Thiếu hụt nguồn
cung nghiêm trọng chip ảnh hưởng đặc biệt nặng nề lên các hãng ô tô và các hãng
công nghệ trên khắp thế giới. Giải pháp được nhiều người nghĩ ngay đến là xây mới
và/hoặc tăng năng lực sản xuất chip. Ở Việt Nam cũng có những đề xuất, ý tưởng
tương tự như vậy.
Tuy nhiên, việc
xây dựng mới hoặc gia tăng năng lực sản xuất hiện tại chip không dễ thực hiện
ngay và luôn, và, vì thế, cuộc khủng hoảng chip toàn cầu sẽ còn kéo dài ít nhất
sang đến 2022.
Khó và rất tốn
kém
Lý do đầu tiên là
sản xuất chip là rất khó vì nó đòi hỏi mức độ tinh vi cao độ, với những lớp phủ
vật liệu có độ dầy có khi chỉ bằng một nguyên tử, với các mạch in được chế tạo
bằng cách dùng tia siêu cực tím để đốt cháy phôi thành các vật liệu đọng lại
trên tấm nền silicon. Đây là những kỹ thuật thường chỉ xảy ra một cách tự nhiên
trong vũ trụ.
Bởi vậy, sản xuất
chip cần nhiều thời gian để xây dựng và lắp đặt thiết bị cho các nhà máy sản xuất
chip (ít nhất 2 năm), cùng hàng tỷ USD vốn đầu tư. Sản xuất một con chip cụ thể
thường cần khoảng hơn 3 tháng hoặc hơn, tùy vào độ phức tạp, và được tiến hành
trong những nhà máy khổng lồ, những phòng sản xuất tuyệt đối sạch, không có bụi.
Về chi phí, để
xây dựng một nhà máy thuộc hạng “entry” có côn suất 50.000 tấm nền silicon (wafer)/tháng
thì cần đầu tư chừng 15 tỷ USD, chủ yếu là các thiết bị chuyên dụng. Những máy
móc tiên tiến nhất có giá thậm chí trên 100 triệu USD và phải chuyên chở để lắp
rắp bằng nhiều chuyến Boeing 747. 3 hãng sản xuất chip lớn nhất thế giới là
Intel, Samsung và TSMC (Đài Loan) chiếm phần lớn trong tổng đầu tư vào ngành sản
xuất chip thế giới, với mỗi nhà máy của họ có mức đầu tư tới hơn 20 tỷ USD.
Trong ngành sản
xuất chip, để không bị thua lỗ thì phải đạt tỷ lệ thành phẩm đạt tiêu chuẩn
trên 90% lượng sản phẩm sản xuất ra, một con số chỉ đạt được sau quá trình học
sửa sai tốn kém. Lý do này và những lý do trên giải thích tại sao chỉ có một
vài hãng sản xuất là tiếp tục chi phố ngành sản xuất chip. Phần lớn trong số bộ
vi xử lý của 1,4 tỷ điện thoại thông minh tiêu thụ trên thế giới là được tạo ra
bởi TSMC. Intel thì nắm 80% thị trường bộ vi xử lý máy tính. Samsung thì chiếm
lĩnh thị trường chip nhớ. Những nhà sản xuất còn lại, gồm có từ Trung Quốc, khó
có thể phá vỡ được sự sắp đặt này.
Do yêu cầu cao
như vậy nên nhiều nước muốn tự chủ về chip mà không được. Tổng thống Mỹ Biden
cam kết dành 50 tỷ USD như là một phần của gói xây dựng cơ sở hạ tầng 2,3 nghìn
tỷ USD để nâng cao năng lực sản xuất, đạt được sự tự chủ về chip tại Mỹ. Cộng đồng
chung châu Âu (EC) cũng có kế hoạch sản xuất chip riêng của mình. Nhưng thành
công của những kế hoạch này chẳng có gì đảm bảo.
Hiệp hội Công
nghiệp bán dẫn ước tính tham vọng trên của Mỹ phải cần đến khoản đầu tư và các
hỗ trợ khác của Chính phủ trị giá đến 1.400 tỷ USD, và trong khoản thời gian
trên một thập kỷ mới có thể hoàn thành. Nên khoản cam kết 50 tỷ USD của Biden
quá nhỏ để có thể mang lại hiệu quả đáng kể.
Thiếu hụt chủ
yếu chip cấp thấp
Một đặc điểm
trong cơn khủng hoảng chip hiện nay là sự thiếu hụt các chip cấp thấp. Các hãng
sản xuất chip lớn thế giới đang nỗ lực chạy đua sản xuất các chip tiên tiến
dùng cho những sản phẩm và công nghệ như 5G và máy chủ. Năm 2020, 27% vốn đầu
tư vào thiết bị sản xuất chip là dành cho sản xuất các loại chip tiên tiến nhất.
Chỉ có dưới 11% vốn đầu tư này là vào các loại chip thương mại thông thường.
Xu hướng đầu tư
thiên lệch này làm cho các nhà sản xuất không trở tay kịp với sự thiếu hụt các
chip cơ bản dùng trong các sản phẩm thấp cấp hơn về công nghệ như ô tô, màn
hình máy tính, loa và đồ điện gia dụng – những sản phẩm mà nhu cầu của chúng đã
tăng vọt trong đại dịch. Việc dịch chuyển năng lực sản xuất chip cao cấp sang
thấp cấp hơn không dễ dàng bởi mỗi một
loại chip đòi hỏi những loại thiết bị khác nhau để sản xuất, dù cũng có một số
bước trùng lắp.
Sự thiếu hụt chip
còn được khuếch đại bởi căng thẳng Mỹ-Trung, nhất là trong năm 2020 khi Mỹ hạn
chế xuất khẩu chip do Mỹ thiết kế hoặc chế tạo sang Trung Quốc. Việc này gây ra
nạn mua tích trữ số lượng lớn chip bởi các công ty Trung Quốc, làm sụp đổ chuỗi
cung ứng chip toàn cầu.
Ngoài ra, các biến
cố khác cũng tác động mạnh đến nguồn cung chip như cháy nhà máy sản xuất chip ở
Nhật, lạnh giá kỷ lục ở miền nam nước Mỹ, hạn hán ở Đài Loan (gây thiếu nước
dùng sản xuất chip).
Tương lai bất
định
Trong bối cảnh
thiếu hụt hiện nay, trước khi bỏ ra hàng tỷ USD đầu tư tăng năng lực sản xuất
thì các hãng sản xuất lớn phải trả lời được câu hỏi cơ bản, liệu sự tăng vọt về
nhu cầu này còn kéo dài trong tương lai hay sẽ giảm nhiệt vào thời điểm các nhà
máy mới hoàn thành và đi vào sản xuất?
Nếu sự tăng vọt đến
mức khủng hoảng này chỉ là ngắn hạn thì nhiều nhà sản xuất sẽ không muốn bỏ vốn
đầu tư mạo hiểm. Hơn nữa, các nhà máy mới xây sẽ trở thành lạc hậu sau 5 năm hoạt
động hoặc sớm hơn. Với mỗi nhà máy trị giá đến trên 20 tỷ USD thì mỗi nhà máy
này phải tạo ra lợi nhuận tối thiểu là 3 tỷ USD mới làm bài toán đầu tư trở nên
khả thi. Do vậy, hiện nay chỉ có Intel, Samsung, và TSMC, với doanh thu gộp 180
tỷ USD năm 2020 (bằng toàn bộ
12 hãng sản xuất chip lớn khác cộng lại) mới đủ sức để đầu tư xây dựng vài nhà
máy như vậy.
Mặt khác, dù vẫn
có kế hoạch đầu tư lớn để tăng năng lực sản xuất tổng thể, như TSMC hồi tháng 4
công bố kế hoạch đầu tư 100 tỷ USD trong 3 năm tới (28 tỷ USD năm nay) để tăng
công suất và đầu tư thiết bị, nhưng với 2 nhà sản xuất lớn khác thì kế hoạch trung hạn chủ yếu của họ vẫn là
phát triển năng lực sản xuất chip tiên tiến (như dự án 20 tỷ USD của Intel ở Arizona và
một số dự án khác trong năm nay, 116
tỷ USD của Samsung đến 2030 để đa dạng hóa sản xuất chip).
Các nhà sản xuất
khác ở Trung Quốc như SMI cũng tham vọng đẩy mạnh sản xuất chip trong các nhà
máy mới dưới sự thúc giục của Tập Cận Bình nhằm đạt được độc lập về công nghệ
cao như sản xuất chip. Nhưng những nỗ lực này bị cản trở phần vì vấn đề vay nợ,
phần vì không tiếp cận được các công nghệ sản xuất chip tiên tiến bị Mỹ cấm vận.
Cũng có báo cáo cho thấy thiết bị sản xuất chip hiện cũng tốn nhiều thời gian
hơn, thậm chí đến gấp 4 lần so với thông thường để được giao đến tay nhà sản xuất
chip.
Trong khi đó, về
phía cầu, nhiều người nghi ngờ cầu tăng vọt hiện nay chỉ là ngắn hạn, gây ra chủ
yếu bởi sự hoảng sợ của người mua, khi họ tăng lượng đặt hàng và/hoặc đặt hàng
cùng lúc với nhiều nhà cung cấp. Bởi vậy, một số nhà cung cấp chip đã phải áp dụng
các biện pháp như không cho phép hủy đơn đặt hàng để ngăn cản một số khách hàng
đặt hàng kiểu dự phòng.
Sản xuất chip ở
Việt Nam
Ở Việt Nam, hiện
đang có những ý tưởng đầu tư để xây dựng công nghiệp chip nội địa, góp phần chủ
động nguồn cung cho các doanh nghiệp trong nước.
Cần nói trước hết
rằng Việt Nam muốn sản xuất chip nội địa thì hoàn toàn phải phụ thuộc vào ý đồ
và kế hoạch của các nhà sản xuất chip thế giới, nhất là 3 “ông lớn”. Các hãng sản
xuất khác, dù là nội địa hay nước ngoài, đều khó, không có năng lực/khả năng
xây dựng các nhà máy sản xuất chip đúng nghĩa tại Việt Nam (có chăng chỉ là sản
phẩm phụ trợ, dịch vụ gia tăng). Ngay như khoản đầu tư bổ sung gần 500 triệu
USD công bố hồi tháng 1 của Intel vào dự án 1 tỷ USD của họ Việt Nam cũng chỉ
là cho hoạt động lắp ráp chip và thử nghiệm. Và cho dù có một hãng sản xuất có
năng lực nào đó có ý định thành lập nhà máy sản xuất chip mới ở Việt Nam thì họ
vẫn sẽ vấp phải bài toán về tính khả thi như trên, trong thời gian hậu xây dựng.
Cũng có người nói chúng ta nên đợi khi có thị trường điện thoại thông minh đủ lớn thì hãy đầu tư vào sản xuất chip. Dù vậy thì việc tự chủ chip bằng sản xuất nội địa có lẽ sẽ là quá sức và mang tính phi kinh tế trong vòng nhiều năm nữa.
No comments:
Post a Comment