Hồi tháng 2-2017, Chính phủ ban hành Nghị định 20/2017/NĐ-CP quy định về quản lý thuế đối với các doanh nghiệp có giao dịch liên kết. Có hiệu lực từ 1-5-2017, nghị định này nhằm quản lý, chống thất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với các doanh nghiệp có quan hệ liên kết. Đối tượng áp dụng là doanh nghiệp cả trong và ngoài nước.
Một trong những vấn đề mấu chốt của Nghị định 20 là quy định khống chế tỷ lệ lãi vay. Khoản 3, điều 8 nghị định này quy định: “Tổng chi phí lãi vay phát sinh trong kỳ của người nộp thuế được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp không vượt quá 20% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cộng với chi phí lãi vay, chi phí khấu hao trong kỳ của người nộp thuế”. Khi đó, phần chi phí lãi vay vượt quá 20% sẽ bị coi là chi phí không hợp lý và bị tính thuế.
Bất cập và gánh nặng tài chính gia tăng cho doanh nghiệp trong nước?
Theo phản ánh của báo chí, trong khi chưa thấy doanh nghiệp nước ngoài đang hoạt động ở Việt Nam lên tiếng (thông qua các hiệp hội) về những thiệt hại có thể có (trừ những phiền hà do làm tăng thủ tục hành chính) thì nhiều doanh nghiệp trong nước phàn nàn rằng quy định về trần chi phí vay nói trên sẽ không chỉ ảnh hưởng lớn đến tình hình tài chính của họ vì số thuế thu nhập doanh nghiệp phát sinh phải nộp rất lớn, mà còn tạo ra những khó khăn, bất cập khác.
Cụ thể, đối với các khoản vay mà công ty mẹ vay về và cho công ty con vay lại thì chi phí lãi vay phát sinh tại cả công ty mẹ và công ty con tính trên cùng một khoản vay và sẽ bị áp trần hai lần. Phần chi phí lãi vay vượt trần sẽ bị tính thuế hai lần tại hai công ty. Trên hết, quy định này tạo ra rào cản đối với việc cho vay nội bộ giữa công ty mẹ và công ty con, làm mất đi khả năng điều tiết sức mạnh chung của một tập đoàn và cơ hội đầu tư dài hạn vào các ngành nghề cần vốn lớn, có ý nghĩa lâu dài cho nền kinh tế. Chưa kể, nhiều doanh nghiệp nội địa và các công ty liên kết chỉ hoạt động ở Việt Nam và cùng chịu một mức thuế thu nhập doanh nghiệp nên không có động cơ chuyển giá.
Với những công ty hoạt động trong một số ngành mang tính đặc thù, nếu bị áp dụng quy định trên thì phải thuê các công ty bên ngoài để thực hiện những việc trước đây được giao cho các công ty con, công ty liên kết. Tuy nhiên, tại Việt Nam hiện ít có doanh nghiệp đáp ứng được nên những công ty này sẽ bị giảm năng lực cạnh tranh, ảnh hưởng đến việc làm và đối mặt với nguy cơ phá sản.
Ngoài ra, quy định trên còn không nêu rõ lãi vay có hay không bao gồm các loại lãi vay khác ngoài lãi vay từ bên liên kết. Nếu bao gồm thì quy định này sẽ làm đội chi phí lãi vay của nhiều doanh nghiệp lên mức rất cao, đặc biệt với những doanh nghiệp phụ thuộc lớn vào vốn vay ngân hàng, làm tăng mạnh phần thuế thu nhập doanh nghiệp phát sinh (của cả hai bên liên kết).
Không phải là quy định bất thường
Những lời phàn nàn trên ít nhiều là có lý. Nhưng trước hết cần nói ngay rằng Việt Nam không phải là một ngoại lệ khi đưa ra quy định liên quan đến chi phí lãi vay. Ở đây chúng ta chỉ tập trung vào chuyện khống chế chi phí lãi vay giữa các công ty liên kết trong nước, vì việc khống chế này là hiển nhiên và cần thiết với những giao dịch cho vay xuyên biên giới.
Mặc dù phần lớn các nước trên thế giới cho phép vay mượn lẫn nhau giữa các công ty liên kết, nhưng đồng thời có một số nước hoặc là không cho phép (ví dụ, Trung Quốc), hoặc là hạn chế chặt chẽ việc cho vay mượn lẫn nhau giữa các công ty liên kết (ví dụ, Ấn Độ)(1). Một số khác thì nằm ở giữa hai thái cực (ví dụ, Việt Nam).
Về hình thức khống chế chi phí lãi vay, một số nước áp thuế lợi tức không chỉ lên lãi vay (và lợi nhuận được chia) xuyên biên giới mà còn cả lãi vay phát sinh trong nước. Chẳng hạn, Trung Quốc từng áp thuế kinh doanh lên lãi vay và hiện đã chuyển sang áp dụng thuế giá trị gia tăng (VAT) lên phần lãi vay trong nước.
Cách đặt trần chi phí lãi vay như của Việt Nam suy cho cùng cũng là một hình thức đánh thuế tương tự như trên bởi phần chi phí lãi vay vượt trần sẽ bị đánh thuế thu nhập doanh nghiệp. Khác chăng chỉ là cách làm của Việt Nam cho phép một giới hạn nhất định chi phí lãi vay không bị đánh thuế (nhưng điều này không có nghĩa là, về tổng thể, tổng số thuế đánh lên chi phí lãi vay ở Việt Nam nhỏ hơn ở, ví dụ, Trung Quốc, vì còn phụ thuộc vào mức thuế cụ thể).
Với chi phí lãi vay ngân hàng, thuế lợi tức thường được miễn giảm, hoặc là không áp dụng với những khoản vay ngân hàng trong nước. Thêm nữa, thuế lợi tức đánh lên chi phí lãi vay giữa các công ty liên kết cũng có thể được hoàn lại trong một số trường hợp.
Như vậy, đối chiếu với cách làm của thế giới thì cách làm của Việt Nam về cơ bản không phải là ngoại lệ và các doanh nghiệp trong nước cần phải chấp nhận những bất tiện, “bất hợp lý” mà quy định này có thể tạo ra. Điều mà Việt Nam cần làm chỉ là nhanh chóng hướng dẫn nghị định trên theo hướng định nghĩa rõ là lãi vay có gồm lãi vay ngân hàng hay không (nếu có thì có được miễn hay giảm thuế hay không, khi nào) và trường hợp nào được miễn, giảm hoặc hoàn thuế áp lên phần chi phí lãi vay vượt trần (để tránh, giảm thiểu tình trạng bị đánh thuế hai lần).
Lưu ý thêm là suy nghĩ cho rằng nhiều doanh nghiệp nội địa và các công ty liên kết chỉ hoạt động ở Việt Nam và cùng chịu một mức thuế thu nhập doanh nghiệp nên không có động cơ chuyển giá (do đó không cần áp dụng Nghị định 20 với doanh nghiệp trong nước) là không đúng. Đơn giản là bởi ngay trong nước cũng có sự khác biệt về mức thuế thu nhập doanh nghiệp giữa các địa phương, trong các ngành nghề, loại hình doanh nghiệp... có thể là do các ưu đãi đa dạng về thuế. Điều này tạo ra kẽ hở cho các doanh nghiệp trong nước tiến hành chuyển giá qua các công ty con, công ty liên kết hoạt động ở những địa phương có ưu đãi về thuế. Do đó, việc áp dụng Nghị định 20 cho toàn bộ doanh nghiệp trong và ngoài nước không chỉ tránh được chuyện phân biệt đối xử (giữa doanh nghiệp nội địa và doanh nghiệp nước ngoài) mà còn hạn chế được chuyện chuyển giá của ngay cả các doanh nghiệp nội địa.
(1) https://treasuryprism.dbs.com/treasury-concepts/intercompany-loans
No comments:
Post a Comment