Tỷ giá VND/USD đã và đang tăng liên tục, đặc biệt sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ngừng bán USD với giá rẻ để can thiệp thị trường hôm 23/7. Như vậy, xem ra sự tăng tỷ giá là xu thế không thể đảo ngược ít nhất từ nay cho đến cuối năm, nhất là nếu cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung tiếp tục leo thang, Trung Quốc khơi mào chiến tranh tiền tệ, trong khi Fed sẽ tiếp tục nâng lãi suất để kiềm chế lạm phát ở Mỹ trong phần còn lại của năm nay.
Trước bối cảnh
này, vẫn có nhiều ý kiến trái chiều về việc chủ động hoặc thụ động phá giá VND,
để VND yếu đi so với USD. Luồng ý kiến này chủ yếu dựa trên quan ngại tỷ giá là
một vấn đề nhạy cảm ở Việt Nam, và phá giá sẽ có ảnh hưởng tiêu cực lên luồng vốn
FDI vào Việt Nam, gia tăng áp lực lạm phát, tăng độ bất định trong điều hành
chính sách tiền tệ/tỷ giá có thể dẫn đến những phản ứng quá mức của nhà đầu tư,
càng gây thêm áp lực mất giá với VND.
Nhìn bao quát,
chưa bàn đến chuyện đúng sai về 2 luồng ý kiến phản đối và ủng hộ việc phá giá,
có thể thấy việc can thiệp để đảo ngược hoặc ngăn ngừa xu hướng mất giá VND ở
Việt Nam sẽ gây tổn thất lớn cho NHNN. Như đã biết, trong tuần trước, NHNN đã
bán ra khoảng 2 tỷ USD (riêng ngày 20/7 là 300 triệu USD) (1). Mặc dù vậy, tỷ
giá trong ngân hàng và trên thị trường tự do chưa có dấu hiệu lắng dịu, thậm
chí vẫn còn âm ỷ tăng.
Đáng nói là cứ với
cái đà can thiệp như vậy thì chắc chắn hàng chục tỷ USD trong quỹ dự trữ ngoại
hối sẽ nhanh chóng “bốc hơi” mà không mang lại kết quả như ý muốn. Bởi, việc can
thiệp như vậy cũng chỉ có tác dụng làm chậm lại, làm giảm áp lực mất giá VND chứ
không giải quyết được yếu tố căn bản nâng đỡ tỷ giá, vốn đang rất không thuận
cho VND, một phần như nói qua ở trên.
Do đó, sự ngừng
bán USD với giá rẻ của NHNN hôm 23/7 là một điều dễ hiểu và hoàn toàn hợp lý. Vấn
đề đặt ra từ đây cho luồng ý kiến phản đối phá giá VND là, vậy nếu NHNN không
bán USD giá rẻ để can thiệp nữa thì ai và sẽ phải làm gì để ngăn chặn xu hướng
mất giá này?
Đáng tiếc là
chúng ta chỉ mới nghe nhiều về lập luận phản đối phá giá mà hầu như chưa nghe
thấy biện pháp, công cụ gì để ổn định tỷ giá, không phải phá giá, ngoài chuyện
bán USD can thiệp của NHNN. Một số biện pháp khác có thể có tác dụng như hạ lãi
suất tiền gửi USD, thắt chặt điều kiện mua, mang ngoại tệ ra nước ngoài, vay
ngoại tệ, kết hối v.v… thì cũng đã và đang được thực hiện, hầu như không còn
thêm room để phát huy một cách có hiệu quả hơn nữa. Đó là chưa kể những biện
pháp này (chủ yếu mang tính hành chính) ít nhiều đều có tác động tiêu cực lên nền
kinh tế nói chung.
Riêng biện pháp
nâng lãi suất để bảo vệ tỷ giá thì hầu như không được đề cập đến, có lẽ bởi biện
pháp này được coi là nhạy cảm, khó thực hiện trong bối cảnh NHNN và hệ thống
ngân hàng đang phải phấn đấu giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Như vậy, có thể
khái quát lại rằng việc phá giá VND (hay để VND yếu đi) là một điều không thể
tránh được. Nói cách khác, làm ngược lại là điều không tưởng, không có lợi,
không nên và… không thể! Vậy thì tốt nhất là hãy chọn cách làm ít thiệt hại nhất
mà lại dễ thực hiện nhất là để VND yếu đi theo đòi hỏi của thị trường.
Tất nhiên là để
VND yếu đi sẽ gây ra những tác hại theo lý thuyết là làm tăng áp lực lạm phát
và giảm luồng vốn FDI vào Việt Nam. Tuy nhiên, trên thực tế những tác hại này
không nhất thiết xảy ra đúng như vậy.
Cụ thể, về tác động
của phá giá lên lạm phát, hãy cùng xem mối quan hệ giữa tỷ giá và lạm phát ở Việt
Nam trong thời gian chục năm qua như trong đồ thị dưới đây.
Theo lý thuyết và
theo lập luận của những người phản đối phá giá VND, nếu VND yếu đi thì lạm phát
sẽ tăng lên, và ngược lại. Tuy nhiên, trên thực tế, đồ thị trên cho thấy 2 đại
lượng này không vận động theo hướng như vậy trong nhiều thời điểm ở Việt Nam.
Ví dụ, trong các
năm 2008, 2009, 2013, và 2015, tỷ giá tăng nhưng lạm phát lại giảm đi (tăng trưởng
ở mức âm). Ngược lại, trong các năm 2010 và 2016, tỷ giá giảm nhưng lạm phát lại
tăng lên.
Sẽ có người lập
luận rằng ngoài tỷ giá còn có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến lạm phát như lạm phát
của thế giới, điều hành chính sách giá của Chính phủ, và tốc độ tăng cung tiền
của NHNN v.v… nên không thể chỉ dựa vào biến động của tỷ giá để giải thích/dự
đoán xu hướng của lạm phát.
Lập luận trên là
hoàn toàn đúng. Nhưng nếu vậy, với cùng với logic này thì không thể chỉ dựa vào
mỗi một yếu tố, ví dụ, tỷ giá để cho rằng khi phá giá VND thì lạm phát sẽ tăng
lên. Cũng tương tự như vậy, không thể chỉ dựa vào mỗi tỷ giá để phân tích xu hướng
FDI rồi kết luận rằng phá giá VND sẽ làm giảm FDI vào Việt Nam, và từ đây suy
ra rằng do FDI suy giảm nên tăng trưởng GDP cũng bị suy giảm trong những năm
trước. Cung cách phân tích kiểu này sẽ tạo ra những kết quả sai lệch, những kết
luận thiên kiến và phiến diện.
Tóm lại, trong
hoàn cảnh nguồn lực can thiệp mỏng, các biện pháp can thiệp có giới hạn, cũng
như sự tồn tại không hiển nhiên của mối quan hệ giữa phá giá với gia tăng lạm
phát hay sụt giảm FDI, thì việc để VND yếu đi thuận theo điều kiện của thị trường
là điều cần thiết và nên làm.
No comments:
Post a Comment