Phần cuối của bài
phỏng vấn, ông Dũng trả lời câu hỏi về vai trò mang tính quyết định thành bại của
các tập đoàn lớn, với cái tên cụ thể được gọi ra là Vinfast, trong công cuộc
hóa rồng của Việt Nam để dẫn dắt đến nhu cầu cấp thiết phải hỗ trợ, tạo điều kiện
cho Vinfast. Theo nội dung câu hỏi thì thực ra không phải người phỏng vấn tự chọn
ra Vinfast mà chính ông Dũng đề cập đến ở đâu đó trước đây và được người phỏng
vấn nhắc lại.
Tớ phải đặc biệt
chú ý điều này bởi đã chứng kiến và rất e sợ các chuyên gia tự nhiên đứng ra
kêu gọi, bênh vực nhà nước hỗ trợ, bảo hộ cho một doanh nghiệp, một tập đoàn
nào đó như hiện nay là Vietnam Airlines và các dự án đầu tư yếu kém thua lỗ triền
miên của Bộ Công thương. Tớ cũng đôi lần phang các đồng chí chuyên gia này, và
nay buộc phải lên tiếng với ông Dũng. Và vì thế mới có cái tiêu đề gồm mấy chữ
“các chuyên gia” trong chuỗi bài này.
Mở đầu câu trả lời,
ông Dũng khẳng định: “Thực ra, nếu muốn VinFast thành công, có lẽ phải có sự hỗ
trợ của nhà nước. So với những ‘gã khổng lồ’ đã tồn tại hàng trăm năm nay, thậm
chí là khấu hao hết rồi, thì một công ty mà công nghệ lõi cũng phải đầu tư, tốn
cả một núi tiền, thì cạnh tranh như thế nào? Một cách dễ hiểu là như thế
này: bắt một đứa trẻ sơ sinh cạnh tranh với một người đàn ông lực lưỡng, thì đó
không phải là công bằng, mà là một sự bất công. Hay làm sao một võ sĩ hạng nhẹ
có thể cạnh tranh công bằng với một võ sĩ hạng nặng được?”.
Câu khẳng định
trên của ông cũng đã chứa đựng lời đáp cho câu hỏi “thì cạnh tranh như thế
nào?”. Xin mượn sự so sánh của ông về việc “bắt” một đứa trẻ cạnh tranh với một
người lực lưỡng để hỏi ngược lại, dù giả sử nhà nước là bà mẹ nhân từ của đứa
con và sẵn sàng hy sinh mọi thứ để giúp đứa trẻ cạnh tranh được với người lớn
thì liệu cuộc cạnh tranh có thành công? Nếu khôn ngoan ra và biết cuộc cạnh
tranh này là vô vọng thì lẽ ra bà mẹ nhà nước nhân từ này tuyệt đối không bao
giờ nên “bắt” con mình cạnh tranh với người lớn để rồi dẫn đến những hy sinh vô
ích.
Đó là chưa kể, Vinfast
cùng lắm chỉ là đứa con nuôi, chứ chẳng phải ruột thịt máu mủ gì với bà mẹ nhà
nước như, ví dụ, EVN với nhà nước. Nhà nước cũng chẳng nắm tẹo cổ phần nào, chẳng
có cơ hội chi phối Vinfast như trong các doanh nghiệp có vốn nhà nước chi phối khác
chẳng hạn như Vietnam Airlines. Bởi vậy, sự hy sinh hỗ trợ hết mình cho Vinfast
xem ra vừa rất kỳ khôi, vừa rất vô nguyên tắc.
Không nhận thức
được lỗ hổng trong lập luận trên của mình, ông Dũng dấn thêm một bước để kêu gọi
hỗ trợ Vinfast: “Cái khó là hỗ trợ VinFast mà không dựa trên khuôn khổ thể chế
của nhà nước kiến tạo phát triển, sẽ rất dễ bị cho thiên vị hoặc thân hữu. Rõ
ràng xác định việc lựa chọn mô hình nhà nước kiến tạo phát triển là rất quan trọng
ở đây. Nếu không, doanh nghiệp sẽ rất khó khăn. Đó là một nửa vấn đề.”
Hóa ra mục đích cuối
cùng cho công cuộc vận động áp dụng mô hình nhà nước kiến tạo của ông Dũng có lẽ
cũng chỉ là để hợp pháp hóa bàn tay can thiệp, o bế, hỗ trợ của nhà nước với những
doanh nghiệp như Vinfast. Nếu đúng thế thì ông đã hiểu rất sai về nhà nước kiến
tạo phát triển trong bối cảnh ngày nay. Như đã nói về Singapore ở bài đầu, nếu
muốn học hỏi họ thì phải luôn khắc ghi trong đầu mấy chữ “khuyến khích cạnh
tranh và đổi mới” và biết định hướng nền kinh tế phát triển theo những ngành có
thế mạnh cạnh tranh một cách khôn ngoan.
Nếu đã theo đuổi
2 chữ “cạnh tranh” như Singapore thì hãy để đứa bé Vinfast tự đứng trên đôi
chân mình cạnh tranh với các gã khổng lồ khác. Chết thì ráng chịu. Xin đừng lặp
lại bài học Vinashin!
Nếu bao biện bằng
cách lấy ví dụ về Trung Quốc đã hỗ trợ mạnh mẽ cho các doanh nghiệp như thế nào
thì hãy cùng tớ thử hỏi Tiến sĩ ChatGPT về cách Trung Quốc hỗ trợ đích danh
BYD, hãng xe điện TƯ NHÂN hàng đầu của Trung Quốc.
Câu trả lời là Trung
Quốc có 4 biện pháp hỗ trợ BYD VÀ CÁC HÃNG XE ĐIỆN KHÁC. Các biện pháp này gồm trợ
cấp sản xuất và tiêu thụ (để hạ giá bán...), xây dựng cơ sở hạ tầng (trạm sạc...),
nghiên cứu và phát triển, và chính sách (miễn thuế...).
Hàm ý rõ ràng là
Trung Quốc đã không chọn cụ thể một doanh nghiệp nào để hỗ trợ. Họ hỗ trợ là hỗ
trợ chung cho ngành xe điện của Trung Quốc, ít nhiều cũng giống như cách làm của nhiều
nước khác trên thế giới, không có gì là đặc biệt hay quá đáng, đáng bị chỉ
trích. Bằng cách này, các đứa con đẻ và con nuôi, hiện tại và tương lai, vừa có
cơ hội để lớn lên, vừa vẫn phải cạnh tranh với nhau để đứa nào lớn được thì sẽ
lớn nhanh và mạnh khỏe.
Vấn đề là ở Việt
Nam hiện hình như chỉ có mỗi Vinfast là hãng xe điện nội địa đúng nghĩa nên nếu
hỗ trợ cho ngành xe điện nội địa thì lại thành hỗ trợ mỗi Vinfast. Không sao,
chỉ cần Nhà nước tuyên bố các biện pháp hỗ trợ kiểu Trung Quốc cho ngành xe điện
trong nước thì chắc chắn sẽ có thêm các doanh nghiệp mới khác, cả trong và
ngoài nước, nhảy vào thị trường này ở Việt Nam.
Tuy nhiên, cũng
nhân cơ hội học hỏi từ Singapore ở khía cạnh biết định hướng phát triển một
cách khôn ngoan theo các ngành nghề có lợi thế thì chưa chắc ngành xe điện là một
ngành có lợi thế, có tiền đồ phát triển ngoạn mục ở Việt Nam, như chính ông
Dũng cũng thừa nhận khi nói về Vinfast. Nên trước khi xác định muốn hỗ trợ
ngành xe điện nói chung hoặc một doanh nghiệp cụ thể như Vinfast nói riêng, thì
phải làm rõ ngành này (các doanh nghiệp trong nước) có cơ hội phát triển hay lại...
chết yểu như với tấm gương tày đình là ngành xe động cơ đốt trong nội địa dù đã
được hưởng bao ưu đãi, hỗ trợ từ nhà nước trong mấy chục năm qua để đến nay vẫn
chỉ có doanh nghiệp có hoạt động lắp ráp ô tô là chính?
Cuối cùng, ông
Dũng hoàn thiện câu chuyện về Vinfast với phát biểu: “Và một nửa còn lại, là sẽ
tốt hơn cho doanh nghiệp, nếu nhiều người Việt có thể ủng hộ và chia sẻ sự
thành công của họ. Không khéo, chúng ta dễ dàng chia ngọt, sẻ bùi trong chiến
tranh, gian khó, nhưng khó khăn chia sẻ sự thành công vượt bậc của đồng hương.
Cứ nghĩa mà xem, nếu không có các tập đoàn hùng mạnh, Việt Nam nhìn vào đâu để
“hoá rồng”?”.
Có lẽ ông Dũng cần
tìm hiểu tại sao người Việt lại “khó khăn chia sẻ sự thành công vượt bậc của đồng
hương”. Như loạt bài về Vinfast của tớ cho thấy những thứ... không hay của nó,
khó mà đòi hỏi nhiều người Việt lại tin tưởng, yêu mến và ủng hộ hết mình cho
doanh nghiệp này.
Tóm lại, bài trả
lời phỏng vấn rất dài này của ông Dũng có nhiều chi tiết rất bất cập, không đầy
đủ và đúng đắn về mô hình nhà nước kiến tạo phát triển. Nhưng điều nguy hiểm nằm
ở kiến nghị phải tăng cường sự can thiệp, tham gia trực tiếp của nhà nước vào hoạt
động kinh tế theo mô hình kiểu cũ từng thịnh hành cả nửa thế kỷ trước đây ở
Đông Á mà nay ít được áp dụng (theo nguyên mẫu), cũng như cái kiến nghị của ông Dũng về việc phải hỗ trợ trực tiếp cho
doanh nghiệp như Vinfast nhân danh sự thịnh vượng của Việt Nam.