Ban Nghiên cứu
Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành
chính đã kiến nghị giảm 30% thuế thu nhập cho tất cả các doanh nghiệp năm 2020.
Tuy nhiên, kiến nghị này đã đối mặt với nhiều ý kiến trái chiều. Từ một góc độ
khác, người viết cũng cho rằng cách thức thực hiện ý kiến này là chưa hợp lý.
Cụ thể, theo Ban
IV, kiến nghị giảm thuế xuất phát từ nguyện vọng của các doanh nghiệp sau 3 cuộc
khảo sát tình hình doanh nghiệp từ tháng 3 năm nay do ban này thực hiện. Trong
các cuộc khảo sát này, nhiều doanh nghiệp đã kiến nghị giảm 50% thuế thu nhập
doanh nghiệp cho cả năm 2019 và 2020.
Như vậy, kiến nghị
của Ban IV thuần túy được dựa trên cơ sở khảo sát, hỏi ý kiến doanh nghiệp. Nhưng,
như một lẽ tự nhiên, các doanh nghiệp nếu có được khảo sát thì sẽ thiên về hướng
“than nghèo, kể khổ” rồi kiến nghị những điều có lợi cho mình, đặc biệt là
trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay.
Do đó, nếu dựa
hoàn toàn vào kiến nghị của doanh nghiệp được khảo sát như cách làm hiện tại của
Ban IV thì kết quả khảo sát sẽ bị méo mó, thổi phồng hay tô đậm quá mức và các
kiến nghị dựa trên kết quả này đương nhiên sẽ không hợp lý, khách quan, phản
ánh đúng thực tế, và, do đó, không nên được sử dụng làm căn cứ cho các quyết
sách kinh tế tương ứng.
Để công tâm,
khách quan và có ý nghĩa hơn, mọi kiến nghị giảm thuế cho doanh nghiệp cần được
xây dựng dựa trên những bằng chứng xác đáng, những tính toán tổng thể hơn, có
cân nhắc đến nhiều mặt.
Trước hết, Ban
IV, hay bất cứ đơn vị nào thực hiện các kiến nghị chính sách liên quan đến cắt
giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, cần thu thập những bằng chứng cho thấy “đại bộ
phận” (70%, 80%, 90%?) doanh nghiệp đang gặp thua lỗ, không thể hoạt động, đóng
cửa, hoặc giải thể v.v... Số doanh nghiệp được điều tra này có thể là một mẫu
doanh nghiệp lựa chọn ngẫu nhiên, gồm nhiều ngành, nghề, quy mô và địa
phương...
Những bằng chứng
về khó khăn của doanh nghiệp có thể là kết quả hoạt động kinh doanh đã kiểm
toán hoặc nộp cho cơ quan thuế vụ, cơ quan chức năng trong các quý từ đầu năm
nay. Nó cũng có thể đơn giản chỉ là bằng chứng chứng minh là doanh nghiệp đang
gặp khó khăn như theo quy định áp dụng khi doanh nghiệp nào đó làm đơn xin hỗ
trợ trong các gói hỗ trợ kinh tế lần thứ nhất và thứ hai trong năm nay.
Tiếp đó, Ban IV cần
tính toán cụ thể ra được tác động của việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp lên
kết quả hoạt động của doanh nghiệp trong năm nay và năm sau ở từng mức giảm thuế,
ví dụ 30%, 50%. Một trong những tác động này có thể là, ví dụ, với mức giảm thuế
30% thì có bao nhiêu phần trăm doanh nghiệp điều tra sẽ không bị đóng cửa, ngừng
sản xuất, kinh doanh.
Ngoài ra, cũng cần
lưu ý bóc tách hoặc tính đến cả những biện pháp hỗ trợ khác của nhà nước cho
các doanh nghiệp như cho vay doanh nghiệp để giữ chân người lao động, cắt giảm
các loại thuế, phí và chi phí khác như đã và đang được đề xuất hay thi hành.
Tiếp theo, chỉ có
thể dựa trên những bằng chứng điều tra, thu thập khách quan này thì Ban IV mới
có thể xây dựng một chính sách giảm thuế phù hợp hơn, cụ thể như cho toàn bộ
doanh nghiệp hay chỉ cho một số nhóm đối tượng doanh nghiệp, nếu có cắt giảm
thuế thu nhập doanh nghiệp thì sẽ cắt giảm bao nhiêu là đủ...
Cần lưu ý rằng
không phải tất cả các doanh nghiệp đều gặp khó khăn nên cần phải được cắt giảm
thuế thu nhập doanh nghiệp cho tất cả các doanh nghiệp như đang được đề xuất.
Thực tế cho thấy có nhiều doanh nghiệp lại thậm chí đang được hưởng lợi từ đại
dịch. Do đó, mọi biện pháp hỗ trợ đều phải xuất phát từ nguyên tắc là tránh
tình trạng cào bằng, là thiếu sót hiện tại trong kiến nghị của Ban IV.
Sau cùng, kiến
nghị mức và quy mô, đối tượng được cắt giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cần phải
tính đến khả năng chịu đựng của ngân sách nhà nước, chứ không chỉ đơn giản là dựa
trên lập luận như của Ban IV là nếu không giảm thuế thì doanh nghiệp có doanh
thu âm và nhà nước cũng không có thuế (nên phải giảm!).
Cũng giống như ở
bất cứ nước nào trên thế giới, cứu trợ hay không, cứu trợ như thế nào và bao
nhiêu... bao giờ cũng phải được thiết kế và tính toán trên khả năng của ngân
sách. Và cũng xin lặp lại rằng doanh nghiệp luôn có xu hướng kêu than; khó khăn
thì luôn vượt quá tầm cứu trợ của ngân sách mọi quốc gia. Nên kể cả ở những nước
giàu như Mỹ và EU thì hầu như không có gói cứu trợ nào mang tính đại trà như kiểu
giảm thuế đại trà cho mọi doanh nghiệp như đang được kiến nghị ở Việt Nam.
Do vậy, với ngân
sách hạn hẹp, không kham nổi các gói cứu trợ trên diện rộng như ở Việt Nam thì
dù biết là (một số) doanh nghiệp khó khăn nhưng chúng ta thậm chí vẫn phải để
cho một số doanh nghiệp bị đào thải.
Xét trên khía cạnh
này thì chí ít điều Ban IV cần làm là tính toán được thiệt hại và tác động của
việc giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp cho mọi doanh nghiệp trong năm 2020
lên ngân sách nhà nước. Lưu ý rằng Chính phủ đã ước tính được nếu giảm 30% thuế
thu nhập cho các doanh nghiệp có doanh thu năm 2020 dưới 200 tỷ đồng thì ngân
sách hụt thu 23.000 tỷ đồng.
Vì vậy, con số hụt
thu tương tự cho ngân sách khi phải thực hiện giảm 30% thuế thu nhập cho mọi
doanh nghiệp là con số cần phải được tính toán ra để Chính phủ và Quốc hội có
cơ sở cân nhắc trước khi thông qua kiến nghị của Ban IV. Lập luận mang tính định
tính để biện minh cho kiến nghị của mình như hiện tại của Ban IV là không phù hợp
để xây dựng chính sách.
Nếu Ban IV thấy rằng
cách làm như trên để ra được một kiến nghị hợp lý là quá khó khăn, vượt tầm của
Ban IV thì rõ ràng ban này không phải là nơi thích hợp để xây dựng các kiến nghị
chính sách tương tự.
No comments:
Post a Comment