Bộ Kế hoạch và Đầu
tư đang lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định việc công
bố thông tin của doanh nghiệp nhà nước (DNNN); xây dựng, cập nhật, quản lý và
khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về doanh nghiệp nhà nước (sau đây gọi tắt là dự
thảo nghị định). Mục đích dự thảo nghị định như bộ này cho biết là để thay thế
Nghị định số 81/2015/NĐ-CP quy định về việc công bố thông tin của DNNN.
Với mục đích là để
thay thế Nghị định 81, đương nhiên dự thảo nghị định cần thiết phải chỉ ra những
hạn chế, khiếm khuyết của Nghị định 81 rồi đưa ra những quy định và điều khoản
trong dự thảo nghị định để sửa chữa, khắc phục những hạn chế và khiếm khuyết của
Nghị định 81. Đáng tiếc là Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới chỉ thực hiện được phần
nào vế đầu – chỉ ra những hạn chế, khiếm khuyết của Nghị định 81, mà chưa/không
thực hiện được vế sau – đưa ra những quy định và điều khoản trong dự thảo nghị
định để sửa chữa, khắc phục những hạn chế và khiếm khuyết của Nghị định 81.
Cụ thể, trong Tờ
trình về dự thảo nghị định, Bộ Kế hoạch và đầu tư chỉ ra năm hạn chế trong hoạt
động công bố thông tin của DNNN, gồm: (1) Việc công bố thông tin còn mang tính
hình thức, chưa được thực hiện nghiêm túc; (2) Vẫn có doanh nghiệp chưa thực hiện
công bố thông tin theo quy định; (3) Thời gian thực hiện công bố thông tin còn
chậm so với quy định; (4) Cơ quan đại diện chủ sở hữu chưa thực hiện đầy đủ
công bố thông tin của doanh nghiệp do mình làm đại diện chủ sở hữu; và (5) Nghị
định số 81/2015/NĐ-CP chưa có quy định cụ thể về việc công bố thông tin qua mạng
điện tử của doanh nghiệp.
Các hạn chế từ số
1 đến số 4 trên có thể tóm tắt, phân loại lại thành sự thiếu năng lực, vô trách
nhiệm, chây ỳ, coi thường pháp luật... của các đối tượng thuộc phạm vi điều chỉnh
của Nghị định 81, từ cấp doanh nghiệp đến cơ quan đại diện chủ sở hữu và cả Bộ Kế hoạch và Đầu tư với tư
cách là đầu mối phối hợp, theo dõi và đôn đốc việc công bố thông tin của DNNN.
Những “hạn chế” này còn gián tiếp cho thấy khiếm khuyết của Chính phủ khi để xảy
ra tình trạng này kéo dài trong nhiều năm mà không có những biện pháp chế tài
khắc phục và ngăn chặn, ngoài những giải pháp như “sẽ (quyết liệt) xử lý người
đứng đầu...” (mà không thấy người đứng đầu nào, dù ở cấp thấp, bị xử lý cả).
Đã nhận thức rõ
những “hạn chế” trên nhưng trong dự thảo nghị định hầu như không có bất cứ quy
định hay điều khoản bổ sung gì để khắc phục được tình trạng chây ỳ, vô pháp nói
trên. Ngay bản thân điều khoản về xử lý vi phạm về công bố thông tin trong dự
thảo nghị định (điều 19), đây hầu như là “bê nguyên” từ điều 23 của Nghị định
81.
Để gọi là cho có
thì ít nhất dự thảo nghị định cũng phải có quy định về ai, cấp cao nhất nào là
người cuối cùng phải chịu trách nhiệm (và có chế tài tương ứng) khi để xảy ra những
vi phạm “bền vững” trong công tác công bố thông tin DNNN từ năm này qua năm
khác mà vốn cho đến nay chưa thấy ai bị làm sao.
Với hạn chế số 5,
thực chất đây chỉ là sự thoái việc của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Thay vì như trước
đây doanh nghiệp gửi thông tin đến bộ này để bộ này tập hợp rồi đưa lên Cổng
thông tin doanh nghiệp do họ quản lý thì nay, trong dự thảo nghị định, họ không
còn phải trực tiếp làm việc này nữa mà sẽ do doanh nghiệp tự thực hiện. Sự
“phân cấp” trách nhiệm này đương nhiên sẽ làm giảm ý nghĩa, vai trò và sự cần
thiết của bộ này liên quan đến việc công bố thông tin DNNN.
Ngoài những điểm
đáng chú ý nêu trên, hầu như không có một sự thay đổi đáng kể nào trong dự thảo
nghị định so với Nghị định 81 theo hướng cải cách và nâng cao chất lượng công bố
thông tin của DNNN. Nói cách khác, yếu kém, tồn tại thì đã rõ, đã biết nhưng
các nhà làm luật, không biết vì yếu năng lực hay vì một trở ngại vô hình nào
đó, lại không/chưa biết làm thế nào để dẹp bỏ những yếu kém, tồn tại này bằng
luật pháp. Do đó, nếu dự thảo nghị định được chính thức thông qua thì điều chắc
chắn có thể nhìn thấy sẽ là sự tiếp tục chây ỳ, có cũng như không trong công bố
thông tin của DNNN như suốt 5 năm qua kể từ khi Nghị định 81 ra đời.
Do vậy, như được
nêu trong tờ trình dự thảo nghị định, nếu muốn thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ triển
khai Nghị quyết số 60/2018/QH14 ngày 15/6/2018 của Quốc hội về tiếp tục hoàn
thiện và đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn,
tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hoá DNNN thì Bộ Kế hoạch và Đầu tư
và ở cấp cao hơn là Chính phủ cần phải làm nhiều hơn việc sửa chữa câu chữ và
những tiểu tiết như trong dự thảo nghị định.
No comments:
Post a Comment