Cuối tháng trước,
Moody’s, một trong những tổ chức xếp hạng tín dụng chủ chốt trên thế giới,
trong một email trả lời các câu hỏi (của giới báo chí?) và được đăng tải trên một
số nguồn như Bloomberg (1), đã đưa ra cảnh báo rủi ro đi kèm với tăng trưởng
tín dụng cao cho Việt Nam.
Việc cảnh báo về
rủi ro đi kèm với tăng trưởng tín dụng cao ở Việt Nam đã từng được Moody’s đề cập
đôi lần mà mới đây nhất là hồi tháng 10 năm 2017 khi họ nâng cấp triển vọng của
hệ thống ngân hàng lên thành tích cực từ mức ổn định trước đó. Cũng dịp đó,
trong những cuộc thảo luận tại Singapore với người viết về tình hình sức khỏe của
hệ thống tài chính Việt Nam, tổ chức này cùng với các tổ chức xếp hạng tín dụng
chủ chốt khác như Standard and Poor's và Fitch cũng đều bày tỏ mối quan ngại
tương tự cho Việt Nam.
Không phải là vô
cớ mà các tổ chức xếp hạng tín dụng nói riêng và các tổ chức quốc tế đa phương
nói chung như World Bank và IMF đều chung một mối quan ngại với Việt Nam. Lý do
có lẽ nằm ở quan niệm của họ rằng, đối với Việt Nam, thông thường tăng trưởng kinh
tế đòi hỏi tăng trưởng tín dụng phải ở mức tương ứng (tỷ lệ thuận). Do đó, khi
Chính phủ nhắm mục tiêu tăng trưởng kinh tế cao hơn thì cũng có nghĩa là họ sẽ
phải thực thi một chính sách tiền tệ nới lỏng tương ứng, làm tăng rủi ro bất ổn
vĩ mô và nợ xấu.
Trở lại với cảnh
báo cuối tháng trước và được trích dẫn bởi Bloomberg, Moody’s nhận định rằng
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ có thể tiếp tục theo đuổi chính sách tiền tệ trung
lập thiên về nới lỏng trong bối cảnh Chính phủ tiếp tục chú trọng hơn đến thúc
đẩy tăng trưởng. Theo Moody’s, chính sách tiền tệ nới lỏng hơn sẽ làm xói mòn ổn
định kinh tế vĩ mô, đặc biệt trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng cao. Nếu tăng
trưởng tín dụng được đẩy cao hơn nữa thì nó sẽ làm tăng rủi ro cho hệ thống
ngân hàng do làm suy yếu cơ sở vốn của các ngân hàng.
Do Moody’s không
cho biết cụ thể thêm nên khó có thể biết cơ sở cũng như bằng chứng để Moody’s
đưa ra cảnh báo rủi ro tăng trưởng tín dụng cao để nhằm thúc đẩy tăng trưởng
kinh tế nhanh hơn. Nhưng Bloomberg trích dẫn ý kiến của Phó Thủ tướng Vương
Đình Huệ cho rằng tăng trưởng kinh tế năm nay có thể đạt tốc độ như của năm
2017 là 6,8%, cao hơn so với mục tiêu Chính phủ đặt ra là 6,7%, như để minh họa
cho ý của Moody’s rằng Chính phủ đang tiếp tục cố gắng thúc đẩy tăng trưởng
kinh tế.
Ở một vế khác,
cũng không rõ Moody’s dựa vào đâu để nhận định rằng NHNN có thể sẽ tiếp tục
theo đuổi chính sách tiền tệ thiên nới lỏng. Trong khi đó, Bloomberg nêu ra rằng
tốc độ tăng trưởng cho vay năm 2017 là 18,2% và “NHNN dự đoán” tăng trưởng cho
vay năm nay ở mức 17%. Thêm vào đó, Bloomberg cũng trích dẫn cảnh báo của World
Bank hồi tháng 12 rằng tăng trưởng tín dụng cao sẽ khuyến khích cho vay các
lĩnh vực rủi ro và làm xấu đi chất lượng tài sản. Bằng việc đưa ra những số liệu
và nhận định này dường như Bloomberg muốn chứng minh rằng đang có xu hướng nới
lỏng tiền tệ ở Việt Nam kèm theo đó là những hậu quả tiêu cực, phù hợp với cảnh
báo của Moody’s.
Tuy nhiên, nếu những
con số và dự đoán như trên là đúng thì người ta phải thấy rằng tình hình thực
ra đang không diễn biến theo chiều hướng rủi ro hơn, nếu không muốn nói ngược lại
là đang được kiểm soát theo hướng tốt hơn, theo đúng định hướng chính sách tiền
tệ của NHNN được trích dẫn bởi Bloomberg là sẽ “quản lý tăng trưởng tín dụng một
cách linh hoạt và thận trọng để hỗ trợ doanh nghiệp và thúc đẩy tăng trưởng
kinh tế, trong khi vẫn hạn chế được rủi ro trong một số ngành kinh tế”.
Cụ thể hơn, rõ
ràng là con số tăng trưởng tín dụng 18,2% đạt được trong năm 2017 là thấp hơn
đáng kể mục tiêu ít nhất là 21-22% mà Thủ tướng Chính phủ đặt ra trước đó,
trong năm 2017, cho NHNN. Điều này chứng tỏ sự thận trọng đáng ghi nhận của
NHNN khi đã không cố gắng “ép” tín dụng của hệ thống ngân hàng phải tăng nhanh
hơn nữa theo ý chí của Chính phủ. Nói cách khác, tuy chính sách tiền tệ của
NHNN vẫn có xu hướng nới lỏng nhưng sự nới lỏng là có mức độ, được dựa trên những
căn cứ xác đáng như diễn biến của lạm phát và lãi suất. Và cũng cần lưu ý thêm
rằng tăng trưởng tín dụng năm 2017 cũng chỉ tương đương như năm 2016, mặc dù
(nhu cầu tăng trưởng tín dụng để thúc đẩy) tăng trưởng kinh tế là cao hơn nhiều
so với năm 2016.
Sang năm 2018,
như trích dẫn của Bloomberg, NHNN còn thể hiện sự thận trọng hơn nữa khi “dự
báo” tăng trưởng tín dụng chỉ là 17% mặc dù tăng trưởng kinh tế năm nay, nếu
đúng như mục tiêu mà Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nêu ra, vẫn bằng năm 2017. Đó là chưa kể khả năng
năm nay lạm phát ở Việt Nam sẽ đạt mức cao hơn năm trước (ít nhất là do yếu tố
giá cả thế giới đã và đang gia tăng song hành với một đồng đô la Mỹ suy yếu) và
điều này sẽ buộc NHNN – được Quốc hội “trói” bằng chỉ tiêu kiềm chế lạm phát –
phải thận trọng với tăng trưởng cung tiền hơn nữa (và có nghĩa là hạ thấp tốc độ
tăng trưởng tín dụng hơn nữa).
Như vậy, rõ ràng
là dường như đang diễn ra xu hướng có thể coi là “nghịch lý” ở Việt Nam trong
nhiều năm qua, ít nhất là nhìn từ góc độ các con số thống kê chính thức, là tốc
độ tăng trưởng kinh tế có xu hướng cao hơn còn tốc độ tăng trưởng tín dụng lại
có xu hướng giảm tốc, không nhất thiết giống như mối quan ngại của Moody’s và
các tổ chức khác. Và điều này cần được tiếp tục nghiên cứu, mổ xẻ để Chính phủ
có thêm cơ sở tiếp tục điều hành nền kinh tế theo đúng xu hướng tích cực này.
___________
1. Xem trong đường
dẫn sau: https://www.bloomberg.com/news/articles/2018-01-28/moody-s-cautions-vietnam-against-easing-monetary-policy-further
Hoặc: http://www.businesstimes.com.sg/government-economy/moodys-cautions-vietnam-against-easing-monetary-policy-further
No comments:
Post a Comment