Saturday 22 September 2018

Trao quyền cung cấp thông tin khách hàng quá hào phóng (Bài đăng trên TBKTSG, 22/9/2018)

https://www.thesaigontimes.vn/278828/trao-quyen-cung-cap-thong-tin-khach-hang-qua-hao-phong-.html

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 117 về việc giữ bí mật, cung cấp thông tin khách hàng của tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Nghị định này có hiệu lực từ ngày 1-11-2018.

Nếu so với Nghị định số 70 ban hành năm 2000 về cùng nội dung này, Nghị định 117 đã trao quyền yêu cầu cung cấp thông tin khách hàng của TCTD một cách quá hào phóng cho thêm nhiều cơ quan nhà nước, tổ chức khác và cá nhân. Đây có thể là nguồn gốc và kẽ hở gây ra tình trạng lạm dụng thông tin và/hoặc gây ra tổn thất cũng như là gánh nặng cho TCTD và khách hàng.

Cụ thể, điều 10 về thẩm quyền ký văn bản yêu cầu cung cấp thông tin khách hàng quy định văn bản yêu cầu cung cấp thông tin khách hàng phải do “các cá nhân” (có quy định chi tiết ở điều 10 của nghị định này) ký mà không phải là - một cách chính tắc và phù hợp với ngôn ngữ pháp luật hơn - “đại diện có thẩm quyền” hoặc tương tự của những cơ quan này. Sự nhấn mạnh vào người ký vào văn bản yêu cầu cung cấp thông tin phải là các cá nhân (dù được quy định cụ thể là ai) tạo ra cách hiểu rằng văn bản này là do cá nhân yêu cầu chứ không phải là cơ quan nhà nước, và nếu có vấn đề gì xảy ra thì chỉ cá nhân đó chịu trách nhiệm trước pháp luật chứ không phải là cơ quan nhà nước liên đới.


Hơn nữa, điều 10 này còn cho phép các cá nhân thuộc cơ quan nhà nước, thậm chí ở cấp huyện và tương đương như tòa án, viện kiểm sát, hải quan, thuế, thanh tra... được quyền ký văn bản yêu cầu cung cấp thông tin khách hàng. Thậm chí, còn cho phép cả cấp... thành viên (hoặc điều tra viên, chấp hành viên) của đoàn thanh tra, đoàn kiểm toán, cơ quan điều tra, cơ quan thi hành án... được ký vào văn bản yêu cầu cung cấp thông tin khách hàng. Sự trao quyền “thoáng” quá mức này thật khó có thể lý giải một cách thỏa đáng. Chí ít thì người ta sẽ đặt câu hỏi tại sao trưởng các đoàn này không ký mà lại giao cho thành viên ký, hoặc tại sao thành viên mặc nhiên được ký mà không phải tối thiểu là trưởng đoàn.

Điều 11 quy định các trường hợp cung cấp thông tin khách hàng. Theo đó, TCTD chỉ được cung cấp thông tin khách hàng cho tổ chức khác, cá nhân trong một số trường hợp, gồm trường hợp có chấp thuận của khách hàng bằng văn bản hoặc bằng hình thức khác theo thỏa thuận với khách hàng. Quy định như thế này tất nhiên sẽ dẫn đến những trường hợp, ví dụ, thay vì ngân hàng gửi văn bản đến cho khách hàng để lấy được sự đồng thuận của khách hàng cũng bằng văn bản (hoặc khách hàng ra ngân hàng ký văn bản đồng thuận), ngân hàng chỉ cần gọi điện (có ghi âm) hoặc gửi tin nhắn và được khách hàng đồng ý cũng qua điện thoại, tin nhắn. Đây là một trong những kẽ hở để kẻ gian lợi dụng khai thác, bằng cách gọi điện, gửi tin nhắn mạo danh ngân hàng đe dọa khách hàng để lấy thông tin gây thiệt hại cho khách hàng như đã và đang xảy ra nhiều trên thực tế.

Vì vậy, quy định trên và những quy định tương tự trong các văn bản pháp luật khác liên quan đến bảo mật và cung cấp thông tin khách hàng cần hạn chế hình thức nhận sự đồng thuận của khách hàng, theo đó chỉ được qua văn bản. Bằng việc bổ sung quy định như vậy thì khách hàng sẽ nhận thức rõ được và (có quyền) từ chối trả lời, hợp tác với bất kể một chủ thể nào khác (qua những hình thức liên lạc khác) để giảm thiểu khả năng bị lừa gạt, lợi dụng.

Mặc dù điều 12 (và các điều liên quan như điều 7) có quy định về thời hạn cung cấp thông tin khách hàng nhưng đây dường như chỉ là quy định về thời hạn TCTD phải cung cấp thông tin khách hàng theo yêu cầu của cơ quan nhà nước. Trong Nghị định 117 không có quy định nào khác liên quan đến thời gian có hiệu lực mà trong thời gian này, TCTD phải liên tục cung cấp (cập nhật) thông tin khách hàng cho cơ quan nhà nước. Vì vậy, cần có thêm quy định rằng cơ quan nhà nước khi yêu cầu TCTD cung cấp thông tin khách hàng phải nêu rõ yêu cầu này có hiệu lực trong thời gian cụ thể là bao lâu để tránh sự diễn giải rằng một khi cơ quan nhà nước đã yêu cầu cung cấp thông tin khách hàng thì TCTD có nghĩa vụ phải đáp ứng yêu cầu này một cách vĩnh viễn, trong thời gian không xác định.

Điều 13 quy định về quyền và nghĩa vụ của khách hàng. Điều đáng chú ý là trong số những quyền của khách hàng được quy định tại điều này, không có quyền của khách hàng được biết, được thông báo trước (ít nhất là khi, ví dụ, mở tài khoản, sử dụng dịch vụ của ngân hàng...) rằng thông tin về khách hàng có thể sẽ được cung cấp cho tổ chức khác (mà không báo cho khách hàng biết). Nếu có quyền này và ngân hàng buộc phải tuân thủ thì sẽ có trường hợp khách hàng lựa chọn từ chối giao dịch và/hoặc sử dụng dịch vụ của ngân hàng này (nếu họ coi trọng tính riêng tư, bảo mật, và đây là quyền lợi hợp pháp của họ).

Liên quan đến nội dung trên, điều 14 quy định về quyền và trách nhiệm của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài trong việc giữ bí mật, cung cấp thông tin khách hàng. Như đã phân tích ở trên, điều 14 cần được bổ sung quy định buộc TCTD phải thông báo cho khách hàng biết rõ khả năng thông tin của họ sẽ được cung cấp cho bên thứ ba (mà không cần phải báo cho khách hàng) theo quy định của pháp luật, để khách hàng kịp thời có lựa chọn phù hợp (sử dụng hay không sử dụng dịch vụ của TCTD).

Ở một góc độ khác, khoản 2 điều 15 về quyền và trách nhiệm của cơ quan nhà nước, tổ chức khác, cá nhân quy định rằng: “Cơ quan nhà nước, tổ chức khác, cá nhân phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật đối với việc làm lộ thông tin khách hàng, sử dụng thông tin khách hàng không đúng mục đích theo quy định của pháp luật”. Quy định này cần được bổ sung điều khoản trách nhiệm khi yêu cầu cung cấp thông tin sai thẩm quyền, không phù hợp với (nội dung) công việc được giao của cơ quan nhà nước, tổ chức khác và cá nhân ra yêu cầu cung cấp thông tin khách hàng. Thiếu vắng điều khoản quy trách nhiệm này sẽ tạo điều kiện nảy sinh các yêu cầu cung cấp thông tin không cần thiết, không chính đáng và, đặc biệt là, mang tính trục lợi, làm phương hại đến TCTD và khách hàng của họ.

Nợ của chính quyền địa phương vẫn có thể bị lạm dụng (Bài đăng trên Zing, 22/9/2018)

https://news.zing.vn/no-cua-chinh-quyen-dia-phuong-van-co-the-bi-lam-dung-post878536.html

Chính phủ mới đây đã ban hành Nghị định số 93/2018/NĐ-CP quy định về quản lý nợ của chính quyền địa phương. Nghị định này có những quy định được thiết kế dường như để quản lý, khống chế việc vay mượn của chính quyền địa phương một cách hữu hiệu.

Nguy cơ "lách" quy định

Tuy nhiên, phân tích sâu xa hơn thì có thể thấy chính quyền địa phương vẫn có cách “lách” để vay mượn quá mức quy định.

Cụ thể, về nguyên tắc vay của chính quyền địa phương, Nghị định 93 quy định rằng vay của chính quyền địa phương chỉ được sử dụng cho đầu tư phát triển để thực hiện chương trình, dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn đã được Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định.

Như vậy, theo quy định này, chính quyền địa phương sẽ không được phép vay cho những mục đích khác gồm, ví dụ, chi trả thường xuyên (trả lương và trợ cấp cho bộ máy quản lý chính quyền), là khoản đang được cố gắng hạn chế và cắt giảm theo chủ trương của Chính phủ.

Tuy nhiên, giả sử chính quyền địa phương không muốn, không tích cực, tự giác hạn chế và cắt giảm biên chế, tiếp tục chi trả và chi trả ngày càng nhiều hơn cho hạng mục chi tiêu này (luôn với những lý do cực kỳ “hợp lý”, không thể bác bỏ được).

Để thực hiện được việc này trong khi nguồn chi, cấp phát từ ngân sách bị hạn chế, chính quyền địa phương sẽ cắt giảm phần chi ngân sách địa phương (và/hoặc từ Trung ương) phân bổ cho phát triển, dành nguồn ngân sách này cho chi thường xuyên. Sau đó, chính quyền địa phương sẽ tìm cách bổ sung, đề xuất và (vận động) phê duyệt các khoản vay với mục đích đầu tư phát triển cho các chương trình, dự án đã được Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định. Với cách làm này, chính quyền địa phương vừa duy trì được một bộ máy quản lý như và thậm chí lớn hơn hiện tại, vừa vẫn thu xếp được vốn đầu tư như đã lên kế hoạch.

Dù có thể có một cơ quan chức năng nào đó ở địa phương và/hoặc Trung ương không “thích”, không chấp nhận kiểu lách luật này và tìm cách ngăn cản, (gây áp lực) hủy bỏ việc này nhưng sẽ là rất khó khăn cho cơ quan này khi chính quyền địa phương viện dẫn điều 52 Luật quản lý nợ công (về điều kiện vay của chính quyền địa phương), cũng là điều luật mà Nghị định 93 yêu cầu tuân thủ, để khẳng định rằng chính quyền địa phương đã và đang làm đúng quy định, quy trình, đáp ứng được điều kiện vay.

Tất nhiên là sẽ có trường hợp chính quyền địa phương vay mượn đã chạm trần vay mượn đã được Quốc hội quyết định hàng năm và/hoặc Luật ngân sách nhà nước và các quy định pháp luật có liên quan khác, gây khó cho phương cách lách luật trên. Dẫu vậy, do tư duy và tính chất nhiệm kỳ, cũng như việc các cơ quan chức năng khó có thể cương quyết từ chối phê chuẩn đề xuất vay với mục đích được nêu rõ là để chi cho phát triển kinh tế xã hội của chính quyền địa phương. Từ đó, việc vay mượn hầu như vẫn diễn ra, để lại hậu quả, nếu có, cho các nhiệm kỳ tiếp theo của chính quyền địa phương/Trung ương giải quyết.

Ảnh hưởng ra sao đến sức khỏe ngân sách quốc gia?

Khi chính quyền địa phương vay mượn, nhiều người nghĩ rằng việc vay mượn này diễn ra ở cấp địa phương nên không ảnh hưởng đến sự ổn định và mức độ tín nhiệm của ngân sách quốc gia. Tuy nhiên, chính quyền địa phương không chỉ phát hành trái phiếu chính quyền địa phương. Họ còn vay mượn từ các nguồn liên hệ chặt chẽ với ngân sách như ODA, và vay ưu đãi nước ngoài của Chính phủ. Vì thế, bất cứ khó khăn về thực hiện nghĩa vụ trả nợ nào của chính quyền địa phương cũng có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của ngân sách quốc gia.

Đáng tiếc là trong quy định hiện nay không thấy nêu về trình tự ưu tiên trả nợ chính quyền địa phương theo nguồn vay (chẳng hạn phải ưu tiên trả nợ vay từ Chính phủ trước khi trả nợ các nguồn khác).

Ngoài ra, mặc dù Chính phủ có ý định đảm bảo tính công khai, minh bạch của việc vay nợ của chính quyền địa phương với quy định tại điều 18 Nghị định 93 yêu cầu chính quyền địa phương công bố thông tin về nợ của chính quyền địa phương trên trang thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, nhưng lại không có điều khoản nào quy định đối tượng, hình thức và mức độ xử lý vi phạm khi quy định về công bố thông tin này bị vi phạm.

Nói cách khác, các bộ, ngành và tổ chức kinh tế khác, chính quyền địa phương không có động cơ, không bị bắt buộc phải công bố (đầy đủ theo quy định) thông tin về nợ của mình do không có chế tài nghiêm khắc với hành vi vi phạm của họ. Do đó, việc vay mượn của chính quyền địa phương càng dễ bề bị lạm dụng, sử dụng sai nguyên tắc.

Tóm lại, với một số lỗ hổng và thiếu sót, quy định mới về quản lý nợ của chính quyền địa phương đứng trước nguy cơ không thể ngăn chặn hữu hiệu việc lạm dụng vay nợ chính quyền địa phương để phục vụ lợi ích cá nhân hay nhóm, gây ảnh hưởng đến sự an toàn của ngân sách quốc gia. 

Sunday 16 September 2018

Dự thảo về quản lý tài chính với dự án PPP: thiếu rõ ràng (Bài đăng trên TBKTSG, 16/9/2018)

https://www.thesaigontimes.vn/278461/du-thao-ve-quan-ly-tai-chinh-voi-du-an-ppp-thieu-ro-rang.html

Bộ Tài chính mới đây đã đưa ra dự thảo thông tư quy định một số nội dung về quản lý tài chính đối với dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) và chi phí lựa chọn nhà đầu tư (sau đây gọi tắt là dự thảo). Dự thảo này có nhiều điểm không rõ ràng, có khả năng trở thành trở ngại cho việc thực thi hoặc dễ bị lạm dụng tư lợi.

Nhiều cơ quan, cấp có thẩm quyền liên quan
Trong dự thảo có tổng cộng 23 cụm từ “cấp có thẩm quyền” và 27 cụm từ “cơ quan nhà nước có thẩm quyền” có thể là nguồn gốc gây ra sự quản lý chồng chéo, không minh bạch và hiệu quả.
Ví dụ, mục c, khoản 3 của điều 5 quy định “Trường hợp phát sinh dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt trong năm, cơ quan nhà nước có thẩm quyền lập bổ sung dự toán, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định hiện hành”. Nếu các cơ quan/cấp có thẩm quyền này là khác nhau thì có thể sẽ phát sinh tình trạng một cơ quan/cấp có thẩm quyền phê duyệt bổ sung dự án nhưng lại bị cơ quan/cấp có thẩm quyền khác từ chối bổ sung (hoặc phê duyệt bổ sung) dự toán vì những lý do chẳng hạn như không thu xếp được kinh phí.
Tương tự, khoản 3 điều 17 về lãi vay huy động vốn đầu tư quy định: “Trường hợp chỉ định nhà đầu tư: Cấp có thẩm quyền cho phép chỉ định nhà đầu tư chịu trách nhiệm quyết định mức lãi suất vốn vay trên cơ sở Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, hồ sơ mời thầu được cấp có thẩm quyền phê duyệt”. Nếu “cấp có thẩm quyền” ở đây là khác nhau thì sẽ khó giải thích thỏa đáng tại sao một cơ quan được quyết định chỉ định thầu lại không phải phê duyệt (hoặc không có thẩm quyền phê duyệt) báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và hồ sơ mời thầu.
Những ví dụ trên cho thấy tình trạng chồng chéo, (phối hợp) hoạt động không hiệu quả của bộ máy nhà nước liên quan đến dự án PPP trong cơ chế hiện tại. Điều này cũng dẫn đến sự không minh bạch, tùy tiện diễn giải (mỗi cơ quan/cấp cố gắng can dự một chút vào kế hoạch, dự án...), tạo ra tình trạng xin cho, cản trở việc thực hiện các dự án do phải trải qua nhiều cơ quan/cấp, vừa mất thời gian, vừa làm đội chi phí... Do đó, dự thảo cần thiết phải quy định rõ hơn về sự liên can của các cơ quan/cấp “có thẩm quyền” này theo hướng quy về một đầu mối, cắt bỏ các tầng lớp trung gian.
Cũng nên lưu ý là mặc dù được quy định tưởng như rất chặt chẽ như vậy - cái gì cũng phải được trình và được phê duyệt bởi tầng tầng lớp lớp các cơ quan/cấp “có thẩm quyền” - nhưng dự thảo hầu như không đề cập đến việc quy trách nhiệm cho các cơ quan/cấp này khi có vấn đề xảy ra. Điều này sẽ tạo ra sự bất đối xứng giữa quyền (lợi) và nghĩa vụ/trách nhiệm, khuyến khích các cơ quan, cấp liên đới (giành quyền) can dự vào các dự án PPP trong khi hầu như không phải chịu (hoặc rất khó quy kết) trách nhiệm khi họ làm sai, tư lợi, gây hậu quả.
Rủi ro trong phân bổ chi phí hỗ trợ chuẩn bị đầu tư
Khoản 3 điều 8 về nguồn vốn hỗ trợ chuẩn bị đầu tư quy định rằng: “Sau khi hợp đồng PPP được ký kết giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư trúng thầu (hoặc nhà đầu tư trúng thầu và doanh nghiệp dự án), nhà đầu tư trúng thầu có trách nhiệm hoàn trả nguồn chi phí chuẩn bị đầu tư của dự án PPP cho bộ, ngành, UBND cấp tỉnh đã thực hiện theo hồ sơ mời thầu”.
Quy định này rõ ràng dựa trên giả định rằng dự án PPP được đưa ra đấu thầu và nhà đầu tư (trúng thầu) sẵn lòng chấp nhận hoàn trả chi phí hỗ trợ chuẩn bị đầu tư này. Nhưng sẽ ra sao nếu dự án này thuộc diện chỉ định thầu và nhà đầu tư không chấp nhận hoàn trả chi phí trên?
Ngoài ra, mặc dù nội dung chi cho công tác chuẩn bị đầu tư được quy định là tuân theo khoản 1 điều 5 của Nghị định 63/2018/NĐ-CP nhưng cần lưu ý rằng điều 5 của nghị định này quy định rộng hơn, cụ thể là “Chi phí chuẩn bị đầu tư và thực hiện dự án”. Trong khi đó, dự thảo chỉ đề cập đến việc nhà đầu tư trúng thầu hoàn trả chi phí chuẩn bị đầu tư (không có chi phí thực hiện dự án). Sự khác biệt về phạm vi này sẽ làm cho cơ quan có thẩm quyền và nhà đầu tư khó phân biệt được đâu là chi phí đầu tư mà nhà đầu tư phải hoàn trả.
Quan trọng không kém là Nghị định 63 cũng chỉ quy định chung chung về nội dung chi phí chuẩn bị đầu tư (và thực hiện dự án) mà không thể đảm bảo rằng các chi phí này được tính đúng, tính đủ và hợp lý, được nhà đầu tư chấp nhận. Bởi, sẽ có trường hợp nhà đầu tư thấy rằng chi phí này là quá cao một cách phi lý bất chấp việc tính toán các chi phí này có thể là “đúng quy trình” được quy định trong các văn bản luật, làm cho dự án PPP trở nên không hấp dẫn, buộc phải chỉ định thầu (một cách có chủ ý?) và miễn giảm chi phí này.
Kẽ hở đội vốn
Dự thảo quy định chi tiết về phương án tài chính cho dự án PPP, gồm nguồn vốn do nhà đầu tư huy động. Theo đó, nhà đầu tư trình bày tổng mức huy động vốn (theo từng loại vốn), thời gian vay trả, chi phí huy động (gồm lãi suất, các loại phí, tỷ giá...). Có thể hiểu mục đích của quy định này là để tính được cụ thể chi phí và lợi nhuận dự kiến cho nhà đầu tư.
Tuy nhiên, điều đáng chú ý là, liên quan đến lãi suất vốn vay đối với dự án chỉ định thầu, dự thảo quy định: “Cấp có thẩm quyền cho phép chỉ định nhà đầu tư chịu trách nhiệm quyết định mức lãi suất vốn vay trên cơ sở báo cáo nghiên cứu khả thi, hồ sơ mời thầu được cấp có thẩm quyền phê duyệt” (khoản 3 điều 17).
Trong khi đó, dự thảo chỉ quy định căn cứ xác định mức lãi suất vốn vay trong báo cáo nghiên cứu khả thi và hồ sơ mời thầu là lãi suất trái phiếu chính phủ và lãi suất cho vay trung dài hạn của các ngân hàng thương mại (NHTM) mà không quy định cụ thể công thức xác định lãi suất cụ thể hoặc ít ra là điều kiện nào thì được áp dung loại lãi suất nào. Bởi ngay cả lãi suất vốn vay NHTM cũng khác nhau rất nhiều giữa các NHTM. Vì thế, giả sử vì động cơ nào đó mà cơ quan/cấp có thẩm quyền ưu ái nhà đầu tư nên “hào phóng” phê duyệt lãi suất vốn vay cao nhất từ một NHTM nào đó làm đội chi phí dự án, giúp nhà đầu tư kéo dài thời gian vận hành dự án để thu hồi vốn.
Với trường hợp đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, dự thảo quy định: “Mức lãi suất vốn vay được xác định trên cơ sở hồ sơ dự thầu của nhà đầu tư được lựa chọn”. Thực ra, nếu đã là dự án được đấu thầu nghiêm túc và có tính cạnh tranh thực sự thì không cần phải quy định cụ thể về lãi suất vốn vay như hiện tại nữa. Vì chi phí vốn sẽ được phản ánh vào các chỉ tiêu tài chính tổng quát như tỷ suất hoàn vốn nội bộ, tỷ suất lợi ích - chi phí, và tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu... là những chỉ tiêu có thể được cơ quan có thẩm quyền lấy làm căn cứ chính để lựa chọn nhà đầu tư. Do đó, các nhà đầu tư có tính cạnh tranh muốn thắng thầu sẽ phải đẩy chi phí (gồm lãi phải trả cho vốn vay) xuống thấp nhất có thể so với đối thủ.
Ngược lại, nếu không đảm bảo được chắc chắn rằng đấu thầu sẽ diễn ra nghiêm túc, không có tình trạng “quân xanh, quân đỏ” thì quy định mức lãi suất vốn vay như trên sẽ tạo điều kiện để nhà đầu tư nâng chi phí dự án lên để trục lợi, tương tự như với dự án chỉ định thầu nói ở đoạn trên.

Saturday 15 September 2018

Kinh nghiệm nước ngoài: Nhà nước không nhất thiết phải nắm cổ phần chi phối cảng biển (Bài đăng trên TBKTSG, 16/9/2018)

https://www.thesaigontimes.vn/td/278451/kinh-nghiem-nuoc-ngoai-nha-nuoc-khong-nhat-thiet-phai-nam-co-phan-chi-phoi-cang-bien-.html

Vụ cảng Quy Nhơn đang làm nóng dư luận với vấn đề Nhà nước đã bán phần lớn cổ phần rồi lại muốn mua lại. Cụ thể hơn, tỉnh Bình Định đã đề nghị Chính phủ xem xét xác định lại tỷ lệ cổ phần theo hướng Nhà nước nắm cổ phần chi phối và xem xét quy hoạch, đầu tư nâng cấp, mở rộng quy mô cụm cảng Quy Nhơn, một cảng tổng hợp quốc gia, đầu mối khu vực loại 1 của nhóm cảng biển Nam Trung bộ. Sau khi cổ phần hóa năm 2013, Nhà nước không còn là cổ đông chi phối của cảng này nữa. Thay vào đó, 86,23% cổ phần của cảng thuộc sở hữu của Công ty cổ phần Đầu tư và Khoáng sản Hợp Thành.

Tuy không được nêu một cách chính thức nhưng một trong những cơ sở để tỉnh Bình Định đưa ra đề nghị trên dường như là do ý nghĩa chiến lược an ninh quốc phòng và tầm quan trọng của cảng Quy Nhơn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Định nói riêng và khu vực miền Trung - Tây Nguyên nói chung.
Căn cứ trên là không đủ sức thuyết phục để Nhà nước quay trở lại nắm giữ cổ phần chi phối cảng này, dù chỉ là 51%. Và cũng tương tự như vậy, Nhà nước không nhất thiết phải sở hữu toàn bộ hoặc phải nắm cổ phần chi phối tại các cảng biển khác của Việt Nam.
Xu hướng trên thế giới
Riêng với cảng Quy Nhơn, chuyện kêu gọi Nhà nước quay trở lại nắm cổ phần chi phối có lẽ không phải là lý do kinh tế hay an ninh, mà chỉ là do lùm xùm liên quan đến thoái vốn nhà nước nắm giữ cho Công ty Hợp Thành. Việc cần làm là thanh tra để phát hiện ra những hành vi sai trái của các bên liên quan, nếu có, để thu hồi thất thoát cho ngân sách.
Việc khu vực tư nhân đầu tư và mua cổ phần các cảng biển đã trở thành một vấn đề nghiêm túc trên thế giới từ những năm 1980, theo một nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới(1). Vào thời điểm đó, nhiều cảng biển đã trở thành nút thắt trong hệ thống phân phối, hậu cần. Một trong những nguyên nhân được xác định là do cơ chế quản lý nhà nước kế hoạch hóa tập trung ở các cảng. Cơ chế này không chỉ tồn tại ở những nước xã hội chủ nghĩa mà còn cả ở những nước phương Tây và các nước đang phát triển khác. Sự trì trệ và cứng nhắc trong bộ máy quản lý và điều hành cảng đã không theo kịp được nhịp phát triển của thị trường. Thêm nữa, sự đầu tư hoặc là không đầy đủ, hoặc là không hiệu quả của chính phủ cũng dẫn đến tình trạng cảng thì thừa công suất khi nhu cầu không tăng như kỳ vọng, cảng thì tắc nghẽn vì công suất thông hàng không được cải thiện tương ứng với nhu cầu gia tăng.
Trước thực trạng trên, ngày càng có nhiều chính phủ đã học cách dựa nhiều hơn vào nhà đầu tư tư nhân để giảm thiểu sự phụ thuộc của các cảng vào ngân sách nhà nước và phân bổ rủi ro rộng hơn qua những hình thức hợp tác kinh doanh mới. Hơn nữa, đã có một nhận thức mới lúc đó - ban đầu là từ Chính phủ Anh, sau đó lan rộng ra các nước khác - rằng chính phủ chỉ nên tập trung vào cung cấp các “hàng hóa công cộng”, tức là hàng hóa và dịch vụ mà khu vực tư không muốn cung cấp. Hiện tại, lại xuất hiện thêm một xu hướng mới nữa là khu vực tư cung cấp các “hàng hóa công cộng”. Theo đó, nhà nước “đặt hàng” khu vực tư làm những nhiệm vụ mà trước đây do khu vực công đảm nhận.
Những xu hướng trên đã có ảnh hưởng mạnh mẽ đến hoạt động của các cảng biển trên thế giới. Hiện nay, tại nhiều cảng, khu vực công chỉ hoạt động với tư cách là người lập kế hoạch, hỗ trợ và điều tiết về pháp lý, còn khu vực tư đóng vai trò là người cung cấp dịch vụ, điều hành và phát triển.
Những cảng chuyên dụng mới với quy mô lớn cũng được phát triển thông qua các hình thức đầu tư kết hợp công - tư, ví dụ cảng container Salalah (Oman, năm 1997) và Vadhavan (Ấn Độ, năm 1997), nơi chính phủ chỉ có 20% cổ phần hoặc thấp hơn, và có cả nhà đầu tư nước ngoài tham gia với tỷ lệ sở hữu lớn.
Tư nhân hóa và vấn đề an ninh
Vấn đề an ninh quốc gia là một trong những lý do quan ngại hàng đầu đối với việc để tư nhân (đặc biệt là người nước ngoài) sở hữu và/hoặc điều hành các cảng biển, nhất là những cảng lớn, được xác định là có tầm quan trọng chiến lược đến kinh tế và an ninh quốc gia. Tuy nhiên, trên thực tế, có rất nhiều nước mà nhà đầu tư tư nhân sở hữu và/hoặc điều hành các cảng biển lớn của quốc gia.
Ở Mỹ, các công ty Mỹ (gồm công ty tư nhân) chỉ sở hữu/điều hành tám cảng. 80 cảng còn lại là do công ty nước ngoài đảm trách, trong đó có nhiều công ty vận tải biển từ những nước “nhạy cảm” với Mỹ như Trung Quốc, Venezuela, khối Ảrập. Người Mỹ cũng đã xác định rõ rằng giữa thương mại với an ninh thì thương mại đã thắng thế trong vòng hơn 20 năm qua, và nếu quá chú trọng đến an ninh thì sẽ để lại hậu quả lớn về kinh tế(2).
Tuy nói vậy, chính quyền Mỹ vẫn có những biện pháp cần thiết để không phải thỏa hiệp an ninh để đổi lấy lợi ích kinh tế. Chẳng hạn, trong trường hợp công ty Gulftainer từ các Tiểu vương quốc Ảrập Thống nhất điều hành cảng hàng hóa tại cảng tổng hợp Canaveral theo một hợp đồng nhượng quyền 35 năm - vốn đã làm dậy sóng nghị trường ở Mỹ từ góc độ an ninh quốc gia - các vấn đề an ninh chung của cảng vẫn được đảm trách bởi các cơ quan hữu trách cấp quốc gia và địa phương, cũng như của cơ quan quản lý cảng chứ không phải bởi Gulftainer(3).
Hàm ý cho Việt Nam
Xu hướng nhà nước giảm dần vai trò của mình và để khu vực tư tham gia sâu rộng hơn vào hoạt động của các cảng biển trên thế giới cũng đã lan đến Việt Nam. Điều này được minh họa qua chương trình cổ phần hóa các cảng biển hiện tại và cho phép nhà đầu tư tư nhân trong và ngoài nước được phát triển và điều hành các cảng mới trên cả nước. Cảng Quy Nhơn cũng không phải là một ngoại lệ. Vì vậy, việc kiến nghị Nhà nước (quay lại) nắm cổ phần chi phối để nhằm mục đích, ví dụ, tăng hiệu quả hoạt động ở cảng Quy Nhơn nói riêng và các cảng biển nói chung là không có cơ sở, nếu không muốn nói là có tác dụng ngược.
Còn nếu vì mục đích an ninh quốc gia để kêu gọi Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối các cảng biển thì cũng không thỏa đáng. Bởi, sự cho phép sở hữu tư nhân (cả nước ngoài) - dù chỉ một tỷ lệ không chi phối - về nguyên tắc đã đặt ra “rủi ro” cho an ninh quốc gia so với trường hợp sở hữu nhà nước hoàn toàn, nếu theo đúng lập luận của trường phái phản đối cổ phần hóa. Do đó, nếu đã sợ ảnh hưởng đến an ninh thì tốt nhất là không cổ phần hóa các cảng biển. Đương nhiên là lựa chọn này không còn chỗ đứng kể cả ở Việt Nam hiện nay nữa.
Quan trọng hơn, và như đã được chứng kiến qua một danh sách dài hàng loạt cảng biển lớn trên thế giới đã được bán và/hoặc điều hành bởi các công ty tư nhân (nước ngoài), việc tư nhân sở hữu, điều hành và an ninh là hai vấn đề vẫn hoàn toàn có thể song hành cùng với nhau một cách tốt đẹp, miễn là các cơ quan chức năng địa phương và trung ương của Việt Nam đảm nhiệm đầy đủ và đúng chức trách của mình.
(1) http://siteresources.worldbank.org/INTPRAL/Resources/ 338897-1117197012403/mod3.pdf
(2) https://www.npr.org/templates/story/story.php?storyId=5234177
(3) http://www.portstrategy.com/news101/world/americas/foreign-ownership-sparks-security-debate

Tuesday 11 September 2018

Cải cách chính sách tiền lương khu vực công: cần gắn với thị trường (Bài đăng trên TBKTSG, 12/9/2018)

https://www.thesaigontimes.vn/278094/cai-cach-chinh-sach-tien-luong-khu-vuc-cong-can-gan-voi-thi-truong.html

Chính phủ mới đây đã ban hành Nghị quyết 107/NQ-CP và kèm theo đó là Chương trình hành động của Chính phủ về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp. Cuộc cải cách này có một số vấn đề cần được xem xét thận trọng trước khi được thực thi.


Vì sao đặt mục tiêu tiền lương thấp nhất ở khu vực công cao hơn tiền lương thấp nhất ở khu vực tư?
Chương trình cải cách chính sách tiền lương đặt các mục tiêu cụ thể cần thực hiện từ nay đến năm 2030, qua ba giai đoạn, gồm đến năm 2021, 2025 và 2030. Cụ thể, đến năm 2021, mục tiêu của chính sách tiền lương cho cán bộ, công chức, viên chức (sau đây gọi tắt là cán bộ) là tiền lương thấp nhất của cán bộ “bằng mức lương thấp nhất bình quân các vùng” của khu vực doanh nghiệp.
Tuy nhiên, sang giai đoạn thứ hai - đến năm 2025, mục tiêu tiền lương thấp nhất của cán bộ được nâng lên thành “cao hơn mức lương thấp nhất bình quân các vùng” của khu vực doanh nghiệp.
Sang đến giai đoạn thứ ba - đến năm 2030, mục tiêu này leo thêm lên một nấc mới là: “bằng hoặc cao hơn mức lương thấp nhất của vùng cao nhất” của khu vực doanh nghiệp.
Như vậy, nhìn chung Chính phủ muốn thông qua cải cách chính sách tiền lương để đảm bảo tiền lương thấp nhất của cán bộ phải cao hơn mức tương ứng ở khu vực doanh nghiệp. Cơ sở nào để đặt ra mục tiêu này?
Nếu căn cứ vào nguyên tắc thị trường là tiền lương được trả theo năng lực và trách nhiệm thì phải chăng Chính phủ cho rằng năng lực và trách nhiệm của cán bộ khu vực công là lớn hơn của khu vực doanh nghiệp, ít nhất là đối với những công việc có mức lương thấp nhất? Nếu vậy thì đâu có cơ sở nào để kết luận rằng cán bộ làm công việc có mức lương thấp nhất, ví dụ như nhân viên tạp vụ/văn phòng, lại có năng lực và trách nhiệm cao hơn một nhân viên tương tự trong khu vực doanh nghiệp?
Nếu không căn cứ vào nguyên tắc trả lương mang tính thị trường như trên thì việc cho rằng cán bộ - với tư cách là “người nhà nước” - nên xứng đáng được hưởng lương cao hơn khu vực phi nhà nước, ít nhất là đối với những vị trí công việc có mức lương thấp nhất cũng không hợp lý, vì... chẳng có nguyên tắc nào cho phép nghĩ hay làm như vậy.
Thiếu vắng nguyên tắc xây dựng mức tiền lương một cách khách quan
Ví dụ, Bộ Nội vụ thì được giao nhiệm vụ “chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính căn cứ Nghị quyết số 25/2016/QH14 ngày 9-11-2016 và các nghị quyết dự toán ngân sách nhà nước hàng năm của Quốc hội trình Chính phủ điều chỉnh mức lương cơ sở áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang năm 2019 và năm 2020”. Như vậy, ở tầm bao quát, cả nước, dự toán ngân sách (cho chi thường xuyên) sẽ là căn cứ chủ yếu để quyết định quỹ tiền lương cho lực lượng cán bộ cả nước. Dự toán nhiều thì mức lương/thu nhập trung bình và/hoặc số biên chế thụ hưởng lương sẽ tăng và ngược lại. Nên có thể nói không quá rằng chính sách tiền lương cho cán bộ phụ thuộc một phần vào khả năng thương lượng của Chính phủ với Quốc hội!

Ngoài bất hợp lý trong việc xác định lương thấp nhất cho cán bộ, mục tiêu cải cách tiền lương cho cán bộ nêu trên còn một khiếm khuyết rất lớn là không đề ra nguyên tắc khách quan, hợp lý để xây dựng các mức tiền lương khác, cao hơn mức thấp nhất, cho cán bộ. Chương trình hành động của Chính phủ về cải cách chính sách tiền lương chỉ có những nguyên tắc chung chung, tùy thuộc vào dự toán ngân sách hàng năm của Quốc hội, và/hoặc tùy thuộc hoàn toàn vào sự đề xuất chủ quan của các cơ quan thụ hưởng ngân sách, mà thiếu vắng một chuẩn mực khách quan dựa vào đó mức tiền lương được xây dựng phù hợp với năng lực và trách nhiệm đòi hỏi cho từng vị trí công việc.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có nhiệm vụ liên đới là: “Đề xuất và phối hợp với Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan xây dựng bảng lương theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo và phụ cấp ưu đãi theo nghề (nếu có) đối với viên chức chuyên ngành thuộc phạm vi quản lý gắn với sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế và đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập...”.
Tương tự như vậy là nhiệm vụ của các bộ, ngành và địa phương khác. Như thế, phối hợp với chuyện quỹ lương cả nước được quyết định bởi khả năng Chính phủ xin dự toán ngân sách từ Quốc hội, rõ ràng là mức tiền lương được đưa ra hoàn toàn mang tính chủ quan (dù là được sự đồng ý, phê chuẩn của các bên hữu trách) mà cách ly hoàn toàn với thị trường, với tình hình kinh tế nói chung và trong ngành quản lý của mỗi bộ nói riêng.
Xin lưu ý rằng trong Chương trình hành động của Chính phủ về cải cách chính sách tiền lương, chỉ có duy nhất một nội dung về tiền lương được gắn với tình hình phát triển kinh tế - xã hội, khả năng chi. Đó là phần đề cập mục tiêu cụ thể đến năm 2021, nhưng đáng tiếc lại chỉ liên quan đến việc điều chỉnh tăng mức lương tối thiểu vùng, và cũng chỉ trong một giai đoạn nhất định, cụ thể: “Thực hiện điều chỉnh tăng mức lương tối thiểu vùng phù hợp tình hình phát triển kinh tế - xã hội, khả năng chi trả của doanh nghiệp để đến năm 2020 mức lương tối thiểu bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ”.
Thang, bảng lương cần mang tính thị trường
Những phân tích trên cho thấy cuộc cải cách chính sách tiền lương lần này sẽ vẫn không làm cho mức lương của khu vực công cạnh tranh đúng đắn với khu vực tư (hoặc cao hơn, hoặc thấp hơn; nếu cao hơn thì là vô nguyên tắc, như nói ở trên; còn nếu thấp hơn thì sẽ không có được cán bộ giỏi). Đồng thời, tiền lương theo cuộc cải cách này cũng không phản ánh đúng cái “giá” của lao động khu vực công vì không gắn chặt chẽ tiền lương với tình hình và điều kiện kinh tế chung của cả nước. Nên sẽ có tình huống là, ví dụ, nền kinh tế xuống dốc hoặc ì ạch trong khi tiền lương cán bộ vẫn cứ được duy trì hoặc tăng lên như không hề có chuyện gì xảy ra.
Vì vậy, hướng đi cần có của cải cách tiền lương khu vực công là gắn tiền lương với thị trường, dùng các yếu tố thị trường để đặt ra thang lương, bảng lương. Theo đó, tiền lương cho mỗi một vị trí công việc trong khu vực công sẽ phải được so sánh với vị trí tương đương trong khu vực tư (về nguyên tắc, vị trí nào thì cũng đều có đối trọng tương đương có thể so sánh được) trong một biên độ biến động nhất định tùy thuộc vào trình độ, năng lực và kinh nghiệm của mỗi người lao động.
Nguyên tắc gắn với thị trường này không phải mới lạ gì, mà đã được thực hiện đây đó trên thế giới, điển hình là tại Singapore, nơi mức lương khu vực công được xây dựng dựa trên nguyên tắc tương đương với khu vực tư. Như thế, khi nền kinh tế tăng trưởng tốt thì tiền lương khu vực tư cũng tốt lên, kéo theo tiền lương khu vực công, và ngược lại. Nguyên tắc này cũng làm cho mỗi cán bộ, mỗi bộ, ngành, địa phương, và cả Chính phủ lẫn Quốc hội có trách nhiệm hơn với mức lương, quỹ lương khu vực công.
Một số bất hợp lý khác
Chương trình hành động của Chính phủ về cải cách chính sách tiền lương còn có một số bất hợp lý khác. Ví dụ, về nguyên tắc: “Nhà nước không can thiệp trực tiếp vào chính sách tiền lương của doanh nghiệp”, điều này liệu có đúng, có được áp dụng với doanh nghiệp nhà nước?
Trong khi đó, có một nguyên tắc khác liên quan đến doanh nghiệp nhà nước là: “Thực hiện quản lý lao động, tiền lương trong doanh nghiệp nhà nước theo phương thức khoán chi phí tiền lương gắn với nhiệm vụ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp”. Điều này vừa mâu thuẫn với nguyên tắc Nhà nước không can thiệp vào chính sách tiền lương của doanh nghiệp nêu trên, vừa bất hợp lý khi chỉ gắn tiền lương trong doanh nghiệp nhà nước với nhiệm vụ mà không phải là (kèm với) hiệu quả của việc thực hiện nhiệm vụ đó. Tương tự như vậy là nguyên tắc: “Thực hiện quản lý lao động, tiền lương trong doanh nghiệp nhà nước theo phương thức khoán nhiệm vụ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp”.

Monday 10 September 2018

Thoái đầu tư nhà nước: xu hướng tất yếu (Bài đăng trên TBKTSG, 9/10/2018)

https://www.thesaigontimes.vn/278099/thoai-dau-tu-nha-nuoc-xu-huong-tat-yeu-.html

Mới đây Bộ Công Thương có văn bản xin ý kiến các bộ, ngành về việc chuyển giao chủ đầu tư Nhà máy Nhiệt điện Long Phú III từ tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) sang cho nhà đầu tư Trung Quốc. 

Trước đó, bộ này cũng đã đề xuất Chính phủ chuyển giao dự án nhiệt điện Quỳnh Lập 1 vốn được giao cho tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) làm chủ đầu tư từ năm 2009 sang cho Liên danh Geleximco và Công ty TNHH Hồng Kông Unitesd Investors Holding. Ngoài ra, hàng loạt dự án nhiệt điện khác cũng đang được các nhà đầu tư tư nhân (nước ngoài) đề nghị được đầu tư như Quỳnh Lập 2, Quảng Trạch 1, Quảng Trạch 2, Hải Phòng 3.

Xu hướng tất yếu
Lý do chính được nêu ra trong các đề xuất chuyển giao chủ đầu tư của các dự án nhiệt điện nói riêng và có thể một số dự án đầu tư trong các ngành, lĩnh vực khác ở Việt Nam nói chung là các chủ đầu tư - thường là các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và các tập đoàn kinh tế nhà nước như PVN và TKV - khó khăn trong việc thu xếp vốn.
Thực tế, các chủ đầu tư này cũng đang là chủ đầu tư của hàng loạt dự án khác, dự án nào cũng đòi hỏi quy mô vốn lớn đến hàng trăm triệu đô la Mỹ trong khi năng lực thu xếp vốn của họ có hạn, đầu tư lại quá dàn trải nên thường xuyên dẫn đến tình trạng chậm trễ, trì hoãn, hoặc triển khai dự án không đúng tiến độ. Điều này càng làm trầm trọng thêm vòng xoáy thiếu vốn nên triển khai chậm trễ, dẫn đến đội vốn, buộc chủ đầu tư phải “giật gấu vá vai”, kéo dài thời gian triển khai dự án thậm chí đến mức vô thời hạn.

Cụ thể, với dự án nhiệt điện Long Phú III, PVN cho biết, hiện doanh nghiệp này đã được giao làm chủ đầu tư bốn dự án nhiệt điện than, bảy dự án nhiệt điện khí, cùng với các dự án thượng nguồn khai thác khí quan trọng nên cần số lượng vốn lớn. Do đó, nếu tiếp tục thực hiện Long Phú III thì “sẽ phát sinh một số vấn đề khó khăn”. Còn với dự án Quỳnh Lập 1, TKV báo cáo rằng không thể đáp ứng đủ vốn chủ sở hữu (425 triệu đô la Mỹ). TKV có thể không vay được vốn ngân hàng vì không đảm bảo điều kiện vay là bên vay phải đối ứng được 20% tổng mức đầu tư dự án được tài trợ. Nếu TKV là chủ đầu tư duy nhất của dự án thì mỗi năm triển khai dự án, TKV sẽ thiếu hàng ngàn tỉ đồng trong khi TKV cũng “đang gặp nhiều khó khăn”.
Như vậy, có thể thấy việc thoái đầu tư của các DNNN và tập đoàn kinh tế nhà nước là một xu hướng không thể tránh khỏi và là hệ quả tất yếu của chủ trương đầu tư tràn lan được thực hiện qua các “quả đấm thép” từ những năm cuối thập kỷ trước và đầu thập kỷ này. Khi ngân sách nhà nước đã “kiệt sức” và, quan trọng không kém, chất lượng đầu tư công ngày càng tỏ ra thiếu hiệu quả thì chuyện Nhà nước phải buông bỏ bớt dự án đầu tư công cũng hiển nhiên như việc Nhà nước phải đẩy mạnh cổ phần hóa và thoái vốn khỏi các DNNN.
Thoái sao cho tốt?
Điều đáng tiếc là nhiều trong số dự án mà Nhà nước cần thoái đầu tư, các DNNN và tập đoàn kinh tế nhà nước đã rót vào đây một số vốn ban đầu để trang trải các chi phí thực thi dự án. Nay phải “bàn giao” lại cho các nhà đầu tư tư nhân khác, sẽ là rất khó để họ thu về đủ phần chi phí đã bỏ ra này, đơn giản bởi nguyên tắc ai cần ai hơn. Đó là chưa kể do là các dự án đầu tư công nên khó tránh khỏi chuyện chi phí bị đội lên một cách vô lý, nên cũng sẽ là... vô lý nếu đòi các chủ đầu tư tư nhân phải trả đầy đủ chi phí chủ đầu tư cũ đã bỏ ra.
Nhưng rất không nên vì mục đích thu hồi được vốn đã bỏ ra mà Nhà nước phải tìm cách làm cho dự án trở nên cực kỳ hấp dẫn về mặt tài chính để làm “yên lòng” nhà đầu tư mới, chẳng hạn như cung cấp (thêm) các bảo lãnh và cam kết trong suốt vòng đời của dự án sau này. Bởi lẽ, cam kết và bảo lãnh như vậy thì tổng thiệt hại cho xã hội còn lớn hơn nhiều so với phần chi phí chủ đầu tư cũ bỏ ra mà không thu lại được từ nhà đầu tư mới. Do rất có thể Nhà nước đã có những ưu ái nhất định cho các chủ đầu tư cũ nên nguyên tắc là không được ưu ái nhà đầu tư mới quá những gì đã cam kết giành cho nhà đầu tư cũ. Nếu vì thế mà không có nhà đầu tư nào tiếp nhận dự án thì cần dũng cảm buông bỏ nó, tránh tâm lý đâm lao phải theo lao, cho dù đã chôn vào đó một số vốn không nhỏ.
Điều đáng chú ý là các chủ đầu tư mới là đối tượng của việc bàn giao các dự án này lại chủ yếu là các doanh nghiệp Trung Quốc. Chuyện các doanh nghiệp Trung Quốc thường xuyên thắng thầu trong các cuộc đấu thầu dự án đầu tư công đã không còn là chuyện lạ ở Việt Nam. Nên trừ khi cơ chế và tiêu chí mời thầu và đấu thầu thay đổi một cách căn bản, có lẽ đành phải chấp nhận thực tế là không nhiều các nhà đầu tư, nhà thầu ngoài Trung Quốc “sẵn lòng” tham gia, nhận bàn giao các dự án này.
Và cũng thường xuyên như mọi khi, các cơ quan chức trách Việt Nam đã trấn an dư luận rằng công nghệ của nhà đầu tư hay nhà thầu Trung Quốc là “tiên tiến, giảm được phát thải, phù hợp với xu hướng phát triển công nghệ trên thế giới và định hướng của Việt Nam”, và họ “cam kết đáp ứng yêu cầu nghiêm ngặt của Chính phủ về công nghệ và bảo vệ môi trường...”.
Thực tế, đúng là công nghệ của Trung Quốc không phải hoàn toàn là “đồ bỏ”, nhất là trong lĩnh vực nhiệt điện. Điều đáng nói là làm sao để nhà đầu tư hay nhà thầu Trung Quốc thực hiện đúng những gì đã đặt bút ký vào hợp đồng. Lúc đó, chuyện không còn nằm ở phía Trung Quốc nữa mà chủ yếu là ở phía... Việt Nam! Những bài học “sự cố môi trường” như Formosa Hà Tĩnh là hồi chuông cảnh tỉnh cho việc kiểm tra, giám sát đầu tư trên giấy của các cơ quan hữu trách Việt Nam.

Saturday 8 September 2018

Phác họa bức tranh mờ ảo nợ xấu (Bài đăng trên TBKTSG, 9/9/2018)

https://www.thesaigontimes.vn/278083/phac-hoa-buc-tranh-mo-ao-no-xau-.html

Tổng kết một năm thực hiện Nghị quyết 42 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố một số số liệu cập nhật liên quan đến tình hình nợ xấu và xử lý nợ xấu. Theo đó, nhìn chung nợ xấu dường như đã trở nên bớt... xấu. Tuy nhiên, nếu phân tích kỹ hơn thì có thể thấy còn nhiều điều đáng nói về vấn đề nợ xấu ở Việt Nam.

Những khoảng trống và sai lệch
Bảng dưới đây tập hợp và tính toán lại các số liệu về nợ xấu và xử lý nợ xấu dựa theo những gì mà NHNN đã công bố đây đó, tại các sự kiện khác nhau trong vòng hai năm qua.
Không hiểu vì lý do gì mà tổng nợ xấu trong toàn hệ thống trong hai thời điểm là cuối năm 2017 và cuối quí 1-2018 lại không được công bố. Điều này không chỉ tạo ra khoảng trống thông tin về quy mô và diễn biến nợ xấu theo thời gian, mà còn làm cho việc phân tích biến động của nợ xấu tiềm ẩn và nợ xấu bán cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) trong hai thời kỳ này trở nên không thể, và, do đó, cũng không thể kết luận được là xử lý nợ xấu liệu có đang trên đà cải thiện theo hướng thực chất và bền vững hay không.
Cũng tương tự như vậy là sự thiếu vắng thông tin chi tiết về lượng nợ xấu đã được xử lý theo Nghị quyết 42 vào cuối năm 2017 và quí 1 năm nay. Vì sự thiếu vắng này nên chúng ta không thể biết kênh xử lý nợ nào hữu hiệu hơn trong một năm qua.
Và nữa, cách đưa ra các tiêu chí thống kê nợ xấu, lúc thì dùng tiêu chí nợ tiềm ẩn thành nợ xấu, lúc thì đưa ra tiêu chí nợ xấu ngoại bảng - là hai tiêu chí khác nhau - không chỉ làm cho việc so sánh và thông hiểu con số tổng nợ xấu với con số nợ xấu đã được xử lý trở thành không thể, mà còn làm cho người đọc rơi vào trạng thái “tù mù”, có biết  vài con số thì cũng như không.
Trong năm 2017, con số về tỷ lệ tổng nợ xấu trong hệ thống mà dư luận được biết qua các báo khác nhau nhưng đều dẫn nguồn từ NHNN là 8,86% (1), và 10,08%(2) đều tính đến cuối năm 2016. Nhưng căn cứ vào con số tuyệt đối về nợ xấu cuối năm 2016 là 600.000 tỉ đồng(2) và tổng dư nợ tín dụng cả hệ thống vào cuối năm 2016 được công bố trên trang web của NHNN thì tỷ lệ nợ xấu cuối năm 2016 tính chính xác lại phải là 10,9% (xem bảng). Khó mà nói những sai lệch này là không đáng kể.
Xử lý nợ xấu không nhanh hơn nhiều trong năm 2018
Theo NHNN, trong nửa đầu năm nay đã có trên 58.000 tỉ đồng nợ xấu được xử lý(3). Và cũng theo NHNN thì lượng nợ xấu đã được xử lý theo Nghị quyết 42 tính đến tháng 6-2018 là hơn 138.000 tỉ đồng. Vậy suy ra lượng nợ xấu được xử lý theo Nghị quyết 42 tính từ lúc có hiệu lực (15-8-2017) đến cuối năm 2017 là khoảng 80.000 tỉ đồng (xem bảng).
Như vậy, so với tốc độ xử lý nợ xấu bốn tháng cuối năm 2017 theo Nghị quyết 42, xử lý nợ xấu trong hai quí đầu năm 2018 thực ra đã giảm tốc chứ không phải là đã được thúc đẩy như công bố. Và cũng có thể một phần chính vì điều này mà tỷ lệ nợ xấu nội bảng lại tăng lên vào quí 1-2018 (2,18%) so với cuối năm 2017 (1,99%).
Thực ra, xử lý nợ xấu giảm tốc hoặc không đạt tốc độ như kỳ vọng cũng là điều tất yếu. Theo VAMC, đã có những trở ngại trong xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 như không có vụ nào trong số 2.000 vụ việc của các cấp tòa án và thi hành án được xử lý theo hình thức rút gọn quá trình tố tụng và xử lý tranh chấp tài sản bảo đảm. Các tài sản bảo đảm là bất động sản dở dang khi VAMC thu giữ hoặc bán chuyển cho chủ đầu tư mới còn vướng mắc về phía hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Mỗi địa phương lại có một cách hiểu, làm khác nhau dẫn tới việc có nơi chuyển giao được nhưng có nơi thì chưa.
Điều đáng nói ở đây là những trở ngại này hoặc là rất khó hiểu theo logic thông thường, hoặc là căn bệnh mãn tính, mang tính hệ thống, xảy ra như với hầu hết mọi vấn đề khác liên quan đến bộ máy nhà nước. Vì thế nên khó mà kỳ vọng nhiều vào những giải pháp “đột phá” ở hiện tại và tương lai trong giải quyết nợ xấu.
Nợ xấu vẫn “ở ẩn”
Tính toán từ số liệu báo cáo (xem bảng) cho thấy tỷ trọng nợ tiềm ẩn thành nợ xấu cộng với nợ xấu bán cho VAMC trên tổng nợ xấu đã giảm đều từ 2016 đến nay - từ 77% tháng 12-2016 xuống 74% tháng 9-2017 và còn 70% tháng 6-2018. Tuy nhiên, mức 70% vẫn còn là quá lớn, cho thấy đa phần nợ xấu vẫn chưa được bộc lộ trên sổ sách, làm cho tỷ lệ nợ xấu (nội bảng) trở nên... đẹp một cách bất hợp lý.
NHNN có đặt ra mục tiêu là phấn đấu đưa tỷ lệ nợ xấu và nợ tiềm ẩn thành nợ xấu của hệ thống tổ chức tín dụng về mức an toàn theo thông lệ quốc tế. Nhưng để theo thông lệ quốc tế thì trước hết cần phải minh bạch hóa nợ xấu, bãi bỏ hạng mục nợ tiềm ẩn thành nợ xấu (kèm đó là sự cho phép giữ nguyên phân loại nợ hoặc hạch toán ngoại bảng để giấu bớt nợ xấu). Thêm nữa, chừng nào VAMC còn mua nợ xấu bằng trái phiếu đặc biệt thì việc đưa nợ xấu về mức an toàn theo thông lệ quốc tế còn là câu chuyện trong tương lai dài.
(1) http://vietnamfinance.vn/ty-le-no-xau-thuc-te-co-the-len-den-886-20170330083540998.htm
(2) http://www.nhandan.com.vn/baothoinay/baothoinay-kinhte/baothoinay-kinhte-tintuc/item/34774102-den-cuoi-thang-9-2017-ty-le-no-xau-noi-bang-toan-he-thong-chi-la-2-34.html
(3) https://news.zing.vn/ngan-hang-xu-ly-gan-440-ty-dong-no-xau-moi-ngay-post872397.html

Một số nghiên cứu bằng tiếng Anh của tớ

(Một số bài không download được. Bạn đọc có nhu cầu thì bảo tớ nhé)

19. Yang, Chih-Hai, Ramstetter, Eric D., Tsaur, Jen-Ruey, and Phan Minh Ngoc, 2015, "Openness, Ownership, and Regional Economic Growth in Vietnam", Emerging Markets Finance and Trade, Vol. 51, Supplement 1, 2015 (Mar).
http://www.tandfonline.com/doi/abs/10.1080/1540496X.2014.998886#.Ve7he3kVjIU

18. Ramstetter, Eric D. and Phan Minh Ngoc, 2013, 'Productivity, Ownership, and Producer Concentration in Transition: Further Evidence from Vietnamese Manufacturing', Journal of Asian Economics, Vol. 25, Apr 2013,
http://www.sciencedirect.com/science/article/pii/S1049007812001170.

17. Ramstetter, Eric D. and Phan Minh Ngoc, 2011, 'Productivity, Ownership, and Producer Concentration in Transition: Further Evidence from Vietnamese Manufacturing', ESRI Discussion Paper Series No.278, Economic and Social Research Institute, Cabinet Office, Tokyo, Japan. (http://www.esri.go.jp/en/archive/e_dis/abstract/e_dis278-e.html)

16. Phan, Minh Ngoc and Eric D. Ramstetter, 2009, ‘Foreign Ownership and Exports in Vietnamese Manufacturing’, Singapore Economic Review, Vol. 54, Issue 04.
(http://econpapers.repec.org/article/wsiserxxx/v_3a54_3ay_3a2009_3ai_3a04_3ap_3a569-588.htm)

15. Phan, Minh Ngoc, 2008. ‘The Roles of Capital and Technological Progress in Vietnam’s Economic Growth’, Journal of Economic Studies, Vol. 32, No. 2.
(http://www.emeraldinsight.com/journals.htm?articleid=1724281)

14. Phan, Minh Ngoc, 2008. ‘Sources of Vietnam’s Economic Growth’, Progress in Development Studies, Vol. 8, No. 3.
(http://pdj.sagepub.com/content/8/3.toc)

13. Ramstetter, Eric D. and Phan Minh Ngoc, 2008. 'Productivity, Ownership, and Producer Concentration in Transition: Evidence from Vietnamese Manufacturing’, Working Paper 2008-04, Kitakyushu: International Centre for the Study of East Asian Development.
(http://www.icsead.or.jp/7publication/wp2008a_e.html#04)

12. Ramstetter, Eric D. and Phan Minh Ngoc, 2007. ‘Employee Compensation, Ownership, and Producer Concentration in Vietnam’s Manufacturing Industries’, Working Paper 2007-07, Kitakyushu: International Centre for the Study of East Asian Development.
(www.icsead.or.jp/7publication/wp2007a_e.html)

11. Ramstetter, Eric D. and Phan Minh Ngoc, 2007. ‘Changes in Ownership and Producer Concentration after the Implementation of Vietnam’s Enterprise Law’, Working Paper 2007-06, Kitakyushu: International Centre for the Study of East Asian Development.
(http://www.icsead.or.jp/7publication/wp2007a_e.html#06)

10. Phan, Minh Ngoc and Eric D. Ramstetter, 2006. ‘Economic Growth, Trade, and Multinational Presence in Vietnam's Provinces’, Working Paper 2006-18, Kitakyushu: International Centre for the Study of East Asian Development. Also presented in the 10th Convention of the East Asian Economic Association, Nov. 18-19, 2006, Beijing.
(http://www.icsead.or.jp/7publication/wp2006a_e.html#18)

9. Phan, Minh Ngoc, Nguyen Thi Phuong Anh, Phan Thuy Nga, and Shigeru Uchida, 2005. ‘Effects of Cyclical Movements of Foreign Currencies’ Interest Rates and Exchange Rates on the Vietnamese Currency’s Interest and Exchange Rates’. Asian Business & Management, Vol. 4, No.3.
(http://www.palgrave-journals.com/abm/journal/v4/n3/abs/9200134a.html)

8. Phan, Minh Ngoc and Eric D. Ramstetter, 2004. ‘Foreign Multinationals and Local Firms in Vietnam's Economic Transition’. Asian Economic Journal, Vol.18, No.4.
(http://ideas.repec.org/a/bla/asiaec/v18y2004i4p371-404.html)

7. Phan, Minh Ngoc and Eric D. Ramstetter, 2004. ‘Foreign Ownership Shares and Exports of Multinational Firms in Vietnamese Manufacturing’, Working Paper 2004-32, Kitakyushu: International Centre for the Study of East Asian Development. An earlier version of this paper was presented in the 9th Convention of the East Asian Economic Association, 13-14 November 2004, Hong Kong.
(www.icsead.or.jp/7publication/workingpp/wp2004/2004-32.pdf)

6. Phan, Minh Ngoc, Nguyen Thi Phuong Anh, and Phan Thuy Nga, 2003. ‘Exports and Long-Run Growth in Vietnam, 1976-2001’, ASEAN Economic Bulletin, Vol.20, No.3.
(http://findarticles.com/p/articles/mi_hb020/is_3_20/ai_n29057943/)

5. Phan, Minh Ngoc and Eric D. Ramstetter, 2003. ‘Comparing Foreign Multinationals and Local Firms in Vietnam’, Working Paper 2003-43, Kitakyushu: International Centre for the Study of East Asian Development.
(http://www.icsead.or.jp/7publication/workingpp/wp2003/2003-43.pdf)

4. Phan, Minh Ngoc and Shigeru Uchida, 2003. ‘Stabilization Policy Issues in Vietnam’s Economic Transition’. Annual Review of Southeast Asian Studies, Research Institute of Southeast Asia, Faculty of Economics, Nagasaki University, Vol. 44 (March).

3. Phan, Minh Ngoc and Eric D. Ramstetter, 2002. ‘Foreign Multinationals, State-Owned Enterprises, and Other Firms in Vietnam’, Working Paper 2002-23, Kitakyushu: International Centre for the Study of East Asian Development. This paper was also presented in the 8th Convention of the East Asian Economic Association, 4-5 November 2002, Kuala Lumpur.
(http://www.icsead.or.jp/7publication/workingpp/wp2003/2003-43.pdf)

2. Phan, Minh Ngoc and Shigeru Uchida, 2002. ‘Capital Controls to Reduce Volatility of Capital Flows; Case Studies in Chile, Malaysia, and Vietnam in 1990s’. Annual Review of Southeast Asian Studies, Research Institute of Southeast Asia, Faculty of Economics, Nagasaki University, Vol. 43 (March).

1. Phan, Minh Ngoc, 2002. ‘Comparisons of Foreign Invested Enterprises and State-Owned Enterprises in Vietnam in the 1990s’. Kyushu Keizai Nenpo (the Annual Report of Economic Science, Kyushu Association of Economic Science), No.40 (December). An earlier version of this paper was presented in the 40th Conference of the Kyushu Keizai Gakkai (Kyushu Association of Economic Science).