Không phải ngẫu nhiên mà Singapore được xếp hạng một trong những nơi có môi trường khởi nghiệp tốt nhất thế giới, và cũng là nơi được nhiều người Việt chọn để thành lập các startup thay vì ở quê nhà.
Ngoài chuyện duy trì được một môi trường kinh doanh minh bạch với các thủ tục đăng ký và duy trì kinh doanh đơn giản, thông thoáng và nhanh gọn, Singapore còn có nhiều ưu đãi và hỗ trợ về tài chính cho doanh nghiệp Singapore, trong đó có một số ưu đãi dành cho doanh nghiệp của người nước ngoài được thành lập tại Singapore.
Chuyện ở Singapore
Thống kê sơ bộ thì Chính phủ Singapore tạo lập ít nhất bảy loại quỹ hoặc chương trình ưu đãi và hỗ trợ tài chính dành cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) và startup của người Singapore và, trong một số trường hợp, cho người nước ngoài.
Ưu đãi và hỗ trợ tài chính đầu tiên là ACE Startups Scheme, cung cấp 70% vốn đầu tư (tối đa là 50.000 đô la Singapore - SGD, khoảng 850 triệu đồng) cho người mang quốc tịch Singapore hay thường trú nhân (PR) lần đầu tiên trở thành doanh nhân và có ý tưởng mang tính sáng tạo. Tiêu chí lựa chọn là phải có sự độc đáo trong ý tưởng kinh doanh, tính khả thi của mô hình kinh doanh, đội ngũ lãnh đạo, và giá trị thị trường tiềm năng.
Hỗ trợ thứ hai là CDG (Trợ giúp phát triển năng lực) cung cấp hỗ trợ tài chính cho các startup để xây dựng năng lực trong 10 lĩnh vực kinh doanh. Quỹ này chi trả tới 70% (không quá 30.000 SGD) tổng chi phí tư vấn, phí chứng nhận, và chi phí thiết bị và đào tạo cho các startup. Đối tượng là tất cả các SME thành lập và hoạt động tại Singapore.
Hỗ trợ thứ ba là Quỹ mạo hiểm giai đoạn đầu (ESVF) trợ giúp cho các startup trong lĩnh vực công nghệ tại Singapore trong giai đoạn đầu khởi nghiệp. Quỹ cùng với các doanh nghiệp đầu tư mạo hiểm (VC) rót vốn thành lập quỹ đầu tư mạo hiểm nắm cổ phần của các startup này. Startup khi được lựa chọn có thể nhận tới 3 triệu SGD từ quỹ.
Hỗ trợ thứ tư là PIC (Tín dụng cho sáng tạo và năng suất). Cơ quan thuế vụ Singapore có thể trả tiền mặt hoặc giảm trừ thuế cho các công ty Singapore khi đầu tư vào cải thiện năng suất và thúc đẩy sáng tạo. Hỗ trợ này sẽ chi trả phí nghiên cứu và phát triển, đăng ký bản quyền sáng chế, sáp nhập, mua sắm thiết bị tự động hóa, đào tạo nhân lực và thực thi các dự án được phê duyệt... Theo chương trình này, doanh nghiệp Singapore có thể hưởng miễn, giảm 400% thuế (tối đa 400.000 SGD) hoặc có thể chọn hưởng 40% mức chi trả bằng tiền mặt (tối đa 100.000 SGD). Chương trình hỗ trợ này sẽ chấm dứt trong năm 2018.
Hỗ trợ thứ năm là FSTI (Hỗ trợ về công nghệ và sáng tạo trong khu vực tài chính), do MAS (Ngân hàng Trung ương Singapore) chịu trách nhiệm. MAS đã đầu tư tới 225 triệu SGD cho FSTI nhằm khuyến khích các tổ chức tài chính thành lập các trung tâm sáng tạo tại Singapore và hỗ trợ sự phát triển nền tảng công nghệ và các giải pháp sáng tạo trong toàn ngành. Đối tượng thụ hưởng là các tổ chức tài chính Singapore và những doanh nghiệp cung cấp giải pháp và công nghệ cho những tổ chức này. Nếu dự án hay giải pháp được chấp thuận, MAS sẽ chi trả tối đa 70% các chi phí hợp lý phát sinh (không quá 200.000 SGD) trong thời gian tối đa 18 tháng.
Hỗ trợ thứ sáu là TECS. Đây là quỹ hỗ trợ để thương mại hóa các ý tưởng của các công ty công nghệ đăng ký thành lập tại Singapore không quá năm năm, đang theo đuổi các giải pháp công nghệ mang tính đột phá, dựa trên giao thức mạng (Internet Protocol) và có khả năng thương mại hóa. TECS hỗ trợ ở hai dạng, về ý tưởng là 200.000 SGD, về giá trị là 500.000 SGD.
Cuối cùng là CEF, một hình thức hỗ trợ tương đối mới của Chính phủ Singapore cho các startup trong lĩnh vực xã hội, được thành lập bởi Bộ Phát triển gia đình và xã hội. Đối tượng thụ hưởng là các startup tuyển dụng và đào tạo người Singapore tàn tật. Mức thụ hưởng là 80% chi phí đầu tư và hoạt động, tối đa là 300.000 SGD, trong vòng hai năm hoạt động đầu tiên.
Như vậy, có thể thấy sự đa dạng về hình thức và nội dung hỗ trợ của Chính phủ Singapore dành cho SME và startup. Tuy vậy, nhìn chung các hỗ trợ này được thiết kế và hoạt động có trọng tâm rõ ràng, tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực công nghệ, mang tính sáng tạo, thúc đẩy cải thiện năng suất, trừ quỹ hỗ trợ thứ bảy là dành cho lĩnh vực xã hội nhân văn.
Vận dụng vào trường hợp của Việt Nam
Đã vài năm trôi qua kể từ khi chủ trương hỗ trợ cho SME và phong trào khởi nghiệp được khuyến khích ở Việt Nam, kết quả trên thực tế vẫn còn khiêm tốn. Tại Diễn đàn Thanh niên khởi nghiệp 2018 do Trung ương Đoàn tổ chức hồi tuần rồi, một số đề xuất về giải pháp và hình thức hỗ trợ cho các startup cũng đã được nêu ra.
Trước tiên, điều đáng ghi nhận là diễn đàn đã tập trung vào chủ đề “Tìm giải pháp đột phá cho khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam”. Điều này gián tiếp tách bạch startup - khởi nghiệp với các ý tưởng mang tính sáng tạo, cần được khuyến khích, hỗ trợ - với việc khởi nghiệp thông thường, chủ yếu được hiểu dưới dạng mở ra một doanh nghiệp như là một kế sinh nhai, ví dụ mở nhà hàng, dịch vụ giao nhận...
Sự hỗ trợ có trọng điểm nói trên là cần thiết không chỉ ở Việt Nam mà ở mọi nơi trên thế giới trong bối cảnh nguồn lực chính phủ có hạn, và lĩnh vực công nghệ là một trong những lĩnh vực có nhiều tiềm năng thúc đẩy năng suất và tạo ra nhiều giá trị gia tăng, cả ở hiện tại và tương lai.
Chính phủ Việt Nam có thể nghiên cứu mô hình của Singapore để xây dựng có trọng điểm các loại hình và giải pháp hỗ trợ startup tại Việt Nam một cách phù hợp với hoàn cảnh tài chính của mình. Song song đó, cần tạo ra cơ chế để các quỹ đầu tư mạo hiểm cùng đồng hành với startup (và với Chính phủ) để giảm nhẹ gánh nặng tài chính và rủi ro cho các bên.
Điều lưu ý là mọi sự hợp tác, hỗ trợ tài chính của Chính phủ cần được gắn với kết quả cụ thể mang lại và có tính duy trì trong tương lai. Nói cách khác, Chính phủ không chỉ đóng vai trò “bà đỡ” cho startup mà còn có vai trò như một nhà đầu tư sẽ thu hồi được vốn và lợi nhuận, có thể dưới dạng những lợi ích xã hội mà startup tạo ra, tránh việc “ném” tiền vào hư không, theo phong trào. Cơ chế đánh giá và theo dõi kết quả đầu tư này cần được tạo lập một cách rõ ràng và nhất quán.
No comments:
Post a Comment