Bộ Tài chính vừa công bố báo cáo ngân sách dành cho đối tượng người đọc là dân chúng trong một nỗ lực rất đáng ghi nhận của bộ này về việc công bố số liệu về ngân sách. Đáng tiếc là báo cáo này vừa thừa, vừa thiếu, và quan trọng hơn, không cho thấy được đã có những tiến bộ trong tăng thu, giảm chi ngân sách để hướng tới cân bằng ngân sách một cách lành mạnh trong dài hạn.
Thừa vẫn thừa, thiếu vẫn thiếu
Xin minh họa chuyện thừa thiếu trên qua báo cáo mới nhất là “Báo cáo dự toán ngân sách nhà nước năm 2019” trình Quốc hội.
Trước tiên xin nói về hình thức. Trang 3 của báo cáo nêu một số chi tiết về dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2019. Biểu đồ bên trái cho biết đóng góp cụ thể về giá trị từ bốn nguồn thu ngân sách (nội địa, dầu thô, xuất nhập khẩu, và viện trợ không hoàn lại) tạo nên tổng thu ngân sách nhà nước. Biểu đồ thứ hai về “tổng thu cân đối ngân sách nhà nước” cho thấy cơ cấu tổng thu này từ các nguồn khác nhau (tính theo %).
Trước hết là người dân bình thường có lẽ không hiểu “tổng thu ngân sách” khác với “tổng thu cân đối ngân sách” ra sao, vì vậy, lẽ ra Bộ Tài chính nên có chú giải thêm về hai tiêu chí này.
Tiếp theo, xin nói về nội dung. Không hiểu vì lý do gì mà trên trang web của mình, Bộ Tài chính tuy có đăng tải báo cáo dự toán cho các năm từ năm 2015 đến 2019 nhưng lại không đăng tải báo cáo thực hiện dự toán cho những năm 2015 và 2016. Ở mục “Báo cáo ngân sách nhà nước dành cho công dân” cũng không có một số liệu nào về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước qua các năm, mới là cái mà dư luận quan tâm hơn.
Chưa hết, đối với tình hình thực hiện của năm 2017, là năm duy nhất có báo cáo đầy đủ cho thực hiện cả năm, số liệu đưa ra cũng như “đánh đố” người đọc. Bảng dưới đây tập hợp một số số liệu chính từ báo cáo dự toán và báo cáo thực hiện của năm 2017.
Những số liệu cần thiết như tốc độ tăng của thực hiện dự toán hay tình hình cải cách biên chế thể hiện qua con số chi cải cách tiền lương năm 2017 lại “vô tình” thiếu vắng trong bảng trên. Hơn nữa, nếu cộng ba cấu thành chính của thực hiện tổng chi ngân sách (chi đầu tư phát triển, chi thường xuyên, và chi trả nợ) thì được con số là 1.370, thấp hơn mức tổng chi thực hiện (1.461,8) tới 91.400 tỉ đồng (bằng 6,2% tổng chi thực hiện), và không rõ là con số này đã đi đâu. Đây chính là lý do cho việc mặc dù tổng chi ngân sách thực hiện tăng tới 5,1% so với dự toán nhưng cả ba cấu thành của tổng chi thực hiện lại chỉ tăng với mức thấp hơn nhiều, tạo cảm giác mọi thứ đều tốt đẹp, trong khi thực tế đã có một khoản chi nào đó rất quan trọng đã bị giấu đi.
Qua một số ví dụ trên có thể rút ra là nội dung thông tin về nguồn thu ngân sách không có mấy tác dụng, có đọc đến cũng chỉ biết vậy, không thể rút ra được so sánh hay liên hệ có ý nghĩa.
Không thấy chuyển biến tích cực, rõ nét
Mục tiêu xuyên suốt của ngân sách nhà nước trong các năm từ 2015 (là năm đầu tiên có báo cáo được công khai trên trang web của Bộ Tài chính) đến năm mới nhất là 2019 có những mục tiêu giống nhau, cụ thể là: huy động, quản lý, sử dụng các nguồn tài chính hiệu quả; từng bước cơ cấu lại ngân sách nhà nước...
Quả thật, dự toán thu chi ngân sách do
Bộ Tài chính công bố cũng đã cố gắng thể hiện những mục tiêu này, như được thể hiện qua bảng.
Theo đó, về nguồn thu, tỷ trọng thu nội địa có xu hướng tăng lên rõ rệt, đảm bảo thu ngân sách nhà nước có tính bền vững hơn. Về chi, tỷ trọng chi đầu tư phát triển cũng có xu hướng tăng lên, ngược lại với chi thường xuyên, cũng nhằm đảm bảo tính bền vững về sức khỏe của ngân sách.
Tuy nhiên, như đã nói, do mới chỉ có báo cáo thực hiện thu chi ngân sách cả năm cho duy nhất năm 2017 nên ta không thể đi đến kết luận rằng những mục tiêu trên đã được hiện thực hóa trên thực tế.
Một điều đáng lưu tâm là qua một số báo cáo đây đó của các cơ quan chức năng có thể thấy một phần rất đáng kể của thu ngân sách là có nguồn gốc từ vay nợ trong và ngoài nước. Bản thân hạng mục chi đầu tư phát triển cũng có một phần đáng kể vốn có nguồn gốc từ vay nợ(1). Nói cách khác, dù tỷ trọng chi đầu tư phát triển trong tổng chi ngân sách có vẻ như đã tăng nhưng sự gia tăng này có được là nhờ vốn đi vay chứ không phải là vốn tích lũy nội bộ. Trong khi đó, tuy chi thường xuyên có giảm về tỷ trọng nhưng về con số tuyệt đối vẫn đang tiếp tục tăng, dù trên thực tế cần phải đạt được điều ngược lại.
Rất đáng tiếc là những điều này lại không được phản ánh trong các báo cáo dự toán (và thực hiện) ngân sách nhà nước của Bộ Tài chính, làm cho những mục tiêu mà bộ này đề ra trong báo cáo, như đã nêu, không có nhiều ý nghĩa. Có thể biện hộ rằng vì là báo cáo cho công dân nên cần phải “đơn giản, dễ hiểu” để lấy đó làm lý do cho sự tồn tại của những bất cập nêu trên, nhưng ngay cả những báo cáo khác mà bộ này công bố trên trang web của mình cũng không khá gì hơn.
Tóm lại, tuy Bộ Tài chính đã có cố gắng công khai số liệu về ngân sách nhà nước, đặc biệt đến người dân, nhưng do cung cách công khai cũng như một số bất cập về nội dung, nên việc công khai này hầu như ít tác dụng trong việc giúp người dân (và cả giới chuyên gia) hiểu rõ được điều gì đang thực sự xảy ra với ngân sách và tương lai ngân sách sẽ đi về đâu.
(1) https://www.thesaigontimes.vn/280989/ky-luat-ngan-sach-nha-nuoc-con-long-leo.html
No comments:
Post a Comment