Ngân hàng Nhà nước
(NHNN) dự kiến sẽ triển khai gói tín dụng cho vay tín chấp 5.000 tỷ đồng do
Agribank triển khai nhằm phục vụ nhu cầu vay cấp bách của người dân nhưng vẫn đảm
bảo nguyên tắc tín dụng nhằm đẩy lùi nạn cho vay nặng lãi, tín dụng đen bùng
phát khắp nơi hiện nay.
Lý do đưa ra gói
tín dụng này có lẽ là do nhà làm chính sách kỳ vọng người dân sẽ tiếp cận được
với lãi suất “hợp lý” (chắc chắn là thấp hơn lãi suất “cắt cổ” lên đến hàng
trăm %/năm của tín dụng đen), từ đó thỏa mãn được một phần nhu cầu tín dụng để
giải quyết những việc cấp bách của họ mà không phải vướng vào “lưới” tín dụng
đen, góp phần đẩy lùi, thu hẹp quy mô tín dụng đen.
Lý do trên, nếu
có, là hợp lý. Tuy nhiên, trước tiên, xét đến quy mô gói 5.000 tỷ đồng này so với
nhu cầu “vay nóng” của người dân, cho mục đích cả hợp pháp lẫn bất hợp pháp, có
lẽ là không thấm vào đâu. Minh họa cho điều này là chỉ riêng một đường dây cho
vay nặng lãi của “Công ty tài chính Nam Long” bị phát giác ở Thanh Hóa tháng 11
vừa qua đã có số tiền giao dịch với khách hàng lên tới 510 tỷ đồng, theo thông
tin từ báo chí.
Do đó, về nguyên
tắc, nếu muốn dùng tín dụng ngân hàng để chống tín dụng đen thì cần phải tăng
quy mô gói tín dụng này lên nhiều lần nữa để đáp ứng mọi nhu cầu tín dụng
“nóng” của người dân, làm cho giới cho vay nặng lãi “thất nghiệp”. Ngược lại, nếu
không thực hiện được việc này thì tín dụng đen chắc chắn vẫn có đất sống.
Thế nhưng việc dồn
vốn ngân hàng cho vay tín chấp là không khả thi, không thỏa đáng bởi không chỉ bởi
tín dụng ngân hàng cần được ưu tiên phục vụ cho nhu cầu sản xuất, kinh doanh
chính đáng, mà còn bởi ngân hàng thương mại không thể “nhắm mắt” cho vay bừa
bãi mọi đối tượng, kể cả khi cho vay với lãi suất cao. Dù là để phục vụ mục
đích mang tính xã hội cao cả là chống nạn tín dụng đen thì ngân hàng thương mại
vẫn phải đặt tính “thương mại” lên hàng đầu, vẫn phải từ chối nhiều khoản cho
vay mà họ biết chắc hoặc cảm thấy là không thể thu hồi được, dù là cho người
dân với nhu cầu chính đáng.
Mổ xẻ tiếp về nhu
cầu tín dụng đen của người dân thì có thể khẳng định rằng không phải nhu cầu
nào cũng chính đáng, hợp pháp. Không ít trong số đó được dùng cho những mục
đích như đánh bạc, cá cược, thậm chí để cho (đáo hạn) những khoản (cho) vay
nóng/nặng lãi khác v.v… Với những mục đích này, giả sử ngân hàng thương mại có
phát hiện được thì họ sẽ (nên) không cho
vay. Còn nếu không phát hiện được thì một mục đích tốt đẹp của Nhà nước như vậy
sẽ bị lợi dụng, lạm dụng.
Như vậy, có thể
thấy trong bất kỳ thời điểm nào, địa phương nào cũng luôn tồn tại nhu cầu tín dụng
mà chỉ có thể thỏa mãn được bởi giới cho vay phi chính tắc (không phải là ngân
hàng hoặc công ty tài chính có đăng ký kinh doanh hợp pháp). Vì vậy, điều mà
Nhà nước cần làm để chống nạn tín dụng đen không phải là lập ra và tăng quy mô
các gói tín dụng ngân hàng cho vay tín chấp.
Thay vào đó, giải
pháp cần phải mang tính thị trường nhưng có sự quản lý của Nhà nước. Theo đó,
khuyến khích sự thành lập của các công ty tài chính cho vay tín chấp (hoặc có
tài sản thế chấp) có đăng ký kinh doanh và buộc chúng phải công khai mọi thông
tin gồm có lãi suất và điều kiện cho vay – là những yếu tố nên để thị trường
quyết định và Nhà nước không cần phải can thiệp bằng việc đưa ra, ví dụ, trần
lãi suất cho vay tín chấp. Bởi dù có kiên quyết đưa ra áp dụng với thiện ý là
tránh cho người đi vay rủi ro bị “cắt cổ” thì bên cho vay vẫn tìm cách “lách”
được, thậm chí với sự thông đồng, chấp nhận của bên đi vay do bên đi vay cũng
chẳng còn chỗ bấu víu nào khác nữa.
Việc công khai
thông tin là quan trọng để tránh cho người vay bị ép vào “thế đã rồi”, buộc phải
chấp nhận một cách bất lợi mọi điều khoản đưa ra bởi công ty tài chính khi
không được biết rõ những thông tin liên quan lúc ký vào giấy vay tiền. Quy định
minh bạch hóa thông tin là thiết yếu và được thực hiện ở nhiều nước. Chẳng hạn,
ở Singapore, ngay gần nhà của người viết, có một công ty tài chính cho vay tín
chấp đã dán ngay trên cửa ra vào con số 4%/tháng, là mức lãi suất cho vay tín
chấp của họ (lưu ý là con số này cao gần gấp đôi lãi suất vay qua thẻ tín dụng
áp dụng bởi các ngân hàng tại Singapore; nước này cũng không có quy định trần
lãi suất hay tương tự như ở Việt Nam). Tất nhiên là trên các hợp đồng cho vay của
họ đều có những thông tin liên quan theo quy định của pháp luật, tạo điều kiện
cho người vay so sánh và quyết định có vay của họ không. Cảnh sát Singapore thì
cũng rất cảnh giác với nạn cho vay nặng lãi, cho vay không phép, nên không hiếm
khi người dân sẽ được nhìn thấy biển thông báo dựng bên đường cho biết rằng cảnh
sát mới bắt được đối tượng cho vay (tín dụng đen, không phép) ở trong khu vực
mình sinh sống.
Đồng thời với việc
minh bạch thông tin, các cơ quan thực thi pháp luật cần tăng cường theo dõi và tăng
chế tài xử phạt các đối tượng cho vay có những hành động ép buộc người vay một
cách bất hợp pháp như đe dọa, quấy rối, khủng bố, dùng vũ lực và nhục hình v.v…,
chính là một trong những biểu hiện và hệ lụy của tín dụng đen. Cũng ở
Singapore, thỉnh thoảng trên báo chí địa phương có những mẩu tin như ông A, bà
B đã bị bắt vì tội quấy rối ai đó liên quan đến cho vay nặng lãi.
Tóm lại, giải pháp thích hợp và bền vững cho tín dụng
đen phải là giải pháp dựa vào thị trường đặt dưới sự kiểm soát thích ứng của pháp
luật để nhu cầu vay tín chấp của người dân được thỏa mãn chủ yếu bởi người dân
khác và các tổ chức tài chính hợp pháp.
No comments:
Post a Comment