Càng đến thời điểm cuối năm thì áp lực lãi suất cho không chỉ tiền gửi mà cả cho vay càng tăng cao đáng kể. Trước xu hướng này, nhiều doanh nghiệp và người tiêu dùng tỏ ra lo lắng vì chi phí kinh doanh sẽ bị đội lên đáng kể khi lãi suất cho vay tăng so với trước đây.
Trước tiên, cần khẳng định luôn rằng sẽ chẳng có phép màu nào xảy ra để lãi suất (cho vay) không tăng hoặc tăng không đáng kể, chứ chưa dám nói là sẽ hạ đi.
Tiếp đó, nếu lãi suất thực sự sẽ tăng lên thêm nữa trong những tuần tới, tháng tới, thì đó là điều tất yếu, đã được dự báo từ trước cả năm nay. Các doanh nghiệp chưa kịp thích nghi với xu hướng này nên tự trách mình vì đã không coi trọng những dự đoán và cảnh báo về xu hướng lãi suất tăng để có những điều chỉnh cần thiết trong chiến lược kinh doanh của mình, thay vì đổ lỗi cho ai đó hoặc kêu gọi nhà nước giảm lãi suất hoặc có những biện pháp hỗ trợ cho mình.
Những dấu hiệu cảnh báo một mặt bằng lãi suất năm nay và sang năm sau sẽ chỉ có thể gia tăng chứ khó có thể đứng yên hoặc giảm đi so với năm trước thực ra đã xuất hiện từ khá sớm.
Đó là việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đưa ra định hướng điều hành chính sách tiền tệ, trong đó có mục tiêu tăng trưởng tín dụng cho năm nay ngay từ cuối năm trước. Theo đó, tăng trưởng tín dụng cả năm nay sẽ thấp hơn so với 2017 (16%-17% hoặc thấp hơn). Phương châm điều hành "thận trọng và linh hoạt" được cơ quan này nhấn mạnh xuyên suốt cả năm nay (và năm trước) đã tỏ ra không phải là câu nói trên giấy mà đã được thể hiện rõ qua tốc độ tăng trưởng tín dụng khá chậm so với dư địa được phép, với nhiều ngân hàng đã gần hết "room" tăng trưởng tín dụng mà không được NHNN cho phép mở rộng.
Yếu tố nền tảng quyết định xu hướng lãi suất – (hạn mức) tăng trưởng tín dụng, tức liên quan đến cung tiền – đã bị hạn chế như vậy thì lãi suất cho vay có cơ may đứng nguyên hoặc hạ đi chỉ khi nào nhu cầu tín dụng cũng chậm lại tương ứng. Đáng tiếc là điều này đã không xảy ra, bởi một thực tế hiển nhiên là GDP vẫn (được dự đoán) tiếp tục tăng trưởng, thậm chí ở mức cao so với những năm gần đây. Nói cách khác, lãi suất cả huy động lẫn cho vay đang chịu áp lực gia tăng lớn giữa một bên là cầu tín dụng đang tăng mạnh và cung tín dụng thì lại thắt chặt hơn.
Vậy thì, đến đây, sẽ có nhiều người, nhiều doanh nghiệp chất vấn và yêu cầu NHNN với tư cách là người "cầm trịch" cung cầu tín dụng phải nới lỏng cung tiền để "gỡ kẹt" cho lãi suất và tức là "cứu nguy" cho cả nền kinh tế.
Nhưng đứng ở góc độ NHNN, một cơ quan quản lý nhà nước đang phải gánh quá nhiều trách nhiệm và sứ mạng, họ buộc phải duy trì một chính sách "linh hoạt" – thực ra có nghĩa là mang tính ngắn hạn, theo phương châm "tùy cơ ứng biến" – và hy sinh mỗi mục tiêu một chút, không để cho mục tiêu nào quá xấu.
Cụ thể, do tỷ giá là một bài toán hóc búa và luôn được nhìn nhận là một thước đo sự ổn định kinh tế vĩ mô ở Việt Nam từ cả góc độ trong và ngoài nước, rõ ràng là NHNN không thể buông bỏ tỷ giá hay để nó tăng quá mạnh và gấp gáp. Nhưng không chỉ đúng với NHNN mà còn đúng với bất cứ ngân hàng trung ương nào trên thế giới, sẽ là thách thức lớn để khống chế tỷ giá trong phạm vi "ổn định" mong muốn trong bối cảnh cực kỳ bất lợi như chiến tranh thương mại và tiền tệ, Fed gia tăng lãi suất cơ bản tại Mỹ, và lạm phát trong nước đang có xu hướng gia tăng theo đà tăng của hàng hóa thế giới, trong khi dự trữ ngoại hối quốc gia chỉ ở mức an toàn tối thiểu (đó là tính đến thời điểm đầu năm nay).
Chịu các tác động bất lợi như nói trên mà tỷ giá VND/USD chỉ tăng ở mức 3-4% so với cùng kỳ năm trước về mặt nào đó có thể coi là một thành công của NHNN. Nhưng điều này không tự nhiên và dễ dàng có được, mà cũng chẳng phải là kết quả của một phép màu nào hay khả năng điều hành vượt bậc của NHNN thoát ra khỏi các hình mẫu ngân hàng trung ương thông thường trên thế giới.
Thực tế, nền kinh tế đã phải trả một cái giá nhất định khi NHNN thực thi chính sách "linh hoạt" để cả lạm phát, lãi suất, và tỷ giá cùng tăng, mỗi thứ một ít.
Tỷ giá "chỉ" gia tăng khá chừng mực như vậy là do được đánh đổi bằng lãi suất, ít nhất là trên thị trường liên ngân hàng và lãi suất huy động đều tăng, tạo thành xu hướng không thể đảo ngược. Như thường lệ, trước áp lực ngày càng gia tăng lên tỷ giá, đã có không ít doanh nghiệp và cả chuyên gia lẫn người dân lo ngại và phản đối chuyện phá giá/điều chỉnh giảm giá VND thì chuyện lãi suất gia tăng là tất yếu.
Lãi suất cũng được chọn để "hy sinh" trong chừng mực nhất định nhằm kiềm chế áp lực gia tăng lạm phát vốn đang mấp mé chỉ tiêu Quốc hội giao cho Chính phủ thực hiện. Ở phương diện này cũng khó có một công cụ nào thay thế mang tính bền vững hơn. Chính phủ đã cố gắng thi hành những chính sách mang tính hành chính để kiềm chế giá cả, nhưng những chính sách này chỉ mang tính tạm thời, không thể áp dụng từ quý này sang quý kia và rồi khi ngừng lại thì sẽ tạo ra những bước "nhảy cóc" mới trong chỉ số giá tiêu dùng CPI.
Tóm lại, cần hiểu một cách đơn giản rằng trong bối cảnh nguồn lực quốc gia có hạn, còn các bất lợi bên ngoài thì đã và đang tiếp diễn ngày càng bất lợi, lãi suất tăng sẽ là chuyện không thể tránh khỏi, do vậy doanh nghiệp cần có những điều chỉnh để chủ động về kế hoạch sản xuất kinh doanh của mình.
No comments:
Post a Comment