Chính phủ đã có báo cáo về hoạt động đầu tư, quản lý và sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong phạm vi toàn quốc năm 2017. Báo cáo này tiếp tục cho biết một số thông tin về tình hình nợ của doanh nghiệp nhà nước (DNNN).
Liên quan đến tình hình tài chính và kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của các tập đoàn kinh tế (TĐKT), tổng công ty nhà nước (TCT) và công ty mẹ - công ty con (với số lượng tổng cộng là 83, không tính số liệu của Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam do đang thực hiện tái cơ cấu), tính toán từ các số liệu có trong báo cáo cho thấy các doanh nghiệp này có tổng tài sản tăng 2% so với năm 2016, mặc dù số lượng TĐKT và TCT đã giảm đi trong năm 2017 (giảm 8 đơn vị). Mặt khác, nợ phải thu cũng tăng 5% so với 2016 (xem bảng).
Do tốc độ tăng nợ phải thu lớn hơn tốc độ tăng tài sản nên tỷ lệ nợ phải thu/tổng tài sản tăng vọt 13,5% năm 2017 so với năm 2016, phản ánh sự suy giảm chất lượng tài sản đáng kể so với năm 2016.
Đáng chú ý là lần đầu tiên trong bốn năm, nợ phải thu khó đòi đã giảm so với năm trước, thấp hơn năm 2016 là 6%. Điều này có được là nhờ sụt giảm nợ phải thu khó đòi (giảm tới 21%) của các công ty mẹ, bù đắp cho sự tăng lên ở nhóm TĐKT, TCT (+4%). Một số doanh nghiệp có nợ phải thu khó đòi lớn là tập đoàn Dầu khí, Cao su, và Viễn thông Quân đội.
Tỷ lệ tồn kho trên tổng tài sản tiếp tục giảm cho thấy tình hình kinh doanh của các TĐKT, TCT, công ty mẹ - công ty con đã khả quan hơn, với lượng tồn kho giảm một cách tương đối, trực tiếp dẫn đến việc cải thiện doanh thu và lợi nhuận hoạt động của doanh nghiệp.
Về vấn đề công nợ, mức tăng nợ phải trả tiếp tục được khống chế ở mức khá khiêm tốn, chỉ tăng 1,3% năm 2017 so với 3% năm 2016. Điều khó hiểu là dù vốn chủ sở hữu tăng 4% trong năm 2017, trong khi nợ phải trả của các TĐKT, TCT và công ty mẹ - công ty con tăng ở mức thấp hơn, 1,3%, nhưng hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu của các TĐKT, TCT và công ty mẹ - công ty con vẫn cao hơn so với 2016 (tương ứng là 1,25 và 1,22).
Nhờ vốn chủ sở hữu được cải thiện với tốc độ nhanh hơn sự gia tăng tổng tài sản nên các TĐKT, TCT và công ty mẹ - công ty con đạt được hệ số vốn chủ sở hữu/tổng tài sản là 0,56 năm 2017, cải thiện mạnh so với các năm trước đó. Điều này làm cho tính bền vững trong hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp cũng được cải thiện đáng kể.
Cuối cùng, hệ số tổng nợ phải trả/tổng nguồn vốn - một chỉ tiêu đo lường sức khỏe tài chính khác - của các TĐKT, TCT và công ty mẹ - công ty con đứng ở mức 0,56, tăng nhẹ so với hai năm liền kề trước đó. Như báo cáo cho biết, hệ số này càng thấp thì doanh nghiệp càng có khả năng trả nợ cao hơn, và ngược lại. Như vậy, xét về chỉ tiêu này thì tình hình công nợ của các TĐKT, TCT và công ty mẹ - công ty con lại có chiều hướng xấu đi.
Tóm lại, qua báo cáo của Chính phủ, tuy vẫn còn hạn chế về phạm vi và tính nhất quán về thông tin được cung cấp, có thể thấy một bức tranh đan xen sáng tối liên quan đến tình hình tài chính và hoạt động kinh doanh của DNNN. Xét riêng về công nợ, cũng chưa thấy những bằng chứng rõ rệt và nhất quán về sự cải thiện đáng kể trên các chỉ tiêu chọn lọc liên quan.
No comments:
Post a Comment