Tác giả Nguyễn Xuân Thành, Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright gần đây đã công bố một bản thảo báo cáo với tựa đề: “Ngân hàng thương mại Việt Nam: Từ những thay đổi về luật và chính sách giai đoạn 2006-2010 đến các sự kiện tái cơ cấu giai đoạn 2011-2015”.
Đây là một báo cáo được soạn thảo
rất công phu, đầy ắp dữ liệu và sự kiện, được sắp xếp hợp lý theo trình tự thời
gian và mạch chủ đề. Trong phần lớn báo cáo, tác giả đã tập trung mô tả chi tiết
và sống động toàn bộ bức tranh của hệ thống ngân hàng Việt Nam trong 10 năm qua,
đồng thời khéo léo gửi gắm những phân tích và nhận định riêng của mình vào
trong những câu hỏi bỏ ngỏ ở phần đầu mỗi chương, mỗi phần của bài viết, mà hầu
như đã được trả lời hộ bởi tác giả căn cứ theo cách đặt và nội dung của câu hỏi.
Tuy vậy, một trong những nhược
điểm trong phương pháp phân tích bằng cách đặt ra những câu hỏi bỏ ngỏ cho từng
vấn đề ở từng chương như của tác giả là nó đã vô tình bẻ gẫy tính liên kết giữa
các chương, các phần, các nội dung trong bài, làm người đọc khó xâu chuỗi được
các sự kiện và hiểu rõ được những vấn đề có tính khái quát hơn, chẳng hạn điều
gì đã tạo ra, đã dẫn đến một hệ thống ngân hàng như hiện nay, và cần làm gì để
tránh “vết xe đổ” trong quá khứ?
Trong bài viết này chúng ta sẽ bổ
sung thêm một số luận điểm và phân tích dựa theo các vấn đề mà tác giả đặt ra để
đi đến một số khái quát hóa về hệ thống ngân hàng Việt Nam trong thời gian qua
và những năm sắp tới.
Vấn đề đầu tiên mà tác giả đặt
ra là việc cho phép thành lập các ngân
hàng thương mại cổ phần (NHTMCP) nông
thôn quy mô nhỏ thành NHTMCP đô thị hoạt động trên phạm vi toàn quốc là chính
sách đúng để thúc đẩy phát triển tài chính hay là nguyên nhân dẫn tới tình trạng
nhiều ngân hàng trong số
này trở thành yếu kém và mất khả năng chi trả?
Công bằng mà nói, bản thân việc cho phép thành lập các NHTMCP nông
thôn thành NHTMCP đô thị không phải là sai, thậm chí còn là một điều kiện cần nếu
muốn có các ngân hàng thương mại có đầy đủ chức năng hoạt động thông thường từ
những ngân hàng hiện có mà không phải mất thời gian, công sức xây mới từ đầu. Tất
nhiên, sự yếu kém sau này của chúng là có thật, nhưng đó là bởi những lý do
khác, mà sau này mới bộc lộ ra, ví dụ, qua vấn đề sở hữu chéo.
Vấn đề thứ hai mà tác giả đề cập
đến là quy định bắt buộc tăng vốn điều lệ (VĐL) lên 3.000 tỷ đồng trong
vòng 4 năm liệu có phải là quyết
định đúng để tăng cường sự vững mạnh của các NHTM hay là nguyên nhân dẫn tới
tình trạng vốn chủ sở hữu ảo và sở hữu chéo, từ đó làm suy yếu hệ thống ngân
hàng Việt Nam?
Đến đây, ta đã bắt đầu thấy được sự liên kết giữa việc
thành lập hàng loạt NHTMCP đô thị và việc tăng vốn bắt buộc. Nêu lại diễn biến
quá trình tăng VĐL khá chật vật trong giai đoạn 2006-2010, dường như tác giả muốn
chỉ ra rằng việc cấp phép ồ ạt thành lập hàng loạt ngân hàng từ một cơ sở yếu
kém cộng với việc bắt buộc các ngân hàng này phải đạt được VĐL lớn hơn quy mô vốn
thực có của chúng nhiều lần đã đẩy các ngân hàng vào con đường “làm liều” sau
này.
Tuy vậy, cũng phải công bằng mà nhìn nhận rằng việc bắt
buộc phải tăng VĐL tất nhiên có thể là không cần thiết, không luôn đồng nghĩa với
tăng cường sự vững mạnh của các NHTM nhưng nó cũng không phải là sai, chỉ có ở
Việt Nam, vì tác giả cũng đồng ý rằng cũng có nhiều quốc gia quy định NHTM phải
có VĐL ở một mức tối thiểu nào đó. Như vậy, chuyện đáng nói hơn là cách thức
nào để các NHTM này gia tăng được VĐL và nó có phù hợp với luật pháp và mong muốn
của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hay không. Điều này được giải đáp phần nào ở
chương nói về sở hữu, cho vay và đầu tư chéo như là một cách thức giúp các NHTM
tăng được VĐL như quy định.
Cũng theo tác giả, NHNN một mặt đã đánh giá được vấn đề trầm
trọng của sở hữu chéo
giữa các tổ chức tín dụng (TCTD), nhưng,
mặt khác, NHNN lại cho rằng: “Việc
kiểm tra phát hiện sở hữu chéo là rất khó khăn do thiếu bằng chứng pháp lý”. Như
thế, có thể nói sự bất cập trong thanh tra, giám sát và khả năng xử lý vấn đề của
NHNN, chứ không phải bản thân việc cho phép thành lập hàng loạt NHTMCP cũng như
quy định bắt buộc tăng VĐL là hai trong những nguyên nhân chính gây ra tình trạng
sở hữu chéo tràn lan, càng làm suy yếu hệ thống ngân hàng. Nói cách khác, giả sử
NHNN làm tốt và làm nghiêm thì đã không xảy ra tình trạng sở hữu và đầu tư chéo
tràn lan, và sẽ chỉ có những NHTM nào có khả năng tăng VĐL một cách lành mạnh mới
được phép tồn tại, nhờ đó tạo ra một hệ thống ngân hàng có chất lượng cao hơn.
Vai trò và trách nhiệm của NHNN
còn được làm rõ hơn nữa trong chương nói về việc điều hành chính sách tiền tệ của
NHNN. Với những dữ liệu và sự kiện được tác giả bố trí theo trình tự thời gian
từ năm 2007 đến 2011 và theo chủ đề, bắt đầu từ chính sách tiền tệ nới lỏng năm
2007, chuyển sang chính sách tiền tệ thắt chặt năm 2008, rồi lại một lần nữa
chuyển thành chính sách tiền tệ nới lỏng năm 2009-2010 để rồi kết thúc ở chính
sách tiền tệ thắt chặt năm 2011, người đọc sẽ thấy một cách rõ ràng các chính
sách kinh tế vĩ mô của Chính phủ nói chung và NHNN nói riêng đã có những sai lầm,
lại bị thay đổi thường xuyên và đột ngột ở mức độ cấp tập, với quy mô “quyết liệt”.
Bùng nổ tín dụng năm 2007 có
nguyên nhân trực tiếp từ sai lầm chính sách ngoại hối khi NHNN mua vào một phần
lớn trong số vốn nước ngoài chảy vào Việt Nam năm đó lên tới 17,7 tỷ USD mà
không trung hòa đúng mức lượng tiền đồng đối ứng tung ra nền kinh tế. Cung tiền
mở rộng quá mức đã trực tiếp thổi bùng tăng trưởng tín dụng dẫn đến bong bóng
chứng khoán và bất động sản, làm tăng nợ xấu trong hệ thống ngân hàng. Và, cũng
như tác giả chỉ ra, tuy NHNN cũng phần nào ý thức được mối nguy hiểm của mở rộng
cung tiền ồ ạt nhưng biện pháp thắt chặt tiền tệ duy nhất lúc đó chỉ là nâng tỷ
lệ dự trữ bắt buộc đối với tiền gửi kỳ hạn dưới 12 tháng của các NHTM từ 5% lên
10%, một biện pháp xem ra là quá muộn và không đủ độ hữu hiệu cần thiết.
Sang đến năm 2008, để kiềm
chế lạm phát đã vọt lên trên 20%/năm trong bối cảnh cung tiền mở rộng quá mức NHNN
đã buộc phải thắt chặt cung tiền, và phải thắt chặt gấp và mạnh nhằm đưa nó trở
lại mức tăng trưởng bình thường. Việc này đã gây ra hậu quả nghiêm trọng khi
bong bóng tài sản xì hơi, dẫn đến làm giảm mạnh chất lượng bảng cân đối tài sản
của các ngân hàng thương mại do nợ xấu tăng đột ngột. Tuy là việc cần thiết phải
làm để sửa sai cho chính sách nới lỏng tín dụng quá bất cẩn của chính mình năm
2007 nhưng có lẽ NHNN đã quá cấp tập trong những bước đi chính sách của mình
làm thị trường bị “phanh gấp” mà không kịp điều chỉnh.
Ở chiều hướng đối nghịch hoàn toàn, chính sách tiền tệ
trong thời kỳ 2009-2010 lại được mở ra một cách cũng hết sức cấp tập, và “quyết
liệt” (trừ việc tăng một điểm phần trăm các loại lãi suất của NHNN cuối năm
2009), với mục đích mà, theo như tác giả nhận định, là để “hỗ trợ tăng trưởng
và ổn định vĩ mô”. Tuy nhiên, chính sách tiền tệ nới lỏng cấp tập như vậy thì
đương nhiên chỉ có tác dụng “hỗ trợ tăng trưởng” chứ không thể “ổn định vĩ mô”
được, nếu hiểu ổn định vĩ mô là phải có lạm phát thấp, ổn định. Cũng vì nới lỏng
cấp tập như vậy nên lại dẫn đến sự bùng nổ của thị trường tài chính với sự trở
lại của các bong bóng tài sản, để rồi giai đoạn sau đó lại phải thắt chặt chính
sách tiền tệ, dẫn đến sự suy sụp của thị trường tài chính và hệ thống ngân
hàng. Bên cạnh đó, sự mở rộng cấp tập và quá mức của chính sách tài khóa, thể
hiện ra ở chính sách kích cầu, hỗ trợ lãi suất, an sinh xã hội, đầu tư cơ sở hạ
tầng và nhà ở xã hội… cũng là một nguyên nhân cho sự bất ổn vĩ mô và sự trồi sụp
của thị trường tài chính.
Tóm lại, nếu xâu chuỗi lại các sự kiện và các con số
trong báo cáo trên thì sẽ thấy rõ các bất ổn đã và đang tồn tại hiện nay trong
hệ thống ngân hàng là bất ổn tự tạo, xuất phát từ những sai lầm và yếu kém trong
hoạch định và thực thi các chính sách của Chính phủ, của NHNN, với các chính
sách thay đổi đột ngột và thường xuyên, từ thái cực này sang thái cực khác,
mang tính tình thế, “chữa cháy” là nhiều hơn.
No comments:
Post a Comment