Chính phủ đang chủ trương đẩy mạnh
cải cách thủ tục hành chính thông qua rà soát, cắt giảm, bãi bỏ, đơn giản hóa
các thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian nộp thuế, thông quan... Đây là một
chủ trương hết sức cần thiết vì thủ tục hành chính đã và đang là một trong
những trở ngại và phiền hà lớn nhất cho các doanh nghiệp ở Việt Nam.
Đứng đầu bảng trong danh sách các thủ tục hành chính bị
doanh nghiệp phàn nàn nhiều nhất là thủ tục thuế, tiếp theo là đất đai, tài
nguyên môi trường, cấp giấy chứng nhận kinh doanh, chứng nhận đầu tư, bảo hiểm
xã hội, xây dựng, giao thông vận tải, hải quan... Chỉ riêng với thời gian cần
thiết để hoàn thành thủ tục nộp thuế đã ngốn mất của doanh nghiệp tới 872
giờ/năm, đứng vào hàng cao nhất thế giới với thứ hạng 171/189 quốc gia. Bên
cạnh thời gian tiêu phí, doanh nghiệp còn phải tốn chi phí nhiều hơn so với các
nước trong khu vực trong những việc cụ thể như đấu nối điện, làm thủ tục phá
sản...Nhận thức rõ được những rào cản lớn cho phát triển kinh tế này, Chính phủ đã đề ra mục tiêu cụ thể là trong năm 2015, môi trường kinh doanh của Việt Nam phải ngang bằng mức trung bình của các nước ASEAN - 6.
Cần phải nói ngay đây là mục tiêu rất tham vọng, vì để có được môi trường kinh doanh ngang bằng với ASEAN - 6 thì chỉ riêng trong lĩnh vực thuế, Việt Nam phải cắt giảm số giờ nộp thuế từ 872 giờ xuống chỉ còn 171 giờ/năm, và quá trình cắt giảm này chỉ được phép diễn ra trong năm nay.
Tạm không bàn đến tính thực tiễn của tham vọng cải cách thủ tục hành chính như trên của Chính phủ, việc đưa ra và phấn đấu hoàn thành những mục tiêu định lượng như trên không thôi dường như là chưa đủ. Sự gây phiền hà, nhũng nhiễu, thói làm ăn tắc trách, vô trách nhiệm, trình độ yếu kém, bất cập của đội ngũ cán bộ liên đới nhiều khi mới là những rào cản lớn và nguồn gốc gây tổn thất cho doanh nghiệp. Tất cả đều xuất phát từ tình trạng không minh bạch, rõ ràng của luật lệ và sự giám sát chất lượng hoạt động còn yếu kém trong hệ thống cơ quan công quyền.
Xin được minh họa vấn đề trên bằng những ví dụ cụ thể: một doanh nhân, có ý định mua một căn nhà ở Hà Nội để làm trụ sở kinh doanh cho công ty mới của mình. Vì bận rộn và không muốn vướng vào phiền hà khi làm thủ tục mua bán bất động sản, anh có ý định để vợ đứng tên một mình trong giao dịch mua bán này. Do đang đi công tác ở Huế, anh ra UBND của một phường ở Huế để làm giấy cam đoan rằng việc mua bán này hoàn toàn là của vợ anh, từ tài sản riêng có của vợ anh, vợ anh chịu hoàn toàn trách nhiệm và anh sẽ không có can thiệp hay tranh chấp gì với vợ anh sau này về căn nhà đó. Nội dung giấy cam đoan này thực ra là do UBND phường hướng dẫn làm và họ đã chứng nhận vào đó. Nhưng tiếc là việc mua bán căn nhà trên không thành nên Giấy cam đoan trên mất hiệu lực.
Một tuần sau, anh tìm được một căn nhà khác ưng ý và tiếp tục muốn để vợ anh đứng tên một mình. Do lại đang ở Sài Gòn, anh lần lượt ra hết phòng công chứng này đến UBND phường kia (theo chỉ dẫn của họ) để đề nghị chứng thực vào Giấy cam đoan tương tự như trên của anh. Nhưng không nơi nào chấp nhận chứng thực cho anh với lý do nào là họ không có chức năng chứng thực chữ ký, nào là bất động sản này là tài sản hình thành trong tương lai nên họ không thể chứng thực được... Anh “vặn” là tại sao cùng một nội dung đó mà nơi làm được, nơi không thì nhận được câu trả lời rằng thế thì về nơi đã chứng thực lần trước mà làm! Sau này, anh phải bay ra và đến một phòng công chứng ở Hà Nội để nhờ người hướng dẫn cụ thể lời cam đoan theo mẫu họ soạn giúp và mang sang Đại sứ quán Việt Nam tại một nước mà anh đi công tác qua để lấy chứng thực chữ ký rồi vợ anh mang đến phòng công chứng nọ để hoàn thành thủ tục mua bán sang tên tài sản.
Một sự việc khá đơn giản như trên nhưng tưởng chừng đã bị ách tắc bởi sự thiếu hiểu biết hoặc không nhất quán ngay trong phạm vi công việc chuyên môn của những cán bộ công quyền hay trong hệ thống hành chính, và chỉ được giải quyết nhờ mối quan hệ quen biết kèm theo bao nhiêu phiền toái và tốn kém. Bởi vậy, song song với việc cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục thì điều không kém quan trọng là phải minh bạch hóa, chuẩn mực hóa các thủ tục và giấy tờ cần thiết để giảm thiểu phiền hà và tốn kém cho dân chúng và doanh nghiệp, cũng là để giảm thiểu cơ hội nhũng nhiễu, hối lộ của các nhân viên công lực liên đới.
Cũng liên quan đến chuyện minh bạch và chuẩn mực hóa thủ tục và giấy tờ là một ví dụ thực tế khác về việc thành lập doanh nghiệp ở Singapore. Để thành lập một doanh nghiệp ở Singapore, các điều kiện, thủ tục giấy tờ và lệ phí được quy định rõ ràng trên website của chính quyền. Điều đáng nói là hầu như mọi bước đi và thủ tục đều có thể thực hiện trực tuyến (online) mà không cần người chủ doanh nghiệp phải đến tận cửa cơ quan công quyền để xin xỏ. Mọi việc sẽ hoàn tất trong một vài cái nhấp chuột, và người xin hay cho (cơ quan phê duyệt) đều không cần/ không có cơ hội gặp nhau mặt đối mặt nên cũng sẽ chẳng có chuyện hiểu nhầm, phiền hà, hay nhũng nhiễu.
Tất nhiên, để làm được như nước người ta là không dễ, vì phải thay đổi và nâng cấp toàn bộ hệ thống cứng và mềm, đào tạo lại nhân sự, giám sát chặt chẽ chất lượng hoạt động... Nhưng đây cũng chính là việc Việt Nam phải làm, phải phấn đấu làm, chứ không phải chỉ đơn thuần chăm chăm xem thủ tục nào cần cắt bỏ và đếm xem cắt bỏ được bao nhiêu giờ tương ứng với việc bãi bỏ thủ tục đó.
Chắc các bác ấy "lộn" giữa cải cách thể chế và cải cách thủ tục hành chính. Thể chế vẫn vậy thì thủ tục hành chính cắt giảm kiểu gì cũng chẳng khá nổi, vì nó chỉ là [một trong những] hệ quả của thể chế mà thôi.
ReplyDeleteHehe, đồng chí chỉ được cái nói... gần đúng (100%)!
Delete