tất yếu sẽ buộc các doanh
nghiệp địa phương phải du nhập công nghệ mới và kỹ năng tổ chức và quản trị mới
mà chẳng cần phải một cơ quan chính quyền nào can thiệp, thúc giục.
Hoặc sự tương tác với doanh nghiệp địa phương còn ở dạng
doanh nghiệp FDI sẽ đặt hàng cung ứng sản phẩm đầu vào và dịch vụ (liên kết chuỗi
hạ nguồn và thượng nguồn) từ doanh nghiệp địa phương. Ví dụ, một doanh nghiệp
FDI trong ngành chế tạo máy sẽ đặt hàng doanh nghiệp địa phương cung ứng bao bì
đóng gói sản phẩm. Việc này không những giúp phát triển ngành bao bì in ấn và
các dịch vụ, sản phẩm ăn theo, mà còn phát triển ngành thượng nguồn từ sản xuất
giấy nguyên liệu đến làm bìa carton, cùng với đó là việc du nhập và áp dụng các
công nghệ mới phù hợp với các ngành này. Cũng cần lưu ý một thực tế rằng khi
cung ứng sản phẩm và dịch vụ cho các doanh nghiệp FDI, các doanh nghiệp bản địa
phải khá vất vả đáp ứng một loạt các điều kiện và tiêu chuẩn do doanh nghiệp
FDI đặt ra để đảm bảo chất lượng và giá thành tối ưu của sản phẩm và dịch vụ mà
họ đặt hàng. Quá trình điều chỉnh để đáp ứng được những điều kiện và quy định
này tự thân nó đã là một quá trình nâng cấp công nghệ nói chung, từ phần cứng đến
phần mềm, của doanh nghiệp bản địa nói riêng, cũng như của nền kinh tế bản địa
nói chung. Đó là chưa kể trong nhiều trường hợp, các doanh nghiệp FDI khi đặt
hàng thường cũng sẽ cung cấp các trợ giúp công nghệ, kỹ thuật, kiến thức, kỹ
năng, và cả phần cứng (vật tư, phương tiện, thiết bị...) đã gói ghém trong đó
nhiều công nghệ và bí quyết mới.
Liên quan đến lợi ích lan tỏa này, một số người lại cho rằng
ở Việt Nam phần lớn lợi ích này rơi vào tay các doanh nghiệp FDI khác liên đới.
Cho dù có thể là vậy, nhưng ngoài sự phiến diện khi có sự phân biệt doanh nghiệp
đang hoạt động ngay trên lãnh thổ Việt Nam theo thành phần chủ sở hữu (vì dù là
FDI hay trong nước thì chúng đều đóng góp vào nền kinh tế Việt Nam), ý kiến này
bỏ qua thực tế là các doanh nghiệp FDI liên đới này đến lượt mình lại tạo ra những
tác động tích cực và lan tỏa như đối với các doanh nghiệp FDI khác đến phần còn
lại của nền kinh tế, theo kiểu “lọt sàng xuống nia”.
Trong chuyển giao công nghệ từ FDI, còn có một tác động
tích cực do FDI mang đến mà ít được để ý và đánh giá cao. Đó là sự lan tỏa các
kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm quản lý, quản trị, ngoại ngữ, bí quyết, am hiểu
thị trường trong và ngoài nước, tay nghề... của người lao động. Lực lượng lao động
này được đào tạo khá bài bản từ nhiều doanh nghiệp FDI, học và thực hành được
nhiều kiến thức và kỹ năng mới để rồi sau đó họ mang đến áp dụng và phát huy ở
những doanh nghiệp nội địa khác khi họ rời bỏ doanh nghiệp FDI. Chính bởi hiện
thực này mà không khó thấy khi các cán bộ và nhân viên có trình độ ở các doanh
nghiệp FDI lại được đón nhận một cách ưu đãi bởi các doanh nghiệp trong nước.
Về kênh chuyển
giao công nghệ qua các hoạt động R&D tại bản địa, hiện các doanh nghiệp FDI
ngày càng quốc tế hóa các hoạt động R&D của mình, chuyển các hoạt động này
ra nước ngoài nơi chúng có chi nhánh, nhằm củng cố khả năng phát triển sản phẩm
và năng lực sáng tạo của mình nhờ tận dụng chất xám của nhân viên bản địa với
chi phí rẻ. Ngay ở Việt Nam, dù còn rất hữu hạn nhưng cũng đã có một số doanh
nghiệp đa quốc gia lớn như Samsung, HP, Bosch, hay Panasonic thành lập các cơ sở
R&D tại đây. Các hoạt động R&D bản địa này đến lượt chúng lại khuyến
khích sự phát triển nhân lực, tạo hiệu ứng lan tỏa kiến thức (thông qua sự dịch
chuyển lao động, bắt trước, và học hỏi), nâng cao tính cạnh tranh công nghiệp bản
địa, vốn là những yếu tố thiết yếu cho khả năng học hỏi và tiếp thu công nghệ của
nền kinh tế bản địa. Có không ít ví dụ thực tiễn về việc các nhân viên và kỹ sư
R&D rời bỏ các trung tâm R&D của doanh nghiệp nước ngoài về làm việc
cho các doanh nghiệp nội địa hoặc tự thành lập các doanh nghiệp của riêng mình
để áp dụng những kiến thức và kỹ năng đã học được.
Đương nhiên, tiếp nhận chuyển giao và lan tỏa công nghệ,
kỹ thuật từ doanh nghiệp FDI không phải là tự nhiên mà có, và đương nhiên sẽ diễn
ra. Mức độ công nghệ và kỹ thuật được chuyển giao hay lan tỏa phụ thuộc vào một
loạt các điều kiện phức hợp như ngành kinh tế nội địa mà doanh nghiệp FDI thâm
nhập vào, cách thức và mức độ thâm nhập của chúng, khả năng tiếp nhận và hấp thụ
của doanh nghiệp và nền kinh tế bản địa, và môi trường chính sách liên quan đến
công nghệ và bảo vệ sở hữu trí tuệ của nước sở tại có tác dụng khuyến khích
chuyển giao và lan tỏa công nghẹ thế nào.
Thông thường, những nước đang phát triển có mức thu nhập
cao hơn sẽ có khả năng tiếp nhận nhiều hơn. Những nước đang phát triển ở mức thấp
hoặc chậm phát triển vẫn chưa tham gia một cách tích cực được vào mạng lưới
R&D toàn cầu của doanh nghiệp FDI để tạo ra những công nghệ mới. Trên giác
độ này, rõ ràng không thể so sánh trường hợp của Việt Nam với những nước thành
công hơn trong việc thu hút chuyển giao công nghệ như Trung Quốc và Malaysia, để
rồi đổ lỗi cho FDI ở Việt Nam rằng họ không đóng góp đáng kể đến chuyển giao
công nghệ ở đây.
Mức độ phát triển của nền kinh tế bản địa còn quyết định
mức độ năng lực và khả năng học hỏi kỹ thuật và công nghệ của các chủ thể trong
nền kinh tế bản địa. Những hạn chế liên quan này ở Việt Nam rõ ràng sẽ hạn chế
sự năng động của thị trường thúc đẩy chuyển giao và nâng cấp công nghệ thông
qua kênh liên kết chuỗi và tác động lan tỏa.
Cơ cấu theo ngành của các hoạt động FDI cũng quyết định một
phần mức độ đóng góp vào tiến bộ công nghệ và kỹ thuật cho nước sở tại. Với một
tỷ trọng khá lớn FDI ở Việt Nam chảy vào những ngành ít tạo ra giá trị gia tăng
và các chuỗi liên kết với doanh nghiệp nội địa như khai khoáng thì tất yếu mặt
bằng chuyển giao công nghệ nói chung ở Việt Nam sẽ thấp hơn ở những nước so
sánh nơi mà FDI tập trung vào các ngành chế tạo và dịch vụ.
Sự trợ giúp chính sách tích cực từ phía nhà nước cũng
đóng một vai trò rất quan trọng trong việc thúc đẩy chuyển giao và lan tỏa công
nghệ từ FDI. Nhà nước cần thiết lập một khuôn khổ pháp lý cân bằng về quyền sở
hữu trí tuệ tạo cơ sở cho sự phát triển năng lực công nghệ và tri thức. Sự nhất
quán giữa chính sách FDI và các chính sách liên quan khác (đặc biệt là chính
sách khoa học kỹ thuật và sáng chế) là điều quan trọng. Những điểm này hiện khá
mờ nhạt ở Việt Nam.
Để thu hút và tận dụng hơn nữa những hiệu ứng tích cực từ
các trung tâm R&D của doanh nghiệp nước ngoài, cần phải đáp ứng ngày càng
nhiều hơn nhu cầu nhân lực lành nghề trong lĩnh vực công nghệ và khoa học với
chi phí thấp, một cơ sở sản xuất lớn để áp dụng được thành quả của R&D.
Theo đó, với những nước ở trình độ phát triển thấp như Việt Nam thì không có gì
đáng ngạc nhiên khi địa phương hóa hoạt động R&D mới chỉ diễn ra ở một số hữu
hạn doanh nghiệp FDI. Do đó, Việt Nam cũng cần củng cố khuôn khổ thể chế cho
phát triển nguồn nhân lực có trình độ và cho sáng tạo.
Tóm lại, chuyển giao và làm lan tỏa công nghệ của doanh
nghiệp FDI ở Việt Nam đã có thể diễn ra trên diện rộng, ở mức độ và quy mô lớn
hơn những gì mà người ta thường nhìn thấy và cảm nhận. Tuy nhiên, thực tế là so
với các nước thành công hơn, vai trò này của FDI bị hạn chế hơn, nhưng không phải
hoàn toàn là do ý muốn chủ quan của doanh nghiệp FDI, mà còn bởi những hạn chế
về năng lực hấp thu, về nguồn lực, thể chế và chính sách nội tại liên quan đến
hoạt động FDI nói chung và chuyển giao công nghệ nói riêng.
No comments:
Post a Comment