(TBKTSG) - Trong năm nay tỷ giá tiền đồng/đô la Mỹ đã đôi lần tăng mạnh, bất chấp những khẳng định và cam kết bình ổn tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).
Điểm trùng lặp ở những đợt tăng tỷ giá này là cách thức xử lý của NHNN, với tuyên bố rằng họ sẽ không điều chỉnh tỷ giá vì không có lý do gì để điều chỉnh tỷ giá, không cần can thiệp vì cung cầu ngoại tệ cơ bản là bình thường, và rằng tỷ giá tăng là do tâm lý trước tin đồn NHNN tăng tỷ giá...
Những bằng chứng luôn được NHNN viện dẫn ra để cho thấy thị trường ngoại tệ vẫn ổn định, không có gì bất thường trong các giai đoạn tỷ giá biến động mạnh thường là: Việt Nam đang xuất siêu (cộng dồn trong các tháng từ đầu năm đến thời điểm đó); cán cân thanh toán tổng thể ở mức thặng dư cao; giải ngân FDI và kiều hối đều tăng so với cùng kỳ năm trước; trên thị trường ngoại tệ doanh số giao dịch, hoạt động mua bán ngoại tệ diễn ra bình thường, không có gì đột biến...
Thường thì tỷ giá sẽ chựng lại và/hoặc giảm đi một chút sau những tuyên bố này của NHNN. Đằng sau sự chựng lại hoặc giảm đi này, khó có thể biết được rằng thị trường đã “sợ” NHNN, “thấm” được cái sự vô lý của tỷ giá (tăng) như lời giải thích của NHNN để mà tự điều chỉnh, hay đơn giản chỉ là do NHNN đã lẳng lặng can thiệp vào thị trường ngoại hối bằng cách bán đô la Mỹ ra để bình ổn tỷ giá (NHNN thường không công bố có can thiệp hay không, và, nếu có, quy mô can thiệp là bao nhiêu).
Nhưng ít ra thì trong đợt tăng tỷ giá tháng 11 vừa rồi, đã có bằng chứng rõ ràng rằng NHNN đã phải can thiệp bằng cách bán ra đến 1,5 tỉ đô la Mỹ, “trong bối cảnh nhu cầu ngoại tệ cuối năm tăng cao so với trước”, như TBKTSG đưa tin tuần trước, mặc dù trước đó họ đã tái lập những tuyên bố như trên.
Điều rút ra từ sự kiện này là thị trường luôn có cái lý riêng của nó. Tỷ giá biến động rõ ràng thường là hậu quả của việc mất cân đối cung, cầu ngoại tệ (tạm thời hay mang tính cơ cấu), nên lời giải thích “do tâm lý” như của NHNN nếu có đúng thì chỉ ở trên góc độ rằng thị trường đã kỳ vọng NHNN phải bán đô la Mỹ ra để lập lại cân bằng cung, cầu. Và nếu NHNN không chịu làm hay không làm được việc này thì trên thị trường sẽ xuất hiện tâm lý đầu cơ, mua gom, tích trữ đô la Mỹ để đón đầu sóng tỷ giá chắc chắn sẽ phải tăng trong thời gian tới. Mà như vậy thì cái “tâm lý” này hoàn toàn không có gì là vô lý, bất bình thường, không thể trở thành nguyên nhân mang tính dài hạn hơn cho những biến động của tỷ giá nếu NHNN không can thiệp, không xử lý thích đáng vào thị trường ngoại hối.
Vì thế, một trong những điều NHNN cần làm ở những đợt biến động tỷ giá trong tương lai là nhìn nhận minh bạch và thẳng thắn những nguyên nhân gây biến động tỷ giá, điều mà các thành viên trên thị trường ngoại hối như các ngân hàng thương mại, công ty xuất nhập khẩu, nhà đầu tư tổ chức và cá nhân... đều nhận thấy qua những giao dịch hàng ngày trên thị trường. Thay vì đưa ra những giải thích, những tuyên bố một cách đơn giản, chiếu lệ và cũ mòn, hoàn toàn không có tính thuyết phục như vẫn làm trong thời gian qua, NHNN nên một mặt thừa nhận có chênh lệch bất thường về cung, cầu ngoại tệ (và nguyên nhân), mặt khác nên tỏ rõ lập trường chính sách của mình, ví dụ như để tỷ giá danh nghĩa ổn định về cơ bản hay để nó biến động linh hoạt theo mức chênh lệch lạm phát giữa Việt Nam với nước ngoài để hỗ trợ xuất khẩu... Đi kèm với lập trường chính sách này là hành động công khai và nhất quán của NHNN để thị trường thấy rõ là NHNN nghiêm túc, nhất quán và có đủ nguồn lực để thực thi định hướng chính sách của mình.
Tóm lại, nhìn thẳng và thừa nhận sự thật đồng thời hành động tương ứng để thị trường luôn thấy NHNN nói và làm đi đôi với nhau là cách truyền thông hiệu quả và cần thiết của NHNN, ít nhất là trong vấn đề chính sách tỷ giá ở Việt Nam. Với cách làm hiện thời của NHNN, nếu có chăng thì tính hiệu quả của nó cũng đã và đang mai một nhanh chóng, không thể lạm dụng thêm nữa.
No comments:
Post a Comment