Xử lý nợ đọng thuế đã thành vấn đề lớn từ
hàng chục năm nay với việc Bộ Tài chính liên tục đề xuất những giải pháp hoặc
đề nghị sửa đổi luật lệ liên quan đến quản lý thuế, còn báo chí thì giật những
tít mà chỉ nghe thôi đã thấy rõ sự bế tắc, đại loại như “Gian nan xử lý nợ đọng
thuế”.
Cắc cớ cái cớ!
Tại sao lại có sự “gian nan” này? Một trong
những lý do, căn cứ mà Bộ Tài chính thường xuyên đưa ra để biện minh cho việc
để phát sinh và tồn đọng nợ thuế là người kinh doanh thua lỗ, ngừng kinh doanh,
hoặc giải thể, nhất là trong giai đoạn kinh tế đi xuống từ năm 2007
-2012, nên không có khả năng thu hồi thuế
(nợ đọng).
Giải thích trên nghe rất hợp
lý. Nhưng hãy thử “diễn nôm” việc ai đó nợ
thuế nhà nước thành chuyện nợ nần dân sự. Tuy tôi nợ anh nhưng vì tôi khó khăn, hết tiền nên tôi không thể trả anh được. Do
đó, tốt nhất là anh quên món nợ này của tôi đi, vì dù anh có nhớ, có cố gắng
đòi thì tôi cũng không trả và/hoặc không muốn, không thể trả được!
Đương nhiên là không có chủ nợ nào lại có thể
cả tin, dễ dàng buông xuôi trước con nợ như vậy cả! Nên họ sẽ phải vận dụng
nhiều cách đòi nợ khác nhau, từ ôn hòa như vận động, thuyết phục, van nài, kể
khổ… đến những biện pháp cứng rắn hơn, gồm biện pháp pháp lý là thuê công ty
đòi nợ thuê, kiện ra tòa, và cả những biện pháp bất hợp pháp như đe dọa, thuê “đầu
gấu”, chiếm giữ tài sản của con nợ…
Trở lại chuyện nợ đọng thuế, với chủ nợ là
nhà nước, đại diện là cán bộ thuế của Bộ Tài chính. Thử hỏi họ đã ráo riết,
“quyết liệt” xử lý chuyện nợ đọng thuế như thế nào? Câu trả lời là khá thất
vọng.
Ví dụ, tra tìm trên Internet thì thấy có một
tin vào tháng 3/2015 nói rằng Tổng cục Thuế vừa ban hành văn bản hướng dẫn Cục
thuế Khánh Hòa về cưỡng chế thuế với người nợ tiền thuế quá 90 ngày (1). Điều
này có nghĩa là bất chấp tình hình nợ đọng thuế ngày càng gia tăng trong vòng
hơn chục năm qua, nhưng mãi đến năm 2015 ngành thuế vẫn chưa có giải pháp cưỡng
chế thuế thống nhất trong toàn quốc. Nói cách khác, việc xử lý nợ đọng thuế từ
trước đến nay hầu như vẫn mạnh ai người đó làm, không được quy định và hướng
dẫn một cách đầy đủ, thống nhất thành luật.
Chưa hết, nếu có tra cứu thêm thông tin về
các trường hợp người nợ đọng thuế bị cưỡng chế thuế, bị truy tố vì tội chây ỳ
không nộp thuế trên cả nước thì kết quả cũng khá nghèo nàn, chứng tỏ ngành thuế
chưa cứng rắn, mạnh tay “quyết liệt” xử lý nợ đọng thuế như họ lẽ ra đã phải
làm.
Những giải pháp “rắn” đã vậy, còn về những
giải pháp “mềm” thì mãi cho đến gần đây mới nghe thấy một địa phương là Hà Nội
đề xuất áp dụng giải pháp mời người nợ thuế lên cơ quan thuế để “động viên” họ
nộp thuế, trên cơ sở “lắng nghe, chia sẻ, tháo gỡ khó khăn cho người nộp thuế”.(2)
Lưu ý thêm đây cũng chỉ mới là đề xuất.
Như vậy, qua những tóm tắt ở trên có thể thấy
ngành thuế đã rất chậm chễ và không làm tròn trách nhiệm “đòi nợ” cho ngân khố
quốc gia nên nguyên nhân của nạn gia tăng thuế nợ đọng chủ yếu là có tính chủ
quan chứ không phải khách quan (khủng hoảng kinh tế, người kinh doanh khó khăn,
phá sản, đóng cửa…) như Bộ Tài chính thường biện giải.
Hãy cứ làm tròn trách nhiệm!
Phân tích ở trên cho thấy để xử lý thành công
nợ đọng thuế thì trước hết và quan trọng nhất là ngành thuế phải làm tròn, làm
tốt trách nhiệm thu thuế của mình, thay vì đổ lỗi cho khách quan rồi tự “giải
cứu” cho mình bằng cách liên tục đề xuất xóa nợ thuế.
Cụ thể hơn, đành rằng có thể có nhiều nguyên
nhân bất khả kháng dẫn tình trạng mất khả năng trả thuế, nhưng không vì thế mà
cho rằng mọi trường hợp nợ đọng thuế đều đáng, đều cần được xóa nợ thuế. Trách
nhiệm của ngành thuế là phải phân loại từng khoản nợ đọng thuế như cách ngành
ngân hàng phân loại nợ xấu, để có giải pháp xử lý thích hợp.
Với những trường hợp chây ỳ, ngành thuế trước
hết cần tiến hành tất cả các biện pháp cưỡng chế, kể cả chuyển cơ quan chức
năng truy tố tội trốn, không nộp thuế. Chừng nào chưa thực hiện tất cả những
biện pháp này để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật thì chừng đó ngành thuế
chưa có cơ sở để kết luận rằng khoản nợ thuế này “không có khả năng thu hồi” để
đề xuất xóa nợ thuế được.
Với trường hợp nợ thuế vì lý “khách quan” như
kinh doanh khó khăn, đóng cửa, phá sản… thì trước hết vẫn cần phải truy trách
nhiệm của cán bộ thuế bởi đã không đôn đốc người có nghĩa vụ nộp thuế phải trả
thuế đúng hạn, để đến lúc con nợ ngừng kinh doanh, đóng cửa, phá sản thì lại
“dán nhãn” cho món nợ này thành “không có khả năng thu hồi” rồi đề xuất xóa nợ.
Cũng không loại trừ động cơ tư lợi của cán bộ thuế trong những trường hợp này.
Do đó, quy trách nhiệm cho cán bộ thuế cũng là một động thái cần thiết để ngăn
ngừa nợ đọng thuế tiếp tục phát sinh như đang chứng kiến hiện nay, dù không còn
chuyện “khủng hoảng” hay “kinh tế khó khăn” để mà đổ lỗi như trước nữa.
Quan trọng không kém là xử lý nợ đọng thuế
cần tránh dẫn đến đề xuất tăng thêm nhân lực (và cơ sở vật chất) cho ngành thuế
với lý do là “làm không xuể”, không đủ người để theo dõi, đôn đốc trả nợ thuế.
Bên cạnh chuyện ngành thuế đang quá dư thừa biên chế đến mức phải giải thể, sáp
nhập các chi cục thuế ở một số địa phương, phân tích ở trên còn cho thấy có
những nguyên nhân chủ quan gây ra nợ đọng thuế gia tăng không nằm ở chuyện có
đủ nhân lực cho ngành thuế hay không. Nói cách khác, tăng thêm bộ máy cho ngành
thuế mà vẫn nguyên cách làm chậm chễ, nửa vời, không “quyết liệt” như cũ thì nợ
đọng thuế vẫn là vấn đề kinh niên, ngày càng khó giải quyết.
(1) http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/thue-voi-cuoc-song/2015-03-17/cham-nop-thue-qua-90-ngay-se-bi-cuong-che-thue-18863.aspx
(2) https://tuoitre.vn/ha-noi-moi-nguoi-no-thue-len-dong-vien-20180320093048067.htm
No comments:
Post a Comment