Do dịch Covid-19
đã quay trở lại, tiếp tục làm khó nền kinh tế và đời sống người dân nên một gói
hỗ trợ kinh tế lần 2 đang được đề xuất. Trước ảnh hưởng ngày càng lớn của tình
hình dịch bệnh, người ta cho rằng cần có các chính sách kinh tế đủ mạnh, vượt
hơn mức bình thường thì mới phục hồi được nền kinh tế.
Theo đó, chính
sách lần 2 phải bao quát toàn diện các đối tượng, phải đủ lớn, đủ mạnh để tác động
ngay, kích thích tăng trưởng kinh tế. Các chính sách đều phải gắn đến quản lý
cơ cấu các ngành, lĩnh vực, phải gắn với tái cơ cấu và những lĩnh vực liên
quan. Gói hỗ trợ phải đảm bảo đa mục tiêu chứ không chỉ kích thích tăng trưởng
kinh tế.
Cụ thể hơn, ngoài
hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa, người lao động và người dân chịu ảnh hưởng
của dịch bệnh, cần hỗ trợ các doanh nghiệp lớn đang gặp khó khăn về sự thiếu hụt
dòng tiền do chi phí cố định và chi phí duy trì hoạt động lớn trong khi doanh
thu bị sụt giảm nghiêm trọng.
Như vậy, có thể
nói gói hỗ trợ lần 2 nếu được thiết kế và thực hiện theo đề xuất trên thì sẽ hầu
như hỗ trợ mọi đối tượng, mọi chủ thể kinh tế, từ cá nhân đến doanh nghiệp, từ
doanh nghiệp vừa và nhỏ đến doanh nghiệp lớn.
Nếu “xông xênh”
như thế thì e chẳng có gói hỗ trợ nào kham nổi trên quy mô hầu như cả nền kinh
tế như vậy, nhất là khi phải hỗ trợ “đến nơi đến chốn” chứ không làm theo kiểu
“gọi là cho có”. Điều này buộc người thiết kế gói hỗ trợ lần 2 phải chọn lựa đối
tượng ưu tiên hỗ trợ và hỗ trợ đủ mức để đạt hiệu quả mong muốn.
Nhưng trước khi
chọn lựa đối tượng ưu tiên hỗ trợ thì cần trả lời mục đích hỗ trợ là gì? Có hai
mục đích hỗ trợ cần xem xét ở đây. Đó là “trao con cá” và “trao cần câu”. Trong
bối cảnh khó khăn tứ bề, nhu cầu tồn tại vượt lên tất cả các nhu cầu khác thì dễ
hiểu mục đích hỗ trợ ưu tiên trước hết phải là “trao con cá”, tức giúp cho người
dân, người lao động trước mắt có cơm ăn mà không bị đứt bữa, không phải ăn mì
gói triền miên; doanh nghiệp có tiền để cầm cự không phải đóng cửa trong những
tháng tới trong khi chờ đợi có vaccin phòng chống Covid-19.
Dựa trên mục đích
hỗ trợ ưu tiên như trên, có thể thấy đối tượng hỗ trợ ưu tiên phải là những cá
nhân và doanh nghiệp dễ và đã bị tổn thương nhiều nhất bởi dịch bệnh. Đó là
công nhân lao động, hộ nghèo, người thất nghiệp, lao động tự do. Về đối tượng
là doanh nghiệp, đó là những doanh nghiệp vừa và nhỏ, là những doanh nghiệp thường
hầu như không có nguồn lực dự trữ và khả năng tiếp cận các nguồn lực khác.
Đối với doanh
nghiệp lớn, tuy cũng có khó khăn nhưng ít ra thì chúng cũng còn có các cách
xoay xở so với doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ngoài ra, nếu muốn hỗ trợ cả doanh nghiệp
lớn thì vẫn phải đảm bảo nguyên tắc đối xử công bằng. Nhưng như vậy thì, như đã
nói ở trên, sẽ chẳng bao giờ có đủ nguồn lực để cứu trợ “xông xênh” cho tất cả
các doanh nghiệp lớn như thế được.
Thay vào đó, hãy
để các doanh nghiệp lớn tự tái cơ cấu để phù hợp với hoàn cảnh mới. Việc tái cơ
cấu có thể sẽ dẫn đến những hậu quả không mong muốn như sa thải người lao động.
Đến đây thì gói hỗ trợ sẽ phát huy tác dụng bằng cách hỗ trợ trực tiếp cho
doanh nghiệp lớn (cũng như cách mà nó hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ và người
lao động khác) thông qua việc nhà nước trả một phần lương cho người lao động để
doanh nghiệp tìm cách giữ người, hoặc trợ cấp cho người lao động khi bị sa thải.
Doanh nghiệp giữ được người cũng chính là được trao thêm cơ hội để hồi phục trong
và sau đại dịch.
Việc giảm đại trà
các loại thuế, phí và các loại chi phí cần thiết cho sinh hoạt của người dân và
hoạt động của doanh nghiệp là điều cần cân nhắc, chí ít bởi làm như vậy sẽ vi
phạm nguyên tắc cứu trợ đúng đối tượng cần cứu trợ. Trong số những đối tượng được
hưởng lợi ích giảm thuế, phí, chi phí sẽ có cả không ít những đối tượng khỏe mạnh,
không bị ảnh hưởng, thậm chí hưởng lợi nhờ dịch bệnh. Nên đương nhiên, một lần
nữa, gói cứu trợ lần 2 nếu có gồm giải pháp cắt giảm thuế, phí, chi phí thì chỉ
được thực hiện với những đối tượng đáng cứu trợ như đã đề cập ở trên, hoặc một
số đối tượng doanh nghiệp được khuyến khích phát triển ngay cả trong “thời
bình” như các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Với mục đích cứu
trợ “trao cần câu”, thường thì nhiều người chỉ nghĩ được đến giải pháp cho vay
ưu đãi, với lãi suất thấp. Nhưng cũng tương tự như việc cho người dân nghèo vay
vốn, nhiều khi tiền vốn cho vay lại được dùng để ăn nhậu, mua sắm đồ đạc mà
không (biết) dùng vào việc gì cho có lợi hơn.
Kinh nghiệm đối
phó với khủng hoảng ở nước ngoài cũng hữu ích đối với Việt Nam trong vấn đề này.
Chẳng hạn, Chính phủ Singapore sẵn sàng trả trợ cấp (khoảng hơn 180 ngàn đồng/giờ)
cho người lao động mất việc đi học các khóa học chuyển đổi hoặc nâng cao nghề
nghiệp, kỹ năng do Chính phủ tài trợ. Bằng cách làm như vậy, Chính phủ không phải
lo thu xếp một nguồn vốn khổng lồ để cho vay doanh nghiệp với nhu cầu vô tận
(do đặc tính ưu đãi của nó) mà còn giúp cho người lao động – là cái đích tối
thượng cho mọi gói cứu trợ - có được tiền để tồn tại trong khi có cơ hội tìm việc
làm mới, phù hợp hơn, đồng thời vẫn giúp cho doanh nghiệp có được “cần câu cá”
là nguồn nhân lực có kỹ năng tốt hơn, hiệu suất cao hơn.
Việc cắt giảm có
chọn lọc các loại thuế, phí, chi phí cũng là cách để giúp doanh nghiệp có thêm
“cần câu”, phương tiện, nguồn lực phục hồi, phát triển mà không nhất thiết cứ
đòi nhà nước phải cấp vốn ưu đãi.
Lại nói về cho vay ưu đãi, là cái đã được nhắc đến nhiều ở Việt Nam trong thời gian qua, chủ yếu liên quan đến một số doanh nghiệp lớn. Kinh nghiệm nước ngoài thường được nhiều người mang ra để vận động cho việc cho vay này. Nhưng có một thực tế mà không ai đả động đến, đó là việc một số Chính phủ nước ngoài hoặc là để cho ngay cả những doanh nghiệp đình đám như các hãng hàng không quốc gia bị phá sản, như Thai Airways, hoặc là việc cho vay thực chất chỉ là việc nhà nước mua cổ phần của doanh nghiệp với giá rẻ (như Chính phủ Đức bơm cho hãng hàng không Lufthansa 10 tỷ USD để đổi lấy 20% cổ phần với giá chiết khấu lớn so với thị giá).
No comments:
Post a Comment