- Việc sửa đổi Thông tư 36 theo hướng giảm trần sử dụng vốn ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn từ 60% xuống còn 40%, theo ông có hợp lý không?
Hợp lý hay không là tùy vào góc nhìn. Với Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thì đương nhiên là hợp lý vì giảm trần như vậy có nghĩa là giảm rủi ro căng thẳng thanh khoản khi các ngân hàng bị mất cân đối kỳ hạn giữa huy động (ngắn hạn) và cho vay (dài hạn). Khi rủi ro trong hệ thống giảm đi thì đương nhiên công việc của NHNN sẽ trở nên “nhàn” hơn, đỡ mang tai tiếng hơn khi có sự kiện xấu nào đó xảy ra.
Với các ngân hàng thương mại thì điều này là không hợp lý, vì họ sẽ mất bớt đi cơ hội kinh doanh vốn. Nhiều ngân hàng thương mại có thể lập luận (một cách rất có lý) rằng họ tự biết và hoàn toàn có khả năng kiểm soát tốt được cân đối nguồn vốn để không bị rơi vào tình trạng “ăn đong”, giật vốn chỗ nọ vá vào chỗ kia.
Với các đối tượng vay vốn của ngân hàng thì họ cũng sẽ thấy là không hợp lý, vì khi ngân hàng thương mại bị siết cho vay, đương nhiên người chịu ảnh hưởng đầu tiên là những đối tượng vay vốn này.
- Đặc biệt, Thông tư này cũng điều chỉnh trọng số rủi ro cho vay bất động sản từ 150% lên 250% có ảnh gì đến tín dụng trung dài hạn không, nhất là với tín dụng bất động sản, thưa ông?
NHNN đã lên tiếng biện luận cho chủ trương này của mình. Tôi thấy ít nhất có một điểm mà NHNN cần phải làm rõ hơn. Đó là, NHNN cho rằng dự thảo Thông tư 36 không làm giảm vốn vào bất động sản (vì còn tới 650 nghìn tỷ đồng hạn mức để cung cấp cho thị trường bất động sản kể cả khi điều chỉnh hệ số rủi ro cho vay kinh doanh bất động sản từ 150% lên 250%). Nếu đúng vậy thì, về logic, có thể nói rằng dự thảo Thông tư 36 là thừa, sẽ không phát huy được tác dụng như dự tính, vì bất động sản sẽ chẳng mấy hề hấn, rủi ro cho vay bất động sản vẫn cao vì vẫn còn nhiều dư địa để tiếp tục đổ vốn vào bất động sản. Bởi vậy, vấn đề đặt ra ở đây, và NHNN cần trả lời rõ là vậy thì rốt cuộc dự thảo Thông tư 36 để làm gì, nhằm mục đích gì?
- Hiện có 2 luồng dư luận về sửa Thông tư 36: Các doanh nghiệp bất động sản không đồng tình; Các ngân hàng ủng hộ. Vậy trong trường hợp NHNN vẫn cương quyết sửa Thông tư 36 theo hướng đã định thì thị trường bất động sản và cả nền kinh tế sẽ bị tác động như thế nào, thưa ông?
Tôi nghĩ là hiếm có ngân hàng thương mại nào lại ủng hộ dự thảo này một cách tự giác, nhiệt tình, không phải là miễn cưỡng bày tỏ quan điểm. Như nói ở trên, dự thảo này đương nhiên là trói buộc thêm các ngân hàng thương mại chứ không tạo thêm cơ hội làm ăn cho họ, vậy tại sao lại nghĩ rằng (phần lớn) các ngân hàng thương mại ủng hộ dự thảo này?
Căn cứ vào tình hình hiện tại thì tôi nghĩ là nhiều khả năng NHNN sẽ cương quyết sửa đổi thông tư này như đã định. Nếu vậy, tác động đầu tiên sẽ có thể cảm nhận được là sự chững lại của nền kinh tế vì cho dù tổng lượng tín dụng cho nền kinh tế là không đổi thì sẽ có nhiều dự án cần vốn trung và dài hạn không tiếp cận được vốn tín dụng do các ngân hàng bị hạn chế ở cái trần vốn ngắn hạn cho vay dài hạn 40%. Trong số này tất nhiên là có các dự án bất động sản. Tuy nhiên, đổi lại, thì rủi ro trong hệ thống ngân hàng sẽ giảm bớt.
Tác động thứ hai cũng chính là tác động bất lợi lên bất động sản một cách trực tiếp. Đó là vì khi chịu hệ số rủi ro tín dụng cao hơn cho bất động sản, các ngân hàng sẽ phải chủ động tiết giảm cho vay bất động sản để giảm hệ số rủi ro chung của họ. Như vậy, có thể nói bất động sản sẽ chịu “2 quả đấm” cùng lúc – trần vốn ngắn hạn cho vay dài hạn và hệ số rủi ro tín dụng cao hơn.
Ngược lại, cũng có thể coi là một tác động bất lợi khác lên nền kinh tế, các ngân hàng do phải tiết giảm cho vay bất động sản nên sẽ phải tìm nơi để “trút” vốn của mình, có thể là những lĩnh vực và những doanh nghiệp ít rủi ro nhất. Nhưng những lĩnh vực, doanh nghiệp này không nhất thiết là những lĩnh vực và doanh nghiệp thuộc diện ưu tiên cần phải thúc đẩy, không nhất thiết phải là những lĩnh vực và doanh nghiệp có hiệu quả nhất, tạo ra và là động lực tăng trưởng lớn nhất.
No comments:
Post a Comment