Tỷ giá VND/USD đang có diễn biến "lạ" kể từ đầu tháng 12. Trong mấy phiên liên tiếp vừa qua, tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) điều chỉnh tăng và đạt mức cao nhất từ trước đến nay là 22.757 VND/USD vào ngày 5/12.
Động thái này diễn ra trong bối cảnh đồng USD trên thị trường thế giới đã suy yếu trở lại khi căng thẳng thương mại Mỹ-Trung chưa được giải quyết triệt để. Ở thị trường trong nước, tỷ giá VND/USD cũng giảm liên tục trong suốt cả tuần, cả trên thị trường tự do lẫn trong hệ thống ngân hàng.
Xoay quanh diễn biến này cũng như nhìn nhận ra sao về xu hướng của tỷ giá trong thời gian tới, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với chuyên gia, TS. Phan Minh Ngọc.
PV: Thưa ông, ông nhìn nhận thế nào về biến động của cặp tỷ giá VND/USD trong thời gian gần đây?
TS. Phan Minh Ngọc: Tôi thấy được ý định của NHNN chủ động để VND suy yếu đi so với USD, dù chưa thấy rõ thêm yếu tố bất lợi rõ ràng cho ổn định tỷ giá, không chỉ được thể hiện qua động thái điều chỉnh tăng tỷ giá trung tâm của NHNN mà còn được thể hiện thông qua động thái bán ngoại tệ kỳ hạn (forward) cho các tổ chức tín dụng có trạng thái ngoại tệ âm và có nhu cầu mua ngoại tệ.
Cụ thể, NHNN bán ngoại tệ kỳ hạn cho các tổ chức tín dụng này trong 2 phiên 23 và 26/11, ngày đến hạn là 31/1/2019, tỷ giá bán kỳ hạn là 23.462 VND/USD, cao hơn đáng kể tỷ giá giao ngay hiện thời ở mức 23.375 VND.
PV: Trước những động thái trên của NHNN có phần trái chiều so với điều kiện thực tế, nhiều người cho rằng NHNN đón đầu trước đợt tăng lãi suất của Fed có nhiều khả năng sẽ diễn ra vào tháng 12 này bằng cách chủ động tăng tỷ giá VND/USD, còn ông đánh giá ra sao?
TS. Phan Minh Ngọc: Lý giải này có thể phần nào có lý, nhưng không giải thích thỏa đáng được tại sao NHNN lại sẵn lòng phá giá thêm VND, chấp nhận sự bất ổn định (tăng lên) của tỷ giá trong khi Chính phủ đã và đang có chủ trương không phá giá VND quá 2% trong năm nay (dù trên thực tế thì tỷ giá trong hệ thống ngân hàng đã vượt định mức này). Việc NHNN chủ động điều chỉnh tăng đáng kể tỷ giá trung tâm chắc chắn sẽ được dư luận nhìn nhận như một hành động "bật đèn xanh" cho xu hướng tỷ giá thời gian tới.
Sự "phá rào" trên của NHNN sẽ trở nên hoàn toàn hợp lý và phù hợp nếu chúng ta nhìn rộng bức tranh tỷ giá ra cả nền kinh tế. Như đã thấy, lãi suất liên ngân hàng đã tăng liên tục và đứng vững ở mức cao trong suốt mấy tháng nay, kéo theo lãi suất huy động tại các ngân hàng. Cuộc đua lãi suất huy động tại các ngân hàng đang làm tăng áp lực lên lãi suất cho vay doanh nghiệp, đe dọa đến khả năng duy trì tốc độ tăng trưởng GDP trong những quý tới.
Một trong những nguyên nhân chính làm mặt băng lãi suất tăng lên trong thời gian qua là do NHNN buộc phải "hy sinh" sự ổn định lãi suất để đổi lấy sự ổn định tương đối của tỷ giá trong mấy tháng nay bất chấp các điều kiện hậu thuẫn cho tỷ giá trong và ngoài nước đang ngày càng bất lợi.
Do sự đánh đổi này là không mấy "dễ chịu" và cũng khó có thể khẳng định rằng việc đánh đổi để lãi suất tăng lên thay vì tỷ giá tăng lên là tốt hơn cho nền kinh tế nên NHNN có lẽ đã phải cân nhắc đến giải pháp xì hơi thêm chiếc van tỷ giá để giảm áp lực dồn nén lên van lãi suất.
PV: Song song với quyết định điều hành kể trên, NHNN còn đang dự thảo sửa đổi Thông tư 24 về quy định cho vay bằng ngoại tệ, theo ông liệu đây có phải là chủ ý của NHNN, là một tín hiệu khác nữa với tỷ giá thời gian tới?
TS. Phan Minh Ngọc: Đúng vậy. Chúng ta đang có điều đáng lưu tâm là song song với quyết định xả van tỷ giá, NHNN đã tiến hành một động thái khác rất quan trọng và có ý nghĩa trong việc giảm thiểu tác động bất lợi của việc phá giá VND đó là việc NHNN tiếp tục xiết chặt thêm nhu cầu tín dụng ngoại tệ cho các doanh nghiệp thông qua dự thảo sửa đổi Thông tư 24 về quy định cho vay bằng ngoại tệ của ngân hàng với khách hàng là người cư trú. Theo dự thảo, chủ yếu chỉ các doanh nghiệp xuất khẩu mới được vay ngoại tệ để thanh toán chi phí trong nước để sản xuất, kinh doanh hàng hóa xuất khẩu.
Việc xiết lại nhu cầu vay ngoại tệ trên sẽ ngăn chặn và giảm thiểu tác động tiêu cực lên cung cầu ngoại tệ trước các đợt biến động mạnh của tỷ giá VND/USD, ít nhất là trong hệ thống ngân hàng. Do doanh nghiệp không còn được dễ dàng vay ngoại tệ, nếu không có nguồn thu ngoại tệ, nên khi tỷ giá biến động mạnh sẽ không gây ra trạng thái mất khả năng chi trả (bằng ngoại tệ) của các doanh nghiệp do tỷ giá đã tăng cao bất lợi cho họ. Điều này đương nhiên sẽ có tác dụng như một chiếc gối giảm sốc hữu hiệu cho các cơn biến động tỷ giá, không dẫn đến làn sóng phá sản của doanh nghiệp cũng như các cuộc tháo chạy hoảng loạn của giới đầu tư, đầu cơ như trước nữa.
Tóm lại, tôi cho rằng, NHNN dường như đang có chủ ý để VND suy yếu thêm so với USD nhằm giảm áp lực đã gia tăng mạnh lên lạm phát như là hậu quả của việc bảo vệ tỷ giá trước đây, mặc dù điều kiện thực tế cho thấy NHNN vẫn có khả năng ổn định tỷ giá nếu muốn. Và khác với những đợt điều chỉnh tỷ giá trước đây trong thế bị động, NHNN lần này đã sẵn sàng và chủ động với tỷ giá khi đã "dọn đường" cho việc điều chỉnh tỷ giá bằng động thái xiết chặt thêm nhu cầu vay ngoại tệ. Đây là một động thái hết sức hợp lý và đáng hoan nghênh.
Xin cảm ơn những chia sẻ của ông
Theo Nhịp sống kinh tế
No comments:
Post a Comment