Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đang vào giai đoạn tạm thời hưu chiến, nhưng những gì đã trải qua trong mấy tháng qua cho thấy chiến tranh thương mại giữa những cường quốc kinh tế sẽ hầu như không chừa lại một nước nào đó yên bình đứng ngoài cuộc như trước đây.
Những xáo trộn mà chiến tranh thương mại mang đến cho mọi quốc gia gồm hai mặt, tốt và xấu. Nhìn chung, sẽ có nhiều nước ở vào thế “ngư ông đắc lợi” vì một số ngành nghề và lĩnh vực của họ “tự nhiên” được hưởng lợi. Ngược lại, trên bình diện chung, chiến tranh thương mại làm sụt giảm thương mại và tăng trưởng toàn cầu nên ít nhiều thì kể cả những nước “ngư ông đắc lợi” này cũng sẽ chịu thiệt hại ở mặt này hay mặt khác, không là tăng trưởng chung giảm đi thì là bất ổn về dòng vốn và căng thẳng vĩ mô và địa chính trị.
Điều trên cũng đã và sẽ đúng với Việt Nam. Khi cuộc chiến mới nổ ra, ở giai đoạn vẫn còn tương đối khiêm tốn, không ít quan điểm cho rằng Việt Nam sẽ là người hưởng lợi lớn bởi sự dịch chuyển sản xuất từ những nước bị ảnh hưởng bởi việc tăng thuế của Mỹ, Trung và những nước liên quan để lẩn tránh thuế (chưa nói đến việc Việt Nam được hưởng lợi từ giá nguyên vật liệu nhập khẩu từ Trung Quốc rẻ đi, giúp giảm giá thành sản phẩm chế tạo tại Việt Nam...).
Nhưng để những lợi ích trên thành hiện thực hoàn toàn không dễ và nếu có đạt được thì nhiều khả năng chỉ là nhất thời.
Giả sử mọi chuyện đều tốt đẹp như dự tính, tức là sẽ có nhiều nhà sản xuất từ Trung Quốc (gồm cả doanh nghiệp Trung Quốc và FDI tại Trung Quốc) có ý định nghiêm túc dịch chuyển cơ sở sản xuất của mình sang Việt Nam. Về phía Việt Nam, nếu làn sóng dịch chuyển này trở thành sự thật thì nhìn chung đó sẽ là một dấu cộng lớn cho Việt Nam (ở đây xin không bàn đến những tác động tiêu cực đằng sau làn sóng này, ví dụ như ô nhiễm môi trường, công nhân nước ngoài, ổn định an ninh trật tự...).
Dấu cộng này được thể hiện trước tiên ở chuyện công ăn việc làm, chắc chắn sẽ được cải thiện đáng kể, với nhiều cơ hội và lựa chọn hơn cho người lao động đã có việc hoặc đang thất nghiệp. Điều này là luôn đúng kể cả khi những doanh nghiệp dịch chuyển sang Việt Nam chỉ thực hiện những bước hoàn thiện sản phẩm cuối cùng chủ yếu để có được chứng nhận xuất xứ “Made in Vietnam”. Người lao động cũng sẽ có nhiều cơ hội để được đào tạo và tự đào tạo đáp ứng những yêu cầu cao hơn trong công việc nên chất lượng nguồn lao động cũng được cải thiện đáng kể.
Những lợi ích khác có thể kể đến là tăng thu thuế các loại cho ngân sách địa phương và trung ương. Quan trọng hơn, sự chuyển dịch này còn kéo theo sự phát triển các chuỗi cung ứng và công nghiệp phụ trợ, tăng cường chuyển giao và lan tỏa kỹ thuật, công nghệ (trực tiếp và gián tiếp)... có tác dụng biến Việt Nam thành một công xưởng thế giới có tính cạnh tranh cao, tạo điều kiện để Việt Nam bước tiếp trên bậc thang giá trị gia tăng trong chuỗi sản xuất toàn cầu.
Tuy nhiên, để đón nhận làn sóng dịch chuyển sản xuất này ở quy mô đáng kể, Việt Nam phải giải quyết được nhiều nút thắt, mà trước tiên là cơ sở hạ tầng và logistics. Mới mấy ngày trước đây, Diễn đàn Logistics Việt Nam 2018 đã xác định chi phí logistics đang là điểm nghẽn trong lưu thông hàng hóa, tăng chi phí sản phẩm khiến hàng hóa xuất khẩu kém cạnh tranh hơn so với các nước. Hạ tầng logistics từ thương mại, giao thông, đến công nghệ thông tin đều được xác định ở tình trạng yếu kém.
Thử hình dung, nếu trong một thời gian ngắn vài tháng, vài quí sắp tới, đột nhiên có hàng loạt doanh nghiệp sản xuất thương mại mới được thành lập ở Việt Nam để sản xuất và xuất khẩu, với lượng hàng hóa tăng vọt (cần lưu ý là làn sóng dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam là để lấp chỗ trống trong xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ nên sẽ ở quy mô lớn hoặc rất lớn). Lúc đó, dù có chạy nước rút thì chắc chắn Việt Nam cũng không thể cải thiện đáng kể năng lực logistics trong thời gian ngắn như vậy được, đặc biệt trong bối cảnh vốn đầu tư nhà nước cực kỳ eo hẹp trong khi cơ chế đầu tư công tư kết hợp (PPP) vẫn đang “lùng nhùng”. Và nhà đầu tư nước ngoài chắc chắn sẽ phải cân nhắc nút thắt này để quyết định có chuyển dịch sang Việt Nam hay không.
Nút thắt lớn thứ hai là hành động của Mỹ (và các nước có quyền lợi liên quan) trước sự tăng vọt bất thường của xuất khẩu từ Việt Nam sang Mỹ (và các nước khác). Chúng ta biết điều gì đang xảy ra thì người Mỹ cũng vậy, và chắc chắn họ sẽ không khoanh tay đứng nhìn xuất khẩu ngành hàng nào đó từ Việt Nam vào thị trường Mỹ tăng vọt bất thường mà lý do đằng sau là hiển nhiên. Điều này mới chỉ là “đoán già đoán non” vào thời điểm ban đầu của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung nhưng nay đã thành sự thật khi đại diện Bộ Công Thương Việt Nam mới đây đã phải lưu ý về việc Mỹ đã khởi xướng các cuộc điều tra chống lẩn tránh thuế nhập khẩu của Mỹ với sản phẩm ván dán của Việt Nam.
Do đó, muốn được hưởng trọn lợi ích của sự dịch chuyển sản xuất này thì Việt Nam cần phải có những giải pháp để đảm bảo rằng sản phẩm đóng mác “Made in Vietnam” thực sự được làm ở Việt Nam theo cách nhìn nhận, đánh giá của Mỹ và các đối tác nhập khẩu.
Một nút thắt khác, và không phải là nút thắt cuối cùng, cho việc Việt Nam trở thành công xưởng thế giới nhân đà chiến tranh thương mại Mỹ - Trung là những tương đồng giữa Việt Nam với Trung Quốc với tư cách là một đối tác thương mại với Mỹ (và thế giới phát triển). Trung Quốc đã và đang bị buộc tội không tuân thủ những luật chơi của thị trường, nhà nước vẫn chi phối mạnh mẽ nền kinh tế nên đã không được các nước phương Tây thừa nhận là một nền kinh tế thị trường và đó cũng là một trong những lý do chính dẫn đến cuộc chiến thương mại hiện nay trước sự lớn mạnh quá mức của Trung Quốc như là một công xưởng thế giới.
Những tương đồng giữa Việt Nam và Trung Quốc sẽ chưa thành một trở ngại cho Việt Nam (và là mối đe dọa, tổn thất cho phương Tây) chừng nào Việt Nam chưa trở thành một thế lực kinh tế đáng chú ý, có khả năng gây thiệt hại đến Mỹ và phương Tây. Vì vậy, muốn Việt Nam trở thành một cứ điểm sản xuất toàn cầu một cách an toàn và bền vững thì điều cần làm trước tiên là phải đạt được sự công nhận là một nền kinh tế thị trường từ Mỹ và phương Tây.
No comments:
Post a Comment