Mới đây, Bộ Công thương dự đoán, trong năm 2014 Việt Nam có thể xuất siêu kỷ lục vào khoảng 1,5 tỷ USD so với các năm gần đây. Tuy nhiên, Bộ Công thương nhận định năm 2015 có khả năng nước ta sẽ quay trở lại với mức nhập siêu 6 - 8 tỷ USD. Có 6 nguyên nhân Bộ Công thương đưa ra để giải thích cho nhận định này.
Thứ nhất, trong thời gian qua, cán cân thương mại với xuất siêu chủ yếu từ các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), nhưng thời gian tới, việc xuất siêu từ khối này sẽ tăng trưởng chậm lại, tiếp nối đà suy giảm từ những năm trước (kim ngạch xuất khẩu tăng 31% năm 2012, 22% năm 2013, và 12% trong 10 tháng năm 2014), khi các doanh nghiệp FDI đã đạt được công suất nhất định, bảo đảm được lợi nhuận đã đề ra, trong khi các doanh nghiệp trong nước từ trước đến nay vẫn đang tiến hành nhập siêu.
Khó có thể thiết lập một xu hướng tuyến tính theo chiều đi xuống của xuất khẩu của khu vực FDI một cách đơn giản như vậy. Chừng nào luồng vốn FDI vào Việt Nam vẫn tiếp tục tăng trưởng, tình hình kinh tế thế giới tiếp tục phục hồi, tỷ giá VNĐ/USD được điều chỉnh (phá giá) linh hoạt hơn v.v... thì chừng đó vẫn có thể kỳ vọng sự tăng trưởng khả quan trong xuất khẩu của khu vực FDI. Nói cách khác, để dự đoán xuất khẩu của khu vực FDI tiếp tục suy giảm trong năm tới thì cần phải loại bỏ/phủ nhận được một cách chắc chắn, có căn cứ, các yếu tố tích cực kích thích xuất khẩu của khu vực FDI như thế này.
Thứ hai, năm 2015 sẽ mở ra nhiều cơ hội thuận lợi cho phát triển về xuất, nhập khẩu. Tuy nhiên trong giai đoạn đầu năm, xuất khẩu ở Việt Nam thường chưa có khả năng tăng cao về lượng do nguồn hàng trong nước chưa đáp ứng được cả về số lượng và chất lượng để thâm nhập vào các thị trường. Hơn nữa, từ năm 2011 đến nay, tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu có xu hướng giảm dần do giá trị tuyệt đối đang ở mức cao.
Có thể nói ngay nguyên nhân này là khá yếu ớt. Tuy có thể đúng rằng đầu năm sẽ là giai đoạn bỡ ngỡ của các doanh nghiệp Việt Nam để thâm nhập các thị trường (mới). Nhưng điều này không có nghĩa là xuất khẩu ở các thị trường hiện tại, ở đà tăng hiện tại không được tiếp tục vì các doanh nghiệp vẫn đang có sự tiếp cận và thâm nhập (tốt) các thị trường và khách hàng truyền thống. Bởi vậy, chỉ cần các doanh nghiệp tiếp tục tận dụng và khai thác tốt các thị trường, ngành, mặt hàng và khách hàng quen thuộc (vẫn sẽ tiếp tục tăng trưởng theo đà tăng trưởng chung của kinh tế thế giới) thì xuất khẩu của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng cả về tốc độ lẫn giá trị tuyệt đối, và còn tăng mạnh hơn nữa vào giai đoạn về cuối năm khi các doanh nghiệp bắt nhịp tốt ở các thị trường và sản phẩm mới.
Thứ ba, kinh tế thế giới năm 2015 được dự báo tăng trưởng tốt hơn, triển vọng thu hút đầu tư từ các hiệp định thương mại tự do sắp được ký kết, trong bối cảnh đó nguồn lực đầu tư từ nước ngoài vào Việt Nam để đón bắt cơ hội từ các hiệp định sắp được ký kết sẽ gia tăng. Điều này sẽ làm gia tăng giá trị nhập siêu, bởi các doanh nghiệp sẽ tập trung nhập khẩu nhiều máy móc thiết bị.
Về nguyên nhân này, như đã nói ở trên, khi kinh tế thế giới phục hồi mạnh hơn sẽ kéo theo nhu cầu tiêu thụ hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam cao hơn. Bởi vậy, một mặt, có thể đúng như Bộ Công thương lập luận, các doanh nghiệp sẽ tập trung nhập khẩu nhiều máy móc. Nhưng mặt khác, sẽ có nhiều doanh nghiệp đẩy mạnh được xuất khẩu của mình nhờ nhu cầu nhập khẩu của thế giới tăng lên. Nói cách khác, không thể suy diễn được rằng nhập siêu sẽ gia tăng khi cầu thế giới gia tăng, nếu không muốn nói rằng điều ngược lại rất có thể sẽ xảy ra.
Thứ tư, từ bất ổn chính trị trong quan hệ với Trung Quốc thời gian qua đã khiến việc Việt Nam phải mở rộng, đa dạng hóa thị trường nhập khẩu để không quá phụ thuộc vào một thị trường. Việc phải nhập khẩu ở nhiều quốc gia khác với chất lượng hàng hóa tốt hơn đồng nghĩa với giá thành cao hơn sẽ dẫn tới tổng kim ngạch nhập khẩu tăng, điều này cũng sẽ dẫn đến việc tăng nhập siêu.
Nguyên nhân này của Bộ Công thương là phiến diện vì nó đã bỏ qua một số khía cạnh liên quan. Ví dụ, với chất lượng đầu vào nhập khẩu tốt hơn có nghĩa là chất lượng sản phẩm đầu ra của các doanh nghiệp Việt Nam sẽ cao hơn, ở phân khúc thị trường và sản phẩm cao cấp hơn. Bởi vậy, đành rằng chi phí nhập khẩu sẽ cao hơn nhưng giá bán sản phẩm cũng sẽ cao hơn, và nhà xuất khẩu hoàn toàn có khả năng chuyển được giá thành cao hơn này sang tay người nhập khẩu, tiêu dùng cuối cùng. Thêm nữa, sự chuyển hướng nhập khẩu này còn có tác dụng làm hàng hóa Trung Quốc khan hiếm hơn, hoặc bị e ngại hơn ở thị trường trong nước. Song song với đó, nhập khẩu tăng lên từ các thị trường ngoài Trung Quốc để thay thế hàng Trung Quốc cũng có nghĩa là mặt bằng giá cả của hàng hóa nhập khẩu tăng lên so với giá hàng hóa sản xuất nội địa. Những yếu tố này đến lượt chúng sẽ khuyến khích sản xuất nội địa thay thế nhập khẩu, và tức là có tác dụng tích cực đến giảm nhập siêu.
Thứ năm, trong thời gian tới, đặc biệt là từ năm 2015, một số nhà máy nhiệt điện sẽ đi vào hoạt động, Việt Nam phải nhập khẩu than vì nguồn cung than trong nước chưa đáp ứng đủ.
Nguyên nhân này cũng bỏ qua một yếu tố tích cực đi kèm với gia tăng công suất phát điện trong nước. Tuy nhập khẩu than sẽ tăng lên nhưng ngược lại, gia tăng nguồn cung điện trong nước cũng sẽ cắt giảm hoàn toàn hoặc hạn chế nhập khẩu điện từ Trung Quốc và Lào, vốn chiếm đến vài phần trăm trong tổng lượng điện năng tiêu thụ trong nước (và quan trọng hơn, với giá cao). Đó là chưa kể đến tác động tích cực của việc tăng công suất phát điện sẽ thúc đẩy sự phát triển thêm nữa của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, và do đó, xuất khẩu của ngành này.
Thứ sáu, trong lĩnh vực dầu khí, mặc dù Nhà máy lọc dầu Dung Quất hiện nay đã đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu xăng dầu trong nước, nhưng trong thời gian tới, ngoài việc giảm lượng xuất khẩu dầu thô để chế biến xăng dầu, Việt Nam vẫn phải nhập khẩu dầu thô để chế biến xăng dầu thay cho việc nhập khẩu trực tiếp.
Dễ thấy nguyên nhân này không thuyết phục vì tuy kim ngạch xuất khẩu có thể giảm đáng kể do giảm xuất khẩu dầu thô, và ngược lại kim ngạch nhập khẩu dầu thô sẽ tăng vì nhập khẩu dầu thô cho chế biến xăng dầu trong nước, nhưng ở chiều ngược lại, nhập khẩu xăng dầu (có giá trị đơn vị cao hơn dầu thô) sẽ giảm mạnh. Nên khó có thể nói tăng nhập khẩu dầu thô sẽ làm tăng nhập siêu, trừ khi có một tính toán cụ thể bao nhiêu tấn dầu thô, bao nhiêu tấn xăng dầu sẽ được xuất đi, nhập về với giá cả bao nhiêu...
Tóm lại, 6 nguyên nhân trên không thể là cơ sở để Bộ Công thương đưa ra dự báo nhập siêu sẽ ở trong khoảng 6 - 8 tỷ USD trong năm 2015. Trên hết, tính bất trắc và đa diện của các vấn đề nêu trong bài này cho thấy rất khó dự đoán.
Cũng có thể là như vậy. Nhưng tớ có cảm giác là lạ khi đọc những nhận định này của Bộ Công thương, vì thấy nó ngờ nghệch một cách đáng nghi thế nào đó.
ReplyDeleteThế mới làm "lãnh đạo" được chứ bác!
ReplyDelete