Phát biểu tại hội nghị triển khai kế hoạch năm 2017 của VietinBank diễn
ra ngày 9-1-2017, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Lê Minh Hưng cho biết cần
có khuôn khổ pháp lý để xử lý nợ xấu và tái cơ cấu ngân hàng. NHNN sẽ phối hợp
để xây dựng luật tạm gọi là Luật Hỗ trợ tái cơ cấu các ngân hàng và xử lý nợ
xấu.
Theo đó, những vấn đề về xử lý
các ngân hàng trong diện tái cơ cấu chưa có quy định của luật thì sẽ được luật
hóa để có hành lang pháp lý rõ ràng, có công cụ để hệ thống ngân hàng thuận lợi
trong việc thực hiện đề án tái cơ cấu. Về xử lý nợ xấu, những vướng mắc tồn tại
trong quy định pháp luật, ví dụ, các quy định liên quan đến thu giữ tài sản đảm
bảo để đảm bảo quyền lợi của người cho vay, cũng sẽ được đưa vào luật để tháo
gỡ các khó khăn khi xử lý nợ xấu. Về xử lý sở hữu chéo, sẽ đưa vào luật những
quy định chặt chẽ hơn để hạn chế thao túng, sử dụng ngân hàng nhằm mang lại lợi
ích cho công ty sân sau.
Đã và sẽ rất cần thiết
Có thể nói ngay rằng xây dựng và
ban hành một luật như trên là một điều rất cần thiết, lẽ ra đã phải làm ngay
trước khi NHNN thực hiện những động thái liên quan đến tái cơ cấu hệ thống ngân
hàng, mua lại bắt buộc các ngân hàng thương mại (NHTM) với giá 0 đồng, và xử lý
nợ xấu mà chủ yếu thông qua việc cho ra đời Công ty Quản lý tài sản của các tổ
chức tín dụng Việt Nam (VAMC), hay “tạm” trích lập dự phòng, từ mà ông Hưng nêu
ra trong hội nghị.
Vì sự thiếu vắng những cơ sở pháp
lý như vậy mà dư luận tỏ ra không hoàn toàn thông suốt với những hành động mạnh
tay xử lý các vấn đề tồn tại trong hệ thống ngân hàng như việc NHNN mua lại bắt
buộc các NHTM với giá 0 đồng mà không cần sự đồng ý của các cổ đông hiện hữu,
hay việc VAMC loay hoay với “đống” nợ xấu mua về khó xử lý vì các quyền hạn của
ngân hàng với tư cách chủ nợ liên quan đến tài sản bảo đảm chưa được pháp luật
đảm bảo…
Nên có những nội dung cụ thể nào?Tuy NHNN không hé mở những nội dung, điều khoản cụ thể trong luật mà mình đề xuất nhưng căn cứ vào những động thái và phát biểu gần đây của các quan chức NHNN thì rất có thể sẽ có những nội dung được luật hóa liên quan đến việc các NHTM lớn, có vốn nhà nước, như Vietcombank, VietinBank và BIDV, tự nguyện hay được hoặc bị NHNN chỉ định tham gia tái cơ cấu các ngân hàng 0 đồng và các NHTM cổ phần thuộc dạng yếu kém khác. Những nội dung này có thể là quyền lợi, nghĩa vụ của các NHTM lớn này, sự ưu đãi từ cơ chế để đổi lấy việc tự nguyện hay chấp nhận tham gia tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém, cơ chế để xử lý, giảm thiểu các hậu quả và thiệt hại mang lại cho các NHTM có vốn nhà nước này sau khi tham gia tái cơ cấu.
Có một nội dung quan trọng mà nếu không được luật hóa thì sẽ là một thiếu sót lớn. Các NHTM lớn trên tuy có vốn nhà nước nhưng về nguyên tắc vẫn là các ngân hàng cổ phần, có các cổ đông tư nhân. Dù luật đề xuất nói trên có thể có các điều khoản bảo đảm lợi ích khi các ngân hàng này tham gia tái cơ cấu nhưng điều này không có nghĩa là tất cả cổ đông của các ngân hàng này đều sẽ “vui vẻ” đồng thuận tham gia tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém khác. Tất nhiên là cổ đông nhà nước mà đại diện là NHNN có thể lấy tư cách là cổ đông chi phối để loại bỏ sự phản đối của các cổ đông khác, nhất là những cổ đông nhỏ, lẻ. Nhưng sự lấn lướt này sẽ tạo ra thêm những bất đồng, những tiền lệ không hay cho mô hình hoạt động của hệ thống ngân hàng Việt Nam. Bởi vậy, luật đề xuất nói trên nên có thêm những điều khoản mở rộng quyền của các cổ đông nhỏ, lẻ, không chi phối trong việc quyết định có tham gia hay không việc tái cơ cấu các ngân hàng khác, chẳng hạn bằng việc nâng cao tỷ lệ bỏ phiếu chấp thuận trong hội nghị cổ đông.
Ngoài ra, nếu lấy lý do nguồn lực trong nước hạn chế, chuyện bán cổ phần cho nước ngoài còn nhiều rào cản… để cho rằng việc tái cơ cấu các NHTM yếu kém nhất thiết phải có sự tham gia của các NHTM có vốn nhà nước thì sẽ chưa thuyết phục.
Không nói đâu xa, Chính phủ đang có chủ trương huy động vàng trong dân để phát triển kinh tế. Nói điều này để cho thấy nguồn lực trong nước vẫn còn rất nhiều tiềm năng và điều thiếu vắng chỉ là cơ chế phù hợp để huy động nguồn lực này, kể cả vào việc tái cơ cấu các ngân hàng. Một trong những cách có thể thực hiện được là song song với việc ghi giảm giá trị sổ sách các khoản nợ xấu (nhất là các khoản nợ xấu ít có khả năng thu hồi) của mình, các ngân hàng yếu kém tiến hành chứng khoán hóa các khoản nợ xấu đỡ “xấu” hơn dưới sự bảo lãnh của Chính phủ (có thu phí), và có thể dùng các chứng khoán này làm tài sản thế chấp cho các giao dịch khác. Đây là một cách làm được áp dụng ở nhiều nơi, mà điển hình mới đây nhất là sự tái cơ cấu ngân hàng Popolare di Mari ở Ý.
Đồng thời, chuyện bán cổ phần cho nước ngoài còn nhiều rào cản hoàn toàn
có thể khắc phục được cũng chính bằng luật hóa, hoặc sửa đổi luật hiện tại để
loại bỏ những rào cản này, làm cho nhà đầu tư nước ngoài có thể tham gia thuận
lợi vào việc tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém, một lĩnh vực chắc chắn cũng rất
hấp dẫn với nhiều nhà đầu tư ngoại mà vướng mắc chỉ là rào cản pháp lý. Không
sửa những bất cập trong luật hiện hành mà chỉ chăm chăm nghĩ đến ban hành một
luật mới làm lối thoát trong cùng một lĩnh vực là điều khó hiểu, khó chấp nhận
được. Nếu lo ngại sự tham gia ngày càng tăng của nhà đầu tư ngoại vào hệ thống
ngân hàng Việt Nam thì cần nhớ rằng ngay các NHTM có vốn nhà nước cũng có cổ
đông (không nhỏ) là các ngân hàng và nhà đầu tư nước ngoài!
No comments:
Post a Comment