Một số tổ chức quốc tế như Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Ngân hàng Thế giới (WB) đã đưa ra các đánh giá và dự báo về triển vọng kinh tế trong ngắn và trung hạn (đến 2020) của Việt Nam. Những báo cáo này là nguồn tham khảo chính sách và định hướng rất có trọng lượng do uy tín của các tổ chức phát hành. Tuy vậy, bên cạnh những phân tích và đánh giá xác đáng và có giá trị, các báo cáo này vẫn không tránh khỏi có những điểm yếu nên đòi hỏi người đọc phải biết chắt lọc thông tin và thận trọng hơn với những dự báo trong đó.
Để làm rõ hơn vấn đề trên, trong bài này, tác giả sử dụng chuỗi báo cáo định kỳ cập nhật kinh tế Đông Á và Thái Bình Dương do WB ấn hành để minh họa.
Trước tiên, bảng 1 so sánh tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam do Tổng cục Thống kê (TCTK) công bố (đã chỉnh sửa và cập nhật gần đây) với dự báo tăng trưởng mà WB đưa ra trong chuỗi báo cáo nêu trên. Lưu ý thêm là ở đây tác giả đã sử dụng báo cáo phát hành định kỳ vào tháng 10 hàng năm để đảm bảo rằng dự báo của WB đã được sửa đổi và cập nhật sát nhất với diễn biến trên thực tế của nền kinh tế Việt Nam trong năm báo cáo.
Điều có thể thấy từ bảng 1 là sự sai lệch đáng kể giữa dự báo với hiện thực, lên đến 0,6 điểm phần trăm (tức là chiếm đến khoảng 10% của tốc độ tăng trưởng GDP).
Điểm đáng lưu tâm tiếp theo là về phần nêu thực trạng và triển vọng của nền kinh tế Việt Nam. Báo cáo do WB phát hành tháng 10 năm nay ở đoạn nói về củng cố tài khóa (fiscal consolidation) nhận định rằng đã có “sự điều chỉnh cắt giảm chi ngân sách dẫn đến thâm hụt ngân sách được thu hẹp còn 4,6% GDP năm 2017. Trong nửa đầu năm 2018, Chính phủ tiếp tục kiềm chế tăng trưởng chi tiêu để bù đắp cho thu (ngân sách) tương đối yếu”.
Thực tế, theo số liệu hàng quí trong bảng 2 từ năm 2017 đến nay của TCTK (mặc dù rất bất thường khi thâm hụt ngân sách đứng ở mức rất thấp, kể cả cho cả năm 2017, so với con số do Bộ Tài chính báo cáo), thâm hụt ngân sách qua các quí của năm 2018 không có dấu hiệu gì là co lại, thậm chí là ngược lại. Do chi ngân sách tiếp tục tăng mạnh (chứ không phải là tiếp tục bị “kiềm chế” như WB nhận định) nên thâm hụt ngân sách trong năm 2018 vẫn theo đúng xu hướng của năm 2017 là tăng dần qua các quí, dù là so với quí trước hoặc là so với GDP theo giá hiện hành.
Về triển vọng trung hạn của Việt Nam, WB nhận định là “đã cải thiện hơn nữa” (nguyên văn: “Vietnam’s medium-term outlook has improved further”). Nhưng mặt khác, dù đã nâng dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam lên 6,8% cho năm 2018 từ mức 6,5% trong dự báo trước đó của mình, WB lại dự báo Việt Nam sẽ tăng trưởng chậm lại đáng kể trong năm 2019 và 2020 (tương ứng là 6,6% và 6,5%). Như thế có thể thấy WB có sự mâu thuẫn trong nhận định về triển vọng tăng trưởng của Việt Nam. Nói cách khác, lẽ ra WB phải đưa ra một dự báo triển vọng thận trọng và chính xác hơn cho Việt Nam trong trung hạn, chẳng hạn như “triển vọng trong trung hạn của Việt Nam sẽ ổn định với tốc độ tăng trưởng GDP giảm nhẹ so với (tốc độ dự báo cho) năm nay”.
Cũng trong phần nói về triển vọng, WB cho rằng việc củng cố tài khóa sẽ kiềm chế nợ công trong trung hạn. Nhận định này có thể được diễn giải là kiềm chế/cắt giảm chi tiêu công (chi ngân sách) sẽ làm giảm việc vay nợ của Chính phủ. Tuy nhiên, như đã chỉ ra ở trên, chi ngân sách không có dấu hiệu được kiềm chế rõ ràng nên nếu thâm hụt ngân sách (tính theo phần trăm của GDP) có cải thiện thì sự cải thiện này chủ yếu là do tăng thu, tận thu (qua việc tăng thuế các loại), chứ không phải là do cắt giảm chi tiêu. Do chi ngân sách không giảm trong khi sự cải thiện thu ngân sách từ việc tận thu cũng chỉ có hạn nên không có cơ sở gì để nhận định rằng nợ công sẽ được kiềm chế một cách hiệu quả trong trung hạn như WB nhận định.
Về những giải pháp chính sách liên quan đến tài khóa, WB khuyến nghị Chính phủ cần có chiến lược toàn diện để tăng cường hiệu quả chi tiêu và duy trì những nguồn thu trung hạn có khả năng huy động để giảm hơn nữa thâm hụt ngân sách. Một mặt, đây là những khuyến nghị tiêu chuẩn, xác đáng. Mặt khác, khuyến nghị này một lần nữa cho thấy chi ngân sách vẫn là một lĩnh vực “có vấn đề” nên trừ khi Chính phủ làm được như khuyến nghị của WB thì mới mong có được sự giảm thâm hụt ngân sách, và, do đó, giảm nợ công một cách bền vững như WB đã nhận định.
Nói cách khác, chuyện kiềm chế nợ công và thâm hụt ngân sách chỉ là chuyện của tương lai, có thành hiện thực hay không thì phụ thuộc vào một số điều kiện, chứ không phải là đã và đang diễn ra, thành một xu hướng, như WB nhận định và kỳ vọng.
No comments:
Post a Comment