Kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính thế giới năm 2007-2008, nhiều nước trên thế giới đã rút ra được những bài học cần thiết và bắt đầu thực thi nhiều luật lệ, quy định mới nhằm củng cố sức khỏe hệ thống tài chính của mình để đề phòng những cuộc khủng hoảng tương tự có khả năng nổ ra sau này.
Thế giới đang thay đổi
Hai trong số những quy định
tài chính mới và quan trọng nhất được đề xuất áp dụng năm 2018 là tỷ lệ đòn bảy
của các ngân hàng thương mại quy định bởi Ủy ban Basel về Giám sát tài chính và
nằm trong bộ tiêu chuẩn giám sát tài chính mới là Basel III, và IFRS 9 (Tiêu
chuẩn Báo cáo Tài chính Số 9) được quy định bởi Ủy ban Tiêu chuẩn Kế toán Quốc
tế. Những quy định khác trong Basel III yêu cầu các ngân hàng thương mại ngừng
sử dụng các thước đo nội bộ để đánh giá rủi ro sẽ được áp dụng từ năm 2017.
Basel III được đề xuất nhằm
giảm sự tùy tiện của các ngân hàng, tuy là đúng luật, trong việc hạch toán rủi
ro. Theo quy định mới có hiệu lực đầu năm 2017, các ngân hàng thương mại sẽ
không còn được phép sử dụng các mô hình đánh giá rủi ro nội bộ để đánh giá rủi
ro của các đối tác và khách hàng của họ. Từ năm 2018, quy định mới này sẽ được
áp dụng mở rộng ra cả việc chứng khoán hóa. Trong những năm sau đó, các ngân
hàng sẽ phải đánh giá các khách hàng vay vốn của họ dựa trên các tiêu chuẩn đề
xuất bởi Ủy ban Basel.
Trong khi đó, IFRS 9 thay thế
cho phiên bản trước đó là IAS 39. IFRS gồm 3 chủ đề: phân loại và đo lường các
công cụ tài chính, ghi nhận sớm tổn thất kỳ vọng cho các tài sản tài chính, và
hạch toán phòng ngửa rủi ro.
Các quy định mới sẽ tác động mạnh đến các ngân hàng
Dù chưa có hiệu lực ngay trong
năm 2017 này nhưng Basel III hiện đang bị phê phán là đã làm giảm mức độ thanh
khoản toàn cầu và tốc độ tăng trưởng tín dụng. Nên khi nó chính thức có hiệu
lực đầu năm 2018 thì tác động của nó sẽ còn được lớn hơn thế nhiều. Khi được
thực thi, những luật lệ này được cho là sẽ bóp nghẹt hơn nữa việc cho vay của
các ngân hàng thương mại, buộc các ngân hàng thương mại có xu hướng chỉ cho vay
những doanh nghiệp tốt nhất. Và như thế có nghĩa là có thể sẽ làm gia tăng
“dịch” phá sản trên toàn cầu vì nhiều doanh nghiệp không tiếp cận được vốn vay
ngân hàng, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Hơn nữa, cũng giống nhiều quy
định tài chính khác trước đây, tác động của những luật lệ mới về tài chính sẽ
đến sớm hơn là ngày chúng có hiệu lực. Có nghĩa là ngay trong năm mới 2017 này
các luật lệ tài chính mới đã bắt đầu tác động đến các chủ thể trong nền kinh tế
mặc dù ngày có hiệu lực của chúng là đầu năm 2018. Còn với việc thực thi IFRS 9, thì theo nhiều chuyên gia phân tích tín dụng, nó sẽ làm tăng nợ xấu tại một số ngân hàng thêm lên ít nhất 1/3. Vì khi nợ xấu, hay sự ghi nhận chúng, tăng lên, các ngân hàng sẽ phải tăng vốn chủ sở hữu lên tương ứng. Nói cách khác, các ngân hàng sẽ gặp nhiều khó khăn và tốn kém hơn khi cho vay khách hàng.
Theo các quy định mới ở trên,
với khác hàng là các doanh nghiệp có doanh thu cao hơn và tỷ lệ đòn bảy thấp
hơn thì các ngân hàng thương mại sẽ cần ít vốn chủ sở hữu hơn (vì doanh nghiệp
khách hàng của họ ít rủi ro hơn). Như vậy, các ngân hàng thương mại có động cơ
chỉ cho vay các doanh nghiệp lớn nhất, cạnh tranh nhất (và tức là có doanh thu
và lợi nhuận cao nhất), để giảm thiểu rủi ro. Điều này có nghĩa là các doanh
nghiệp nhỏ hơn sẽ có rất ít cơ hội được vay vốn để phát triển.
Việt Nam đi chậm hơn
Khác với thế giới đang
tiến lên Basel III, ở Việt Nam bắt đầu từ tháng 2/2016, Ngân hàng Nhà nước
(NHNN) mới chỉ định 10 ngân hàng thương mại, gồm BIDV, VietinBank, Vietcombank,
Techcombank, ACB, VPBank, MB, Maritime Bank, Sacombank và VIB, thực hiện thí điểm
phương pháp quản trị vốn và rủi ro theo tiêu chuẩn Basel II, “người tiền nhiệm”
của Basel III.
Basel II có 3 trụ cột: yêu cầu về vốn tối thiểu, giám sát
tuân thủ, và kỷ luật thị trường. Basel III cũng 3 trụ cột như trên, nhưng có
thêm chữ “tăng cường”, có nghĩa là các tiêu chuẩn của Basel III sẽ cao hơn của
Basel II. Ví dụ, về yêu cầu vốn tối thiểu, Basel III yêu cầu các ngân hàng phải
duy trì một lượng vốn tối thiểu là 4,5% của tổng tài sản (tính theo trọng số rủi
ro) từ cổ phiếu phổ thông, so với mức 2% trong Basel II.
Khác biệt lớn khác là về
phương pháp ước tính rủi ro tín dụng. Basel II khuyến khích các ngân hàng tự
phát triển và áp dụng phương pháp đánh giá tín dụng nội bộ (IRB) để xác định lượng
vốn tối thiểu ngân hàng cần phải nắm giữ đối với mỗi một khoản cho vay. Tại mỗi
ngân hàng thương mại áp dụng Basel II, IRB được xây dựng dựa trên sự ước tính rủi
ro tín dụng của mỗi khoản cho vay. Trong khi đó, như đã nói ở trên, từ đầu năm 2017 thế giới sẽ thực thi quy định mới không cho phép các ngân hàng thương mại sử dụng các mô hình đánh giá rủi ro nội bộ để đánh giá rủi ro của các đối tác và khách hàng của họ. Lý do là, như trong một nghiên cứu của Ủy ban Basel về Giám sát tài chính năm 2013 cho thấy, cùng một tài sản nhưng mỗi ngân hàng lại áp dụng một trọng số khác nhau, nhiều khi chênh lệch nhau đến 20%, để tính rủi ro tín dụng chung (bình quân gia quyền) của ngân hàng đó (cho tất cả các tài sản mà ngân hàng đang nắm giữ), dẫn đến kết quả tính toán rủi ro tín dụng không nhất thiết phản ảnh đúng bàn chất rủi ro của các tài sản mà các ngân hàng đang nắm giữ.
Giảm thiểu tác động bất lợi
Tuy là một phiên bản cũ nhưng
việc thự thi Basel II cũng đã và sẽ khá khó khăn và chật vật ở Việt Nam vì
nhiều nguyên nhân. Trước tiên, Basel II đòi hỏi quốc gia áp dụng phải có một hệ thống
tài chính phát triển và mạnh, vì sự áp dụng sớm Basel II ở những nước có nguồn
lực hạn chế sẽ làm phân tán các nguồn lực dành cho các ưu tiên cấp bách, làm
loãng thay vì củng cố sự giám sát rủi ro tài chính. Tiếp đó, áp dụng thành công
Basel II đòi hỏi phải có số liệu chính xác, đáng tin cậy và kịp thời. Nếu rủi
ro không được tính toán, hay bị phóng đại hoặc bị tính thấp đi có thể làm vô hiệu
hóa tác dụng tích cực của Basel II. Ngoài ra, việc thiếu vắng đội ngũ chuyên
gia phân tích rủi ro tín dụng tại các ngân hàng thương mại, cũng như chi phí tốn
kém để áp dụng Basel II cũng là những trở ngại cho việc thực thi các tiêu chuẩn
của Basel II ở Việt Nam.
Do đó, việc thực thi Basell II
ở Việt Nam có thể được nhìn nhận như một bước tập dượt cho Basel III, phiên bản
cao hơn và đòi hỏi nhiều hơn so với Basel II. Tuy vậy, cũng giống như Basel III
và những luật lệ mới được áp dụng từ năm 2017, Basel II cũng sẽ sự phân biệt
giữa các đối tượng cho vay là doanh nghiệp lớn với các doanh nghiệp nhỏ hơn vì
doanh nghiệp nhỏ hơn thường được xem là có độ rủi ro cao hơn các doanh nghiệp lớn,
và, do đó, đòi hỏi các ngân hàng phải có nhiều vốn hơn. Nếu không có các biện
pháp khắc phục phù hợp thì nhiều doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và
nhỏ, sẽ không thể tiếp cận được vốn ngân hàng. Việc xây dựng các quỹ bảo lãnh
tín dụng hay giải quyết các vấn đề về tài sản thế chấp vay vốn là một trong những
biện pháp như vậy, tuy chỉ có tác dụng hạn chế. Bởi vì, ví dụ, quỹ bảo lãnh tín
dụng chỉ có thể ở quy mô nhỏ do hạn chế về nguồn vốn, trong khi việc phân tích,
đánh giá rủi ro để ra quyết định bảo lãnh của các quỹ này thường không thể tốt
bằng các ngân hàng thương mại nên dễ dẫn đến khả năng “cụt vốn” khi các doanh
nghiệp vừa và nhỏ được bảo lãnh vay vốn mất khả năng thanh toán.
Bên cạnh đó, việc để cho các ngân hàng thương mại áp dụng
sử dụng các mô hình đánh giá rủi ro nội bộ để đánh
giá rủi ro của các đối tác và khách hàng của họ theo quy định của Basel II cũng
là điều cần được xem xét và điều chỉnh. Bởi chính vì quy định lỏng lẻo này đã
góp phần làm nổ ra cuộc khủng hoảng tài chính 2007-2008 và Basell III được ra
đời để khắc phục bất cập này. Do đó, để tránh những bất ổn và đổ vỡ trong hệ
thống ngân hàng, song song với việc thực thi nhiều quy định trong Basel II,
Việt Nam cần thiết phải thống nhất và áp dụng một mô hình đánh giá rủi ro
chung, có thể dựa trên những tiêu chuẩn mà Ủy ban Basel đưa ra, cho tất cả các
ngân hàng thương mại để tránh tình trạng các rủi ro không được lượng hóa đầy đủ
và hợp lý. Nếu thấy rằng các tiêu chuẩn đánh giá rủi ro của Ủy ban Basel đưa ra
là quá cao, quá khó thực hiện cho Việt Nam trong giai đoạn hiện nay thì cần có
một sự thỏa hiệp nào đó nhưng phải đảm bảo các tiêu chuẩn chung đánh giá rủi ro
ở Việt Nam sẽ phải cao hơn các tiêu chuẩn cũ theo Basel II.
No comments:
Post a Comment