Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hôm 25/3 đã tuyên bố
không điều chỉnh tỷ giá VND tại thời điểm này. Lý do vì:
(1) việc tăng tỷ giá
thời gian qua chủ yếu do yếu tố tâm lý, các yếu tố về kinh tế về cơ bản không
có biến động lớn và đáng quan ngại;
(2) đồng USD chỉ
tăng mạnh so với một số đồng tiền chủ chốt như EUR, bảng Anh, đô la Canada, còn
so với các đồng tiền trong khu vực như Nhân dân tệ, đô la Hồng Kông, Won (Hàn
Quốc)… tăng không đáng kể. Tỷ trọng thương mại Việt Nam với các nước mà đồng
tiền mất giá mạnh khá nhỏ, trong khi các nước có tỷ trọng thương mại lớn thì
đồng tiền mất giá không nhiều (ít ảnh hưởng đến xuất khẩu);
(3) cần thấy rằng
để tăng khả năng cạnh tranh hàng xuất khẩu hiện nay yếu tố chính không phải là
tỷ giá, mà cần phải nâng cao chất lượng, mẫu mã, giá trị sử dụng, độ thỏa mãn
người tiêu dùng;
(4) điều chỉnh tăng tỷ giá có thể cải thiện xuất khẩu nhưng
mức độ không lớn, trong khi còn phải cân nhắc tác động tới nhập khẩu, nhất là
khi nhập khẩu đang tăng trở lại; điều chỉnh tăng tỷ giá sẽ khiến chi phí sản
xuất tính bằng đồng Việt Nam tăng lên do sản xuất trong nước đang phụ thuộc
nhiều vào hàng nguyên vật liệu nước nước ngoài nhập khẩu;
(5) diễn biến thế
giới thời gian qua, các nước chủ yếu thực hiện chính sách tiền tệ nới lỏng, chủ
yếu thông qua giảm lãi suất hay mở rộng các gói nới lỏng định lượng, thông qua
đó hỗ trợ xuất khẩu, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Còn ở Việt Nam, NHNN thời gian
qua cũng đã và đang điều hành theo hướng đưa tiền ra khá nhiều, chủ yếu qua
kênh mua ngoại tệ, giảm mặt bằng lãi suất;
(6) VND mất giá qua các năm, ngay cả
khi USD liên tục giảm giá. Do đó, không nên quá lo ngại về việc VND lên giá
tương đối với các đồng tiền sẽ ảnh hưởng đến cạnh tranh xuất khẩu; và
(7) phá
giá làm tăng gánh nặng nợ nước ngoài của Việt Nam.
Phân tích từng điểm ở trên (theo thứ
tự), có thể chỉ ra những cái sai sau đây trong lập luận trên của NHNN.
(1) Chính những lý do này luôn được
NHNN đem ra sử dụng để trấn an dư luận trong các đợt “sốt” tỷ giá lần trước
nhưng rồi rốt cuộc NHNN sau đó vẫn phải điều chỉnh tỷ giá. Như thế chứng tỏ
những lý do cũ mòn này không có cơ sở, hoặc nêu ra cũng không có tác dụng gì.
(2) Không rõ NHNN lấy những mốc thời
gian nào để nói rằng USD lên giá (tỷ giá tăng) “không đáng kể” so với các đồng
tiền trong khu vực (và là những đồng tiền nào). Lấy số liệu tỷ giá từ Bloomberg
trong 1 năm qua tính đến hiện tại (27/3/2015) để tính tỷ giá trung bình cho 2
kỳ (mỗi kỳ 6 tháng): kỳ 1 từ 27/3/2014 đến 30/9/2014, và kỳ 2 từ 1/10/2014 đến 27/3/2015,
được kết quả như bảng dưới đây:
Căn cứ vào mức độ điều chỉnh tỷ giá
mỗi lần không quá 1 điểm phần trăm của NHNN, ta gọi một đồng bản tệ nào đó
trong số nêu ở bảng trên là đã biến động “đáng kể” so với USD nếu tỷ giá
tăng/giảm trên 1 điểm phần trăm. Dựa trên mốc này, có thể thấy từ bảng trên
rằng VND đã tăng giá “đáng kể” so với phần lớn các đồng tiền trong khu vực,
ngoại trừ CNY và HKD, là 2 đồng tiền có mức độ biến động “không đáng kể” so với
USD. Nhưng riêng với HKD thì không cần xét đến vì chính sách tiền tệ của nước
này là neo chặt HKD vào USD, nên sự biến động không đáng kể của nó là hiển
nhiên. Nói cách khác, phát ngôn của NHNN như trên là không chính xác.
Ngoài ra, NHNN (và nhiều chuyên gia,
tổ chức khác) đã bỏ qua/sai lầm ở một điểm cực kỳ quan trọng. VND neo với USD
thì không có nghĩa là xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ, hay kể cả vào các thị
trường khác sử dụng USD làm đồng tiền thanh toán không bị ảnh hưởng. Đơn giản
vì không chỉ có Việt Nam mà nhiều đối thủ khác, ví dụ là các nước trong khu vực
như nêu ở bảng trên cũng xuất khẩu vào các thị trường này. Với đồng bản tệ đã
bị mất giá nhiều so với USD và VND, xuất khẩu của các nước này vào Mỹ và các
thị trường khác chắc chắn sẽ tăng lên, đồng nghĩa với việc họ “ăn” mất thị phần
xuất khẩu của Việt Nam ở cùng những thị trường đó. Đó là chưa kể xuất khẩu của
Việt Nam vào chính các nước đối thủ khu vực này cũng sẽ bị sụt giảm vì bản tệ
của họ đã mất giá so với VND. Suy rộng ra, Việt Nam sẽ bị mất lợi thế cạnh
tranh trong xuất khẩu không chỉ với các nước trong khu vực mà còn với bất cứ
nước nào trên thế giới có bản tệ yếu đi so với USD (và tức là với VND) và có
cùng mặt hàng cũng như thị trường xuất khẩu như của Việt Nam. Mỗi 1 điểm phần
trăm mất giá của các bản tệ này sẽ có tác dụng tương tự như 1 điểm phần trăm
hoàn thuế xuất khẩu mà chính phủ các nước này trợ cấp cho nhà xuất khẩu của họ,
giúp họ lấn lướt thêm các nhà xuất khẩu Việt Nam.
Điều tương tự xảy ra ở phương diện
nhập khẩu. Các nước có bản tệ yếu đi so với USD và VND (không chỉ trong khu vực
như nêu trong bảng trên mà còn trên thế giới) sẽ có thêm lợi thế xuất khẩu vào
thị trường Việt Nam. Mỗi 1 điểm phần trăm mất giá của các bản tệ này có tác
dụng tương đương như hạ đi 1 điểm phần trăm thuế đánh lên hàng xuất khẩu của họ
vào thị trường Việt Nam, giúp hàng hóa của họ thêm lợi thế tràn vào lấn lướt,
chèn ép hàng nội địa, làm thu hẹp sản xuất nội địa ở Việt Nam.
Tóm lại, tác động của việc VND lên giá
so với nhiều bản tệ trên thế giới diễn ra trên diện rộng hơn nhiều, chứ không
bó hẹp trong phạm vi xuất khẩu (và một số ít thị trường xuất khẩu) của Việt Nam
như NHNN hay nhiều người quan niệm như hiện nay.
(3) Đành rằng để tăng khả năng cạnh
tranh hàng xuất khẩu hiện nay yếu tố chính không phải là tỷ giá. Nhưng nếu tỷ
giá gây bất lợi cho xuất khẩu thì có nghĩa là yếu tố tỷ giá sẽ triệt tiêu đi
một phần hay toàn bộ những cố gắng cải thiện tính cạnh tranh của nhà xuất khẩu
Việt Nam. Bởi thế, cùng một logic như của NHNN, để tăng khả năng cạnh tranh
hàng xuất khẩu của Việt Nam thì nâng cao chất lượng, mẫu mã... không thôi là
không đủ, mà phải có sự hỗ trợ của tỷ giá! Và cũng cùng một lý do này mà nhiều
nước chủ động để bản tệ của họ yếu đi nhằm hỗ trợ cho xuất khẩu, chứ các chính
phủ này không để mặc nhà xuất khẩu của mình tự loay hoay tìm sự sống còn theo
kiểu như ở Việt Nam thế này.
(4) Chính xác ra thì cần phải nói rằng
nhập siêu đang tăng trở lại. Chứ còn nhập khẩu đang tăng trở lại là điều bình
thường và lành mạnh nếu nền kinh tế vẫn tăng trưởng và xuất khẩu cũng tăng và
lớn hơn nhập khẩu để sao cho luôn đạt trạng thái cân bằng thương mại hoặc xuất
siêu. Nếu đã rơi vào tình trạng nhập siêu như hiện nay thì việc không phá giá
VND để kìm hãm chi phí nhập khẩu (nếu quy ra VND) sẽ không làm giảm khó khăn
cho nền kinh tế vì nhập siêu có nghĩa là phải đi vay mượn nước ngoài để thanh
toán cho số hàng nhập khẩu vượt trội này. Giải pháp cơ bản phải là phải tìm cách
hạn chế nhập siêu, và một trong những công cụ hữu hiệu nhất là phá giá VND để
vừa thúc đẩy xuất khẩu đồng thời lại góp phần hạn chế nhập khẩu (vì phá giá bản
tệ sẽ có tác dụng như việc tăng thuế nhập khẩu tương ứng lên hàng nhập khẩu).
Điều chỉnh tăng tỷ giá đúng là sẽ
khiến chi phí sản xuất tính bằng đồng Việt Nam tăng lên nhưng điều này không
ảnh hưởng đến giá bán và lợi nhuận của hàng xuất khẩu. Giá xuất khẩu tính bằng
USD, được cố định trong hợp đồng xuất khẩu. Giá nguyên vật liệu nhập khẩu cũng
được tính bằng USD và cũng đã cố định trong hợp đồng nhập khẩu. Trong khi đó,
những chi phí sản xuất phát sinh trong nước như tiền lương, điện nước, mặt
bằng, thuế, phí, nguyên phụ liệu mua trong nước v.v... do tính bằng VND nên khi
điều chỉnh tăng tỷ giá VND thì những chi phí này sẽ lại giảm đi nếu tính theo
USD (và càng điều chỉnh tỷ giá mạnh thì chi phí này càng nhỏ đi nếu tính theo
USD). Bởi vậy, trong đẳng thức: Lợi nhuận xuất khẩu (USD) = Giá xuất khẩu (USD)
– Chi phí đầu vào nhập khẩu (USD) – Chi phí phát sinh trong nước (USD), khi giá
xuất khẩu và chi phí đầu vào nhập khẩu cố định mà chi phí phát sinh trong nước
giảm đi do VND bị mất giá thì rõ ràng lợi nhuận của nhà xuất khẩu sẽ tăng lên
tương ứng với mức độ mất giá VND, chứ sao lại nói là không đáng kể?
(5) Nếu đúng như NHNN nói là đã đưa
tiền ra khá nhiều, chủ yếu qua kênh mua ngoại tệ, làm giảm mặt bằng lãi suất,
thì lẽ ra, theo lý thuyết, tỷ giá phải chịu áp lực điều chỉnh tăng lên (và hạ
giá bản tệ trên thực tế chính là mục đích theo đuổi của 24 nước đã nới lỏng
tiền tệ tính đến ngày 12/3*). Nhưng tỷ giá VND lại tương đối ổn định. Điều này
có nghĩa là hoặc việc đưa tiền ra của NHNN là chưa đủ lớn để hạ lãi suất (và
cũng tức là giảm giá VND), hoặc NHNN lại dùng những công cụ nào đó (gồm cả công
cụ hành chính) để “trói” tỷ giá.
(6) Đúng là VND mất giá qua các năm,
ngay cả trong giai đoạn mà USD liên tục giảm giá. Nhưng mức độ mất giá của VND
là quá nhỏ so với, ví dụ, chênh lệch lạm phát giữa Việt Nam và Mỹ, cũng như mức
độ mất giá của các bản tệ khác hiện nay. Nên VND đã lên giá thực so với USD nói
riêng và các bản tệ khác nói chung, dẫn đến áp lực phá giá/điều chỉnh tỷ giá
VND ngày càng dồn nén, và bởi vậy sẽ là một rủi ro lớn, không thể không lo
lắng, nếu tỷ giá VND không được điều chỉnh linh hoạt hơn.
(7) Phá giá đúng là sẽ làm tăng gánh
nặng nợ nước ngoài của chính phủ và doanh nghiệp, nhưng cần lưu ý rằng gánh
nặng này chỉ tăng lên nếu quy ra VND, chứ còn nó sẽ không đổi nếu tính bằng
USD, trước và sau khi phá giá. Để tránh cho chính phủ và doanh nghiệp phải trả
nhiều VND hơn cho cùng một khối lượng nợ bằng USD thì NHNN phải giữ ổn định tỷ
giá, hoặc phải cung cấp một lượng USD tương ứng với mức tỷ giá thấp hơn tỷ giá
mà thực tế đòi hỏi (tỷ giá thị trường tự do). Điều này có nghĩa là NHNN phải
bao cấp, “bù giá” cho chính phủ và doanh nghiệp. Nói cách khác, NHNN sẽ phải
đứng ra gánh thiệt hại thay cho chính phủ và doanh nghiệp, và phí tổn này sẽ
được tính hết vào quỹ dự trữ ngoại hối. Như thế, tránh tăng gánh nặng nợ nước
ngoài cho doanh nghiệp và chính phủ bằng cách không phá giá thì sẽ phải đánh
đổi lấy sụt giảm dự trữ ngoại hối. Đồng thời, nếu cứ được bao cấp thế này thì
tội gì mà doanh nghiệp không bạo tay đi vay nước ngoài? Vậy có nên đánh đổi?
* Xem, ví dụ, http://www.cnbc.com/id/ và http://www.unigestion.com/wp-content/uploads/2015/03/Global-currency-war-profit-from-the-opportunities.pdf
No comments:
Post a Comment