Bài này được hoàn thiện cách đây đúng 1 tuần, đã được duyệt đăng vào cuối tuần trước trên một tờ báo quen, trước khi nổ ra bạo loạn ở Bình Dương. Tớ cũng không ngờ sự việc mà tớ e ngại (trả đũa, tấn công người Tầu...) lại nổ ra ngay tại Việt Nam. Bài rốt cuộc bị hủy không đăng nữa, với lý do là nếu đăng thì sẽ đổ them dầu vào lửa. Post ở đây để các đồng chí đọc tham khảo.
----------------------------------------------------------------------------------------------------
----------------------------------------------------------------------------------------------------
Làm
thế nào Việt Nam
có thể giảm bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc ở góc độ kinh tế? Ts Phan Minh
Ngọc cho rằng, điều cần làm là chủ động theo phương châm để lại càng ít chuôi cho
Trung Quốc nắm càng tốt. Ví dụ, Việt Nam
rút dần các tài sản và đầu tư của Việt Nam ở Trung Quốc hoặc liên quan tới
nước này. Ngược lại, cần có biện pháp kiểm soát để dòng vốn đầu tư và thương
mại do Trung Quốc rút ra không làm rỗng nền kinh tế của Việt Nam .
Bên
nào cũng thiệt hại
- Theo
ông, thương mại Việt Nam – Trung Quốc có thể bị ảnh hưởng như thế nào trong bối
cảnh Trung Quốc hạ đặt dàn khoan 981 trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế và
thềm lục địa Việt Nam?
- Thiệt hại sẽ xảy ra cho cả 2 bên và mức
độ sẽ tỷ lệ thuận với mức độ xung đột. Khi xung đột nổ ra, nhất là xung đột
quân sự, thì nó sẽ châm ngòi cho những hành động như cấm vận, trả đũa
thương mại, đầu tư, tẩy chay hàng hóa của đối phương, đập phá các cơ
sở sản xuất thương mại, bài xích dân của nước kia đang sinh sống,
làm ăn trên lãnh thổ nước này v.v...
Hình ảnh hiện nay làm tôi liên tưởng đến
những gì đã có trong quá khứ, cũng như giữa Trung Quốc với Nhật gần đây, bộc lộ
hết những hậu quả như đã nói.
Cần nhấn mạnh rằng thiệt hại do thương mại
bị đình trệ hay gián đoạn sẽ là thiệt hại chung cho cả 2 bên, bên nào cũng
thiệt hại như nhau, dưới góc độ này hay góc độ khác, chứ không thể nói là chỉ
có nước này mới thiệt hại chứ còn nước kia thì không hề hấn gì, cho
dù là trường hợp xảy ra giữa một nước nhỏ với một nước lớn như Việt Nam và
Trung Quốc.
-
Có ý kiến cho rằng, cần một chiến lược quốc gia đề phòng trường hợp Trung Quốc
khởi động một cuộc chiến kinh tế chống lại Việt Nam, và có thể khởi đầu bằng
những nỗ lực giảm nhập siêu từ Trung Quốc. Ông nghĩ sao về điều này?
- Nếu chúng ta chủ trương thoát Tàu, và
nếu xung đột lớn thực sự xảy ra, thì vụ việc hiện nay đúng là một lý do quyết
định, có thể nói là một cú hích cả về khách quan lẫn chủ quan để Việt Nam
thoát ly Trung Quốc trên lĩnh vực kinh tế và chuyển hướng sang các thị trường
khác nhằm thỏa mãn, trên bề mặt, mục tiêu giảm sự chi phối của Trung Quốc.
-
Nhưng sự chuyển hướng này có phải là giải pháp tốt hay không?
- Tỉnh táo mà xét thì việc chuyển
hướng này không phải là giải pháp tối ưu hiện thời, với điều kiện là Việt Nam không còn
lựa chọn nào khác, bị buộc phải chuyển hướng. Chừng nào nền kinh tế Việt
Nam vẫn là một nền kinh tế gia công (và tình huống này vẫn và sẽ đúng như thế
trong it nhất là hàng thập kỷ nữa) thì chừng đó Việt Nam vẫn phải phụ thuộc vào
nguồn nhập nguyên vật liệu, máy móc phong phú và giá rẻ từ Trung Quốc
để thỏa mãn nhu cầu chế xuất của mình.
Chuyển hướng sang các thị trường cung cấp
nguyên vật liệu và máy móc khác ngoài Trung Quốc tất nhiên là điều luôn có
thể nhưng lúc đó tính cạnh tranh của Việt Nam với tư cách là một địa điểm sản
xuất giá rẻ trong chuỗi cung ứng hàng hóa toàn cầu sẽ bị ảnh hưởng. Như thế,
Việt Nam
sẽ dần biến mất trong bài toán sản xuất và cung ứng của nhiều nhà đầu tư nước
ngoài, ở nhiều ngành nghề và lĩnh vực.
Đấy là chưa kể chúng ta có thể thoát
được nhập siêu với Trung Quốc nhưng sẽ lại không thể thoát được nhập siêu càng
gia tăng với các nước và khu vực khác.
Để Trung Quốc nắm càng ít chuôi càng tốt
-
Nếu sự chuyển hướng không phải là tối ưu, thì Việt Nam có thể có những bước đi chủ động nào?
- Nếu xung đột lớn nổ ra thì chắc
chắn việc chuyển hướng này sẽ là bắt buộc
cho dù Việt Nam
có không muốn thế. Nên biết như vậy để chúng ta có những bước đi chủ
động, tránh để cho thế cờ bị phía Trung Quốc dẫn dắt.
Điều quan trọng ở đây là dự đoán
được diễn biến của sự việc để có quyết định thích hợp. Tôi hy vọng
rằng xung đột chỉ ở quy mô kiềm chế.
Nhưng thực tế nếu không đúng
vậy thì có lẽ điều cần làm là chủ động theo phương châm để lại càng
ít chuôi cho Trung Quốc nắm càng tốt.
Ví dụ, Việt Nam rút dần các
tài sản và đầu tư của Việt Nam
ở Trung Quốc hoặc liên quan tới nước này. Ngược lại, cần có biện pháp kiểm soát
để dòng vốn đầu tư và thương mại do Trung Quốc rút ra không làm rỗng nền kinh tế của Việt Nam như đã từng xảy ra với người gốc Hoa ở Việt Nam trong những
năm cải tạo công thương sau giải phóng.
-
Việc để cho Trung Quốc nắm càng ít chuôi càng tốt có đơn giản như nói vậy không, thưa ông?
- Tất nhiên là không dễ như nói, nhưng
không làm thì còn thiệt hại hơn. Một ví dụ đơn giản, ta có một hợp đồng nhập
khẩu với Trung Quốc. Phía bán (Trung Quốc) đòi ta phải trả tiền đặt cọc hay một
khoản phí nào đó trả trước, dự định vào trước tháng 7. Nếu xung đột lớn xảy ra
chắc chắn chính quyền Trung Quốc sẽ có những hành động cản trở, phong tỏa
thương mại, bao gồm cả việc hủy bỏ, đóng băng các hơp đồng thương mại. Nếu ta
đã trả tiền đặt cọc thì khoản này sẽ rất có thể bị mất. Nếu chủ động, cũng có
nghĩa là ta hoặc là tìm cách trì hoãn chuyện trả tiền trước này cho đến khi
tình hình trở lại bình thường, hoặc là chủ động hủy hợp đồng nhập khẩu này đi,
cho dù ta có thể bị nhỡ việc, bị thiệt hại ở một khía cạnh nào đó.
Đây mới chỉ là một ví dụ nhỏ, ở tầm một cá
nhân, một doanh nghiệp, một lĩnh vực. Suy rộng ra cả nền kinh tế thì từng chủ
thể kinh tế sẽ biết phải làm gì trong trường hợp sự việc diễn biến xấu.
- Xin cảm ơn ông!
----------------------
Quên không nói thêm là bài còn một đoạn nữa về việc một số cửa hàng, khách sạn từ chối phục vụ người Trung Quốc, nhưng phóng viên đã cắt bỏ khi biên tập.
Đại loại là tớ nói rằng tớ phản đối việc trả đũa, trả thù nhắm vào các công dân vô tội của nước kia, đơn giản vì làm thế it nhất sẽ châm ngòi cho việc trả đũa của phía bên kia, thậm chí là còn ở mức độ hơn thế. Chưa kể, hành động đó không phải là hành động tốt đẹp, cao thượng trong mắt cộng đồng quốc tế, và không có tác dụng gì trong việc gây sức ép lên chính phủ Trung Quốc để thay đổi chính sách của họ, nếu không muốn nói là có khả năng có tác dụng ngược khi Trung Quốc lợi dụng hành động này để lu loa rằng Việt Nam là hèn hạ, nguy hiểm, cần phải có hành động can thiệp v.v...
No comments:
Post a Comment