Hụt thu ngân sách khoảng 1 tỷ USD vì giá dầu giảm
- Dự toán thu NSNN năm 2015 là 911.100 nghìn tỷ đồng, với thu từ dầu thô được xây dựng ở mức giá 100 USD/thùng. Hiện nay, giá dầu thô giảm mạnh, nhiều tổ chức quốc tế dự đoán giá dầu thô năm tới chỉ khoảng 85 - 90 USD/thùng. Điều này ảnh hưởng như thế nào tới việc thực hiện nhiệm vụ ngân sách khi mà thu từ dầu thô vẫn đang chiếm tỷ trọng lớn trong thu NSNN, thưa TS?
- Thực ra hiện tại dự báo về giá dầu thô còn thấp hơn nhiều, dưới 80 USD/thùng. Tuy nhiên, theo tính toán sơ bộ của tôi thì ảnh hưởng suy giảm giá dầu thô, với giá dầu thô giảm xuống mức 75 – 80 USD/thùng, lên thu ngân sách không phải là nhiều lắm, dự kiến hụt thu khoảng 1 tỷ USD. Tất nhiên là giá dầu thô giảm thì cũng kéo theo giá xăng dầu nhập khẩu giảm, làm giảm nguồn thuế và phí thu được từ các hoạt động liên quan đến xăng dầu trong nước, và do đó làm giảm thêm nguồn thu ngân sách. Nhưng ngược lại, giá xăng dầu giảm là điểm tích cực cho phục hồi và tăng trưởng kinh tế, từ đó lại cải thiện nguồn thu thuế của Nhà nước. Cho nên, cân bằng lại thì ảnh hưởng của giá dầu thô lên ngân sách nếu có và đáng kể thì chỉ trong ngắn hạn.
- Trong Nghị quyết về dự toán NSNN năm 2015, Quốc hội yêu cầu Chính phủ từ năm 2015, phát hành trái phiếu Chính phủ kỳ hạn từ 5 năm trở lên, không thực hiện các khoản vay có kỳ hạn ngắn cho bù đắp bội chi NSNN, giảm mức vay đảo nợ. TS bình luận gì về điều này?
- Nếu yêu cầu này được diễn giải thành: không được phát hành trái phiếu kỳ hạn ngắn để lấy tiền bù đắp cho bội chi NSNN, giảm mức vay đảo nợ, thì có nghĩa là Chính phủ vẫn có thể và được phép phát hành trái phiếu 5 năm để lấy tiền bù đắp cho bội chi NSNN và đảo nợ phải không? Nếu vậy thì ý nghĩa của yêu cầu này là gì? Nó làm tôi liên tưởng đến câu chuyện cười của anh gàn nhất định dùng đồng tiền này mua mắm, đồng tiền kia để mua muối.
Và nếu đúng là Chính phủ vẫn được phép phát hành trái phiếu kỳ hạn 5 năm trở lên để bù đắp bội chi và đảo nợ thì cũng là điều bình thường, vì đó là cách thông thường để nuôi nợ công. Nếu không đúng thế thì thâm hụt kéo dài sẽ đến một thời điểm mà Chính phủ buộc phải tuyên bố vỡ nợ, và chắc đây không phải là điều mong muốn.
- Nhưng nếu yêu cầu này được hiểu là: Chính phủ không được phát hành trái phiếu ngắn hạn nữa thì sao thưa TS? Bởi hiện nay, kỳ hạn trái phiếu của Chính phủ phần lớn là ngắn hạn khiến cho áp lực về vay mới để trả các khoản vay cũ trong nước là tương đối lớn.
- Như vậy thì đây là một bất lợi khi tự tước bỏ một khả năng linh hoạt trong hoạt động ngân sách, trong khi việc phát hành trái phiếu để đảo nợ, bù đắp là không thể tránh khỏi, dù là chỉ giới hạn ở trái phiếu dài hạn như yêu cầu. Câu chuyện quay trở lại tiền mua mắm, tiền mua muối, vì đằng nào thì vẫn cần, vẫn nên phát hành trái phiếu ngắn hạn cho những mục đích khác.
Hạn chế tối đa dự án được Chính phủ bảo lãnh
- Quốc hội cũng yêu cầu Chính phủ nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay, quản lý chặt chẽ quỹ tích lũy trả nợ. Báo cáo của Chính phủ cho biết, số dự án được bảo lãnh của Chính phủ có khó khăn trả nợ phải vay (Quỹ tích lũy trả nợ) để trả nợ thay tương đối lớn, có nguy cơ biến thành nghĩa vụ trực tiếp của ngân sách. Tính đến hết tháng 9.2014, Quỹ tích lũy trả nợ đã phải ứng ra cho 12 dự án được bảo lãnh Chính phủ với số dư nợ là 6.685 tỷ đồng, gồm 7 dự án xi măng, 2 dự án giấy, 1 dự án mía đường; 1 dự án thủy điện và đường cao tốc. TS bình luận gì về điều này?
- Tôi muốn nói trước hết về yêu cầu nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay này đã. Tôi nghĩ yêu cầu này chỉ là nói cho có, cho đúng hoàn cảnh mà thôi. Muốn được như vậy thì phải đặt ra những chuẩn đo lường, ví dụ, thế nào là hiệu quả, đi kèm với kỷ luật, thưởng phạt rõ ràng, minh bạch và có hiệu lực... khi Chính phủ sử dụng vốn vay hiệu quả hay không. Mà những điều này xem ra chưa tồn tại.
Trở lại với Quỹ tích lũy trả nợ, việc sử dụng nó thật ra không thành vấn đề gì vì nó chỉ là một trong những nguồn để Chính phủ trông vào đó mà thực hiện các nghĩa vụ trả nợ của mình mà thôi.
Điều thành vấn đề chính là chuyện Chính phủ đứng ra bảo lãnh các dự án đó và những dự án khác. Sẽ có người lại biện hộ rằng, việc bảo lãnh này chẳng có vấn đề gì vì các dự án này nằm trong quy hoạch, vì chúng có ý nghĩa kinh tế - xã hội, vì… và vì… Nhưng họ cần phải thấy rằng, các quy hoạch cũng do chính con người làm ra, không thể tránh được sai sót, duy ý chí, thiếu tầm nhìn, vì lợi ích nhóm… Mà ta cũng đã thấy nhiều quy hoạch đã và đang phải sửa lại rồi đó, như quy hoạch thủy điện, mía đường, xi măng. Tương tự như vậy là chuyện các dự án mang ý nghĩa và quan trọng đối với xã hội, khi muốn thì người ta có thể vẽ ra nhiều điều hay ho mà chỉ thực tế mới cho câu trả lời chính xác. Bởi vậy, điều cần làm, đứng từ góc độ ngân sách, là phải hạn chế tối đa các loại bảo lãnh của Chính phủ đối với các dự án kinh tế thương mại thuần túy như các dự án mà được nêu ra trong câu hỏi này.
- Nghị quyết về dự toán NSNN 2015 đã được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8. Trong đó, bội chi được quyết nghị ở mức 5% GDP. TS thấy gì về mục tiêu này, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế nhiều khó khăn, nợ công sát trần Quốc hội cho phép?
- Trước tiên phải nói ngay rằng, con số bội chi cho năm sau nhỏ hơn con số kế hoạch cho năm 2014 này (5,3% - PV) dù gì cũng là một điểm tích cực, thể hiện phần nào sự cẩn trọng và nỗ lực cần thiết trong việc kiềm chế thâm hụt ngân sách và nợ công. Còn bản thân mức này có lớn hay không, có hại hay không thì cũng khó bình luận sâu được vì nếu muốn thì những người trong cuộc bao giờ cũng có những lý do để cho thấy con số dự tính này là tối thiểu, dựa trên những tính toán rất cẩn trọng, chặt chẽ, và cần thiết để bảo đảm nguồn chi cho những khoản không thể dừng, không thể có, và nếu không có thì có hại hơn là có lợi.
- TS dự báo như thế nào về sức bền của NSNN trong năm 2015 và một vài năm sắp tới?
- Tôi cho rằng khả năng vượt ngưỡng bội chi là nhiều hơn khả năng giữ được bội chi trong phạm vi cho phép vì đó là đặc tính của chi tiêu ngân sách ở Việt Nam, khi mà luôn có nhiều lý do để người ta chi tiêu nhiều hơn trong khi có quá ít lý do và động cơ để người ta tự giác hoặc bắt buộc giới hạn chi tiêu. Tình hình này sẽ tồn tại cho đến khi có một cơ chế xây dựng, duyệt và giám sát NSNN có hiệu quả hơn.
- Xin cảm ơn TS!
Hồng Loan thực hiện
No comments:
Post a Comment