Tăng, tăng và
tăng, điệp khúc này xảy ra hầu như cho giá cả của mọi hàng hóa, nguyên liệu công
nghiệp và ở khắp các thị trường trên thế giới trong thời gian qua. Đối với những
quốc gia phụ thuộc vào nguyên
liệu công nghiệp nhập khẩu thì sự tăng giá này là điều không mong muốn. Trung
Quốc cũng không phải là ngoại lệ, đặc biệt khi nước này là nhà nhập khẩu lớn
trên thế giới với nhiều loại hàng hóa và nguyên liệu.
Để đối phó với xu
hướng tăng mạnh này, Trung Quốc đã áp dụng một số biện pháp, và cũng còn một số
lựa chọn giải pháp khác. Nhưng các giải pháp này nếu có hiệu quả thì thường sẽ
chỉ có trong ngắn hạn.
Hạn chế đầu cơ
Giá hàng hóa tăng
có phần tất yếu là do đầu cơ nên giải pháp tất yếu cũng là ngăn đầu cơ. Sàn giao
dịch hàng hóa tương lai Đại Liên hôm 10/5 tuyên bố sẽ nâng giới hạn mua bán và
margin cho các hợp đồng giao quặng sắt vào tháng 6, 9, 12 năm nay và các tháng
đầu năm 2022. Các sàn giao dịch khác gồm sàn tương lai Thượng Hải và Trịnh Châu
cũng tăng phí giao dịch cho các loại hàng hóa như thép và than nhiệt.
Vấn đề với giải
pháp này là nó không mấy hữu ích trong việc quản lý thị trường hàng hóa hữu
hình bị chi phối chủ yếu bởi
cung cầu thật. Thị trường này đã chứng kiến sự tăng vọt về nhu cầu trên khắp thế
giới, ngoài biên giới và phạm vi can thiệp của Trung Quốc, được thúc đẩy bởi sự
phục hồi kinh tế mạnh và các gói kích thích kinh tế khổng lồ trong lịch sử ở
nhiều nước.
Thực tế, trong
khi dù quặng sắt trên sàn tương lai Đại Liên giảm nhẹ hôm 11/5 sau động thái siết
lại trên, thép cuộn cán nóng và thép thanh thì lại tăng vọt lên mức kỷ lục sau
khi giải pháp hạ nhiệt được công bố. Than nhiệt cũng tăng lên mức kỷ lục.
Tăng cường nguồn
cung
Trung Quốc có một
khu vực doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đồ sộ mà chính quyền có thể sai khiến được,
dù kết quả thường không được như ý muốn. Tháng trước, chính quyền Trung Quốc
yêu cầu các mỏ than thuộc DNNN tăng sản lượng tối đa vốn chỉ dành cho những
tháng cao điểm về nhu cầu than nhiệt vào mùa đông. Nhưng điều này đã không chặn
được đà tăng của than nhiệt trong tháng này.
Trung Quốc có thể
tăng nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu trong nước tăng lên về năng lượng. Nhưng căng
thẳng quan hệ Trung-Úc đã cản trở việc này. Trung Quốc đã cấm nhập than, trong
số hàng loạt hàng hóa khác, từ Úc. Trung Quốc cũng đã cấm một vài doanh nghiệp
nhập khẩu gas nhỏ nhập khẩu thêm gas từ Úc cho các hợp đồng giao năm sau.
Xả kho
Trung Quốc đang
xem xét bán khoảng 500.000 tấn nhôm từ kho dự trữ nhà nước. Giá giảm ngay lập tức
khi tin này được đưa ra, nhưng sau đó lại tăng vọt trở lại lên mức kỷ lục trong
một thập kỷ. Sản lượng nhôm của Trung Quốc là 37 triệu tấn năm 2020, hơn một nửa
sản lượng toàn thế giới (nhu cầu tiêu thụ cũng vậy).
Vấn đề với giải
pháp này là nhu cầu khổng lồ của Trung Quốc, trong khi việc xả kho chỉ như một
ngụm nước giải khát ngắn hạn, và cũng không rõ các kho dự trữ chiến lược có bao
nhiêu tấn hàng hóa vì số liệu dự trữ không được công bố. Ngoài ra, sau khi xả kho,
Trung Quốc sẽ phải mua vào bổ sung để tăng dự trữ chiến lược trong trung hạn
nên việc mua tích trữ này sẽ lại làm tăng mạnh giá hàng hóa.
Thắt chặt chính
sách tài khóa và tiền tệ
Để phục hồi từ đại
dịch, Trung Quốc áp dụng chính sách thông thường – tăng chi tiêu và cơ sở hạ tầng.
Điều này dẫn đến sự tăng vọt về giá của những hàng hóa cho xây dựng như thép, đồng
và nhôm. Từ đầu năm nay, Trung Quốc đã hạn
chế chính quyền địa phương phát hành trái phiếu để lấy vốn đầu tư và hạ tầng.
Như vậy, Trung Quốc đang vướng vào tình trạng nan giải, phải chọn hoặc là tăng
trưởng kinh tế nhanh hơn, hoặc để giá tài sản, hàng hóa không căng lên thành
bong bóng.
Chính sách tiền tệ
cũng có thể bị thắt chặt để chặn đà tăng vọt của chỉ số giá cả sản xuất (PPI) –
giá bán hàng hóa tại cổng nhà máy (tăng 7% hồi tháng 3 so với cùng kỳ năm trước).
Tuy nhiên, do chỉ số giá cả tiêu dùng (CPI) mới chỉ tăng nhẹ, ở mức 1% trong
cùng kỳ nên nếu thắt chặt chính sách tiền tệ thì Trung Quốc phải đối mặt với rủi
ro lớn hơn về tăng trưởng chậm khi nhu cầu tiêu dùng bị siết lại quá sớm.
Tóm lại, điểm khác biệt lớn của Trung Quốc hiện nay với Trung Quốc cách đây vài năm là Trung Quốc không còn là thị trường tiêu thụ hàng hóa lớn duy nhất, mang tính chi phối thế giới nữa. Nhiều nước, đặc biệt là Mỹ và châu Âu, hiện nay đều có những gói chi tiêu khổng lồ hàng nghìn tỷ đô la để phát triển cơ sở hạ tầng, phục hồi tăng trưởng, biến họ thành những thị trường tiêu thụ hàng hóa cũng rất lớn, làm lu mờ vai trò của Trung Quốc. Trung Quốc cũng đang phải đối mặt nhu cầu duy trì và thúc đẩy tăng trưởng, làm dư địa thắt chặt lại chính sách tài khóa và tiền tệ hạn hẹp hơn. Ngoài ra, quan hệ căng thẳng với Úc cũng làm gián đoạn nguồn cung của nhiều hàng hóa, từ đại mạch, rượu vang, đến quặng sắt, than và gas..., làm triệt tiêu hiệu quả của các giải pháp kiềm chế giá có thể thực thi bởi chính quyền Trung Quốc.
No comments:
Post a Comment