Gần đây, có một số nhận định cho rằng Việt Nam ký hiệp định tự do thương mại song phương và đa phương (FTA) với nước nào, khu vực nào thường sẽ bị thâm hụt thương mại với nơi đó. Điều này có hoàn toàn đúng?
Dựa trên số liệu về thương mại của Liên hiệp quốc (UN Comtrade), chúng ta có thể tính được diễn biến về xuất nhập khẩu cũng như tình hình nhập siêu của Việt Nam với thế giới và khu vực kể từ năm 2000 (năm đầu tiên có số liệu) cho đến năm 2016 (có số liệu mới nhất) như trong bảng 1.
Nhìn chung, theo số liệu trên, Việt Nam luôn có thâm hụt thương mại (nhập siêu) với thế giới và với từng nước/khu vực kể từ năm 2000. Thậm chí mức nhập siêu tuyệt đối lại còn tăng lên với một số nước/khu vực cụ thể như ASEAN-8 (trừ Đông Timor), và Trung Quốc (đặc biệt kể từ khi FTA giữa ASEAN và Trung Quốc (ACFTA) có hiệu lực năm 2005). Điều này dường như củng cố cho nhận định được nêu ở đầu bài.
Tuy nhiên, tình hình sẽ khác nếu chúng ta phân tích từ góc độ so sánh nhập siêu với kim ngạch xuất khẩu như cho thấy trong bảng 2.
Theo số liệu trong bảng 2, kể từ khi Việt Nam gia nhập WTO (2007), một dạng FTA đa phương, tỷ lệ nhập siêu của Việt Nam với thế giới có chiều hướng giảm mạnh từ sau năm 2010 (số liệu từng năm không được nêu trong bảng trên). Nói cách khác, gia nhập WTO đã có tác dụng cải thiện cán cân thương mại rõ rệt cho Việt Nam.
Tương tự như vậy, thâm hụt thương mại với ASEAN tuy vẫn còn đó và ở mức đáng kể, nhưng điều đáng chú ý là mức thâm hụt này tính theo tỷ lệ trên kim ngạch xuất khẩu cũng có chiều hướng thu hẹp nhanh chóng.
Sự cải thiện chung về tình trạng nhập siêu của Việt Nam với thế giới và khu vực còn được thể hiện rõ hơn ở bảng 3. Đây là bảng tính tỷ lệ trung bình của nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu cho mỗi năm năm một từ năm 2000-2016 để loại bớt ảnh hưởng của sự biến động mạnh của một năm nào đó trong thời gian khảo sát.
Như bảng 3 cho thấy, tỷ lệ nhập siêu của Việt Nam với thế giới (WTO) và ASEAN (AFTA) so với kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đã giảm mạnh kể từ sau năm 2010.
Tuy nhiên, đối với các FTA ký kết giữa ASEAN và một số đối tác chính trong khu vực như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật và Úc/New Zealand, nhập siêu quả thật là có xu hướng xấu đi trong những năm sau khi các FTA tương ứng có hiệu lực. Nhưng chuyện này cũng có thể hiểu được là vì Việt Nam, với tư cách chỉ là một trong số mười thành viên của cả khối, buộc phải tuân theo thỏa thuận chung của khối mà không thể “mặc cả” được nhiều điều khoản có lợi và ân hạn cho mình như với một số FTA song phương khác.
Trên hết, đây là điều hầu như khó tránh khỏi đặc biệt là với Trung Quốc, Hàn Quốc, là những nước mà Việt Nam phụ thuộc nặng nề vào nhập khẩu nguyên vật liệu để gia công và xuất khẩu ra thế giới (và đạt được thặng dư thương mại với phần còn lại của thế giới).
Dẫu vậy, nhập siêu của Việt Nam với Nhật nếu tính theo cách trung bình này thì cũng không có xu hướng xấu đi rõ rệt.
Tóm lại, qua phân tích số liệu thương mại của Việt Nam với khu vực và thế giới, có thể khẳng định rằng ký kết FTA nhìn chung có tác dụng tích cực trong việc cải thiện cán cân thương mại của Việt Nam về tổng thể.
No comments:
Post a Comment