https://baodautu.vn/dong-thai-tu-thi-truong-thep-trung-quoc-va-chinh-sach-cua-viet-nam-d143289.html
Giá thép và
nguyên liệu sản xuất thép như quặng sắt và than mỡ luyện cốc gần đây đã tăng mạnh,
liên tục xô đổ các kỷ lục về giá trên các thị trường hàng hóa thế giới. Điều
này xảy ra trong bối cảnh Trung Quốc, nhà sản xuất thép và đồng thời cũng là
nhà tiêu thụ thép và nhập khẩu các nguyên liệu sản xuất thép lớn nhất thế giới,
đang tìm cách cắt giảm lượng thép thô để đáp ứng mục tiêu cắt giảm phát carbon
như cam kết của Chủ tịch Tập Cận Bình vào năm 2035.
Trung Quốc muốn
giảm sản xuất và xuất khẩu thép
Ngày 28/4, Trung
Quốc tuyên bố xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với một số nguyên liệu dùng trong sản
xuất thép. Theo đó, có hiệu lực từ ngày 1/5, phí nhập khẩu gang thỏi, phôi thép
và thép phế liệu sẽ là 0. Đây là những nguyên liệu đầu vào để sản xuất thép
thay cho việc dùng quặng sắt để luyện thép trong lò cao. Đồng thời, việc hoàn
thuế xuất khẩu thép cũng bị xóa bỏ. Mục đích của các động thái này được giải
thích là để giảm chi phí nhập khẩu, tăng cường nhập khẩu các nguồn lực thép và
hỗ trợ việc giảm sản lượng thép thô trong nước.
Trước đó, Trung
Quốc, nước sản xuất quá nửa sản lượng thép toàn cầu, đã cam kết giảm sản lượng
thép năm nay như là một phần trong kế hoạch giảm phát thải carbon từ một trong
những ngành công nghiệp ô nhiễm nhất.
Ngoài biện pháp
thuế phí, các biện pháp hành chính cũng được áp dụng, như việc chính quyền tỉnh
Đường Sơn yêu cầu 23 nhà sản xuất trong tỉnh phải cắt giảm sản lượng thép trong
năm 2021 để giảm phát thải carbon 30-50%. Việc cắt giảm này dẫn đến công suất sản
xuất thép thô sẽ sụt giảm khoảng 34 triệu tấn/năm.
Ngoài Đường Sơn, Hiệp
hội Gang thép của tỉnh Giang Tô, nơi sản xuất 121 triệu tấn thép thô năm 2020
(11% tổng sản lượng thép thô của Trung Quốc), trước đó cũng đã kiến nghị kiểm
soát sản lượng thép. Thành phố Tần Hoàng Đảo của tỉnh Hà Bắc thì được báo cáo
là có kế hoạch cắt giảm 30% trong tổng sản lượng 12 triệu tấn thép thô/năm.
Sẽ chỉ giảm được
năng lực dư thừa với công nghệ ô nhiễm
Các nỗ lực cắt giảm
sản xuất thép của Trung Quốc như ở Đường Sơn cũng chính là một trong những
nguyên nhân dẫn đến giá thép tăng mạnh ở Trung Quốc từ tháng 4, theo nhận định
của Fitch. Do vậy, một số nhà phân tích nghi ngờ Trung Quốc sẽ quyết tâm thực
hiện mục tiêu cắt giảm thép của mình nếu xét đến nỗ lực của nước này muốn kiềm
chế giá thép tăng quá mạnh.
Ngoài ra, Trung
Quốc chỉ tìm cách cắt giảm sản lượng thép tại các nhà máy sử dụng lò cao công nghệ
cũ hơn gây ô nhiễm hơn. Do đó, việc cắt giảm sản lượng thép tại những nhà máy
này sẽ được bù đắp bởi những nhà máy có công nghệ hiện đại, tuân thủ quy định về
môi trường, bên cạnh những nhà máy luyện thép bằng lò hồ quang điện, nếu giá
thép vẫn đứng ở mức cao như những tuần vừa rồi, kích thích các nhà sản xuất tiếp
tục tăng sản lượng.
Đó là chưa kể kế
hoạch tăng công suất thêm 30 triệu tấn năm nay từ các nhà máy mới được xây dựng,
theo số liệu của S&P Global Platts. Đây là năng lực sản xuất mới nên chắc
chắn sẽ phải đáp ứng được tiêu chuẩn về môi trường khắt khe hơn của Trung Quốc,
và như vậy cũng có nghĩa là sản lượng thép của Trung Quốc khó mà giảm đi như ý
định của Chính phủ.
Và thực tế là bất
chấp chuyện cắt giảm sản xuất ở Đường Sơn, sản lượng thép thô của Trung Quốc
trong 4 tháng đầu năm nay vẫn tăng đến 16% so với cùng kỳ năm 2020, đạt 375 triệu
tấn, theo số liệu mới nhất của Hiệp hội Gang và Thép Trung Quốc.
Việc xóa hoàn thuế
xuất khẩu thép cũng sẽ giúp tăng nguồn cung cho thị trường thép nội địa. Ngoài
ra, nhu cầu tiêu thụ thép ở Trung Quốc sẽ giảm nhiệt thêm trong những tuần tới
khi mùa hè đang đến, là mùa có nhu cầu xây dựng chậm lại.
Do vậy, Fitch dự
báo giá thép của Trung Quốc đà tăng giá thép sẽ thép sẽ chậm lại trong những
tháng tới, dù vẫn sẽ đứng ở mức cao. Giá thép sẽ được cân bằng bởi một bên là sự
tiếp tục gia tăng sản lượng thép bất chấp nỗ lực cắt giảm của Chính phủ và bên
kia là giá quặng sắt và các nguyên liệu làm thép (kể cả thép phế) vẫn tiếp tục
đứng ở mức cao.
Kiến nghị hạn
chế xuất khẩu thép ở Việt Nam
Đối phó với giá
thép trong nước tăng cao, Bộ Công thương tính hạn chế xuất khẩu loại thép mà
trong nước có nhu cầu, ngoài giải pháp yêu cầu doanh nghiệp tăng sản lượng sản
xuất.
Như phân tích ở
trên, giá thép ở Trung Quốc – nước chiếm quá nửa sản lượng sản xuất và tiêu thụ
thép toàn cầu, và xuất khẩu gần 60 triệu tấn thép/năm – trong những tháng tới sẽ
hạ nhiệt. Nên giá thép trong nước cũng không thể neo ở mức cao như hiện nay. Do
đó, lý do chính để đề xuất hạn chế xuất khẩu thép của doanh nghiệp Việt Nam sẽ
không còn nữa.
Ngược lại, nếu
doanh nghiệp thép Việt Nam có khả năng xuất khẩu thép ngay trong vòng một vài
tháng tới thì cần tranh thủ, cần được khuyến khích tăng cường xuất khẩu để tận
dụng cơ hội giá thép vẫn sẽ còn ở mức hấp dẫn trong mấy tháng tới. Điều này
càng có ý nghĩa với những doanh nghiệp thép đã tích lũy đủ/thừa nguyên liệu sản
xuất thép (quặng sắt, than mỡ, than cốc) từ những quý trước với giá cao, trước
khi giá nguyên liệu trở lại mức dễ chịu hơn trong những tháng tới.
Ngoài ra, việc hạn chế xuất khẩu bằng mệnh lệnh hành chính là điều không nên làm. Trung Quốc cũng muốn hạn chế xuất khẩu thép nhưng họ cũng chỉ dám thực hiện bằng việc xóa bỏ hoàn thuế xuất khẩu mà thôi, chứ không có chuyện cấm đoán bằng mệnh lệnh hành chính (có thể do e ngại vi phạm các quy định về thương mại quốc tế). Giả sử Việt Nam cũng đã áp dụng hoàn thuế xuất khẩu với thép thì nay nếu muốn giữ lại thép cho tiêu dùng nội địa thì cũng chỉ nên dùng biện pháp như vậy là cùng. Quyết định xuất khẩu hay bán trong nước nên là quyết định thuần túy của doanh nghiệp.
No comments:
Post a Comment